Jaya Bahasa: Giữ gìn sự trong sáng của chữ Chăm Akhar thrah

Trong lịch sử người Chăm đã sử dụng nhiều loại chữ viết khác nhau để ghi chép trên bia đá, chỉ dụ, sắc lệnh, văn kiện ngoại giao, địa bạ, những lời kinh cúng tế, văn chương v.v. Trong đó, có loại chữ Akhar thrah được khắc lên bia đá ở ngôi đền tháp Po Rome vào thế kỉ XVII. Cho đến bây giờ, chữ Akhar thrah vẫn còn thịnh hành và được lưu truyền phổ biến trong cộng đồng người Chăm ở Pangdurangga. Bài viết “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Chăm Akhar thrah” giới thiệu qua việc dạy và học chữ Chăm diễn trình như thế nào? Qua đó, nhận xét về tác phẩm “Sap Cham (Nhiều tác giả. 2011. Sap Cham, Ngôn ngữ Chăm thực trạng & giải pháp. Hà Nội: NXB Phụ nữ), để hiểu sâu sắc hơn về thành quả và hạn chế của quá trình dạy và học chữ Chăm.

1. Diễn trình về việc dạy và học chữ Chăm trong lịch sử

Trước khi bị sự xâm chiếm thuộc địa của các nước Tư bản Chủ nghĩa phương Tây ở Đông Dương, chữ viết người Chăm chủ yếu được dùng giới hạn trong bộ phận chức sắc hành lễ tôn giáo, các bô lão hay ghi chép về địa bạ, công việc hành chính, song song với tiếng Hán. Nên chưa được đưa vào giảng dạy ở môi trường giáo dục nhà trường. Việc dạy chữ Chăm đều được tiến hành tại tư gia, một thầy một trò hay những người lớn tuổi biết chữ dạy lại cho con cháu trong gia đình. Năm 1946, Trường Ecole des Cadres Chams được thành lập ở Ninh Thuận, nhằm mục đích tạo nguồn nhân lực trí thức địa phương trong lĩnh vực Thông ngôn, Hành chính và Giáo dục. Nhà trường đã tiến hành chiêu sinh tất cả học sinh người Chăm khắp vùng Pangdurangga vào nhập học, chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng Pháp ngữ do ông P. Fayolle trực tiếp điều hành. Cùng với việc học Pháp ngữ, các học sinh Trường Ecole des Cadres Chams tự đứng ra tổ chức lớp học phổ cập tiếng Chăm vào dịp nghỉ Hè cho những bạn bè cùng trang lứa và học sinh khoá mới. Đây là lần đầu tiên, tiếng Chăm được giảng dạy chính thức cho học sinh ở môi trường học tập chính quy.

Thời Đệ Nhất Cộng Hoà, việc truyền bá chữ Chăm gặp phải sự cản trở của chính quyền. Ông Tổng thống Ngô Đình Diệm ra quyết định ngưng mọi hoạt động dạy và học chữ viết tộc người thiểu số ở các hệ thống trường tiểu học, nhằm xoá bỏ ý thức tộc người thiểu số càng nhanh càng tốt. Tuy vậy, nhu cầu học chữ Chăm vẫn không bị mất đi, các bô lão ở trong palei cứ âm thầm truyền dạy cho con cháu theo phương pháp truyền thống tại tư gia. Đến năm 1963, nền Đệ Nhất Cộng Hoà sụp đổ, coi như là cột mốc tháo gỡ lệnh ngăn cấm, khắc khe đối với văn hoá và chữ viết tộc người thiểu số nói chung và chữ viết Akhar thrah của người Chăm nói riêng.

Là học sinh cũ của Trường Ecole des Cadres Chams, sau khi tốt nghiệp Trường Học viện Hành chánh Quốc gia Sài Gòn (Ban Cao Nguyên), ông Lưu Quý Tân được bổ nhiệm làm ở Ty Giáo dục với chức danh là Thanh tra, chuyên trách về vấn đề giáo dục tộc người thiểu số ở tỉnh Ninh Thuận. Nhận thức được những khó khăn của học sinh khi học tiếng mẹ đẻ (Mother  languagues), ông đã tập hợp những trí thức Chăm đặt ra vấn đề chấn chỉnh nét chữ viết Chăm cho rõ ràng, giúp người học tiếng Chăm đọc được văn bản chuẩn xác và không nhầm lẫn giữa những nét chữ viết gần giống nhau. Đây là bước tác động đầu tiên vào ngôn ngữ Chăm trong lịch sử, giúp việc dạy và học chữ Chăm được tiến triển tốt hơn. Sau này, khi vào Sài Gòn công tác ở Viện Khảo cổ học, ông Lưu Quý Tân là chuyên gia về các vấn đề dân tộc Chàm. Ông đã soạn một bộ giáo trình dạy tiếng Chăm. Đây là bộ giáo trình tiếng Chăm đầu tiên hỗ trợ cho việc học tiếng Chăm. Ngày nay bộ giáo trình đã bị thất lạc, nên không ai biết được ông Lưu Quý Tân đã có đóng góp nào trong việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ Chăm trong thế kỉ XX.

Giai đoạn này, tài liệu dùng để dạy chữ Akhar thrah in roneo được dạy trong các trường Tiểu học ở các làng Chăm tỉnh Ninh Thuận. Thế nhưng việc dạy và học vẫn còn khá tự phát và không liên tục.

Năm 1968, Trung tâm Văn hoá Chàm Phan Rang được thành lập ở Ninh Thuận, với đối tượng nghiên cứu chính là văn hoá và phong tục và lễ hội của các tộc người thiểu số trong tỉnh Ninh Thuận, dưới sự quản lý và điều hành của G. Moussay. Ông đã tiến hành sưu tầm các văn bản lưu trữ trong các palei Chăm, xuất bản các tác phẩm văn học, kinh kệ của người Chăm. Đặc biệt, là hoàn thành bộ Từ điển Chàm-Việt-Pháp, hỗ trợ rất nhiều trong việc tra cứu và học tiếng Chăm. Ngoài ra, các đặc san, nội san như Ước Vọng, Panrang cũng là một kênh phổ biến tiếng Chăm quan trọng, là những tài liệu tham khảo quý để học tiếng Chăm.

Từ năm 1970-1975, Trường Trung học Pô Klong đã đi vào nề nếp ổn định. Chính môi trường học tập nội trú, giúp gắn kết tình bạn giữa các palei thêm thắt chặt, hình thành nên những nhóm bạn giúp nhau học chữ Chăm. Sau này, những học sinh Pô Klong còn truyền bá chữ Chăm ở các palei thông qua những lớp học phổ cập để xoá mù chữ cho mọi người có nhu cầu học để đọc được văn chương Chăm hay viết được lá thư tình bằng tiếng Chăm. Việc dạy và học tiếng Chăm như thế, chỉ mang tính thời vụ chứ không có một lộ trình lâu dài. Do đó, các lớp học chỉ tiến hành được vài khoá là ngưng hoạt động.

Như vậy, trước năm 1975, chưa có một giáo trình dạy tiếng Chăm chuẩn nào được ban hành chính thức. Đây là một sự thiếu sót và hạn chế lớn trong quá trình dạy và học chữ Chăm.

Năm 1978, đất nước vừa mới được giải phóng không bao lâu, tình trạng bất ổn vẫn còn đang xảy ra ở một số địa phương. Nhưng, không phải vậy mà việc truyền bá chữ Chăm không tiến hành được. Để đáp ứng với nhu cầu dạy và học chữ Chăm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận, cho thành lập một Ban Biên soạn Sách chữ Chăm, có nhiệm vụ biên soạn giáo trình và giảng dạy tiếng Chăm ở các hệ thống trường tiểu học có đông người Chăm theo học. Đây là cơ quan duy nhất ở Việt Nam đảm nhận việc viết giáo trình dạy tiếng Chăm từ các lớp 1, 2, 3, 4, 5 và các sách đọc thêm, tài liệu tham khảo dùng cho giáo viên.

Qua những đợt chỉnh lí đến nay (năm học 2010-2011), có khoảng 50.000 cuốn sách được in phục vụ cho các trường ở địa phương. Và sau hơn 30 năm dạy và học, Ban Biên soạn đã đào tạo được hơn hai vạn học sinh biết đọc chữ Chăm. Ngoài ra, từ lớp bốn trở lên học sinh trong cộng đồng người Chăm còn được bổ túc thêm tri thức cơ bản về nền văn học dân tộc bằng các trích đoạn thơ-văn, thông qua những bài học trên lớp. Bên cạnh đó, các tác giả ở Ban còn soạn thêm cuốn làm tài liệu xóa mù chữ cho người lớn tuổi và cán bộ thuộc các tộc người ngoài Chăm. Thuận Văn Liêm viết Tiếng Chăm Căn bản. Quảng Đại Cẩn – Lưu Văn Đảo có cuốn Tự học chữ Chăm. Thuộc hệ đào tạo chính quy, Inrasara và Phan Xuân Thành còn biên soạn Từ điển Việt – Chăm dùng trong nhà trường.

Đến những thập niên 90 của thế kỉ XX, ở Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á thuộc Trường Đại học KHXH & NV TP Hồ Chí Minh, Inrasara đã biên soạn giáo trình phục vụ giảng dạy cho hai khóa tiếng Chăm dành cho đối tượng là sinh viên Việt Nam và nước ngoài. Sau đó giáo trình này được xuất bản mang tên Tự học tiếng Chăm. Cạnh đó Trung tâm còn chủ trì biên soạn 2 cuốn Từ điển Chăm – Việt, và Từ điển Việt – Chăm phục vụ học tập và nghiên cứu.

Cuối thế kỉ XX bước sang thế kỉ XXI, việc truyền bá chữ Chăm được mở rộng không gian ở thành phố Hồ Chí Minh, thông qua những lớp học do sinh viên tự tổ chức. Đặc biệt, một số nghiên cứu sinh người nước ngoài cũng quan tâm tìm học tiếng Chăm để phục vụ cho công tác nghiên cứu, đọc các văn bản bằng tiếng Chăm đang lưu trữ ở các hệ thống thư viện trên thế giới. Qua mỗi năm, số lượng sinh viên người Chăm tăng lên nhanh chóng, họ đã thành lập Chi Hội Chăm trực thuộc Hội Dân tộc học thành phố Hồ Chí Minh. Quá trình sinh hoạt, sinh viên cũng đã tổ chức được một số khoá học tiếng Chăm, tổ chức các buổi nói chuyện về đề tài văn hoá Chăm.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có một báo cáo hay công trình nghiên cứu nào đánh giá về việc dạy và học tiếng Chăm trong lịch sử một cách toàn diện và hệ thống. Quá trình dạy và học chữ Chăm Akhar thrah đang gặp những thuận lợi và khó khăn nào? Các giáo trình học tiếng Chăm hiện nay có đáp ứng được tính ứng dụng và khoa học chưa? Các bộ từ điển tiếng Chăm và những tài liệu tham khảo hỗ trợ việc học tiếng Chăm như thế nào? Đó là những câu hỏi chưa được đề cập nhiều. Xuất phát từ quan niệm trên, các trí thức Chăm và các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề và cơ quan khác nhau, đặt lại vấn đề dạy và học tiếng Chăm hiện nay. Và xuất bản thành cuốn sách mang tên Sap Cham, Ngôn ngữ Chăm thực trạng & giải pháp. Nội dung của cuốn sách đưa ra vấn đề gì? Có đánh giá được tổng quát về thực trạng của ngôn ngữ Chăm không? Các giải pháp đưa ra có giúp cho cơ quan chức trách tham khảo và ứng dụng vào trong  thực tế không? Lời nhận xét dưới đây thử trả lời  phần nào cho các câu hỏi nêu trên.

2. Nhận xét cuốn sách Sap Cham, Ngôn ngữ Chăm thực trạng & giải pháp

Lần đầu tiên, có 13 tác giả từng học tập, nghiên cứu và giảng dạy tiếng Chăm đưa ra ý kiến đánh giá về thực trạng ngôn ngữ Chăm là: Phú Văn Hẳn, Đàng Năng Tủ, Đàng Năng Quốc Thuận, Đàng Năng Hoà, Quảng Đại Tuyên, Bá Văn Quyến, Thành Phần, Bá Trung Phụ, Thập Liên Trưởng, Trương Văn Món, Sử Văn Ngọc, Lý Tùng Hiếu và Đổng Văn Dinh, được viết chung trong một cuốn sách. Các ý kiến điều nhấn mạnh vào thực trạng ngôn ngữ Chăm, các quan niệm về việc dạy ngôn ngữ tộc người thiểu số và phương pháp, kĩ thuật bảo quản các văn bản Chăm truyền thống. Đồng thời ghi nhận thành quả của việc dạy và học tiếng Chăm trong thời gian qua. Từ đó, đề ra giải pháp, khuyến nghị giúp cho việc dạy tiếng Chăm mang lại hiệu quả cao nhất.

Nhìn chung, các tác giả đã đặt ra các vấn đề như sau:

  1. Phương pháp dạy tiếng Chăm truyền thống.
  2. Lịch sử phát triển của ngôn ngữ và chữ viết Chăm.
  3. Sách giáo trình dạy tiếng Chăm của Ban Biên soạn Sách chữ Chăm.
  4. Việc dạy và học tiếng Chăm ở các trường tiểu học, THPT ở Ninh Thuận và Bình Thuận.
  5. Việc học tiếng Chăm của nghiên cứu sinh nước ngoài và sinh viên Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh.
  6. Tiếng Chăm trên các phương tiện truyền thông và báo chí.
  7. Từ điển tiếng Chăm và các tài liệu đọc thêm.
  8. Chính sách của Nhà nước đối với ngôn ngữ tộc người thiểu số ở Việt Nam.

Các tác giả điều ghi nhận tiếng nói và chữ viết người Chăm được phát triển liên tục trong lịch sử. Nhà nước có nhiều chính sách phát triển ngôn ngữ và chữ viết tộc người thiểu số. Trong đó, có chữ Chăm Akhar thrah. Mặc dù, các tác giả đã nhận thức được và chỉ ra những bất cập, vướng mắt trong ngôn ngữ Chăm hiện nay. Tuy nhiên, bởi đa số trong các tác giả không phải là chuyên gia về ngôn ngữ học, và hầu hết không trực tiếp tham gia giảng dạy tiếng Chăm ở bậc tiểu học và phổ thông, nên các tác giả chưa nêu lên được những khó khăn mà người giáo viên tiếng Chăm đứng lớp thường gặp và những khó khăn của học sinh từ 6-11 tuổi, khi học tiếng mẹ đẻ song song với việc học tiếng phổ thông (tiếng Việt). Các giải pháp đề ra còn chung chung, thậm chí có nhiều ý kiến mâu thuẫn với nhau, phản ánh thiếu khách quan và trung thực về tình trạng ngôn ngữ Chăm cũng như việc dạy và học tiếng Chăm ở nhà trường hiện nay. Dẫu sao, các kết luận của các tác giả rất quan trọng, giúp cho các Cơ quan chức năng, Ban Biên soạn sách chữ Chăm (bây giờ là Phòng Giáo dục Dân tộc Thiểu số), các nhà biên soạn Từ điển và tài liệu đọc tham khảo hỗ trợ cho việc học tiếng Chăm, nhận ra những thành quả và hạn chế của việc dạy và học tiếng Chăm trong thời gian qua. Từ đó, có những điều chỉnh, thay đổi cho khoa học hơn, mang tính ứng dụng cao hơn, nhằm mang lại kết quả tốt nhất trong quá trình phổ biến chữ Chăm Akhar thrah.

 

3. Kết luận

Ngôn ngữ là một hiện tượng của xã hội, chỉ tồn tại và phát triển được trong môi trường xã hội con người. Nếu như tiếng nói luôn luôn biến động để thích nghi với hoàn cảnh sống, nhu cầu trao đổi thông tin, thì chữ viết có tính ổn định, bền vững, ít biến đổi theo cùng với tiếng nói. Các nhà khoa học chưa xác định được người Chăm đã biết đến kĩ thuật in ấn hay chưa? Cho nên, tất cả các văn bản bằng chữ Chăm Akhar thrah được phát hiện, đang lưu trữ trong các gia đình Chăm đều là những văn bản viết tay. Do vậy, không phải người học và biết chữ Chăm nào cũng có thể đọc được các dạng văn bản như thế. Để hiểu được di sản của tổ tiên, đòi hỏi người đọc phải trang bị vốn hiểu biết về phong tục, tập quán, lịch pháp, có được vốn từ vững tiếng Chăm nhất định mới hiểu được giá trị của các tác phẩm văn chương. Ngoài ra, muốn đọc được văn bản chép tay phải trải qua nhiều thời gian tiếp xúc với nhiều  loại văn bản, ở nhiều vùng miền khác nhau. Đặc biệt, cần phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ của chủ nhân sở hữu văn bản đó,  mới có thể đọc và hiểu đúng nội dung ghi chép trong văn bản.

Những nỗ lực nghiên cứu và giảng dạy tiếng Chăm đang được sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài nước, các chuyên gia ngôn ngữ và không chuyên là tín hiệu đáng mừng, giúp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị ngôn ngữ tộc người thiểu số phát triển. Tất cả, những đóng góp, xây dựng đều nhằm mang lại sự trong sáng cho ngôn ngữ Chăm. Mà tác phẩm Sap Cham-Ngôn ngữ Chăm thực trạng & giải pháp là một ví dụ cụ thể. Thiết nghĩ, các cơ quan chuyên trách về vấn đề giáo dục dân tộc thiểu số và ngôn ngữ tộc người thiểu số, cần sớm đánh giá lại tình hình dạy tiếng Chăm, đào tạo đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo trình và tài liệu đọc tham khảo đang dùng để giảng dạy tiếng Chăm hiện nay. Hướng đến việc biên khảo một bộ giáo trình tiếng Chăm dùng trong nhà trường và tiếng Chăm dành cho người nước ngoài, giúp cho công tác dạy và học ngôn ngữ tộc người thiểu số đạt hiệu quả hơn./.

 

 

5 thoughts on “Jaya Bahasa: Giữ gìn sự trong sáng của chữ Chăm Akhar thrah

  1. Nếu nói ông Lưu Quý Tân đóng góp vào nền văn hóa Chăm thì phải có bằng chứng rõ ràng, sao lại nói bị thất lạc? Vấn đề này cần xem lại.
    Trong thời bấy giờ nói thiệt Chăm mình cũng gặp khó khăn trong việc truyền dạy chữ Chăm, nhưng các trí thức Chăm vẫn có cách riêng và cũng có hiệu quả.
    Còn hiện tại và trong tương lai tới không biết chữ Chăm đi đâu về đâu đây. Rất buồn khi chữ mẹ đẻ không thống nhất. Kaka biết có nhiều sách tham khảo cho người Chăm học nhưng nỗi thay lại thực hành không đúng. Kaka giao lưu với sinh viên Chăm, nhiều bạn vẫn không viết đúng và hay nói sai. Thí dụ “wa” có người bảo viết chữ “wak” chẳng biết sao lại như thế, khi về thì dở từ điển ra thì thấy bạn ấy viết sai, may thay mình không sai. Hôm nay được anh Bahasa giới thiệu nên Kaka cũng nên tìm đọc tác phẩm “Sap Cham-Ngôn ngữ Chăm thực trạng &giải pháp”. Khi tìm hiểu văn chương Chăm không biết tiếng mẹ đẻ đừng hòng mà vượt qua cửa ai này.
    Kaka không biết vài tác giả người Kinh không có văn bản văn học Chăm gốc mà dịch ra tiếng Việt, nên sai bét. Trong tay Kaka vẫn cầm những vẫn bản viết bằng tiếng phổ thông nhưng sai rất nghiêm trọng, may nhờ Cei Sara đính chính lại, không thì toi.
    Một lần nữa chúc anh Bahasa cố gắng đóng góp nhiều bài viết cho trang web nha, cảm ơn anh.

  2. Bài này viết khá, chứng tỏ tác giả hiểu vấn đề. Cách viết là lành mạnh, mở được vấn đề để bàn thảo. Thời ông Lưu Quý Tân chỉ một mình ông viết lách, ông lại mất sớm nên không có ai sưu tầm. Tiếc thay. Trí thức Chăm thuở đó biết ông có công trong việc chỉnh đốn chữ Chăm trước đó viết chưa chuẩn mực. Nhưng đồng sự của ông không chịu sưu tầm để dành, nên thật lạc là đúng. Thầy Bá gần ông hơn cả đáng lẽ làm chuyện này, nhưng thầy đã không làm. Sau này thất lạc mới thấy quý. Tiếc lắm.

  3. Salam sa-ai Kaka!
    Ja Win thấy nỗi trăn trở của sa ai về tương lai của tiếng mẹ đẻ Ja Win mừng lắm. vì Ja Win cũng có những trăn trở như sa ai. Ja Win có thể gặp sa ai và cùng chia sẻ nỗi trăn trở đó được không? angka phone Ja Win: 01656195698. Ndua karun abih drei, caong gaok sa ai sa harei biak jaik.

  4. Tớ nghĩ dại như thế nì: Các bạn trẻ trước khi bàn về ngôn ngữ, nên đọc kĩ bài vừa đăng của anh Inra: Ngôn ngữ, dễ mà khó..
    Còn các bác hay cãi nhau, các anh chị hay chê người khác cũng nên đọc và tự suy gẫm, chắc ít nhiều cũng có ích.
    Tớ xin đa tạ, nếu lỡ lời mong cho qua
    Cậu Chí

  5. Bahasa trẻ mà có tư tưởng chín chắn, cách suy nghĩ của bạ thận trọng nhất là bạn rất công tâm. Cố lên!
    Bạn viết nhiều và càng lúc càng khá, đáng yêu lắm. Tôi tin ở thế hệ trẻ Chăm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *