Inrasara, Akhar thrah, và… 03.2: Thư gửi Kalalu


TĐ AymonierP-03

Tôi mê chữ Chăm đến nỗi 2 lần chép Từ điển Aymonier, lần 1 vào 1974, lần 2 vào năm 1975.

Sài Gòn, 2-7-2013

Kalalu thân mến!

Tôi vừa từ quê về đến Sài Gòn sau chuyến xe 9 tiếng đồng hồ. Vào nhà, mở web và thấy 2 phản hồi của bạn, trong đó có phản hồi bạn chép từ mạng khác qua. Tôi lướt qua, OK, và đi tắm.

Trước hết tôi ghi nhận thiện chí của bạn với Akhar thrah. Chế Linh, Po Dharma, Quảng Đại Cẩn vân vân… cũng đầy tràn thiện chí. Tất cả Cham đều mong ước đưa Akhar thrah đến thống nhất. Để tiện cho Cham, sau đó là nhiều thứ khác nữa… Tôi hoan hô tinh thần đó, nhưng tôi nghĩ khác. Khác, vì đó KHÔNG phải là bổn phận của tôi. Chính xác hơn – không phải chuyên môn của tôi.

Bạn đã có ý tốt, và bạn chịu khó copy nhận xét của Nguyen Van Huong từ báo khác qua. Cho nên, tôi muốn nhân dịp này để nói một lần cho trót. Và không trở lại với đề tài nữa. Xin cho phép tôi tuần tự.

 

I. Inrasara & Akhar thrah

Cho xin nói về tôi và chữ Chăm trước. Tôi học chữ Cham từ rất sớm, 4 tuổi – ngay khi chưa biết tiếng Việt. Học với một thầy cao đạo là ông ngoại tôi: Phú Bô, tác giả Ariya Rideh Apwei khá nổi tiếng. Tôi làm thơ tiếng Chăm đồng lúc với thơ tiếng Việt: 13-14 tuổi. Thơ có đăng báo tường Trường Pô-Klong. Tôi dạy chữ Chăm cũng khá sớm, chính thức năm 18 tuổi, cho 70 người thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau. Sau đó tôi “đào tạo” ít nhất 200 người biết chữ Chăm. Tôi dịch văn chương Chăm từ năm 20 tuổi, và in sách văn học Chăm từ năm 1995.  Tất cả đều bằng Akhar thrah trong Từ điển Moussay (mà nhiều người cho là “chữ Chăm truyền thống”).

Tôi mê chữ Chăm đến nỗi 2 lần chép Từ điển Aymonier, lần 1 vào 1974, lần 2 vào năm 1975. Tôi chép cả ngàn trang văn chương Chăm từ nhiều làng khác nhau. Ngàn trang này, trước khi ra Nha Trang tu vào năm 1977, tôi gửi lại cho các bạn ở Sài Gòn. Các bạn vượt biên, sau đó đi cải tạo, thế là chúng thất tán không còn miểng nào.

TĐ AymonierP-02

* Bản thảo Từ điển Aymonier chép lần 1 – 1974.

Năm 1982, tôi vào Ban BSSCC, tôi viết cuốn Từ vựng học tiếng Chăm và hoàn chỉnh bản thảo Tự học tiếng Chăm ở đó. Ở Ban BSSCC, tôi không tham gia vào chuẩn hóa chữ Chăm (mà mọi người cho là “chữ Chăm cải biên”). Sau khi ra khỏi Ban, tôi được Bộ Giáo dục mời vào Ban thẩm định sách giáo khoa dân tộc. Ở đây tôi chỉ có trách nhiệm xem lỗi chính tả, ngữ pháp và từ vựng ngữ nghĩa. Tôi góp ý thẳng, nhưng nhẹ nhàng. Và gần như 95% góp ý của tôi, đều được BBS tiếp nhận, chỉnh sửa.

Mục 1 nói lên điều gì? Duy nhất 1 điều: tôi không quan tâm đến lối viết Akhar thrah và lối “chuyển tự, phiên âm La-tinh” Akhar thrah. Do đó tôi hoàn toàn không [dám gánh lấy] trách nhiệm về nó, vì chữ viết và cách chuyển tự/ phiên âm không phải chuyên môn của tôi.

Toàn bộ sự việc diễn ra sau này đều chứng minh sự thật trên.

 

II. Vài công việc liên quan đến Akhar thrah của tôi.

1. Từ điển Chăm – Việt

Năm 1986, tôi bỏ BBS về nhà cày ruộng, buôn bán…

Ngày 10-8-1992, Thành Phần mang thư thầy Nguyễn Văn Tỷ qua Chakleng mời tôi vào Sài Gòn “soạn” Từ điển. 12 ngày sau, tôi khăn gói lên đường. Đi cùng tôi có Nguyễn Ngọc Đảo, là cán bộ của BBS. TT nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á thuộc Đại học Tổng hợp đã xong phần phiếu cắt dán từ Từ điển Moussay. Họ mời 2 người đến xem lại trong một tháng. Vài ngày đầu, Thành Phần có ghé thăm hai chúng tôi. Ba anh em gặp nhau tâm tình là chính. Thành Phần cũng như cô Thư hay thầy Lịch là ba cán bộ của Đại học không trực tiếp làm Từ điển.

Sau một tháng, thầy Đảo về lại BBS. Tôi nói với cô Đinh Lê Thư – phụ trách chính, rằng: Không thể làm từ điển như thế này được. Cô Thư bảo đợi thầy Bùi Khánh Thế ở Nga về. Hôm đầu tiên họp với thầy Thế có hơn mươi người tham dự, gồm cả Phú Văn Hẳn, và BBS. Phiên họp quyết:

a- chọn Akhar thrah của Từ điển Moussay.

b- chọn lối chuyển tự do Bùi Khánh Thế gợi ý (các vị tham dự cũng có ý kiến góp vào, tôi im lặng ngồi nghe).

c- Phú Trạm làm tổ trưởng, phụ trách từ vựng – ngữ nghĩa và ví dụ minh họa. Tôi đề nghị mời thầy Lương Đắc Thắng vào một năm để xem lại phần dịch tiếng Pháp Từ điển Aymonier.

Nếu mục (c) tôi gánh vác đến 95% công việc, thì 2 mục (a) và (b), tôi là số 0! Nói tắt: Inrasara không ý kiến về Akhar thrah và chuyển tự.

Bản thảo xong, TT mở Hội nghị góp ý Từ điển tại Trường Nội trú Dân tộc tỉnh Ninh Thuận mời hơn 100 trí thức, thân hào nhân sĩ Chăm dự. Ở đây, các đại biểu chỉ chất vấn tôi về từ vựng – ngữ nghĩa, tuyệt đối không một ai có ý kiến gì về chuyển tự La-tinh. Câu hỏi cuối cùng là của Po Dharma: Phú Trạm dựa vào đâu để xác minh chính tả tiếng Chăm? Sau gần 2 tiếng đồng hồ nghe tôi giải trình, hội trường nhất trí thông qua việc  in và phát hành Từ điển.

(Trung tâm còn giữ tất cả biên bản xung quanh việc biên soạn Từ điển hay không, tôi không biết. Riêng tôi có thói quen ghi đầy đủ ngày tháng và nội dung).

 

2. Từ điển Việt – Chăm dùng trong nhà trường

Từ điển này, ông Phạm Xuân Thành ở Bộ Giáo dục bao xâu tất tần tật bên tiếng Việt: chọn mục từ, các ví dụ minh họa… Còn Akhar thrah, vì từ điển dùng trong nhà trường, đối tượng là học sinh, Bộ chọn lối viết Akhar thrah của BBS là đương nhiên.

Bổn phận của tôi chỉ là dịch từ tiếng Việt ra tiếng Chăm, tôi không trách nhiệm về các mục khác, vì đó không phải chuyên môn của tôi. Tâm lí người đời hay thích nói, can thiệp vào những điều mình không biết, tôi không có tâm lí đó.

 

3. 5.000 Từ Việt – Chăm thông dụng.

Ở đây cũng vậy, sau khi tổ chức cho 6 bạn trẻ nhập liệu từ 5 nguồn khác nhau, tôi chỉ phụ trách chọn từ, dịch nghĩa và ví dụ minh họa. Nghĩa là đúng bài của tôi.

Về Akhar thrah tôi quyết định dùng của BBS, vì đó là lối viết hiện hành, chứ tôi không cho nó hơn lối viết trong Từ điển Moussay.

Riêng “phiên âm/ chuyển tự”, tôi chưa quyết. Do nửa thế kỉ qua, chữ Chăm tồn tại nhiều hệ thống khác nhau (Từ điển Moussay, lối phiên âm của D. Blood, EFEO, Từ điển Bùi Khánh Thế, mới hơn – anh em ở Malaysia), mỗi hệ thống đều có ưu khuyết nhất định. Cho nên tôi tạm ghi thử để nhất quán một lối – của tiến sĩ Quảng Đại Cẩn. Vì đây là lối mới nhất (biết đâu nó khả thủ nhất), xem bà con phản ứng thế nào. Nói “chờ QĐC” là vậy.

5.000 Từ Việt – Chăm thông dụng, nếu không gặp rắc rối về “phiên âm”, thì coi như đã qua được 95% công đoạn rồi, chỉ cần xem lại mươi ngày là in được. Thế nhưng, qua những ý kiến của bà con ở hội thảo bỏ túi và qua thăm dò dư luận, tôi đã nghĩ lại. Như vậy, bên cạnh sự tinh lọc để hợp với việc dùng bỏ túi, thì phần “phiên âm” lại đã làm đình trệ công việc.

 

4. Tạm kết

Chính vì lí do chuyên môn mà, khi Chế Linh mời dự “Hội nghị bàn tròn” ngày 8-10-2010 để giải quyết mâu thuẫn anh em do vấn đề Akhar thrah, tôi đã từ chối bằng “Thư gửi Chế Linh về Hội nghị bàn tròn” đăng trên web Inrasara.com ngày 15-12-2010. Lí do đơn giản: tôi không liên quan đến lối viết Akhar thrah, cũng như “chiến trường Akhar thrah” – như có người gọi thế. Không liên quan, vào ngồi thì vô ích.

Cả khi Chế Linh có thông báo bàn về “thống nhất” Akhar thrah trước khi làm DVD dạy chữ Chăm, tôi cũng bảo lưu ý kiến đó. Tôi không tham dự, vì đó không phải chuyên môn của tôi. Các anh em cứ “thống nhất” đi, tôi sẽ theo. Chế Linh có thiện chí về đề xuất này, nhưng tôi (có thể tôi sai) – bằng cảm quan của thi sĩ – tôi cho đó là ảo tưởng. Bởi lúc này, chưa ai chịu ngồi nghe ai. Đó là sự thật.

 

III. Về chuyện tiền nong

– Về Từ điển Chăm – Việt ở Đại học, tôi làm công ăn lương như mọi người. 800.000đ/ tháng, vừa đủ cà phê, ăn sáng và tiền mua 2 loại báo quen thuộc là Tuổi trẻ và  Thể thao & Văn hóa. Chuyện này tôi có kể lai rai trong Hàng mã kí ức.

Khía cạnh khác, ai cho rằng “Inrasara và Bùi Khánh Thế cấu kết với nhau loại Thành Phần ra bởi vì Thành Phần muốn làm kiểu chữ Chăm truyền thống” vừa sai vừa xuyên tạc. Sai, vì Từ điển đó vẫn “làm kiểu chữ Chăm truyền thống”, chứ có là chữ BBS đâu. Nó rành rành giấy trắng mực đen kia mà! Không hiểu vấn đề mà kết luận, thì chỉ có xuyên tạc nhau mới nói thế. Thêm: tôi lúc đó nông dân vô danh tiểu tốt, không bằng cấp, không ghế, không tiền… thì làm gì mà oai thế chứ.

 

Xin mời đọc đoạn văn của Đặng Thái Minh trên Blog anh ngày 31-8-2010:

“Những năm 1992-1996, tôi và Phú Trạm là đồng nghiệp ở Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Đại Học Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh). Anh Trạm là cộng tác viên dự án từ điển tiếng Chăm do thầy Bùi Khánh Thế chủ trì. Dự án này có một số trí thức người Chăm khác tham gia như các ông Lưu Quang Sang, Thành Phú Bá, sau đó là Nguyễn Ngọc Đảo, Phú Văn Hẳn, Lương Đắc Thắng… Sau khi xong phần việc của mình, họ lại về quê hoặc cơ quan cũ. Chỉ có anh Trạm ở lại.

Hàng ngày anh cần mẫn đến ngồi vào chỗ cơ quan dành cho anh làm từ điển, miệt mài, lặng lẽ từ sáng đến chiều. Chúng tôi xong tiết, ra ngồi trà nước, chuyện phiếm rôm rả, anh vẫn không có vẻ gì là phiền, nhưng rất kiệm lời, không mấy khi tham gia cuộc vui.

Khi anh đều đều ra sách về văn hóa và văn học Chăm, tôi băn khoăn:

– Quái lạ, cây đa cây đề đi đâu hết rồi để ông Phú Trạm này tung hoành một cõi?

Quả thật là nhìn ông Phú Trạm ngày ngày lai vô ảnh, khứ vô hình, lặng lẽ hơn cả chiếc tủ đứng đựng sách của cơ quan, ai có thể ngờ ông giỏi thế. Thỉnh thoảng ông có mở miệng, chẳng phải để khoe giỏi và cũng chẳng bình luận, chê bai ai. Lành như đất, hiền như cục bột, không đanh thép như ông Inrasara sau này đâu.”

 

– Về Từ điển Việt – Chăm dùng trong nhà trường, sau khi sách in, tôi nhận nhuận bút như mọi tác giả khác.

 

Còn 5.000 từ Việt – Chăm, nhận xét là “nghe nói Chế Linh – Quảng Đại Cẩn – YC cho tiền để in từ điển” cũng sai nốt. Chỉ có mỗi anh Ysa Cosiem. Sau khi hỏi ý kiến anh, tôi đã thông tin chính thức trên web, chứ không “nghe nói”. Tôi làm, chưa tính công mình trong đó. Hoặc nếu có, sau này tôi chỉ tính lấy lệ. Tôi trả lương cho người nhập liệu, chí phí các khoản chuẩn bị bản thảo, tiền giấy phép, tiền in… Sau đó là phát hành – giá rất thấp. Mà số tiền này cũng dành trọn cho các bạn trẻ phát hành, chứ tôi không nhận đồng nào.

Tôi đã từng vài lần áp dụng cách này. Trường ca Chăm, 2006, sách tôi làm, tôi đưa 800 bản cho sinh viên, giá bìa 60.000đ, tôi đóng dấu bán giá 30.000đ. Ai bán được bao nhiêu lấy hết bấy nhiêu. Bà con được ở chỗ giá rẻ, sinh viên được tiền tiêu vặt. Hay mới nhất, cuốn Thả diều ở xứ nắng cũng vậy. Có thể tôi chủ quan, nếu có ai thấy tôi ăn [chặn, hối lộ, lén…] một đồng của người Chăm ở đâu, xin cho tôi hay.

Không phải với bà con Chăm không thôi, mà với Việt Nam cũng vậy. Tôi làm 7 kì Bàn tròn văn chương (chỉ tính Sài Gòn) hoàn toàn không công . Trên vài diễn đàn, tôi nói đùa, nếu để cho Hội Nhà văn Việt Nam làm bàn tròn như ở Vũng Tàu thì tốn ít nhất 200 triệu của nhân dân, còn tôi chỉ cần 300.000đồng. Nghĩa là mỗi người một li trà đá. Có ai thấy tôi “đút túi bì thư” sau khi tổ chức buổi ra mắt sách của tác giả nào không? Hay có ai thấy tôi nhận tiền, sau khi viết giới thiệu một tác phẩm nào không? Nếu có (rất hiếm), tôi chỉ cầm lấy lệ. Mới nhất, công trình rất sáng giá của bạn nghiên cứu người Kinh dày 800 trang (đang in), tôi dành 3 ngày để đọc và chỉnh sửa bản thảo, sau đó viết một trang giới thiệu. Người bạn nói: Sara cầm giúp mình 500.000đ lấy thảo nhé!

 

Nếu vậy, tôi sống bằng cái gì? Trích Chân dung Cát:

– Nhìn lại, dân plây mình muôn đời vẫn cứ nòi mơ mộng. Nhưng mình thích thế. Mấy thằng Klu mình mang nửa dòng máu Chakleng, không biết lớn lên chúng còn biết mơ mộng và dám mơ mộng không?

– Em thì cứ muốn mời ông thầy lang nào mát tay nhể lấy thứ máu ấy bỏ đi. Vợ hắn lấy tay che miệng cười. Thôi mời bác và cha nó dùng cơm mắm muối lấy thảo với em.

– Mẹ thằng Klu miễn lo, dưới Chakleng các anh, không thiếu vị uống nước lã với trăng trừ bữa được mà. Tôi nói và cười. Mọi người cùng cười theo. Hắn thì to hơn cả.”

 

Kết luận

– Về Akhar thrah và “phiên âm, chuyển tự”, hai thứ không là chuyên môn của tôi, nên tôi không bàn, và không “trách nhiệm” bàn.

– Thuyền to thì sóng dữ, Inrasara nhận nhiều lời khen và tiếng chê là chuyện khó tránh. Riêng về xuyên tạc, câu “Inrasara và Bùi Khánh Thế cấu kết với nhau loại Thành Phần ra bởi vì Thành Phần muốn làm kiểu chữ Chăm truyền thống”, là xuyên tạc khó tin nhất mà tôi biết.

Vậy với một/ các xuyên tạc như thế, tôi có thể đối thoại không? Hai năm liền 2005-2006, tôi đã thử đối thoại với bà con – anh chị em Chăm trên ChamyouthIlimochampa – nhiệt tình, đều đặn và dày đặc. Cuối cùng tôi rút ra kết luận: chúng ta chưa chuẩn bị cho tinh thần đối thoại.

– Về “phản hồi 1, bạn Kalalu viết:

“Ve viec Champaka viết cho anh Inrasara, anh nen phan hoi lai xac minh thong tin do dung sai khong thi doc gia hieu lam anh nhu Champaka dua tin. Neu anh khong xac minh lai e rang doc gia se tin vao nhung gi Champaka viet la dung.”

Tôi không đọc Champaka từ số 5 [cả web của các anh sau đó nữa] nên không biết chính xác các anh viết gì về tôi. Tôi chỉ biết qua “nghe nói”, hay qua trích đoạn, như trích đoạn bạn viết trên phản hồi. Về chữ Chăm, về văn học, về văn hóa xã hội, cả về đời tư của tôi… Tôi đã “đính chính” Champaka (về Akhar thrah) một lần rồi, đã trao đổi với Po Dharma (về Ariya Glang Anak) một lần rồi. Tôi hiểu hai chúng tôi chưa có tiếng nói chung. Nên tôi chọn thái độ im lặng. Im lặng cả chuyện ở ngoài vấn đề Akhar thrah.

– Đời người ngắn ngủi, có nhiều việc để làm lắm, lẽ nào sống mà cứ phản ứng với “xác minh”. Còn việc ai muốn “tin vao nhung gi Champaka viet la dung” thì tôi không cản, bởi không thể cản được.

– Riêng trên web Inrasara.com, tôi “chăm sóc khách hàng” bằng những giải thích kịp thời, với hi vọng cỏn con giúp bà con – anh chị em được tới đâu hay tới đấy.

 

Thân mến

Inrasara

 

_____

 

* Xin bà con – anh chị em và bạn đọc đừng forward hay trích cắt nhận định từ web Chăm nào khác đến tôi nhé.

 

 

15 thoughts on “Inrasara, Akhar thrah, và… 03.2: Thư gửi Kalalu

  1. Biết chữ akhar thrah sớm và kéo dài thâm niên như thế.
    Có cả khối công trình liên quan đến chữ Chăm truyền thồng dày như thế.
    Vậy mà cei Sara không tham gia bàn cãi về akhar thrah.
    Cei Sara nói không phải CHUYÊN MÔN của mình là cách nói khéo.
    Đúng ra là cei Sara hiểu rằng cả 2 bên: một bên là ngôn ngữ ứng dụng, bên kia là ngôn ngữ văn bản.
    Hai bên khó có tiếng nói chung.
    Hiểu như thế, là hiểu được vấn đề.
    Ai muốn lôi kéo cei Sara về phe mình, hay muốn cei Sara sa vào cãi cọ, là chưa hiểu cei Sara.

  2. Tôi có 2 ý kiến:
    1/- kết nối các khâu lại ta có:
    đầu tiên là Trường Đại học cắt chữ Chăm từ từ điển Moussay, sau đó phiên họp không bàn về chữ akhar thrah nghĩa là đồng ý, cuối cùng ta biết từ điển ở Đại học in chữ Chăm cũ. vậy mà ông này vẽ chuyện là ông Thế và anh Inra đã loại TP ra khỏi ban biên soạn từ điển, vì đòi in chữ Chăm cũ không được. sao có người vừa xấu bụng vừa ngu thậm tệ vậy nhỉ? xuyên tạc mà cũng không biết xuyên tạc. nội chừng ấy thôi cũng đủ cho anh Inra không thèm đọc là đúng rồi, nói chi anh mất thời giờ xác minh.

    2/- anh Inra giỏi tiếng Chăm thế nào cho nên dù không bằng cấp mà Đại học mời soạn từ điển, rồi Bộ mời thẩm định sách, vân vân. nhưng tôi có thấy anh vỗ ngực xưng ta đây số một đâu. anh vẫn khiêm tốn là chữ Chăm không phải chuyên môn của anh. anh nói các bác cứ thống nhất đi, rồi anh nghe theo. tinh thần hay ho vậy mà sao ta đi phiền trách nhỉ?

  3. Inrasra nói rồi Inrasara lại phủi tay. Từ điển sắp tới do YC tài trợ anh tuyên bố anh là người làm chính. Có lúc lại nói anh chỉ cho mấy đứa em nhập liệu chữ akhar thrah và la tinh, anh chỉ lo phần ngữ nghĩa và dịch tiếng Chăm sang Việt? Vậy ai chỉ đạo mấy em nó nhập liệu akhar thrah BBS. Anh là người chính anh chỉ bảo mấy em nó rõ ràng thì anh phải chịu trách nhiệm. Anh chỉ đạo mấy em nó làm nhập liệu theo kiểu BBS thì rõ rành anh theo chữ Chăm caỉ biên BBS. Ma nào vô từ điển anh mà làm. Trong trao đổi, bà con Chăm ít chữ nghĩa, Inrasara nên ăn nói thật thà, lừa bà con Chăm thất đức lắm.

  4. Bạn Kalalu thân mến!
    Chưa gì mà bạn dùng chữ “lừa”, “thất đức” ở phản hồi. Vậy là bạn đã phạm quy ước rồi. Cuộc chơi nào cũng vậy, luôn có quy ước. Tôi có thể không OK. Nhưng tôi cố gắng trả lời bạn lần nữa:
    Tôi viết rất rõ, nguyên văn:
    “Ở đây cũng vậy, sau khi tổ chức cho 6 bạn trẻ nhập liệu từ 5 nguồn khác nhau, tôi chỉ phụ trách chọn từ, dịch nghĩa và ví dụ minh họa. Nghĩa là đúng bài của tôi.
    Về Akhar thrah tôi quyết định dùng của BBS, vì đó là lối viết hiện hành, chứ tôi không cho nó hơn lối viết trong Từ điển Moussay.
    Riêng “phiên âm/ chuyển tự”, tôi chưa quyết. Do nửa thế kỉ qua, tồn tại nhiều hệ thống khác nhau (Từ điển Moussay, lối phiên âm của D. Blood, EFEO, Từ điển Bùi Khánh Thế, anh em ở Malaysia), mỗi hệ thống đều có ưu khuyết nhất định. Cho nên tôi tạm ghi thống nhất một lối – của tiến sĩ Quảng Đại Cẩn. Vì đây là lối mới nhất (biết đâu nó khả thủ nhất), xem bà con phản ứng thế nào. Nói “chờ QĐC” là vậy. … qua thăm dò dư luận, tôi đã nghĩ lại.
    Tôi nêu 3 phần rõ ràng, không ai là không hiểu. Tại sao gọi là “lừa”, hay “thất đức”? Bạn không hiểu hay cố ý không hiểu.:
    – nhập liệu, 6 em làm, từ 21.000 từ, tôi chọn 5.000 mục từ, dịch và ví dụ.
    – Akhar thrah: tôi chọn chữ BBS (vì đây là chữ hiện hành)
    – Phiên âm, tôi tạm chọn QĐC, sau tôi nghĩ lại, và sẽ đưa ra phương án sau 1 tuần nữa. Nghĩa là chưa quyết.
    Hãy đọc kĩ chữ in đậm ở văn bản trước, và cả cả phản hồi này.

    5.000 Từ này, tôi CHỊU TRÁCH NHIỆM TẤT CẢ chứ không ai khác. Trách nhiệm về 1. chọn từ, dịch, ví dụ, 2. trách nhiệm về chọn chữ Chăm BBS, 3. về phiên âm, tôi chọn ai, tôi cũng chịu trách nhiệm luôn, chứ có ai vào đây;
    Về phiên âm, do còn lấn cấn về nhiều cách khác nhau, tôi phải thăm dò ý kiến độc giả và bà con, mới quyết. Riêng phần Akhar thrah, vì chỉ chọn 1 trong 2: hoặc BBS hoặc Moussay, nên dễ hơn. Tôi chọn BBS.

  5. Khi đọc “Hàng mã ký ức” và nhìn thực tế gia sản anh Sara đã tạo ra ở Sg, đi kèm với việc quảng bá sản phẩm thổ cẩm Chăm, tạo công ăn việc làm cho không biết bao nhiêu người ở miền quê Chakleng và các làng khác, đủ thấy Sara không phải là người tầm thường về trí tuệ. Dù là nhà thơ, mang trong mình dòng máu nghệ sĩ, không bằng cấp . . . nhưng có mấy ai làm được như anh. (tôi là người học về kinh tế nên nhìn với góc nhìn kinh tế). Thật đáng hổ thẹn cho một vài người Chăm “Jhak hatai pađiak mưta” với những người trong cùng đồng tộc mình. Sao họ không cố để hơn Sara và các vị Chăm khác đang thành công trong cuộc sống. Phát ngôn của họ hạn hẹp như chính cuộc đời họ, nên họ chọn sống trong không gian tăm tối không ánh sáng để rồi mục rữa và thối nát. Tôi thấy trên facebook có nick NguyenVanHuong mới được tạo nhưng không có hình ảnh rõ ràng. Sao Nguyenvanhuong không đường đường chính chính ra đối thoại và chịu trách nhiệm trước phát ngôn của mình nhỉ?

  6. THƯ GỬI INRASRA

    Phản hồi này dài, và lặp lại, dùng ngôn từ thô, tôi ghi lại mấy ý và trả lời:
    1. Từ điển Chăm nào xuất bản cũng có tên Inrasra nhưng khi từ điển sai có vấn đề, bà con phản đối thì Inrasara chối đẩy đẩy, Inrasara không biết, Inrasara chỉ làm phần này, phần kia thôi.
    – Câu này tôi trả lời ở phản hồi sau: chủ biên là người chịu trách nhiệm.

    2. Inrasara nói Inrasara không phe nhóm nào? Không theo BBS sao anh đưa thư Chế Linh ủng hộ chữ BBS (dám bịa đặt đưa ra nhiều chữ ký giả của bà con Chăm) đọc tại Hội nghị BBS Phan Rang?
    – Thư này do Bùi Khánh Thế đọc chứ không phải tôi.

    3. Đăng bài viết của QĐC quảng bá về chữ BBS trên TAGALAU mà anh là chủ biên.
    * Rất nhiều bài ủng hộ BBS gửi đến Tagalau từ nămm 2007, riêng QĐC gửi 5 bài, mãi đến 2012, tôi mới đăng 1 bài duy nhất của QĐC, như là tiếng nói phản biện.

    4. Theo nguồn tin cho biết. Ca sĩ Chế Linh chấp nhận tài trợ làm đĩa CD dạy tiếng Chăm chỉ khi nào anh em thống nhất với nhau, giao cho Trạm mời anh em họp bàn tròn để thống nhất rồi báo cáo anh anh tài trợ tiền.
    – Ý làm DVD là do Chế Linh đưa ra. Đề nghị tôi làm đề cương cũng là Chế Linh yêu cầu trước. Tài trợ cũng do Chế Linh đưa ra trước, tôi không “xin” để anh Chế Linh “chấp nhận”. Tôi không xin tài trợ ai bất kì, người ta đề nghị tôi. Khi Chế Linh thông báo về “thống nhất”, tôi xin rút lui trước nhất. Vì tôi tin điều đó không thể xảy ra.
    Nếu ai tin, thì cứ làm thử đi, tôi sẽ nghe theo.

  7. Tay Kalalu núp bóng viết còm làm mồi để chực tấn công ông Inrasara mà ổng ngây thơ chẳng biết.
    Còm thứ nhất lên giả giọng đạo đức giả đưa mồi: anh Inrasara không lên tiếng xác minh thì người ta sẽ hiểu lầm anh. Nguy cho anh đấy!
    Còm thứ hai: chép còm từ báo khác sang, một mũi tên trúng 2 con chim: vừa dùng chiêu ném đá giấu tay, vừa khích tướng để ông Inrasara lâu nay ngồi trong bụi rậm nhảy ra.
    Còn còm sau cùng này mới lộ mặt… khỉ!!!

  8. Xin nói rõ vấn đề hơn:
    Một tác phẩm tập thể luôn có chủ biện. Chủ biên chịu trách nhiệm tất cả, khi có vấn đề.
    – Hai cuốn Từ điển ở Đại học, Tiến sĩ Bùi Khánh Thế chủ biên. Ông phân công người phụ trách từng bộ phận, rất rành rẽ. Còn sau khi xuất bản, có vấn đề gì, chính ông Bùi Khánh Thế trả lời với cơ quan Nhà nước hay độc giả, chứ không đổ lỗi cho bộ phận nào đó.
    – Từ điển dùng trong nhà trường, Pham Xuân Thành – Inrasara đứng tên chung, nghĩa là 2 người chủ biên. Nếu bên tiếng Việt sai, ông Thành trách nhiệm; còn tôi bên tiếng Chăm. Riêng chữ Chăm BBS là Bộ Giáo dục chọn. Rất dễ hiểu: Lẽ nào Bộ đi chọn cái khác với cái mình đang viết sách và dạy!?
    5.000 Từ Việt – Việt thông dụng này, tôi là CHỦ BIÊN.
    1. Chọn mục từ, dịch và ví dụ.
    2. Akhar thrah, là điều có sẵn, tôi chỉ chọn một trong 2. Tôi chọn chữ Chăm BBS.
    3. Phiên âm, tôi KHÔNG chọn mà sẽ tổng hợp ý kiến, sau đó tôi quyết.
    Nghĩa là tôi chịu trách nhiệm tất cả.

    * Ghi chú thêm: tôi chọn chữ Chăm BBS không phải tôi bảo vệ nó, mà là tùy đối tượng và mục đích, tôi chọn: ngôn ngữ ứng dụng, chữ đang hiện hành.
    Còn in tác phẩm Akayet hay Ariya (2 cuốn sắp tái bản, đang in) tôi chọn chữ Moussay: vì đây là ngôn ngữ văn bản cận đại.
    Quan điểm và làm rất rõ ràng.

  9. – Ối CHĂM ơi ,có chút chuyện là cãi nhau> vui thật.
    – Ai về nhà nấy lo nồi cơm gạo đi, các play Chăm hết gạo rồi .
    -Sao các vị CHĂM không thống nhất ý kiến về chữ viết Chăm được nhỉ?
    -NẾU THỐNG NHẤT VỀ CHỮ VIẾT CHĂM ĐƯỢC THÌ HAY BIẾT MẤY? Người này nói qua người khác nói lại > TÔI thấy nhục với bạn bè dân tộc khác
    -HÈN GÌ NGƯỜI CHĂM KHÔNG DÁM NHẬN MÌNH LÀ CHĂM NỮA >cũng từ những tranh cãi vô thưởng vô phạt này ra.
    – Nếu các VỊ CHĂM vì dân tộc Chăm thì hãy làm đi đừng nói nữa , để các thế hệ CHĂM tiếp theo học được đức tính cao đẹp đó, chứ đừng để các thế hệ CHĂM tiếp theo lây nhiễm thói nói dối cãi bừa.
    – Hãy ngồi lại với nhau và tìm ra hướng đi tốt đẹp cho CHỮ VIẾT CHĂM. Làm được việc này thật có ý nghĩa đối với Chăm . Như vậy, các thế hệ CHĂM kế nghiệp sẽ rất cảm ơn và có cơ hội học tập được cái tốt mà các bậc đàn anh truyền lại.

  10. Bác Sara nhà ta hôm ni vui nhỉ!
    Khi không nổi hứng tốn nước miếng đi trả lời mấy théc méc nhảm nhí. Họ đứng tên này chống bác, đuối lý, họ thay đổi nick, tiếp tục chống bác từ hướng khác. Cứ thế cho đến tận thế thôi… Vậy mà bác cứ đủng đỉnh trả lời. Thời giờ đâu mà lắm thế. Thiên hạ đồn bác không ngủ thì phải.
    Bác nghỉ đi là vừa…

    Inrasara trả lời:
    Anh Chung ơi! Lâu lâu thử sức coi thế nào. Biết đâu thay đổi được cái gì đó, giúp anh chị em mình có lối nhìn mở hơn.
    – Ví dụ có bạn đọc thắc mắc về tiền, tôi hỏi có ai thấy tôi ăn đồng nào của Chăm không? Tôi chỉ nhận để mà cho. Hoặc tôi chỉ cho.
    – Có bạn đọc bảo tôi phe BBS. Tôi nói viết sách phục vụ giới nghiên cứu thì tôi dùng Akhar thrah trong TĐ Moussay, còn phục vụ đại chúng thì tôi dùng ngôn ngữ ứng dụng. Nếu theo phe BBS thì tôi viết theo chữ BBS ở tất cả tác phẩm của tôi chứ, ai mà cấm tôi. Suy luận thế, khi tôi viết akhar thrah theo lối Moussay trong sách nghiên cứu, có ai ở BBS tố cáo tôi theo phe CPK đâu!!!
    – Có bạn đọc lâu nay hiểu lầm tôi loại anh TP, tôi dẫn chứng câu chuyện thực để giải tỏa.
    Vân vân… Tôi nghĩ cũng có ích, Anh Chung à, dù có mất thì giờ thiệt.

  11. Sách nghiên cứu thì cei Sara viết bằng chữ Chăm cũ,
    Tự điển dành cho giới nghiên cứu thì cei Sara viết bằng chữ Chăm cũ
    Thế là cei Sara theo phe CPK.

    Tự điển phổ thông và tự điển học sinh thì cei Sara viết theo chữ Chăm mới chuẩn hóa của Ban biên soạn.
    Thế là cei Sara theo phe Ban biên soạn.

    Ông Kalalu ăn gì mà suy nghĩ hây nhể! Cho tui ăn ké với…

  12. Gửi Anh Inrasara
    – Trước tiên tôi xin bày tỏ một chút cảm xúc, mấy hôm nay tôi thật buồn về các bài viết của CPK, buồn nhiều hơn về quy ước của một trang Web lệch đi theo một chiều hướng khác, và vô cùng buồn Cham ta vẫn mãi cãi nhau, chưa thống nhất, chưa có tín hiệu hồi kết.
    – Ngẫm về đời sao thấy khó quá, sống như thế nào để vừa lòng nhau đây… Sống tốt, sống thiện, sống có ích, đôi khi hy sinh, cống hiến cho người đời nhiều hơn nhận, không cảm ơn thì thôi đằng này còn vô ơn bạc nghĩa, cũng bị người đời lên án, ganh ghét. Ôi sao đời khó quá… ngoài đời hàng triệu hoàn cảnh na ná như vậy (có lẽ trong đó có tôi chăng). Vì đó mà không ít người Phàm chọn cách ẩn nấu nơi cửa chùa, xuống tóc ăn chay niệm phật, tránh đi sự buồn phiền, tránh đi những vô lý một cách bất công, tránh đi sự phiền toái, tránh đi những vết nhơ đầy rẫy trên trần đời…
    – Tôi ẩn danh nhưng từ lâu nghe, nhớ, bắt chước, học, tập tành từ Inrasara nhiều. Học và ghi nhớ rất nhiều nhưng đôi khi không làm theo được (đặt biệt là tính chịu đựng vị tha, dũng cảm, đặc biệt hơn là sự gò ép để thích nghi ở đời). Inrasara hiểu đời, hiểu người, hiểu rộng Phật giáo, triết học, tầm hiểu biết và nhận thức thế giới quan ở một vị thế tri thức… nhưng vẫn trả lời đầy đủ các comment của độc giả, dù chuyện lớn hay nhỏ, xấu hay đẹp, dù comment nội dung rất dưới tầm, ác ý hay khiêu khích, Inrasara vẫn trả lời một cách trân trọng, kỹ và chi tiết. Đấy là thể hiện một người có trải nghiệm sống, biết khép và ép mình để thích nghi với từng hoàn cảnh sống,… Tôi nhớ cách đây hai năm trên sân Mỹ đình Hà Nội có hàng vạn khán giả chật kín khán đài theo dõi trận Brazil giao hữu với Việt Nam, tỉ số cuối cùng là 2-0 nghiêng về Brazil, nhưng theo dõi kỹ trận đấu mọi người đều thấy Brazil thi đấu rất hòa nhã, điều tiết trận đấu ở mức độ cân bằng, lấn lướt vừa phải để có một trận đấu hay (có thể hay hơn, tỉ số đậm hơn). Đấy cũng là một điều đẹp trong cuộc sống
    – Ở đây tôi có một nhã ý nhỏ, hoặc thay đổi tí về chiến thuật chăng, ý comment của độc giả dấu tên cũng có một vài bất cập, đôi khi họ không ý thức và trách nhiệm với comment của mình, có những ý đụng chạm hay hiểu lầm thì buộc Inrasara phải giải thích hay thanh minh (chẳng lẽ Inrasara thanh minh cả đời). Có những ý, câu ngôn từ không đẹp đẽ phản ứng gây khó chịu lẫn nhau trong tranh luận, có những ý thọc gậy bánh xe comment ý xấu, khiêu khích, móc méo để độc giả tranh luận và giải đáp, có comment chủ ý xuyên tạc, và làm xấu hình ảnh của trang Web… Vậy nếu ta thử thay đổi dùng comment (người thật, không giấu tên, công việc, quê quán rõ ràng) thì sẽ thế nào?…

  13. Akhar Thrah Cham đã thống nhất từ năm 1988 dạy và học ổn định cho đến nay cho 10 ngàn học sinh, trên 1000 giáo viên, mỗi năm tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Nếu ai nói chưa thống nhất là nói theo ngộ nhận theo Hội Thảo Kuala Lumpur 2006. Kết quả Hội Thảo này không được Bộ Giáo Dục công nhận năm 2007, nên cho đến nay AT thống nhất là AT phổ thông đang dạy trong nhà trường. Trong các tạp chí của chính phủ. Còn nhà nghiên cứu có quyền dùng các phương án xưa hơn, cách đây 100 hay 200 năm, nhưng không có nghĩa là phải áp dụng cho đại chúng được.

  14. Mik wa – adei xa-ai và độc giả cho tôi xin tạm dừng tại đây. Có vài lí do:
    1. Xin trích đoạn truyên ngắn “Thằng Trạm mát”:
    “… Vẫn chưa xong. Từ điển không thể ra lò nếu nó chưa qua nỗi giơ tay biểu quyết của nhân dân tiến bộ Chàm. Thế là hơn trăm trí thức cùng chức sắc Chăm có mặt ở Hội nghị góp ý Từ điển tại Phan Rang. Câu hỏi bay đến tới tấp vào buổi sáng khiến hội trường như vỡ tung. Cả Dharma ở đó với câu hỏi đinh đóng: “Tôi muốn hỏi Phú Trạm dựa vào tiêu chuẩn nào để xác minh chính tả tiếng Chăm”.
    “Thằng Trạm kì này ngoẻo rồi”. – Tin hành lang sau buổi cơm trưa là vậy. Vài người ghét “thằng Trạm mát” mặt tươi rói như bắt được vàng. Thầy Thế cả lo, không lo mới lạ. Đánh giấc trưa ngon lành, tôi như kẻ từ đất nẻ chui lên, vẫn bổn cũ soạn lại: “Không vấn đề gì lớn đâu, các bác các thầy ạ”. Mà không lớn thiệt. Chiều, mọi thắc mắc của bà con được tôi mở gút chỉ sau hơn tiếng đồng hồ thêm lẻ. Tháng sau, bộ Từ điển trẻ trung oe oe cất tiếng khóc chào đời. Hân hoan phơi phới.
    Hãy học nhìn sự việc với đôi cánh của loài chim – Ai đã nói thế?
    …”

    Không khí hội nghị thật dân chủ. Tôi đã đứng vững trước bá quan ở đó. Đứng và trách nhiệm với hầu hết trí thức, nhân sĩ và bà con Chăm. Ở đó là người thật việc thật. Còn ở đây, thắc mắc trên mạng có lẽ sẽ đến tận thế mới hết, như có bạn đọc nói vui thế.
    Vậy tôi chân tình mời bà con, anh chị em quá bộ sang nhà tôi ở Sài Gòn. Hi vọng mọi chuyện sẽ ổn. Hơn 20 năm vào sống đất Sài Gòn, dù bất kì hoàn cảnh nào, tôi chưa từng từ chối một sinh thể Chăm: vẫn đãi các bữa ăn đạm bạc, còn ngủ nghê thì thoái mái. Các con tôi sau này cũng hệt cha nó…
    Ý bạn “vinh” cũng rất hay, có lẽ sau cuộc này, web sẽ triển khai xem sao.

    2. Lí do thứ 2, tôi có hứa với tạp chí văn học nộp 3 bài trước thượng tuần tháng 7. Ở quê không tập trung được, nhất là thiếu tư liệu, nên tôi phải chạy vào Sài Gòn. Chỉ còn 2 ngày nữa thôi để viết “trả nợ”. Bà con cho tôi được thư thả: xin không trả lời còm, không đăng bài mới.

    3. Tất cả để chuẩn bị cho lí do thứ ba: tâm hồn và tinh thần thật thư thái để đón Ramưwan.
    Tadhuw kajap karo thug siam!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *