Đọc Thuyền trăng, tập thơ của Hồ Thế Hà, NXB Văn học, 2013
Báo Đà Nẵng cuối tuần, 5-5-2013
Đọc tập tiểu luận phê bình nào bất kì, đệ nhất ngán là cảm giác nhà phê bình không làm nổi một tập tiểu luận phê bình đúng nghĩa. Mấy chục bài báo viết rải rác hai, ba năm đổ lại được gom lại thành tập khoảng vài trăm trang, ta nghiễm nhiên kêu nó là tập tiểu luận phê bình. Tản mạn hay Cảm luận… gì gì đó. Đọc hết tập, ta không thấy đâu là tư tưởng nền tảng của nhà phê bình, mà chỉ thấy trích đoạn, bình với tán tùy tiện.
Bên thơ cũng không khác. Đại đa số nhà thơ Việt Nam không thói quen hay khái niệm làm ra một tập thơ. Các bài thơ lẻ được gom lại thành tập, thậm chí cùng chủ đề, nhưng rất ít nói lên được gì, nhất là không có một giọng điệu quán xuyến, để có thể gọi là tập thơ. Nhiều bài thơ gom lại thành tập không làm nên một tập thơ, là vậy.
Hồ Thế Hà từ phê bình chuyển sang thơ, lại là tập thơ thứ tư, người đọc hi vọng xảy ra điều gì khác. Hi vọng – không phải “hay”, mà chắc chắn phải “khác”: khác bằng ý thức về nỗi “gom lại” ấy, để tránh. Nhưng không. Đọc Thuyền trăng của Hồ Thế Hà, cảm tưởng chung vẫn vậy. Hệt bao nhà thơ khác. Đọc một lần, chưa thấy gì cụ thể cả. Vẫn tản mạn và lan man. Lần hai, mới mơ hồ cảm nhận điều gì đó.
Điều gì đó, chính là “định số”, “định mệnh” và sự “quẫy đạp” giữa vùng định mệnh kia.
Định mệnh có khi là thứ “không phải định mệnh mà là định mệnh”. Như định mệnh của “những người đàn bà che mặt”. Cái định mệnh từ đâu chụp lên số phận họ, không chừa trừ ai, vô phân biệt. Họ rủi ro sinh ra trong miền đất đó, hấp thu nền giáo dục đó, chấp nhận sự áp đặt bất khả cưỡng của nó. Tất cả.
Tôi đã thấy những người đàn bà che mặt
Trên những xứ sở văn minh và bất hạnh!
… Có lẽ trong bóng đen lặng thầm
Những người đàn bà nhận ánh sáng từ trái tim mình
Với khát vọng quẫy đạp
Mở toang bóng mờ tôn nghiêm độc ác
Để được đi dưới chói chang ánh trời mơ ước
(“Những người đàn bà che mặt”)
Có thể không? – Chưa thể biết được. Đã có những “quẫy đạp” đây đó, rồi “những người đàn bà che mặt” kia đã phải trả giá bằng bao sinh mạng: của những người đến giúp họ, và của chính họ. Như Nadia Anjuman, nữ nhà thơ trẻ tài hoa Afghanistan, bị bức hại chết vào ngày 5-11-2005, chỉ vì dám làm những bài thơ tình!
Đó là thứ định mệnh áp đặt. Áp đặt với đủ thứ nhân danh. Nhân danh tôn giáo hay ý thức hệ, nhân danh văn hóa với truyền thống, có khi họ mang cả đời sống vĩnh cửu ra nhân danh. Cá nhân ta đã từng chịu bao hệ lụy từ mấy nỗi nhân danh ấy. Nhưng cũng có loại định mệnh do vô tình hay vô tư của chính cá nhân ta tạo nên.
Cỏ vô tư
Sương vô tư
Ánh nắng mai cũng vô tư
Vậy mà chỉ có cỏ đau
Hạt sương đau
Làm sao ta không xót!
… Vậy mà đã bao lần
Tôi dẫm lên cỏ
Tôi dẫm lên sương
(“Vô tư”)
Tác nhân tạo nên định mệnh có thể là cả một hệ thống vô hình, cũng có thể chỉ là một cá thể hữu hình lù lù có mặt – là ta. Cho dù là hệ thống hay cá thể, tác hại của nó là vô cùng. Tác động đồng loạt cả tập thể rộng lớn, như với “những người đàn bà che mặt”; hoặc tác hại lên từng cá nhân đơn lẻ, như trường hợp Phùng Quán, cũng thế.
Điều quan yếu là, con người làm gì trước định mệnh vô tình và khắc nghiệt kia?
Nếu “những người đàn bà che mặt” từng “mang khát vọng quẫy đạp” và đã từng phản kháng, thì với Phùng Quán, tài hoa và khát khao đã dẫn đưa định mệnh ông sang hướng khác. “Tôi sẽ xách cổ định mệnh” – Beethoven kêu lên, trong một chiều định mệnh. Phùng Quán không la lên như thế. Ông làm khác – trước định mệnh oan khuất – có vẻ khiêm cung hơn nhưng không thiếu quyết liệt: “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy!”.
… Sự rung cảm nào như định mệnh
Cho ông thành nhà thơ áo nâu guốc mộc
Hát ca một đời chưa hết khát khao…
Ông viết trên trang giấy có kẻ giòng niềm vui, nỗi đau
Dù tình ca, du ca, bi ca hay hùng ca cũng thế
Một niềm tin da diết con người…
(“Cảm thức Phùng Quán”)
Còn chúng ta, những con người của ngày hôm nay đang chịu một thứ định mệnh riêng và chung, chúng ta làm gì? – Không có gì khác hơn tự thức self-consciousness. Tự thức mình chỉ là những mảnh vỡ của mênh mông văn bản. Nói như hậu hiện đại: con người là một văn bản. Văn bản được viết rất manh mún và đầy ngẫu nhiên bởi nền văn hóa và tín ngưỡng nào đó, nền giáo dục và phong thổ nào đó… Hắn phải tự thức và biết đặt câu hỏi:
Ôi, những mảnh vỡ có bao giờ lành?
Có bao giờ hoàn nguyên
Có bao giờ hồi sinh trong khát vọng sống?
… Sao con người không luôn luôn tròn đầy trong nhau?
Sao lại là những mảnh vỡ buốt nhức?
(“Những mảnh vỡ”)
Đòi hỏi “tròn đầy” hay “hoàn nguyên” gì gì khác, là điều bất khả, theo cách nhìn hậu hiện đại. Hậu hiện đại tự thức “toàn cầu” và hành động “cục bộ”. Nói như Krishnamurti: “Bạn thế nào thì thế giới thế ấy. Như vậy, vấn đề của bạn là vấn đề của thế giới…What you are, the world is. So your problem is the world’s problem…”. Nghĩa là không ai khác, chính chúng ta làm nên định phận chúng ta. Vậy muốn thay đổi định phận, chỉ bắt đầu từ cá nhân chúng ta, bằng hành động cụ thể nhất có thể.
Có bao giờ ta biết
Sự vô tư của mình?
… Để sáng nay
Tôi nhận ra sự vô tư
Nhiều khi chính là độc ác!
(“Vô tư”)
Biết hỏi, có nghĩa là trả lời được một nửa câu hỏi rồi.
Sài Gòn, 29-3-2013
Hồ Thế Hà là phó Giáo sư – Tiến sĩ mà làm thơ đọc rất được. Nhà thơ Inrasara bắt được mạch thơ của ông như kiểu bứt dây động rừng, là chìa khóa mở vào cánh rừng thơ ông. Rừng nhỏ thôi nhưng thế nào cũng cần có cửa, cũng cần có chìa khóa…