Câu chuyện văn nghệ Chăm, từ Chế Kim Trung đến Chế Mỹ Lan

Jaya05

Với tư cách người anh đi trước, câu đầu tiên tôi muốn nói lời xin lỗi đến Chế Mỹ Lan, nếu cái tít này làm CML chột dạ. Xin lỗi Chế Kim Trung cho phép nhắc lại chuyện cũ, như là cách ôn cố tri tân. Lí do có tít như thế, bởi hai sự việc có nhiều điểm giống nhau, so sánh làm bật được vấn đề. Viết bài này là nhằm mục đích giải minh vài dư luận trong anh chị em Chăm, sau khi bài “Nguyễn” được đăng lên. Đầu tiên là phản hồi của anh YC cho rằng “lần đầu tiên Sara có quyết định sai, khi đăng bài của Nguyễn”, tiếp theo là một độc giả khác phản hồi là “CML rất than phiền”, và mới nhất – trưa nay: P. phone dài cho tôi có 3 ý, vài người chat với con nói: “cei Sara với CML thâm tình mươi năm, sao lại chơi nhau thế – sao cei Sara đăng không hỏi ý kiến CML trước – theo con tốt hơn cả cei nên gỡ bài xuống”.

Tôi xin minh giải như sau:

I. Diễn biến sự việc

1. Tôi nghe tập thơ được in ra, khi đang ở Tam Đảo. Về Sài Gòn, tôi email cho CML gửi cho tôi 10 cuốn để lưu. Mãi mấy ngày sau, tôi nhận được 8 cuốn do người cháu trong họ mang đến. Trước đó mấy ngày, tôi nhận “phản hồi” của Nguyễn. Tôi không đăng vội, không phải tôi do dự, như Nguyễn cho là thế, mà vì web đang tập trung bài vở cho mục khác. Xong việc, tôi mới đưa tập thơ CML lên mạng, tiếp đó, đăng bài “Amasaty đã giới thiệu thơ CML kém cỏi như thế nào?” của Nguyễn lên để mọi người cùng bàn luận.

2. Như nói ở “Lời BBT”, tôi đưa bài của độc giả Nguyễn lên chậm vì mấy lí do:

Tôi chưa có tập thơ CML trong tay, nên chưa biết Amasaty đã viết thế nào. Khi biết Nguyễn viết khá chính xác, tôi mới đăng. Một bài viết đúng, nêu bật được vấn đề, việc đưa ra cho độc giả biết theo tôi, là không có gì bàn cãi cả. Có chăng là về giọng điệu của Nguyễn (Đàng Trinh). Tôi đã giữ đúng nguyên văn, vì nếu tôi biên tập khác đi thì thành của Inrasara mất rồi, chứ không là của tác giả nào khác nữa.

Bài Nguyễn có hai phần. Phần 1 nói về thơ CML, tôi đã cắt rất nhiều, để bớt đi cái giọng gay gắt, như độc giả Inrasara.com thường thấy ở bạn đọc này. May, Nguyễn đã không than phiền tôi. Phần 1 chủ yếu để dẫn đến phần 2: bàn về chính bài giới thiệu của Amasaty, đúng như tên bài viết.

3. Về phản hồi của Hán Dương Phú nghi ngờ “biết Nguyễn là ai rồi”, theo tôi là không nên. Trước đó cũng có vài người nghi ngờ Nguyễn là người bên an ninh. Nghi ngờ vậy là lệch với tinh thần công dân mạng. Tôi chưa bao giờ hỏi xem để biết người viết phản hồi trên mạng Inrasara.com là ai. Nhiều tác giả viết phản hồi, sau đó rất lâu tôi mới biết tên thật của họ, hay gặp người đó cụ thể ngoài đời.

Về phần mình, tôi viết thường xuyên cho Tienve.org, ở đó có 3 người phụ trách chính rất thân với tôi, vậy mà khi đăng bài phê phán tôi, họ không bao giờ hỏi ý kiến tôi trước, và tôi cũng không tò mò hỏi các bạn xem tác giả nickname kia là ai. Tôi cho đó là thái độ công bằng với bạn đọc. Và là thái độ đúng mực theo phong cách thế giới mạng.

(Nhớ, cộng đồng Chăm vừa qua, khi Jakathaut viết bài tấn công vài cá nhân, mọi người nhốn nháo lên đoán già đoán non xem người này là ai. Tôi thì rất vô tư: đâu cần biết đó là ai!).

Trước khi đăng bài của Nguyễn, tôi hoàn toàn không biết Amasaty là ai. Tôi cũng không có ý để đoán biết. Sau khi bài đăng lên vài ngày sau, tôi mới được vài người thông tin: Có thể là ông này, chắc chắn đó là vị nọ… Tôi cho đó là đoán mò, và không quan tâm.

Còn có bạn hỏi rằng, sao Inrasara không hỏi ý kiến CML trước khi đăng. Tôi hiểu ý bạn, và cảm kích trước thiện ý của bạn, nhưng không thể. Tôi biết chắc là CML không thuận. Thêm, tôi cần giữ thái độ tôn trọng độc giả. Hơn nữa, tác phẩm nghệ thuật ra đời là đã thuộc công chúng rồi, nó được bàn luận công khai. Tác phẩm in ra mà không ai bàn tới, mới đáng sợ. Tôi đã viết rất nhiều lần về vấn đề này, phân tích kĩ trong tiểu luận “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”. Đứa con tinh thần ra đời thì không còn thuộc về tác giả nữa, tác giả không được đứng ra bảo vệ nó, nếu nó hư hại. Nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam hay làm thế, tôi gọi đó là “chưa đủ cô đơn khi tác phẩm đã ra đời”.

Nhưng tôi chưa thấy ai chê tập thơ CML mà! Chỉ có vài từ nhận xét mơ hồ, không đáng quan tâm.

B. Về sự so sánh với sự cố Chế Kim Trung

Sự việc CML và Sự cố họa phẩm “Làng Chăm ơn bác” của CKT có vài điểm tương đồng:

1. Cả hai bên đều thân thiết với tôi. Tôi thân với CML hơn rất nhiều so với CKT; bù lại Thành Chiểu phu quân CKT là bạn học với tôi, nên có thể nói giữa hai bên, với tôi – mức độ thân thiết ngang nhau.

2. Trà Vigia bạn thân của tôi viết phê bình họa phẩm CKT, tôi đăng. Nguyễn viết phê bình “lời giới thiệu” thơ CML của Amasaty, tôi đăng. Chỗ này chỉ khác nhau ở điểm là, tôi không biết hai tác giả Nguyễn và Amasaty là ai.

3. Cả hai sự cố đều có người đề nghị tôi gỡ bài xuống. Và tôi không gỡ. Tôi nói: tác phẩm nghệ thuật là thuộc về công chúng, tác phẩm càng nổi tiếng thì càng nhận được nhiều lời bàn tán, khen chê.

Riêng điểm 3 có chỗ khác nhau. CKT 2 lần phon cho tôi, tiếp đó là bạn Chiểu, rồi Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam, và cuối cùng là người giữ cương vị rất cao trong Ban Văn hóa Tư tưởng TW. Chỉ trong 2 ngày! Vị ở TW này, sau mấy giải thích khá dài, gợi ý tôi gỡ bài xuống. Tôi nói: – Tôi sẵn sàng bóc xuống. Nhưng xin báo trước cho anh biết, dữ liệu này ở nước ngoài lưu hết rồi, anh muốn họ đưa lên để “đánh” Việt Nam hay muốn tôi điều tiết ý kiến bà con ta. Tôi có thừa khả năng và bản lĩnh làm việc này. Thế là, vị này im lặng.

Còn CML thì không thấy phon hay email cho tôi.

C. Cuối cùng

Tôi từng biên tập cho hàng trăm nhà văn nhà thơ, cả Chăm lẫn Việt, trong đó không ít người khá nổi tiếng. Chính tôi là người chọn và biên tập Dấu chân về nguồn của CML. Ngoài tập này, tôi còn là người biên tập cho nhiều sáng tác của CML trước đó. Điều này đủ biết tôi trân trọng CML như thế nào. Lẽ nào người đó lại đi chê tác phẩm do chính mình biên tập? Biết tâm tính người nữ, tôi cũng đã rào trước ở “lời BBT” ngay đầu bài: “Chế Mỹ Lan là người từng trải, hi vọng bạn thơ sẽ tiếp nhận phản biện này một cách tích cực, để cẩn trọng hơn trong các tác phẩm kế tiếp”.

Từ những nguyên do trên, có thể đưa đến kết luận rằng, vấn đề còn lại chỉ là giữa Nguyễn và Amasaty (đến bây giờ tôi vẫn chưa biết tên thật cả hai là gì, sống ở đâu), và website Inrasara.com là diễn đàn, tạo cơ hội cho hai bên trao đổi sòng phẳng, nếu muốn.

 

Tóm lại, không hiểu CKT có nhận ra sự thật của vấn đề hay không, chỉ biết hai năm sau sự cố, tôi với CKT và gia đình họa sĩ này đi lại tốt lành với nhau. Còn CML, thì có Pô Yang mới biết được…

Cầu bình an cho tất cả mọi người.

Kajap karo thuk siam!

 

Sài Gòn, chiều 22-6-2013

 

12 thoughts on “Câu chuyện văn nghệ Chăm, từ Chế Kim Trung đến Chế Mỹ Lan

  1. Đọc câu truyện này tôi mới nhớ lại truyện năm xưa. Sự cố Nguyễn Thành Thống, ông Nguyễn Văn Tỷ có thách ông Thống trao đổi về văn hóa Chăm. Có người muốn bày sân đấu ở sân trung lập là Cam ranh, vì ông Thống ở Nha Trang, thầy Tỷ thì ở Phan Rang. Thế là ông Thống bỏ chạy.
    Truyện này thì cei Sara bày trận cho ông Nguyễn và ông Amasaty đối nhau. Nhưng tôi tin chưa đối thì ông Amasaty đã thua chạy dài rồi. Tỉ số nghiêng về ông Nguyễn thấy rõ.
    Truyện nữa cần nói là cô CMLan còn chưa qua trường văn trận bút cho nên mới bị chê tí tịu mà đã giẩy nẩy lên. Hiểu cho cánh nữ chân yếu tay mềm mà nhăm nho muốn đấu là vậy.
    Khác với cei Sara kinh thiên động địa, thập thành công lực. Cei vào bát quái trận đồ nên hiểu rõ ngón nghề văn chương. Nhằm nhò gì mấy ông ở Champaka uýnh dưới thắt lưng.
    Tôi nhớ năm xưa nhà thơ ta bị phó giáo sư Tsi kia uýnh trên tạp chí Nhà Văn của Hội Nhà Văn. Mới tháng rồi cei bị một nhà phê bình uýnh tới tấp trên báo Nhân Dân của Đảng, cei Sara nhà ta vẫn bình chân như vại. Rồi tính kế đấu lại sát rạt. Nghe kể mê ly luôn đó.
    CMlan nên học cei Sara mới nên người ra.

  2. – Tôi nghĩ Klaikluk không nên cho rằng “Truyện này thì cei Sara bày trận cho ông Nguyễn và ông Amasaty đối nhau. Nhưng tôi tin chưa đối thì ông Amasaty đã thua chạy dài rồi. Tỉ số nghiêng về ông Nguyễn thấy rõ.” Đây chỉ là diễn đàn sân chơi cho giới nghệ sĩ và đọc giả có thể trao đổi, bàn luận về tác phẩm trên tinh thần đàm đạo, trao đổi không phải là đấu trường để đấu võ “phím”, tranh tỷ số.
    -Theo tôi, có ở trong hoàn cảnh những người bị khác viết những điều không hay thì mới biết những trí thức Chăm ta, trong đó có Sara mới đáng quý làm sao. Đối với những tác giả trẻ, lần đầu rơi vào hoàn cảnh này sẽ sôi máu lên và !@@###$%^^&&****. Nhưng Sara đã chọn cách ứng xử tốt đẹp nhất. (trước đây Sara cũng có reply liền những bài viết nhạy cảm về mình như thế, nhưng dần dần, theo Sara, nó chẳng đưa đến đâu cả mà chỉ tổ tốn thời gian, trí lực . . . nên thôi và thời gian đó được đầu tư vào những việc có ý nghĩa hơn). Đây là cái hay mà những người trẻ học đươc khi đọc ở web này.

  3. Kính thưa cei Sara!
    Cei Sara cho cháu hỏi 2 câu hỏi nhé:
    1- chuyện này có đáng lắm không mà cô chú ta bàn nhiều quá biến thành lớn?
    2- thơ của chị Lan chỉ tặng trong phạm vi hẹp, nếu có sai, sao mình không đóng cửa dạy nhau, mà ta bàn lớn quá? Có người còn cho là làm thế người Kinh họ sẽ cười cho.
    Mong cei Sara trả lời cháu nhé.
    Quý mến cei Sara. Cháu của cei.

  4. Cobewê quý mến!
    Hay lắm, cháu à. Lâu quá mới thấy cháu ghé lại.
    1. Về câu thứ nhất, nó như vầy. Vấn đề là do nhiều người bàn mà thành, chứ tự nó không là vấn đề. Có khi chuyện ta cho là rất nhỏ, nhưng khi nhiều người quan tâm, nó thành vấn đề lớn. Và ta phải tìm cách giải quyết nó.

    2. Về câu thứ hai, có lẽ lối nghĩ của cháu hơi… lạc hậu. Xin lỗi nhé.
    Thời buổi này không “đóng cửa bảo nhau” được đâu. Ngay chuyện này thôi cũng rất rõ. Này nhé. Tập thơ chị CML viết bằng tiếng Việt. Amasaty viết giới thiệu tập thơ ấy bằng tiếng Việt. Tập thơ in ở Việt Nam (nói vui, và không thấy ghi “cấm người Kinh đọc” hay “tập thơ chỉ dành cho người Chăm”). Và sự thật là đã có người Kinh đọc nó. Bạn cei NHQuý đọc rồi. Và ông Nguyễn (nếu ông này là người Kinh) đã đọc. Đọc và thấy bực về lối giới thiệu ấy của Amasaty. Thế là ông ta viết phê bình.
    Ông ta gửi web cei đăng. Nếu cei không đăng thì ông ta gửi web khác (rất nhiều web khác). Ví dụ mới nhất, nhà phê bình NHĐức viết bài “Văn học tay chân” vừa gửi cho web Inrasara.com vừa gửi cho web Nguyễn Tường Thụy đăng cùng ngày.
    Thế giới mở, không thể tránh được đâu, cháu à. Nghĩa là không còn có thể đóng cửa bảo nhau. Nhắc lại nè: Nếu cei không đăng, ông Nguyễn sẽ gửi đăng web khác. Và ta có cấm họ cười được không?
    Vậy cháu nhé. Mong cháu vui và thường xuyên còm.

  5. Lúc trưa, bác Inrasara tuyên bố khóa bài kia vì bác sắp có bài mới, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng bác sẽ hóa giải ổn thỏa. Và nay tôi thực sự thấy rất ổn thỏa ở đây.
    Nhân đây tôi cũng xin nói nốt ý lúc trưa ở bài của Nguyễn một cách vắn tắt rằng: chính từ tinh thần luôn luôn khách quan, cộng với quan điểm mang tâm thế “người lớn” của bác về những đứa con tinh thần, mà đôi khi bác bị “người nhỏ” tận dụng triệt để cho mục tiêu không tốt của họ ở trang web có phần liên quan đến cộng đồng Chăm này.
    Đọc bài này càng thấy mến bác hơn khi thấy bác chộn rộn mỗi khi đụng đến Vấn đề Chăm.
    Câu kết ở bài này là câu kết đẹp: Vấn đề còn lại chỉ là giữa Nguyễn và Amasaty. Tóm lại, bác Inrasara đã đánh chiếm lại “đồi A1” vừa bị mất hai ngày qua một cách rất tinh, gọn và thuyết phục chấm hết
    Đoa karun

  6. Quan sát các còm tôi nhân xét là anh chị em Chăm càng lúc càng “phản hồi” rất hay. Có khi tôi thích đọc phản hồi ở trang mạng này hơn là bài chính. Vài dẫn chứng mới nhất:

    Klaikluk: Truyện nữa cần nói là cô CMLan còn chưa qua trường văn trận bút cho nên mới bị chê tí tịu mà đã giẩy nẩy lên.

    Alibaba: Đối với những tác giả trẻ, lần đầu rơi vào hoàn cảnh này sẽ sôi máu lên và ! @@ ### $%^^ &&****. Nhưng Sara đã chọn cách ứng xử tốt đẹp nhất.

    Đàng Chinh: Chính từ tinh thần luôn luôn khách quan, cộng với quan điểm mang tâm thế “người lớn” của bác về những đứa con tinh thần, mà đôi khi bác bị “người nhỏ” tận dụng triệt để cho mục tiêu không tốt của họ.

    Inrasara: Thế giới mở, không thể tránh được đâu, cháu à. Nghĩa là không còn có thể đóng cửa bảo nhau. Nhắc lại nè: Nếu cei không đăng, ông Nguyễn sẽ gửi đăng web khác. Và ta có cấm họ cười được không?

    Suy nghĩ hay, trách nhiệm và thông minh. Chỉ trách ông Nguyễn lắm lúc căng quá gây phiền hà. Giọng văn khác nhau thì hay, chớ căng thì nên tránh. Nhà văn Inrasara cần chú ý khía cạnh này.

  7. Lời nhận xét của Nguyễn về tập thơ DẤU CHÂN VỀ NGUỒN của CML. Nguyễn phê bình cả hai: CML (tác giả Thơ) và Amasaty (giới thiệu tập Thơ). Nguyễn phê bình:
    1- Chê CML về cách chọn bìa “thấy chán”và Cương về ngữ nghĩa (không còn hồn nhiên) và không tiến bộ.
    2- Chê Amasaty yếu kém về lời “giới thiệu có nhiều vết chân “quê” và thơ không tiến bộ mà lời giới thiệu khen “xuất sắc”.
    Khi tập thơ đã xuất bản là tự nó thuộc quyền của công chúng, nên có khen và cả chê là lẽ bình thường. Đã lỗi thời khi bảo nhau có sai thì “đóng cửa dạy nhau”.
    Cái nào còn bất cập từ lời phê bình thì tác giả cần phát huy tiềm năng còn đang hạn chế để có đà bước lên kế tiếp vững vàn hơn. Tóm lại, tôi đồng ý với lời phê bình của Nguyễn và lời bình của Inrasara.
    Chúc mọi người vui vẻ.

  8. Khi đọc hết bài của Sara và các comment của các wa/cei/yut, tôi thấy chẳng có vấn đề gì to tát cả. Vả lại, Sara lại đi so sánh hai người CKT và CML với nhau chỉ đánh bóng vai trò (cái bóng) của Sara mà thôi. Vì mọi sự so sánh điều khập khểnh. Hy vọng lần sau, Sara không nên làm vậy. Đừng tự đốt nhà mình để lòi mặt chuột cho thiên hạ xem.
    Thuksiam!

  9. Amaklinh là ai mà nói ghê, ghê còn hơn cả ông Nguyễn nữa!!!!
    tự đốt nhà, mặt chuột
    bác Inra đăng thì càng ghê nữa!!!!
    Ghê!!! Amaklinh ôi, thôi cho tôi xin đi, cha nội…

  10. VÀI NHỜI TRAO ĐỔI VỜI NGUYỄN

    Klaikluk quá tự mãn rồi bạn ạ,CML nào có phản đối gì đâu nào, người ta nói lại với nhà Sara thôi mà, thử hỏi Sara thì biết, bạn đừng được thế “ăn theo, nói leo’ kiểu dân kẻ chợ hử! Tôi nghe anh em nói về vụ tên Nguyễn nào đó viết còm chê Amasaty và thơ CML dù rằng đã từ tạ con đường thơ ca trên 20 năm nay vì thơ Việt nam hôm nay không có gì mới, đọc thấy chán nên tự mình… đoạn tuyệt cho đỡ đau.
    Công bằng mà nói nếu ví CML như Ý nhi thì nữ sĩ xứ Bình chỉ có thể thua nữ sĩ xứ Quảng ở cái đoạn kỹ thuật làm thơ mà thôi, nhưng nữ sĩ xứ Quảng được đào tạo căn bản kỷ nghệ làm thơ từ cái trường…trường…gì nhỉ..à..à ..Đoạn trường tân thanh hay Kim vân kiều tân tập gì đó ở tận cái xứ kinh kỳ Tràng an nên tôi không thể so sánh e quá khập khểnh. Tuy nhiên về ý thì nường CML nào thua nường Ý nhi tí ti nào đâu. Ở Dấu chơn về nguồn ta thấy một hình ảnh của nàng Mị Ê hiển lộ trong tâm thức của CML, nường thổn thức, trở trăn, trời thương nhớ mà nhớ thương thì… nhớ thiên thu nên cái tay Nguyễn nào cho rằng “cương quá” là bậy tệ. Đề nghị Nguyễn nên dùng từ cho… chuẩn. Tôi thấy ở trong một hoàn cảnh đang chuẩn bị nhảy xuống biển để giữ trọn… khí tiết (máu tức) trước một dâm quân, hồn Mị Ê theo gió mà đi, bay về hoang tháp để rồi đậu trên đôi mắt của CML và nường nhìn, nường thấy, nường cảm, nường viết, nương theo khí lực mà viết; viết cho chính mình, cho thân phận mình, cho kiếp lưu lạc của mình trên chính quê hương của mình. Đọc thơ CML ta thấy cái hồn và cảm nó bằng hồn vì tất cả xuất phát từ đôi mắt (nhãn lực) của chân như. Nguyễn sẽ không bao giờ cảm nó được vì nguyễn thiếu “khí lực” mà phàm như thế thì trôi lăn trong vòng chữ nghĩa vô hồn trống rõng là tán tâm, là loạn ngữ. Nguyễn có thể lòe chữ, lòe từ những sẽ vô ý, vô tứ mà người như thế thì thiên hạ giang hồ phán rằng đồ “thiếu đức’ mà lại “thừa cứt”. Thơ là vậy, đọc thơ không chỉ để giải trí hay bình loạn, mà trước nhất đọc thơ để tự khai minh cho mình, mở mắt mình ra đề nhìn đời cho rõ đến nỗi Bùi tiên đế phải ban truyền thánh chỉ “…khóc người một con” cho những nhà thơ ưa bới móc chữ nghĩa. Thơ mà loạn chử xin lỗi tôi ‘đéo’ đọc vì nó không cho tôi được gì mà chỉ nhận vào mình sự bực bội mà thôi. Trở lại với nường Ý Nhi khi đọc người đờn bà ngồi đan tôi đã thấy cái hồn Chăm trong đôi mắt thơ của nường, cái tan tác cỏi lòng của nữ hoàng Mị Ê đã cho Ý nhi một hồn thơ lạ, minh giải nó ra thì rõ rằng trong các hàng nữ lưu nương nương thi ca xứ Việt thì hiện tại tôi chưa thấy hồn thơ độc mà lạ như nường Ý nhi vì bởi trong gia đình Ý nhi đã mang một truyền thống hát Bội vốn dĩ đó là loại hình nhạc lễ cung đình Champa còn sót lại. Nường CML thì khác vì nường là người Chăm làm thơ tiếng việt bằng ngôn ngữ Chăm vì thế nó có vài sai biệt nhưng như vậy mới là bản chất của thơ chớ hử?! Thi sĩ Nguyễn đức Sơn khi viết về thân phận người Chăm bằng một bài thơ cực ngắn ” Ninh Chữ – Ma tru mờ biển củ” cũng quái lạ, nhưng không lạ vì ông vốn là người đồng hương với Nguyễn văn Thiệu dân Phan rang.
    Là vậy đó nguyễn à, đừng lấy cái tâm hẹp hòi để nhìn tam thiên vũ trụ mà thơ thì ta biết rồi đó nó vang thấu đến ba ngàn thế giới, cái nhìn của Amasaty chỉ là một hướng tiểu hành tinh quay quanh hệ mặt trời mà thôi nên không thể bảo là hay và dở được bạn nha. Theo tôi Amasaty muốn định hướng người đọc theo lối tích cực nên mới có vài nhận xét như vậy, cái đó không thể là viết dở đâu nguyễn hư!? Mong rằng sẽ có bài viết đàng hoàng trên mạng inrasara.com bằng tên thực của minh nếu muốn trao đổi tiếp nguyễn hử! Tôi sẽ rất vui lòng cùng ghi tên cúng cơm của mình để trao đổi với Nguyễn hử?!Người quân tử thì không nên sợ gì Nguyễn hử??!

  11. Klanahok múa may chữ nghĩa dữ ta!
    Đây, tôi trả lời và hỏi lại ông nè:

    Thứ nhất, ông KLA bảo tôi phải khai “bằng tên thực”, “tên cúng cơm” vậy ông KLA là ma nào đây? Web của ông Inrasara có buộc người đọc phải làm thế không, hử?

    Thứ hai, tôi nói rất rõ như ban ngày là ông Amasaty viết văn không ra câu cú, kém cỏi, hiểu sai thuật ngữ văn học mà đứa con nít cũng hiểu. Có gì liên can đến vụ “tiểu hành tinh quay quanh hệ mặt trời”, hử ông KLA? Sao ông KLA không bắt bẻ tôi đi, mà đi tán hươu tán vượn.

    Thứ ba, ông KLA tán thơ CML thế nào thì tùy hỉ nhé. Tôi thì tôi viết rành rành là chữ bìa sách rất nhà quê, còn tập này thì không tiến bộ so với tập trước. Nên tôi chán.
    Ông KLA so sánh CML với nhà thơ Ý Nhi, thì Nguyễn tôi chịu đầu hàng đây. Xách dép chạy đây.
    Chỉ xin hỏi ngài nhà thơ Inrasara kính mến kiêm nhà phê bình rất uy tín hiện nay ở Việt Nam là ông chủ của mạng này rằng so sánh như thế, đầu óc ông KLA đang bị thế nào? Xin ông nhà phê bình trả lời thật lòng cho kẻ hèn này biết đi.
    Làm ơn… làm ơn…

  12. Đọc giải minh của Sara thấy được cả Tấm lòng và Trách nhiệm của Sara đối với thơ, với người thơ và bạn đọc thơ. Mong CML sẽ hiểu…

Leave a Reply to Giang Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *