Inrasara: Tôi & sách

Sang Mưgik-Karang.01* Cùng các chức sắc Bà-ni tại Karang – Photo Kiều Maily.

Thời gian qua, bạn đọc và sinh viên nhờ tôi giới thiệu cuốn sách các bạn nên đọc, bên cạnh truyền vài ngón nghề đọc. Hơn nửa đời hư lang thang thế giới sách, tôi tự rút cho mình mấy bài học sau. Có cuốn phải tụng, cuốn đọc đi đọc lại, và cả cuốn tôi giới thiệu bạn trẻ nên đọc để biết. Dĩ nhiên, đây chỉ là kinh nghiệm hoàn toàn mang tính cá nhân…

1. Về tư tưởng

– Tư tưởng tôi chịu ảnh hưởng nặng nhất từ Phật giáo. Bộ Thiền Luận của Daisetz Suzuki là rất quan trọng. Tôi mê nhất là cuốn Thượng do Trúc Thiên dịch. Bạn trẻ cũng cần đọc cả 2 tập tiếp theo, do Tuệ Sĩ dịch, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1971.

– Đọc Phật, không nên bỏ qua: Edward Conze, Tinh hoa và sự phát triển của Đạo Phật, Chơn Pháp dịch, Đại học Vạn Hạnh xuất bản, Sài Gòn, 1969; hay Heinrich Zimmer, Triết học Ấn Độ, một cách tiếp cận mới, Lưu Văn Hy dịch, NXB Văn hóa Thông tin, H., 2006.

– Sau Phật giáo, là Jiddu Krishnamurti với The first and last Freedom, Krishnamurti Foundation India, 2008; tiếng Việt: Tự do đầu tiên và cuối cùng, Phạm Công Thiện dịch, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1968; và Giải thoát tri kiến, Nguyễn Minh Tâm – Đào Hữu Nghĩa dịch, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1971.

– Dĩ nhiên kinh nhật tụng của tôi mãi mãi là Kinh Kim Cang; và Ariya Glang Anak của Cham.

– Về tư tưởng và triết học Tây phương, Thế giới của Sophie của Jostein Gaarder, Huỳnh Phan Anh dịch, NXB Văn hóa Thông tin, H., 1998, là sách khởi động; cũng cần biết qua Những giờ rực sáng của nhân loại do Stephan Zweig viết đầy hứng khởi về các nhân vật khổng lồ của văn chương và tư tưởng nhân loại, Phùng Đệ – Lê Thi dịch, NXB Văn hóa Thông tin, H., 1999.

– Thế nhưng, căn bản nhất vẫn là: Immanuel Kant, Phê phán lý tính thuần túy, Bùi Văn Nam Sơn dịch, NXB Văn học, H., 2004; và Phê phán năng lực phán đoán, Bùi Văn Nam Sơn dịch, NXB Tri thức, H., 2006. Bùi Văn Nam Sơn dịch thì miễn chê.

Và Friedrich Nietzsche, bản tiếng Pháp Ainsi parlait Zarathoustra, do Maurice Betz dịch; tiếng Anh Thus spoke Zarathustra, Graham Parkes dịch; Zarathoustra đã nói như thế, Trần Xuân Kiêm dịch, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1973. Nữa: Nietzsche, Tôi là ai?, Phạm Công Thiện dịch, NXB Phạm Hoàng, Sài Gòn, 1969.

– Có tác giả mà tôi luôn trở lại là Martin Heidegger, Basic Writings, Translation of Frank A.Capuzzi, Harper San Francisco, USA, 1977. Trong đó có vài cuốn đã dịch ra tiếng Việt: Thư về nhân bản chủ nghĩa, Trần Xuân Kiêm dịch, NXB Tân An, Sài Gòn, 1974; và Về thể tính của chân lý, Phạm Công Thiện dịch, NXB Hoàng Đông Phương, Sài Gòn, 1968; và Martin Heidegger, Qu’appelle-t-on Penser?, Traduit par Aloys Becker et Gérard Granel, Presses Universitaires De France, 1959.

– Và cuối cùng, đây là cuốn giải trí cao đẳng của tôi: J. Sullivan, Beethoven một phiến tai tình thiên cổ lụy, Hoài Khanh dịch, Sài Gòn, 1972. Công trình khảo luận đặc biệt do một nhà toán học viết về một thiên tài âm nhạc.

 

2. Về văn chương

– Tác giả và tác phẩm tôi yêu là: F. Dostoievski, với bộ ba Anh em nhà Karamazov, Lũ người quỷ ám, Tội ác và hình phạt, Lý Quốc Sinh dịch, cả ba đều do Nguồn sáng, Sài Gòn, in năm 1973. Yêu Dos thì không thể bỏ qua André Gide, Dostoievski với chân trời văn học Nga, Bửu Ý dịch, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1974.

– Sau Dos là Albert Camus, L’Étranger, Le Livre de Poche, Gallimard, 1957. Tác phẩm mỏng nhưng giá trị lớn. W. Faulkner, The Sound and the Fury, Random House, Inc, New York, USA, 2005, là cuốn sách do bậc thầy văn chương sáng tạo. Rồi Walt Whitman, Leaves of Gras, A Division of Crown Publisher, Inc., New York, USA. Và đương nhiên – Le Petit Prince của S. Exupéry.

– Cũng nên biết qua Henry Miller, Thời của những kẻ giết người, Nguyễn Hữu Hiệu dịch, NXB Hồng Hà, Sài Gòn, 1970.

– Về tư tưởng văn học cổ điển Đông Tây, cần biết: Aristote, Lưu Hiệp, Nghệ thuật thơ ca, Văn tâm điêu long, NXB Văn học, H., 1999. Hiện tại thì đọc để cập nhật: Nguyễn Hưng Quốc, Văn học Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn nghệ xuất bản, Hoa Kì, 2000; Hoàng Ngọc-Tuấn, Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lí thuyết, NXB Văn nghệ, California, Hoa Kì, 2002; Lại Nguyên Ân (biên soạn), Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lý thuyết, NXB Hội Nhà văn, H., 2003.

– Xavier Darcos, Lịch sử văn học Pháp, NXB Văn hóa Thông tin, H., 1997, là một công trình văn học sử được viết với sự quán xuyến sâu sắc bằng thứ văn phong lạ biệt.

– Đọc giải trí và để đốt lại lửa tình yêu văn chương và ngôn ngữ, Nguyễn Hữu Hiệu, Con đường sáng tạo, NXB Quế Sơn Võ Tánh, Sài Gòn, 1970; Nguyên Sa, Một bông hồng cho văn nghệ, Trình bầy xuất bản, Sài Gòn, 1967. Riêng Phạm Công Thiện, Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, NXB Phạm Hoàng, Sài Gòn, 1969, là tác phẩm luôn mang khả tính tiếp lửa tự do cho thế hệ trẻ.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *