Trần Hoài Nam: Chăm trong thơ Inrasara

Trích đoạn Luận văn Thạc sĩ: Trần Hoài Nam, Inrasara – Từ quan niệm đến phong cách, Luận văn Thạc sĩ khoa học, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2010

Inrajaya-46 

Thời đại chúng ta đang sống là thời đại của cá tính. Chỉ xét trong sáng tác thơ, có thể thấy sự bùng nổ về cá tính và phong cách. Nhiều tên tuổi đã để lại dấu ấn trong trang sử văn học đương đại, phải kể đến Lò Ngân Sủn, Lê Đạt, Trần Dần, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Hưng Quốc, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh… Trong đó, tiếng thơ Inrasara cũng là một tiếng thơ đặc biệt. Hòa vào dòng văn học đương đại, Inrasara cũng chú ý đến việc cách tân thơ nhưng cách tân theo một cách riêng. Sự cách tân trong sáng tác của nhà thơ người Chăm này trước hết là từ ý thức cách tân, rồi đến sự hòa nhập một cách tự nhiên giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Nói đến phong cách thơ Inrasara phải nói đến sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân tộc và hiện đại. Một hồn thơ nằm trong đáy sâu của linh hồn dân tộc Chăm với hình thức thơ tân kì.

Nhiều công trình nghiên cứu nhận định phong cách thơ Inrasara nằm giữa ranh giới truyền thống và hiện đại, yếu tố này chi phối cả nội dung và nghệ thuật thơ ông.

Phạm vi đề tài mà Inrasara thể hiện trong sáng tác của mình rất rộng: Suy tư về mình, Về dân tộc và văn hóa dân tộc, Ngôn ngữ dân tộc, Nét đẹp và tình yêu quê hương – Cuộc sống kham khổ nơi quê hương, Viết về bạn bè và người xung quanh, Cha mẹ, anh em, vợ con, Đối thoại với thời gian, Tình yêu, Chiến tranh, Triết lí cuộc đời, Tinh thần lạc quan, Suy nghĩ về nghề, Về tự do, Cảm thức vũ trụ,… Nhưng theo chúng tôi Mảng đề tài viết về những vấn đề liên quan đến dân tộc Chăm của Inrasara là đặc sắc nhất.

Nằm trong mạch nguồn chung của dòng thơ các dân tộc thiểu số đương đại, Inrasara đã mang đến cho nền văn học của chúng ta một thế giới Chăm đầy bản sắc. Inrasara sinh ra, trưởng thành bằng đất Chăm, nước Chăm, hơi thở Chăm, văn hóa Chăm, tâm hồn Chăm, trí tuệ Chăm… Chăm là ngọn nguồn của hồn thơ ông. Chăm là một dòng đề tài, dòng hiện thực, một dòng cảm hứng không bao giờ vơi cạn trong sáng tác của Inrasara.

 

1. Quê hương Chăm hiện lên tha thiết, nhức buốt

Người đọc có thể thấy đề tài quê hương Chăm bao trùm khắp các trang viết của Inrasara. Một cái nhìn của cha,  một nụ cười của mẹ, hay cô gái Chăm đội nước trong trời trưa nắng cháy; cũng có thể trong cái mơ hồ của câu ca dao hay sự hùng tráng của điệu trống, tháp Chàm, con sông Lu… Thơ Inrasara thể hiện nỗi thiếu quê hương trong tâm hồn con người. Với Inrasara, quê hương Chăm là nỗi ám ảnh thường trực. Theo tôi, điểm làm nên sự độc đáo trong đề tài quê hương của nhà thơ này chính là hình ảnh, hình tượng thơ vừa cụ thể vừa mới lạ, phong phú, gắn với đời sống thực, với văn hóa và lịch sử của dân tộc Chăm.

Trong Trường ca quê hương, quê hương Chăm hiện lên nhiều bình diện.  Đó là thực tại của quê hương nghèo với những con người khắc khổ lam lũ, còm cõi. Những hình ảnh thơ đặc trưng cho một miền quê hanh khô, đầy nắng gió của miền Trung : vú đồi khô khốc, không có cụm mây, không có giọt mưa… Đã thiếu thốn về vật chất lại nghèo nàn về tinh thần : không có bản tình ca thôn dã nên luôn khát niềm vui: Quê hương ôm sầu to lớn khôn khuây/ Quê hương đợi em về mang theo niềm vui nho nhỏ. Một quê hương như là huyền sử, ngay cả khái niệm không gian và thời gian cũng bị quên lãng: Quê hương em không biết đâu bến bờ tương lai, quá khứ/ Em không nhớ đâu là truyền kỳ, đâu là lịch sử. Một quê hương còn nhiều khiếm khuyết lại vẫn hằn sâu nỗi đau lịch sử (hồn ta còn trì nặng sâu mọt căm thù) nên cứ trì trệ, ì ạch mãi thôi. Có thể nhận thấy, Inrasara không thi vị hóa quê hương mình. Điều làm cho người ta cảm động là quê nghèo nhưng vẫn yêu quê hương. Quê hương là nỗi đau, là niềm nhức nhối không nguôi trong trái tim ông. Quê hương nghèo, lam lũ nhưng với Sara là niềm vui mỗi khi được trở về. Thi sĩ muốn mang niềm vui, niềm hy vọng  trọn vẹn cho quê hương: tôi mang hạt giống thu hoạch phương xa/gieo cánh đồng làng/ em nhân giống dân ca vào giai điệu mới/ bờ cỏ vang vang ngôn ngữ được mùa. Vậy là quê hương Chăm đã trở thành một tín niệm riêng trong thơ Inrasara: đau khổ, trầm luân mà  đầy yêu thương, hy vọng và tự hào.

 

2. Nền văn hóa Chăm đang thức dậy trong thơ Inrasara

Dân tộc Chăm cũng từng có một nền văn hóa rực rỡ trong lịch sử. Dấu tích nền văn hóa vĩ đại đó còn lại là những thánh địa Mĩ Sơn, tháp Chămpa…, những lễ tẩy trần, lễ hội Katê, những tiệc tùng Shiva,… những điệu múa Apsara, tiếng trống ginang, tiếng kèn xaranai, những trang thơ Glơng Anak, Pauh Catwai… Có bao nhiêu điều để những đứa con Chăm nói về Chăm một cách tự hào. Vậy mà nền văn hóa đồ sộ ấy có nguy cơ “yên nghỉ. Việc đánh thức một nền văn hóa đang lụi tàn là việc làm mất nhiều thời gian, tâm huyết mà ít khả năng mang lại lợi nhuận. Nhưng có một người đã làm – Inrasara. Và việc làm của ông cũng không vô ích. Ông đã cất công “làm thức dậy linh hồn Chăm, văn hoá Chăm [1] về các phương diện như: xã hội Chăm, văn hóa Chăm, văn học Chăm, ngôn ngữ Chăm, tiếng nói Chăm

Say mê nền văn hóa Chăm, văn hóa Chăm ngấm vào cốt tủy Inrasara rồi tràn vào sáng tác của ông. Nên thơ Inrasara mang một chất men Chăm rất riêng làm say người đọc. Dường như Inrasara không phải dụng công câu chữ như nhiều nhà thơ đương đại khác. Ông chỉ nói về Chăm. Nhưng chất thơ thì đã nằm sẵn trong Chăm mất rồi nên nói vẫn thành thơ, mà là thơ hay. Giản dị vậy thôi. Inrasara đã khái quát nền văn hóa Chăm trong hai câu thơ:

Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui

chịu chơi cả trong đau khổ

(“Ẩn ngữ Pauh Catwai”)

 

Nói đến nền văn hóa Chăm trước hết là phải nhắc đến Tháp Chămpa – tháp Chàm không chỉ là hiện thân của quê hương Chăm mà còn là hiện thân của văn hóa Chăm. Trong thơ Inrasara, Tháp Chàm muôn mặt ẩn chứa nhiều bí ẩn.

Tháp Chămpa ẩn mình trong dòng lịch sử của người Chăm, nó trường tồn, vĩnh cửu cùng thời gian, cô độc và mặc tưởng. Tháp Chàm có vị trí quan trọng trong đời sống cũng như trong tâm linh người Chăm bao đời nay.

700 năm tháp thét gào với bão

300 năm tháp lãng du thế giới cỏ cây

Ngàn năm sau tháp chuyện trò cát bụi

(“Tháp Chàm muôn mặt”)

 

Với cuộc sống ngày nay, tháp gắn với cuộc mưu sinh đầy gian nan của bao kiếp người.

Tháp cho nhà báo đề tài viết báo

số Katê môĩ năm

(tuần chay nào cũng có nước mắt)

kiếm ít tiền sài

cho nhà khảo cổ cơ hội ăn theo

tên tuổi.

(“Tháp Chàm muôn mặt”)

 

Tháp Chàm là nguồn thi hứng cho bao đời thi sĩ. Mỗi nhà thơ có cách nhìn, cách cảm riêng về tháp.

Chế Lan Viên trông dáng tháp gầy mòn

Sara ngó ra tháp nắng

Thu Nguyệt thấy dấu chấm than

Một tháp mà có bao kiểu ngộ (và ngộ nhận).

(“Tháp Chàm muôn mặt”)

 

Với cá nhân nhà thơ Inrasara, tháp thường trụ trong lòng ông, hay chính tâm hồn thi nhân thường trụ trong tâm hồn tháp: Tháp thường trụ trong lòng anh và tự cất lời thân phận (“Tháp lạnh”).

 

Inrasara đã phát hiện và miêu tả tháp Chàm bằng cả đôi mắt và tâm hồn của một nghệ sĩ tài hoa, tinh tế, nặng lòng với quê hương với dân tộc Chăm.

Không chỉ có tháp Chàm, thơ Inrasara ngập tràn không khí lễ hội, nhất là lễ hội Katê. Lễ hội Katê là một trong những lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hóa của người Chăm. Lễ hội là một tấm gương phản chiếu sinh hoạt của cộng đồng Chăm, nó hội tụ những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc Chăm. Thơ Inrasara đầy nắng, gió, mưa Katê, tiếng trống Ginang, Baranưng, dòng ariya, điệu kamơng, đua buk… và tình yêu Katê – Katê còn được xem là mùa khát khao luyến ái, sum vầy.

Mỗi tháng, mỗi mùa đợi em về chẳng được

Đành mong em về chỉ mỗi Katê sang

Katê nay em không về, làng ta trống hoác

Đồi tháp hết hoang rồi

Lòng anh sao cứ mãi trống hoang.

(“Tứ tuyệt buồn”)

 

Đặc biệt, trong sáng tác của nhà thơ người Chăm này, hình tượng những nàng vũ nữ Apsara dù là trong quá khứ hay trong hiện tại luôn là nỗi ám ảnh, nỗi nhức nhối khôn nguôi.

Những vòm ngực căng phồng ban mai

Những vòm ngực nung trầm suy tưởng

Hôm qua và ngàn sau

 

Nhảy múa giữa hoàng hôn

Đường cong bay bay chiều vụn nát

 

Bóng đêm tràn dài thung lũng khát

Nhảy múa gọi bình minh

Baranưng miệt mài ngàn năm vỗ

                                        (“Apsara – Vũ nữ Chàm”).

 

Yêu ngôn ngữ dân tộc Chăm cũng là một biểu hiện của tình yêu văn hóa Chăm.

Rồi anh thành Mường, Mông hay Khmer…

Thì có hề chi

Nếu ta còn bở ngỡ

Cứ bập bẹ chuyện lòng bằng tiếng mẹ.

                            (“Nếu”)

 

Thơ Inrasara hướng vào cái đẹp truyền thống và sinh hoạt thường nhật của người Chăm. Một cái đẹp rất riêng, rất đặc trưng. Đẹp nhưng bấp bênh, dễ bị tiêu vong nếu như mỗi người Chăm cũng như mỗi chúng ta  không biết giữ gìn tôn tạo và truyền bá cho mọi người cùng hiểu, cùng thưởng thức. Với Inrasara, sáng tác thơ không phải để nổi danh (mặc dù hiện nay, nhà thơ đã rất nổi tiếng) mà để khẳng định cái tâm – tấm lòng của mình với quê hương xứ sở. Có lẽ độc giả phải đọc những công trình về văn hóa, đời sống dân tộc Chăm của Inrasara và các cộng sự dày công nghiên cứu rồi đem soi vào chính những sáng tác thơ ông thì có thể kết luận: Cái gì có trong văn hóa, đời sống Chăm hầu như đều có trong thơ Inrasara. Không ít nhà thơ, nhà văn viết về Chăm. Đi vào đề tài này, Inrasara có thể thấy trước mặt ít nhất một cây đại thụ lớn – Chế Lan Viên. Điểm khác nhau giữa Inrasara và Chế Lan Viên là ở điểm nhìn. Chế Lan Viên nhìn dân tộc Chăm xuất phát từ hoàn cảnh chung của dân tộc (dân tộc Chăm nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung) còn Inrasara lại nhìn chủ yếu từ hoàn cảnh riêng của bản thân. Từ điểm nhìn này mà Chăm trong thơ Inrasara trở nên gần gũi, thân thuộc hơn các nhà thơ, nhà văn khác.

 

 

[1]: Trần Thiện Khanh (2009), “Nhà văn hóa Chăm Inrasara”, Tạp chí Văn Việt, số 13.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *