1. Về 5.000 Từ vựng Việt – Chăm
5.000 Từ vựng Việt – Chăm tạm thời đã xong. Phần nhập liệu đã kết thúc. Thay mặt Ban Biên tập, tôi xin gửi lời cảm ơn đến các bạn trẻ: Ya Trang, Như Ý, Kiều Dung, Đavy, Kiều Maily, Inrajakha – trong các thời điểm khác nhau – đã làm tốt phần việc của mình.
Lẽ ra bản thảo đã in ra từ đầu tháng 5-2013, để chuẩn bị cho Hội thảo bỏ túi. Thế nhưng do Ban Biên tập phải chờ đợi Tiến sĩ Quảng Đại Cẩn hoàn chỉnh phần chuyển tự La-tinh, nên hơi muộn (lâu nay tôi không làm việc này, mà tin vào các nhà chuyên môn, chọn cách La-tinh hóa thích hợp cho mỗi đối tượng phục vụ khác nhau). Khi nhận được bảng chuyển tự, Kiều Maily đã giúp chuyển tất cả sang hệ thống mới, mất đến ba tuần.
Dẫu sao, mừng là công việc đã kết thúc. Chiều 30-6-2013, Hội thảo bỏ túi sẽ được tổ chức ở Phan Rang, gói gọn trong phạm vi hẹp. Do hạn chế về kinh phí, đồng thời tránh sự phân tán ý kiến, lạc đề.
Xin nhắc lại lần nữa, 5.000 Từ vựng Việt – Chăm được biên soạn với MỤC ĐÍCH phục vụ cộng đồng người Chăm [và người ngoài Cham] biết tiếng Việt muốn học tiếng Chăm, ở trong hay ngoài Việt Nam; đối tượng bình dân ít [hay chưa] biết chữ Chăm. Từ điển nhỏ này không nhắm đến thành phần “trí thức” rành tiếng và chữ Chăm, càng không mang ý định đào tạo học viên đọc văn bản cổ.
2. Vừa qua – biết là tôi ít khi đọc các email bà con Chăm gửi tập thể, hay báo mạng Chăm – một người bạn đã cắt một câu ngắn trên Champaka.info gửi cho tôi, ý rằng “Inrasara không có khả năng trao đổi khoa học với 13 tác giả” đã viết cuốn sách về ngôn ngữ Chăm. Tôi liếc qua câu văn trên, và nói với bạn: “miễn cho Sara đi”.
Thực lòng với bà con và anh chị em là, 5-6 năm qua, tôi chưa đọc một tác phẩm nào của Chăm, ngoài tác phẩm tôi buộc phải đọc để làm việc. Sách 13 tác giả, tôi có thấy và nhìn qua mục lục, nhưng không đọc. 2 cuốn của Sakaya rất dày, tôi được người bạn tặng, nhưng chỉ cất lưu mà không đọc. Ngay tác phẩm về lịch sử Champa của Lafont, tôi được ông anh Phú Văn Lưu mang từ Mỹ về tặng, cũng chưa đọc.
3. Tôi không tham gia vào tranh cãi về Akhar thrah, có mấy nguyên do sau:
– Do chưa đọc sách của 13 tác giả, tôi không biết sách đó viết gì, nên không có chuyện có hay không có khả năng trao đổi khoa học. Chú ý, tôi nghe thầy Nguyễn Văn Tỷ nói: trong sách 13 tác giả, chỉ có một nửa là bàn trực tiếp đến chuẩn hóa Akhar thrah, còn lại thì nói chuyện dạy và học. Cho nên việc “nói gộp” như thế, e không phải.
– Cái tôi quan tâm là tiếng nói, chứ không phải chữ viết, cho nên việc viết Akhar thrah khác nhau chút đỉnh hoàn toàn không quan trọng với tôi.
25 tuổi tôi đã viết cuốn Từ vựng học tiếng Chăm (cuốn này diễn trình trước trí thức Chăm ở Chakleng năm 1991). Tôi đã tham gia biên soạn 3 cuốn từ điển song ngữ Chăm Việt. Ở cuốn Từ điển đầu (KHXH, 1995) hay trong các tác phẩm nghiên cứu văn học, tôi viết Akhar thrah theo Từ điển Moussay. Ở Từ điển cuối (NXB Giáo dục) vì mục đích dùng trong nhà trường, nên tôi viết theo BBSSCC. Còn ở đặc san Tagalau, tôi viết cả hai, theo yêu cầu của mỗi tác giả. Và tôi không thấy chút trở ngại nào cả.
– Tôi cũng không bảo vệ lối chuẩn hóa Akhar thrah của BBSSCC, do đó không lí do gì tôi phải lên tiếng bênh vực này nọ.
Đơn giản, dù làm việc ở Ban, nhưng tôi không tham gia vào chuẩn hóa Akhar thrah của Ban. Ra khỏi Ban, tôi hoàn toàn không quyền lợi gì ở đó. Thời gian tôi ở trong Ban thẩm định sách giáo khoa dân tộc do Bộ thành lập ngắn hạn, tôi chỉ nhiệm vụ xem lại từ vựng – nghĩa và ngữ pháp.
4. Kết luận
Vì mấy nguyên do đó, nếu bà con nghe gì về Inrasara đọc email, viết email nặc danh, hay “không khả năng trao đổi” về Akhar thrah với ai đó, thì tuyệt đối chớ tin. Trên web Inrasara.com, cũng có vài bạn đọc bàn về vấn đề này, nhưng đó là chuyện của bạn đọc.
Nêu tên tôi ra để phê phán hay ca tụng, hoặc họ muốn mượn tên tôi, hay khích tôi vào cuộc cãi vả, vân vân… với mục đích gì đó tôi không thể biết, và không muốn biết.