Trần Hoài Nam: Sự phong phú về thể thơ trong sáng tác của Inrasara

Trích đoạn Luận văn Thạc sĩ: Trần Hoài Nam, Inrasara – Từ quan niệm đến phong cách, Luận văn Thạc sĩ khoa học, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2010

 

*

Inrasara sáng tác bằng rất nhiều thể thơ: thể thơ tự do (Thơ tự do có vần, Thơ tự do không vần), thơ văn xuôi,  thơ tân hình thức. Ngoài ra, Inrasara còn sử dụng rải rác các thể thơ cổ điển: lục bát, thơ năm chữ thơ bảy chữ thất ngôn tứ tuyệt, Thơ hai câu theo thể thơ Pauh Catwai của truyền thống thơ Chăm. Theo Trần Xuân Quỳnh [1] thống kê thì Inrasara chủ yếu sử dụng thể thơ tự do (100/ 138 bài chiếm 72 %), thơ tân hình thức (18/ 138 bài chiếm 13%),: lục bát (3/ 138 bài chiếm 2%),  ngũ ngôn (4/138 bài chiếm 2,8%), thơ  tứ tuyệt (8 bài chiếm 5,6%), thơ văn xuôi (4 bài chiếm 2,8%). Thể thơ tự do cũng là thể thơ đặc sắc nhất của Inrasara. Thơ tự do Inrasara mang đậm chất văn xuôi tự sự, ít vần, ít dấu câu, đan xen những câu ngắn dài – chủ yếu là những câu dài. Thơ ông không chịu bị đóng khung. Những vần thơ giàu sức sống thể hiện một hồn thơ đầy phóng khoáng, hồn hậu. Thơ tự do có thể không vần nhưng nhất thiết phải có nhịp điệu. Nhịp điệu quan trọng hơn cả. Ngôn ngữ mới – cần hình ảnh lạ – cần, nhưng chính nhịp điệu làm cho bài thơ tồn tại như một bài thơ. Những câu thơ sau đây, nhịp thơ nhanh, hình ảnh gần gũi, cụ thể, giọng thơ nghe như lời kể chuyện, tưởng chừng như khách quan, nhưng lại bộc lộ niềm trăn trở khôn nguôi về số phận con người.

con ma nào đưa tôi ngồi quán

 

tôi rơi vào mắt cô gái Chăm đầu tiên bán bia ôm

em ngồi sát vào khiến tôi rụt cái đầu con nít.

 ồ tôi có thể dòm gì, làm gì em cũng được

nhưng tôi muốn dòm / làm gì!?

đôi mắt em chuyển màu suy nghĩ tôi

có gì liên quan giữa bắp chân tròn thô đậm rơm rạ em với cặp giò thon thả vũ nữ Apsara xưa?

(“Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay”)

 

Ngược lại, thể thơ ngũ ngôn thường thể hiện những tình cảm dồn nén . Mỗi bài thơ ngũ ngôn (“Inrahani”, “Diệp Mi Lan”, “Thu”, “Hoài cảm 1”) lại mang đến cho người đọc một cảm giác mới lạ. Inrasara thường ngắt bốn câu thành một khổ. Mỗi khổ thường mang một ý trọn vẹn. Có khi Inrasara tách mỗi khổ thơ thành hai câu. Nhịp điệu trong mỗi khổ thơ thường hài hòa, nhịp nhàng, hô ứng. “Inrahani” là một ví dụ. Tôi và em luôn ở trong thế hài hòa và hô ứng. Khi tôi và em được nhắc đến ở những khổ thơ khác nhau:

Như đỉnh đầu ngọn lá

Mang chứa gió đại dương

Em đến từ tha phương

Mang tình yêu xứ xở

………………………

Tôi đến từ rách nát

Của vạn nỗi lạc lầm

Niềm đau dài phiêu bạt

Chiều cố quận dừng chân

Khi tôi và em đặt trong cùng một khổ thơ:

Là dòng sông quê hương

Tôi về nhìn tư lự

Em về soi nỗi nhớ

Ngày tháng làm tha phương.

 

Các bài thơ ngũ ngôn khác cũng tương tự:

Đôi khi đi giữa phố vui

Tôi thương về Plây cũ

Đôi khi sau cuộc chơi

Tôi chết trong hoài nhớ.

(“Hoài cảm 1”)

 

Thể thơ tứ tuyệt của Inrasara cũng có nét riêng: súc tích mà gợi mở. Bài thơ “Xa – gần” thể hiện vẻ đẹp và sứ mệnh của thơ.Glơng Anak thể hiện sự trường tồn, bất tử của một áng thi cổ. “Tứ tuyệt buồn” thể hiện những đổi thay của cuộc đời kéo theo sự hụt hẫng. “Cảm tác trên đồi tháp cổ” với một chùm thơ tứ tuyệt. Mỗi bài có một ý trọn vẹn nhưng đề mang âm vang hoài niệm:

Mưa xối xả trên đồi tháp cổ

Mưa nay có vọng tiếng mưa xưa

Mà nghe nghìn bước chân trong lá

Như cố nhân vừa qua cố đô.

(“Mưa”)

 

Thơ tứ tuyệt Inrasara có cấu tứ chặt chẽ và thường có xu hướng hoài cổ.

Thể thơ lục bát, ngoài một số ít bài thơ biến thể, mang đậm chất truyền thống từ việc sử dụng ngôn từ đến nhịp điệu. Làm thơ lục bát không phải là sở trường của Inrasara.

Thơ văn xuôi của Inrasara giàu hình ảnh, ngôn ngữ phong phú, linh hoạt, giọng thơ khỏe khoắn.

… Như bà mẹ vắt cạn bầu sữa dòng sông trầm mình nuôi lớn hai bờ cây. Cho mùa khô gió reo vào đường lá còn nghe vọng tiếng nói dòng sông

Hay khi ánh trăng soi cành xanh còn thấy động hình ảnh dòng sông gợn chảy. Hay khi trưa cháy nắng ngã mình dưới tàn cây anh nông dân còn được nhìn bóng dáng dòng sông.

(“Tặng phẩm của dòng sông”)

 

Mỗi thể thơ trên đều được Inrasara lựa chọn và sử dụng một cách linh hoạt. Chính điều đó đã làm nên một phong cách thơ mới vừa trầm sâu vừa phóng khoáng tự do, vừa truyền thống lại vừa cách tân. Nhưng công bằng mà nói thì thể thơ tự do vẫn là thành công hơn cả.

Văn chương luôn đòi hỏi sự sáng tạo. Ý thức tìm tòi, đổi mới trong sáng tác văn học, ở đây là việc sử dụng phong phú các thể thơ, của Inrasara là hiếm có trong văn giới.

 

[1]. Trần Xuân Quỳnh (2008), Thơ Inrasara, Luận văn thạc sĩ Ngữ Văn, Trường Đại học Đà Lạt.

 

 

One thought on “Trần Hoài Nam: Sự phong phú về thể thơ trong sáng tác của Inrasara

  1. Làm sao tôi đọc đươc nhiều văn chương nơi anh đây, đọc A thấy nhiều tâm sự, nặng lòng về nguồn cội. Tiếc biết về dân tộc A ít quá, một chút qua thơ Chế Lan Viên, một ít thông qua kiến trúc đền tháp, qua nắng gió Nam Trung Bộ, qua lịch sử mở mang bờ cõi của con dân Việt. Qua một vài thông tin về dấu ấn văn hóa Chăm qua tù binh, dân binh còn sót lại tại vùng Bắc Bộ. Chúng ta cùng một GIÀN nhưng là nhiều giống cây cho trái ngot. Mong được gặp A cùng cả tộc Chăm trường tồn kỳ lạ !

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *