Trần Hoài Nam: Quan niệm văn chương của Inrasara

Trích đoạn Luận văn Thạc sĩ: Trần Hoài Nam, Inrasara – Từ quan niệm đến phong cách, Luận văn Thạc sĩ khoa học, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2010

 

2012-12 

Inrasara, nhà thơ dân tộc Chăm, là hiện tượng văn chương nổi bật. Ông là một nhà văn hóa, một nhà thơ, nhà văn, nhà lí luận phê bình văn học lớn của dân tộc Chăm có những đóng góp không nhỏ cho nền văn hóa văn học đương đại Việt Nam.

Inrasara là một người yêu văn chương, say mê sáng tạo, khao khát được sẻ chia. Trong sáng tác văn chương, Inrasara là một người thơ giàu cá tính với quan niệm thơ ca là công cuộc cách tân độc lập.

 

1. Thơ với quan niệm nhân sinh

Quan niệm nhân sinh của Inrasara  không chỉ thể hiện trên trong những lời bàn luận mà còn ở ngay chính trong sáng tác của ông. Trên văn đàn, Inrasara khẳng định: “Ở đâu và bất kì thời đại nào cũng có những tâm hồn đau khổ và tuyệt vọng. Chính nơi đó thi ca có mặt. Nhưng thơ có mặt không với tư cách chiếc bè cho cho sinh thể kia bấu víu mà như chất xúc tác làm cháy lên trong tâm hồn bóng tối tia lửa mới của hi vọng [1;303].

Quan niệm của Inrasara về cơ bản gặp gỡ quan điểm lí luận truyền thống. Nó đã định hướng đúng cho sáng tác cho nhà thơ người Chăm, tạo nên giá trị nhân sinh cho thơ ông. Điều đặc biệt là sáng tác của Inrasara luôn hướng đến những tâm hồn đau khổ tuyệt vọng, động viên, an ủi họ, tiếp thêm cho họ sinh khí, niềm tin vào tương lai. Trong sáng tác của mình, Inrasara không ít lần thể hiện sự dằn vặt, trăn trở trước những khiếm khuyết của người Chăm, những nỗi đau, những mặc cảm di hằn trong tâm hồn họ từ bao đời. Ông thành thực đem nhiệt huyết của mình truyền cho họ để họ có những định hướng đúng đắn và vững tin hơn trong cuộc sống mới, dưới ánh sáng của xã hội mới. Ngòi bút của Inrasara hướng tới mọi loại người, kiếp người, bất kể thân sơ. Có thể nói thơ ông đã đi vào mọi góc khuất trong cuộc sống, với cha mẹ, với vợ – người yêu, với con, với những người xung quanh, với cả những người hoàn toàn xa lạ mà ông được biết được nghe.

 

Hình ảnh những người dân ở chốn quê nghèo hiện lên trong nỗi xót xa của người con tha hương.

Quê hương em lũ trẻ con chơi bẩn

Những bà mẹ gầy còm, cụ già râu trắng

Những cô gái quê gánh nặng áo vai sờn

Quê hương có đàn dê, đàn trâu dưới nắng khỏa thân

Cô bé mục đồng chiều hôm không buồn nghêu ngao câu hát.

(Trường ca “Quê hương”)

 

Rồi đến hình ảnh tội nghiệp của những người con Chăm lạc loài giữa nơi phố phường đô hội vì cuộc mưu sinh đầy nghiệt ngã.

  … em lạc vào phố lạ

Em giặt giũ trong căn gác lạ

em thợ phụ trong xưởng may lạ

em hoảng hốt trong con hẻm lạ

Mang linh hồn đồng ruộng

em rụng vào đêm lạ

(“Chân dung nàng”).

 

Với nhân loại, ông cũng động lòng trắc ẩn.

Giữa ban ngày, ông thấy Mĩ

đánh nhau với Iraq

cánh tay và mảnh sọ người văng tung tóe vào

bữa tiệc chiều nơi một làng nghèo và xa

(“Thượng đế tụt hậu hay chuyện ông Klơng Man2”)

 

Con người trong thơ Inrasara thường là những con người cần cù, thuần phác, chịu thương, chịu khó, cả đời lam lũ, vất vả mưu sinh nhưng do những hạn chế của nhận thức, của hủ tục nên KHỔ. Inrasara luôn khao khát mang đến cho quê mình, cho con người quê mình những luồng sinh khí mới, đầy niềm tin và hy vọng.

Thực vậy, thơ ca, theo Inrasara, phải hòa nhập vào cuộc sống, phản ánh cuộc sống, tô điểm cho cuộc sống và thắp lên hi vọng sống của con người.

 

2. Thơ là con đường tìm về cội nguồn và tâm hồn dân tộc

Inrasara luôn có những cuộc hành trình trở về với cội nguồn và tâm hồn dân tộc mình. Đó chính là hành trình ông tìm về với quê hương tâm linh cũng chính là sự trở về với bản thể. Quê hương Chăm, văn hóa Chăm là nguồn thi liệu dồi dào cho sáng tác của Inrasara. Chúng tôi có thể khẳng định rằng: Không có nguồn thi liệu ấy thì không có nhà văn hóa Chăm – Inrasara là điều không phải bàn cãi đã đành, mà còn không thể có nhà thơ Inrasara.

Nơi Inrasara sinh ra là Phan Rang đầy nắng gió khô hanh với những con người nghèo khổ, tội nghiệp.

Tôi, đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung  nhỏ hẹp

Đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao

Đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét

Và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao

 

Khi người con của quê hương đã trưởng thành.

Tôi đụng đầu với chiến tranh

Tôi cụng đầu với áo cơm, cơ cấu , hiện sinh, hiện tượng.

(“Đứa con của đất”)

 

Và đứa con Chăm xa rời quê hương để tìm những điều mới mẻ. Nhưng ở bất kì một chân trời xa xôi nào, hình bóng quê hương vẫn canh cánh bên lòng, chỉ chờ ngày đoàn tụ. Càng đi xa, càng có điểm nhìn khách quan về quê hương càng nhận thức được sâu sắc hơn về quê hương lại càng yêu quê hương. Hành trình ra đi cũng lại chính là hành trình trở về của cái tôi trữ tình trong thơ Inrasara là như thế. Mỗi lần xa quê trở về là một lần nhà thơ Chăm lại tìm thấy những niềm vui mới vì mình đã mang những hy vọng từ phương xa trở về làm đẹp thêm cho quê hương.

Khi niềm vui tan trong nỗi đau vỡ hoang ánh nắng

tôi mang hạt giống thu hoạch phương xa gieo cánh đồng làng

em nhân giống dân ca vào giai điệu mới

bờ cỏ vang vang ngôn ngữ được mùa

(“Hạt mùa mới”).

 

3. Kiếm tìm sự cô đơn hay là kiếm tìm tự do cho sáng tạo (Quan niệm về nhà thơ) [28]

Mỗi lần Inrasara thử thách bản thân mình theo một phong cách mới là một lần thi sĩ này làm một cuộc thay máu cho thơ.Theo Inrasara, kiếm tìm sự cô đơn chính là kiếm tìm tự do cho sáng tạo. Cô đơn không còn là trạng thái cô độc và đau khổ, mà là niềm vui. Sự rỗng trong tâm hồn mở bờ cõi cho sáng tạo. Sáng tạo không phải là viết hay vẽ ra cái gì đó mới mà là tâm luôn mở, sạch, rỗng không để đón nhận cái mới ùa vào. Nó luôn được làm đầy và làm rỗng ngay sau đó. Tất cả là bây giờ duy nhất. Khi nhà thơ không còn vướng mắc vào cái gì: tri kiến, lí tưởng, phận sự, căm thù,… Tìm kiếm cô đơn cho sáng tạo bao gồm các giai đoạn: Cô đơn trong giai đoạn đầu tư thai nghén, khi đối diện với trang giấy/ màn hình trắng, cả lúc tác phẩm đã sinh hạ.

Quan niệm trên là một sự chia sẻ rất đỗi chân thành cho những người cầm bút. Inrasara không chấp nhận lối văn chương xu thời, con đường đưa văn chương đến ngõ cụt trong sáng tạo. Tiểu luận chính là một lời nhắn nhủ kịp thời để mỗi cây bút có dịp suy nghĩ nghiêm túc hơn về hướng đi và phong cách sáng tác của mình.

 

4Hành trình thơ là hành trình kiếm tìm cái khác lạ

Thi ca đương đại đang oằn mình để tự đi tìm những hướng đi mới. Đó là một hành trình khó nhọc. Theo Inrasara, “con người mang tinh thần sáng tạo luôn hướng vọng cái mới, phiêu lưu vào vùng chưa biết. Có thể trong phiêu lưu nặng chất cá thể này, họ gặp nhau ở vài điểm, từ đấy phát sinh trường phái văn nghệ… Trong khi nhà thơ cần giữ tinh thần độc lập tuyệt đối, đồng thời khoan hòa trong thái độ với cộng đồng (“khoan hòa” – hãy thử hiểu bằng tinh thần Trang Tử). Bởi chỉ thế thôi, chúng ta mới hy vọng hóa giải được xung đột muôn đời giữa con người – nghệ sĩ sáng tạo với con người công dân cư trú trong mỗi chúng ta [2]

Inrasara luôn đề cao chất cá thể. Chất cá thể chính là cái tạng thơ, cái riêng của mỗi nhà thơ, cái không lặp lại giữa nhà thơ này với nhà thơ khác. Đọc sáng tác của Inrasara, trong hành trình hơn mười năm (1996 – 2010), chúng tôi nhận thấy con người thơ này luôn tìm cách đổi mới mình. Ý thức tìm tòi, đổi mới trong sáng tác văn học của Inrasara là hiếm có trong văn giới. Trong một khoảng thời gian không dài, ông đã thử bút theo quan điểm của rất nhiều hệ mĩ học khác nhau. Ba tập thơ Tháp nắng, Sinh nhật cây xương rồng, Hành hương em được viết theo hệ mĩ học hậu lãng mạn, có hơi hướng hiện đại, bài cuối (“Những ý tưởng không mùa”) trong Hành hương em viết theo hướng hậu hiện đại. Tập Lễ Tẩy trần tháng Tư được viết theo quan điểm mĩ học hiện đại, có xu hướng chuyển sang hiện đại. Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức được sáng tác theo hướng hậu hiện đại. Việc sáng tạo qua cảm thức nghệ thuật của nhiều hệ mĩ học của Inrasara không thể đánh giá là ông quá tham lam, ôm đồm. Quả thực, không phải tất cả mọi sự thử nghiệm đều cho quả ngọt. Nhưng những sự thử nghiệm đó cho thấy sức tìm tòi phi thường của nhà thơ người Chăm này. Mỗi lần Inrasara thử thách bản thân mình theo một phong cách mới là một lần thi sĩ này làm một cuộc thay máu cho thơ.

 

5. Quan niệm về ngôn ngữ thơ

Trước hết, Inrasara quan niệm: “Thi sĩ là kẻ cư trú trong ngôn ngữ dân tộc nhưng vẫn cần phải trang bị một hệ thẩm mĩ mới, một phương pháp tiếp cận mới để có thể đến được với thơ hiện đại”[3]. Ý thức ấy được thể hiện trực tiếp trong những sáng tác thơ của Inrasara.

Người đứng canh

Giữa dòng ngôn ngữ hoang đãng

Phôi thai nơi góc khuất tâm hồn chốn trú ẩn linh thiêng

(“Kẻ canh đêm”)

 

Trong dòng ngôn ngữ hoang đãng, Inrasara cóp nhặt, tinh lọc từng từ, từng câu, từng nửa bài đồng dao, từng trang thơ cổ… để xây lâu đài thơ của riêng mình.

Một câu tục ngữ – một dòng ca dao

nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ

tôi tìm và nhặt

như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ

(những viên sỏi người lớn lơ đãng bước qua)

để xây lâu đài riêng mình tôi ở

lâu đài một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế.

(“Những ý tưởng không mùa”)

 

Yêu ngôn ngữ cũng chính là yêu truyền thống dân tộc.

tôi nhiều lần nằn nì vợ đừng nói bệnh hãy nói rwak

dạy thằng Út tập phát âm chuẩn jwai, panwơc, twei

lên lớp ông bạn chớ trò chuyện với con bằng thứ ngôn ngữ độn

ai người dạy tôi

(“Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay”)

 

Nhưng cũng có đôi lúc ngậm ngùi, xót xa.

Không ít bạn trách tôi mất thì giờ cho tiếng Chăm

có bao lăm kẻ đọc? Rồi sẽ còn ai nhớ?

nhưng tôi muốn lãng phí cả đời mình cho nó

dù chỉ còn dăm ba người

dù chỉ còn một người

hay ngay cả chẳng còn ai!

(“Những ý tưởng không mùa”)

 

Theo Jakobson, thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh. Quan niệm của Inrasara cũng tương tự: “Thường thì tôi bắt đầu một bài thơ qua gợi hứng từ chữ. Tôi thấy một chữ hay nắm lấy nó, tìm tứ và hình ảnh rồi khi bắt được nhịp thì bài thơ trào ra. Không có hoàn cảnh ra đời nào cả! Với tôi, một hoàn cảnh cụ thể nào đó ít khi cho ra đời một bài  thơ. Có, nhưng nó phải là ám ảnh” [4].

Như trên, chúng ta có thể thấy: quan niệm thơ của Inrasara mặc dù cũng ít nhiều có sự tiếp thu tinh thần văn chương đương đại (theo cảm thức hậu hiện đại) nhưng cái gốc vẫn là mang tinh thần truyền thống từ quan niệm về nhà thơ đến quan niệm về nội dung tư tưởng cũng như hình thức nghệ thuật thơ.

 

 [1] .Inrasara (2008), Song thoại với cái mới, tiểu luận, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.

[2]. Inrasara (2006), Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, NXB Văn nghệ, Hà Nội.

[3].Inrasara (7/1/2004), “Thi sĩ là kẻ cư trú trong ngôn ngữ dân tộc”, Báo Lao động, Hà Nội.

[4] .Nguyễn Đức Tùng, Thơ đến từ đâu?, Inrasara trả lời phỏng vấn, NXB Lao động, Hà Nội, 2010.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *