Trần Hoài Nam: Giọng thơ Inrasara

Trích Luận văn Thạc sĩ.

Giọng điệu có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc. Các tác phẩm văn học có giá trị đều thể hiện một giọng điệu riêng biệt, tiêu biểu cho thái độ, cảm xúc của tác giả mà muốn hiểu tác phẩm người ta không thể bỏ qua được nó. Muốn tìm hiểu đúng phong cách của mỗi nghệ sĩ trước hết phải tìm ra được cái giọng riêng của anh ta. Nét nổi bật tạo nên sự độc đáo trong phong cách thơ Inrasara, theo chúng tôi, là giọng điệu đối thoại đa dạng, nhiều sắc điệu.

Giọng điệu đối thoại phá vỡ mọi sự ngăn cách giữa tác giả và độc giả. Inrasara thường nêu ra những vấn đề để người đọc cùng chia sẻ và suy ngẫm. Ông đối thoại để bày tỏ nỗi niềm Chăm của mình. Dân tộc Chăm thời hiện đại mà vẫn còn quá nhiều khiếm khuyết, trong cả sinh hoạt lẫn nếp nghĩ. Bao giờ dân tộc Chăm mới đi lên, mới hội nhập được vào không khí chung của đất nước là vấn đề làm nhà thơ luôn trăn trở.

Đối tượng Inrasara đối thoại tương đối rộng. Trước hết là đối thoại với thời gian. Thời gian ám ảnh thi sĩ sâu đậm và lâu dài hơn cả. Thi sĩ là kẻ luôn ý thức về thời gian và đối thoại thường trực với nó. Đối thoại với thời gian để tìm ra hướng đi cho mình, cho người Chăm. Đối thoại với thời gian cũng là để tìm về những giá trị trường tồn của cuộc sống. Giọng thơ thường trầm buồn với  triết lí  sâu xa.

Trở về quá khứ là để tìm về mạch nguồn sống của dân tộc. Thi sĩ luôn tìm thấy sự kết nối xưa và nay.

Bao giờ về plây nhỏ

Huyền lại mắt em xưa?

Bao giờ bồng lối cỏ

Bềnh nữa tóc xanh mưa?

 Khóc – tôi bời mộng cũ.

(“Hoài cảm 1”)

Đối diện với hiện tại, tâm trạng thi sĩ thường bất an.

Vào một đêm rất khuya

Người từ miền sâu bóng tối

Thức giấc

Trong cô đơn

Có chăng cuộc sống đã chất chồng gánh nặng?

(“Thực tại”)

Inrasara chủ yếu đối thoại với tương lai. Thi sĩ luôn mong chờ tương lai với tinh thần lạc quan, nhưng vẫn chưa hết những băn khoăn, lo lắng.

 … Tôi đã neo hy vọng cuối cùng

Vào lộ trình đêm tịch mịch

Mai rồi trôi về đâu – không biết.

Có bật ít mầm xanh?

                        (“Hành trình”)

Đối thoại với quê hương để bày tỏ tình yêu tha thiết với giọng điệu trữ tình sâu lắng của một cái tôi trữ tình ăm ắp tình cảm. Chẳng hạn, Inrasara đối thoại với sông Lu.

Còn ai nghe tiếng hát

sáng mai ?

khi sông Lu gặp tôi nơi nguồn suối

róc rách về ngôn ngữ sạch trong

 

Khi sông Lu ẩn cư miền sa mạc 

còn ai nâng chông chênh tiếng hát

sớm mai?

                                 (“Sông Lu thức cùng tôi đêm nay”)

Đối thoại với con người, dù thân hay sơ, vẫn với giọng điệu yêu thương triu mến.

Ai đang đi kia?

Băng cánh đồng khô chân trần hối hả

Đội giành gốm to đi giữa trưa nắng hạ

Có kịp bữa cơm, đám con đói lao nhao?

 

Ai đang bước kia?

Quẩy lúa bó ướt nhèm đang vượt lội

Bờ vùng thì trơn mà sân hợp tác thì xa

(Đường nội đồng vỡ toang trong cơn lũ đêm qua)

Ôi hai vai tuổi đôi mươi đã sớm sần chai lằn đòn gánh

Tóc em nước mưa chưa khô mà lưng em mồ hôi đã đẫm

Có kịp không, cho mơ ước lớn khôn?

                                  (Trường ca Quê hương)         

Nhiều lúc, nhà thơ cũng tự đối thoại với bản thân với giọng điệu thường là suy ngẫm, sâu lắng.

Anh cứ hẹn mùa sau hái tuyệt tác trần

ngày đi, ngày qua –  hơi thơ anh hiu hắt

những con chữ nắm đuôi nhau xếp hàng chịu

               phận đời bèo giạt

tàn cuộc phiêu bồng có kết được đám trang xanh?

                                    (“Ngụ ngôn viết cho mình”)

Giọng thơ lí sự mang tính triết luận cũng xuất hiện nhiều trong sáng tác của Inrasara. Nó thể hiện rõ chất giọng đối thoại trong thơ ông.

“Có đất nào như đất ấy không”

 Sao em vẫn yêu đất quê hương suốt ngoằn ngoèo khúc ruột

Có đất nào như đất ấy không?

Trí thức là nửa mùa: mảnh bằng cử nhân thì đã đủ

Vốn kiến thức nửa mùa may lắm mới mang nổi cái thân

Chẳng ai nhìn cao hơn, không người nhìn xa hơn.

(Trường ca “Quê hương”)

Yếu tố quan trọng nhất làm nên chất giọng riêng độc đáo trong thơ Inrasara là nhịp điệu. Những nhịp điệu chính bao gồm:

Trước hết là nhịp điệu trầm, mượt mà, êm tai và tràn đầy tình cảm rất truyền thống: chủ yếu ở các bài ông sử dụng thể thơ cổ điển với vần và cách ngắt câu tạo nhịp. Phần lớn các bài thơ trong bốn tập Tháp nắng, Sinh nhật cây xương rồng, Hành hương em, Lễ Tẩy trần tháng Tư (69 bài/ 78 bài/ 138bài) có nhịp điệu này.

Nhịp thơ trầm, mượt mà thể hiện lòng thành kính về những gì quê hương ban tặng cho mình:

Tôi, đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng

miền Trung nhỏ hẹp

Đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao

Đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét

Và đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao

 

Mẹ tôi nuôi tôi bằng bầu sữa ca dao buồn

Cha tôi nuôi tôi bằng cánh tay săn Glang Anak

Ông tôi nuôi bằng vầng trăng sương mù truyền thuyết

Plây nuôi tôi bằng bóng diều, hồn dế, tiếng mõ trâu

                                     (“Đứa con của đất”).

Mạnh mẽ, trầm hùng của sử thi cũng tạo nên nét độc đáo trong sáng tác của Inrasara. Nhịp thơ này thường xuất hiện trong những trường ca của Inrasara, tiêu biểu là trường ca “Quê hương”, “Con Đường”, “Lễ Tẩy trần tháng Tư”, “Sinh nhật cây xương rồng”, “Sầu ca trên đồi cát Nam Kương” và một số bài thơ: “Ngụ ngôn của đất”, “Con đường lửa thiêng”, “Truyền thuyết về ngôi nhà”, “Hành hương em” (9 bài/ 138 bài).

Con đường vẫn trầm vọng gọi băng qua những tầng dày mò lịch sử dưới lớp sóng phế hưng của vạn ngàn triều đại đã qua và vạn ngàn triều đại sắp tới.

 Con đường vẫn trầm vọng gọi.

dù ban trưa là ban trưa đẫm máu chiến phần

hay dù buổi chiều tù đày khu trục bước chim non

dù buổi tối lao lung những vong hồn lang thang lạc lõng

hay dù ban mai đã đánh rơi niềm thích thản tiêu dao và xô về bao  nỗi lo âu thấp thỏm hằn lên từng khuôn mặt đã võ vàng.

                           (“Con đường lửa thiêng”)

Ngoài ra, nhịp thơ đứt gãy ngắt quãng của câu chữ diễn tả tâm thế thời đại, tâm trạng con người hôm nay. Nhịp thơ hầu hết nằm trong các sáng tác theo hệ mĩ học hậu hiện đại (Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài tân hình thức Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] bao gồm 59 bài/ 60 bài/ 138 bài) của Inrasara theo chúng tôi là chưa đặc sắc.

Giọng điệu đối thoại với những sắc điệu: trầm, mượt mà, êm tai và tràn đầy tình cảm rất truyền thống; mạnh mẽ, trầm hùng của sử thi đã làm nên một nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật Inrasara. Những nhịp điệu ấy khi thì xuất hiện riêng lẻ, có khi lại kết hợp với nhau trong một bài thơ hay một trường ca cụ thể đã tạo nên chất lượng nghệ thuật thực sự. Với việc tạo cho mình một giọng điệu riêng, độc đáo, Inrasara đã trở thành một trong những nhà thơ hàng đầu hiện nay.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *