Inrasara: Trần Nhã My giữa hai bờ ảo – thực

Đọc Dỗi, tập thơ của Trần Nhã My, NXB Hội Nhà văn, 2012.

(tập thơ được Giải Sáng tác trẻ – Trung ương Liên hiệp Hội VH-NT Việt Nam 2012)

TranNhaMy-Bia

Đọc thơ Trần Nhã My như thể đi vào một vườn hoa trái. Vườn có nhiều loại trái, lắm loài hoa khác nhau, hoa nào cũng muốn ngắm, trái nào cũng muốn nếm thử. Có thể nói, Dỗi của Nhã My không có bài nào xuất sắc, nhưng cũng không có bài nào dở. Không có bài nào đáng phải bỏ đi.

Đọc thơ Trần Nhã My như thể đi vào một vùng kỉ niệm. Nhỏ và khuất. Hay nói như hậu hiện đại, chúng chỉ là tiểu tự sự. Bởi ở đó không tồn tại các các sự kiện to lớn ảnh hưởng đến đất nước, đến khu vực, mà là những kỉ niệm mang tính cá thể. Cũng không phải một cá thể đầy biến cố sôi động, mà là một cá nhân với sự việc thực, hay có khi với ước mơ không thực. Tất cả  gắn liền với ưu tư, mơ mộng của người thơ. Những kỉ niệm đầy say đắm, thoắt vui thoắt buồn, có cả hân hoan lẫn hụt hẫng.

Những lúc “Bên thác Phú Cường”, “Buổi sớm Hòa Hiệp” hay mấy bận “Đêm hồ Núi Cốc”; khi “Cà phê một mình”, lúc “Chờ tin anh”, người thơ nữ ấy vội vã “Phác thảo anh”. Để quên và để… nhớ. Nhưng thật lạ, câu chuyện thực và mơ ấy lắm lúc xảy ra ở thế giới ảo nhiều hơn là nơi cõi thực. Thế giới của internet! Hiếm có tập thơ nào chứa thuật ngữ mạng với các hạn từ thuộc thế giới này nhiều và đậm như ở Dỗi của Trần Nhã My. Yahoo, blog, comment, passwords, word, format, click, bàn phím, noline, chuột, email, list chat, nick name, virus, copy, sim, Vinaphone, Mobiphone, tin nhắn, số máy lạ

Trần Nhã My vui ở đó, mà buồn cũng ở đó. Ảo mà thực hơn cả thế giới thực, là vậy.

Nhưng dù gì thì gì, con người là một cá thể sống và ma sát giữa cộng đồng, tác động và chịu tác động bởi cộng đồng xung quanh. Người thơ không mãi cứ đắm chìm trong thế giới ảo. Trần Nhã My vẫn chịu chi phối bởi “Chuyện đời thường” đang xảy ra mỗi ngày. Của mua và bán, vần thơ và giai điệu, tình yêu đến và đi…

Chuyện đời thường không phải như thơ, không phải là bài hát

Là một ngày anh đi khỏi

Anh đi ra ngoài em

 

Chuyện đời thường

Em không còn nghe ai đọc thơ nữa

Bài hát anh để lại không ai có thể hát thế.

(“Chuyện đời thường”)

 

Chuyện đời thường có thể là thơ của một người bạn thơ nào đó, thân quen hay xa lạ. Vì Trần Nhã Mỹ không chỉ bị cầm tù bởi thế giới ảo, mà còn chịu xáo động, dày vò bởi những câu thơ rất thực. Do đó, cái buồn [hay vui] ở đây cũng rất thực:

câu thơ anh ma quái

nhốt em vào anh cầm tù em trong anh

(“Câu thơ của anh”)

 

Cũng có thể là hình bóng con cò, từ cõi ca dao chuyển sang đời thực, từ cái đẹp thơ mộng trong sách cũ thuở học trò chuyển dịch sang sự xấu ác trần trụi đẫm tính duy lợi của hôm nay, đã ảnh hưởng không ít đến buồn vui của Nhã My. Từ “Đàn cò cõng chữ bay lượn trời ca dao” hay “Từng đàn cò trắng phau phau/ Bay ngược miền ca dao mải miết” bẻ ngoặt sang “Rồi bặt tăm rồi tắt lịm/ Bóng cò xưa/ Tan vào khu đô thị, làng giải trí”. Một hình ảnh đang rất thơ, đột ngột chuyển sang gam màu đục ngầu chợ búa:

Thân cò bị cột thành chùm

Treo lủng lẳng trên tay các mẹ, các chị

Suốt dọc đường đến chợ huyện

Cái mỏ dài không giữ nổi câu thơ

Cái cẳng cao không dạo nên khúc nhạc

Đau lòng cò ơi…

(“Đau lòng cò ơi”)

 

Đây là bài thơ khá đặc sắc của Trần Nhã My. Vừa giàu tính nhân văn vừa có sự tìm tòi trong nghệ thuật thơ. Đặc sắc, bởi thi sĩ biết tạo liên tưởng giữa kí ức tươi đẹp, trong sáng cũ với hiện thực đen đúa mới. Hơn nữa, thi sĩ biết chọn cặp thi ảnh đối nghịch, tương phản để đánh thức nhân tính của con người, buộc họ suy nghĩ về hành vi vị lợi của mình ẩn chứa nguy cơ suy thoái của môi trường sống xung quanh.

 

Thế nhưng, thơ của người thơ đất Tây Ninh nắng “nung người” không chỉ có thế. Không thể chịu bị chi phối mãi trong thế giới ảo, không thể chịu bị mãi cầm tù trong những “câu thơ anh” dẫu chúng có ma quái tới đâu, càng không thể chịu để cuộc người ở đời thườmg làm cho tâm hồn teo tóp, ủ dột… Trần Nhã My lắm lúc cũng cương quyết đáo để. Cương quyết với chính thế giới cá thể của riêng mình. Giải thoát:

Xếp lại váy ngắn, váy dài, kem chống nắng, son môi

tất tần tật

cho bộ bà ba cũ vào ba lô

 

Hòa Hiệp… xanh rẫy cao su, chín đỏ vườn chôm chôm

tôi lạc giữa thiên nhiên tươi rói

 

Hoà Hiệp trong veo

không khói bụi

như đi biệt tăm tiếng xe cộ lầm rầm

suối Bà Sự rót trinh nguyên vào ngày mới

( “Buổi sớm Hòa Hiệp”)

 

Đó là tiếng reo vui mà bất kì thi sĩ nào cũng ao ước. Không phải sao?

 

Sài Gòn, 15-11-2012

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *