Đúng giờ hẹn, K rón rén bước vào gặp ngài giáo sư tiến sĩ P ở văn phòng Khoa.
Ngài GSTS nói về sự cao sang của học vị học hàm, sự quan trọng của giáo dục, sự tối cần thiết của đào tạo. Phải đào tạo, đào tạo và đào tạo. GSTS bày ra bàn lớn mấy trăm luận văn, luận án đóng bìa gáy da của nghiên cứu sinh mà GSTS từng hướng dẫn xuất sắc.
– Dù sau này có là ông nọ bà kia, chúng cứ một thầy hai thầy mà gọi ta.
GSTS thuyết và thuyết và thuyết…
– Nhà ngươi từ quê lặn lội tìm đến ta có đề tài nào để ta hướng dẫn không? – GSTS hỏi.
K đứng bật dậy, bước như chạy ra cửa.
K đạp xe sang góc phố, gõ cửa nhà nghiên cứu M.
Không dài lời, nhà nghiên cứu nói về nỗi thiết yếu thực hiện những công trình dày thật dày. Chỉ có công trình dày mới trường tồn với thời gian. Nhà nghiên cứu nhấn mạnh, trỏ mấy cái kệ sách chất đầy những cuốn sách dày cộp, lớp lang đâu ra đấy.
– Miễn cái vụ chất lượng. Dày chính là chất lượng. Thế thôi. Ta không có gì để dạy nhà ngươi.
K thất vọng dắt xe ra ngõ.
Lưỡng lự, K nhấn chuông cổng tư thất sử gia D.
Ta làm lịch sử và ta viết lịch sử. Kẻ nào không phe ta, ta phê nó phản động, chống lại truyền thống, phản bội dân tộc. Ta viết lịch sử để ta và phe ta vào ngồi trong đó. Đố bố thằng nào làm gì được ông.
– À, nhà ngươi có là người của phe ta không? – Đột ngột, sử gia quay sang hỏi.
K lầm lũi đạp xe đi.
K gõ cửa dinh cơ nhà văn S, với hi vọng cuối cùng sẽ học được điều gì đó trong ngày.
Văn chương là một thế giới, nhà văn là kẻ sáng tạo thế giới kia. Pháp có thế giới Proust, Nga có thế giới Dos, Mỹ có thế giới Faulkner… tại sao Cham thì không? Văn chương là một thế giới, các nhân vật trong tác phẩm văn chương là một thế giới thu nhỏ.
Rồi nhà văn bày ra những tập thơ, những cuốn tiểu thuyết, những giải thưởng. Mênh mông giải thưởng. Từ địa phương đến trung ương, từ quốc gia sang quốc tế…
– Ngay nhà ngươi cũng là một thế giới nhỏ… – Nhà văn khẳng định, chém cạnh bàn tay đánh xẹt vào không khí.
K ra về, dắt xe đi bằng dáng đi sụp đổ.
K đạp xe qua chòi đạo sĩ già.
– Hư mong bbôh gok pak ngok canrông lei? Nhà ngươi có nhìn thấy cái nồi trên sàn không?
– Pô, bbôh.
– Hư hu bbôh khāng brah di akiơng boh bbang lei? Nhà ngươi có nhìn thấy khương gạo bên góc cửa không?
– Pô, hu.
– Crông gok nhưk, kau trun krong dwah dwa klau drei ikan krwak am hwak. Bắc nồi lên nhé, ta xuống sông tìm vài cái rô làm món nướng.
…Ia harei nhek pajơ, dok vơk hwak kaic. Chiều xuống rồi, ở lại cơm nhé…
Nhân vật trong truyện mini của S có xu hướng “tiểu thuyết hóa”
Học trò đi tìm thầy để học hỏi. Nào ngờ học trò chỉ thấy những cái TÔI to tổ chảng.
Nhà nghiên cứu thì cố viết sách cho dày, bất cần chất lượng
Ông GSTS (gà sống thiến sót) thì hướng dẫn nghiên cứu sinh, vừa kiếm tiền vừa có danh, bất cần nghiên cứu sinh đó làm luận văn ra sao, cứ chấm xuất sắc. Chán cái nhà trường Đại học học đại.
Ông sử gia thì làm phe phái
Ông nhà văn thì lo xây dựng thế giới ảo
Vậy là học trò trở về tay không, sống thực tế với đời.
Có thể coi truyện mini này là văn chương ám chỉ…