Ghi chép tháng 5-2011: Giải đáp về Buổi Giao lưu & Về nhận định mang tính cá nhân


1. Hội thảo thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn tại Hải Phòng do Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hải Phòng tổ chức, 15-5-2011. Ban Tổ chức gửi email mời tôi viết tham luận. Tôi rất phấn chấn. 5 ngày liên tục tìm tài liệu, dàn ý và viết. Tôi ủng hộ Mai Văn Phấn hết mình về làm mới thơ của anh.

Khi cầm giấy mời trên tay, tôi hơi cụt hứng. Dù bạn thơ bảo tất cả chi phí đi lại vân vân Sara miễn lo, nhưng trong thư mời không một dòng nào về khoản này. Nó có cái gì đó lấn cấn, nên tôi quyết định ở lại Sài Gòn để lo vụ Hàng mã kí ức. Không đi, biết bạn rất buồn và chính mình cũng chẳng vui, nhưng tôi không thể. Trưa 13-5 tôi nhắn tin cho bạn biết. Bạn rất bất ngờ, bạn phone bảo có cách nào Sara bay thẳng ra Hải Phòng kịp không? Ban Tổ chức đã lên chương trình Inrasara phát biểu đầu tiên của Hội thảo, còn các khoản chi phí thì đâu đó rồi.

Bất kì cái gì, tôi cũng muốn rành mạch, cơ quan hay tổ chức nào mời thì họ đặt vé trước hay có thông báo bằng giấy. Còn lại tôi chỉ lo về chuyên môn. Ở đây không hiểu sao – không.

Có bạn nói, thì Sara cứ làm như mọi người, hệt vài đại biểu ở xa: đi, đọc tham luận, nhận phong bì (không cần biết của ai), rồi về. Tôi bảo: – Không, mình cần rõ ràng, bạn à.

Cũng là một kinh nghiệm cần rút…

 

2. Bùi Chát của nhà xuất bản Giấy Vụn nhận Giải thưởng Tự do Xuất bản do International Publishers Association (IPA) Hiệp hội Nhà xuất bản Quốc tế trao tặng, tại Buenos Aires ngày 25-4-.2011. Về đến sân bay Tân Sơn Nhất anh bị an ninh giữ và làm việc trong 2 ngày. Báo chí ngoài nước đưa tin rầm rộ. Về vụ này nhiều văn nghệ sĩ ủng hộ MM với tư cách công dân nhưng không thích sáng tác của họ. Tôi thì khác. Tôi không rành chính trị, nên không ý kiến. Còn thì tôi đồng ý về thái độ thơ của Mở Miệng.

Văn học nói chung là tự do và vô chính phủ. Bất kì thời nào và ở bất kì đất nước nào. W. Whitman chẳng hạn, thơ ông bị đại đa số quần chúng Hoa Kì phỉ nhổ khi vừa ra mắt. Chính quyền nghi kị, sau đó ông mất việc tại Công ty. Nhưng chỉ vài chục năm sau thôi ông đã là nhà thơ vĩ đại nhất của Mỹ và được tôn vinh tiêu biểu tinh thần dân chủ Mỹ.

Hỏi tại sao Inrasara là Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam lại quan niệm như thế? Tôi nói: – Sinh hoạt thì vậy, còn sáng tạo tôi không THUỘC về đâu cả.

Không bên lề

không trung tâm

tôi trú trên đường biên

Không ngoài luồng

không chánh lưu

sống như thể không đường biên

 

Cũng chẳng có gì trầm trọng cả!

mỗi các ông cứ dựng chòi

mỗi các ông cứ có mặt như một biên giới.

 

Nghĩa là tôi Tự do từ nền tảng. Và vô điều kiện.

 

3. Sẵn Chế Vy và Phú vào chơi, anh em Chăm ở Sài Gòn ngồi với nhau tán chuyện Chăm. Có anh em đề nghị tôi nhóm họp cựu học sinh Pô-Klong, các bạn sẽ ủng hộ. Họ cho rằng Inrasara có khả năng tập hợp được: – quen việc – Inrasara thuộc lớp giữa bắc cầu lứa đàn anh và thế hệ đi sau – Inrasara đang có uy tín trong xã hội Chăm. Tôi – ừa. Nhưng về ngẫm lại, nhóm họp để làm gì nhỉ. Không có câu trả lời nào khả dĩ cả.

 

+ Sani phone hẹn gặp cà phê. Sani là con của một bạn học cũ thuở Pô-Klong (chị Dẫn). Múa hay, hoạt bát. Cô nàng nghe phong thanh tôi định làm phim, và rất muốn có một vai diễn.

– Sani muốn nói lời cảm ơn Sara, bởi chính nhờ đoạn thơ Sara mà Sani vẫn còn nhớ mình là Chăm, giữ mình là Chăm:

Con không thể chọn làm đứa con tổng thống Pháp hay cháu đích tôn quốc vương Brunei

con không thể chọn ra đời ở Thái Lan hay Mĩ quốc

con là Chăm ngay ban đầu vỡ ra tiếng khóc

(còn hơn thế: chín tháng mười ngày trước khi vỡ tiếng khóc)

khi con cắm rễ nơi đây

hay khi con lang bạt tận cùng trời

con cứ là Chăm cả lúc cháy lên cùng ngọn lửa cuối đời.

Tôi nói năm 2006, tôi cùng Minh Ngọc và Song Chi lên kịch bản phim truyện Đi tìm bản trường ca bỏ hoang. Tiến hành nửa chặng đường, đã ra tận làng Chăm hai ngày đêm nghiên cứu thực địa, báo chí ì xèo đưa tin rồi nhưng đành ngưng lại vì không đủ kinh phí (3 tỉ hồi đó đâu phải ít). Một đạo diễn ở Hà Nội cũng có kịch bản phim truyền hình 25 tập X 70 phút lấy cuộc đời Sara làm nền, nhưng chưa thể triển khai được. Riêng tôi còn có kịch bản phim về mối tình Chăm – Bàni nữa. Ừa, khi nào được, mình sẽ nhớ tới Sani.

 

4. Giao lưu với nhà văn Inrasara & Ra mắt Hàng mã kí ức 21-5-2011

Diễn biến thì tôi đã tường thuật đủ đầy. Chỉ xin có vài giải thích và vài nhận xét nhỏ thay câu trả lời cho các thắc mắc xung quanh buổi tọa đàm này.

– Buổi Giao lưu với nhà văn Inrasara & Ra mắt tiểu thuyết Hàng mã kí ức lẽ ra có thêm về cuốn Có 500 năm như thế và tác giả Hồ Trung Tú. Vì cùng đề tài. Và sẵn rạp hát luôn. Dự kiến trước đó là vậy. Nhưng không hiểu vì sao, phần hai bị cắt đi. Tôi không hỏi Cty về sự cố này, nên không biết lí do.

– Cty Phương Nam định tổ chức ở Đại học KHXH & NV, với trên dưới 300 người tham dự. Tôi nói: nếu chỉ giới thiệu sách thì làm vậy, còn giao lưu nên giới hạn 50-60 người là tốt nhất, có chất lượng hơn. Ban Tổ chức bên Cty đồng ý. Tôi mời 30 người, Cty mời số còn lại. Anh chị em Chăm có lẽ do cập nhật thông tin chậm, nên mãi gần hết hạn mới đăng kí. Cuối cùng con số trội gần 10 người. Cũng vui, sự thể nói lên độc giả Chăm quan tâm đến tác giả dân tộc mình và vấn đề cộng đồng. Rốt cục khách của tôi tới gần như đủ mặt, còn bên Cty chỉ trên dưới mươi người.

Chú ý: Tổ chức bất cứ hội thảo, bàn tròn hay họp mặt nào, từ cả nước cho đến riêng Chăm, tôi không chủ trương mời người nổi tiếng hay người có vai vế, mà mời chung. Ai quan tâm đến đề tài thì tới, không thì thôi. Đó là câu trả lời cho thắc mắc tại sao vắng người này, hay sao người nọ không đến. Tôi trọng tinh thần dân chủ trên hết.

– Về cách ý kiến. Theo dự kiến trước đó (về 2 tác phẩm), tôi có viết “Đề dẫn” và gợi ý câu hỏi cho tiện giao lưu. Sau khi chương trình bị cắt một nửa, tôi quyết bỏ phần này. Thứ nhất, tôi tin khách thính có đủ khả năng hỏi mà không lạc đề. Thứ hai, tôi muốn tôn trọng người đối thoại tuyệt đối. Tất cả đã là người có học nên diễn giả không phải cầm tay chỉ việc. Cạnh đó, tôi mong buổi nói chuyện diễn ra tự nhiên, không phải chỉ định ai phát biểu, hay người nào phát biểu trước, người nào sau.

Theo nhìn nhận chung, Buổi Giao lưu đã thành công lớn về mặt này.

– Chất lượng ý kiến. Bởi đây là lần đầu tiên Inrasara gặp mặt thính giả tổng hợp vừa Chăm vừa Kinh thuộc nhiều giới khác nhau, nên nếu có xảy ra vài lạc điệu thì không vấn đề gì cả.  Bài nói chuyện của tôi vo lại trong vòng 15 phút. Tôi không muốn nói về tác phẩm mình mà chủ yếu trình bày mang tính gợi mở cho độc giả có thể hỏi thẳng vào tác phẩm. Tiếc là nhiều người đã không hiểu ý này, nên vài câu hỏi lại đi vào các vấn đề Chăm. Là đề tài cần rất nhiều thời gian đi sâu phân tích, lí giải. Từ đó, nhiều câu hỏi buộc tôi phải trả lời cụt ngủn, chưa làm thỏa mãn người hỏi.

Sau đó tôi biết nhiều người còn muốn hỏi nữa, nhưng đã… hết giờ.

Dù sao đi nữa, Buổi Tọa đàm được mọi người và Ban Tổ chức đánh giá tốt và vui.

– Về chuyện cắt chương trình giao lưu với Hồ Trung Tú, không phải vì anh ngại đối mặt với các câu hỏi hóc búa hay Ban Tổ chức e cuộc ra mắt sẽ căng thẳng, như vài bạn nghĩ. Cả việc thay đổi tiêu đề Đi tìm bản trường ca bỏ hoang thành Giao lưu với nhà văn Inrasara & Ra mắt tiểu thuyết Hàng mã kí ức, không có vấn đề ngoài lề ở đây cả. Tác phẩm mới ra đời, bất kì Nhà Xuất bản cũng cần giới thiệu nó đến với độc giả. Vừa để bán sách vừa để quảng bá thương hiệu. Inrasara can thiệp vào nội dung và Cty Phương Nam đồng ý để anh chị em gặp mặt và thảo luận về vấn đề liên quan đến cộng đồng được như vậy, đã là quý rồi.

– Riêng đoạn kết cuốn Có 500 năm như thế của  Hồ Trung Tú, các bạn cứ xem đó là ý kiến cá nhân. Về vấn đề văn hóa, hay về cá nhân nào đó. Anh không đại diện cho ai cả. Chúng ta cần học biết chấp nhận các phát biểu đó, dù trái tai nhất (như vài ý kiến cá nhân phê phán các chuyện không có về cá nhân Inrasara vậy thôi). Trăm người mười ý, và ta không thể cải chính với cả thế giới. Nếu quan điểm đó sai lầm, thì nó không giá trị. Còn nếu ta có khả năng và cơ hội, ta giải minh để giúp họ “sáng mắt ra”. Còn không, một ý kiến chẳng hề tác hại đến ai cả. Căng thẳng vô ích. Do đó, tôi xin nhắc lại: cần phải biết đọc sách với tư duy độc lập đầy tính phản biện của một người đã trưởng thành.

 

5. Sáng 22-5-2011, Jaka và Hani qua Đại học Hoa Sen giao lưu với sinh viên của trường về vài khía cạnh của văn hóa Chăm, làng nghề thổ cẩm Caklaing và dệt thổ cẩm Chăm. Hai người về kể: tốt đẹp, bổ ích và vui.

Thuk siam!

 

 

 

3 thoughts on “Ghi chép tháng 5-2011: Giải đáp về Buổi Giao lưu & Về nhận định mang tính cá nhân

  1. THẤP THOÁNG PHAN RANG

    Tặng INRASARA

    Ai buồn như Tháp Cổ
    Gai xương rồng cựa đêm

    Ai dong xe thổ mộ
    Chở trảng cát qua thềm

    Ai cánh chim phiêu lữ
    Đậu líu lơ bên đàng

    Ai mơ hồn vũ nữ
    Phủ phất chiều Phan Rang

    TRẦN NGỌC TUẤN

    Gửi Anh bài thơ cũ mừng tác phẩm mới HÀNG MÃ KÍ ỨC.
    Kính chúc Anh mọi sự tốt đẹp.

    TNT

  2. Inra kể:
    “Bất kì việc gì, tôi muốn rành mạch, cơ quan hay tổ chức nào mời thì họ đặt vé trước hay có thông báo bằng giấy. Còn lại tôi chỉ lo về chuyên môn. Ở đây không hiểu sao – không.
    Có bạn nói, thì Sara cứ làm như mọi người, hệt vài đại biểu ở xa: đi, đọc tham luận, nhận phong bì (không cần biết của ai), rồi về. Tôi bảo: – Không, mình cần rõ ràng, bạn à”.

    Xử thế như vậy, theo bạn người Chăm có thông minh không?

  3. Inra viết:
    “Tổ chức bất cứ hội thảo, bàn tròn hay họp mặt nào, từ cả nước cho đến riêng Chăm, tôi không chủ trương mời người nổi tiếng hay người có vai vế, mà mời chung. Ai quan tâm thì đến, không thì thôi. Đó là câu trả lời cho thắc mắc tại sao vắng người này, hay sao người nọ không đến. Tôi trọng tinh thần dân chủ trên hết”.

    Đây là tinh thần dân chủ mới, tôi đồng ý. Chớ mà mời các nhà văn lụ khụ, các ngài tiến sĩ gật, các ông quan có tiếng mà không có nổi 1 ý kiến giá trị, thì VÔ ÍCH.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *