Kết thúc Hồ sơ Hồ Trung Tú

Giáo sĩ nhìn từ phía sau - Photo Inrajaya* Photo Inrajaya.

1. Mùa Đông năm 2011, sau những sôi nổi về vấn đề Hồ Trung Tú trên web Inrasara.com, nhân về quê ghé Trà Vigia, tôi có kể vui cho bạn. Trà buồn buồn: Chăm lạ, người ta mong tìm đến với mình mà mình cứ muốn xua người ta đi. Sao yut không cho mình hay, để mình viết cái gì đó để đánh tan hiểu lầm… Đầu tháng 4-2013, anh HVT bạn học cũ thuở Pô-Klong lớn hơn tôi 4 tuổi, đang buôn bán xa xứ, phone cho tôi:

– Trạm nè, anh đang ở Mĩ Sơn đây. Anh chắc chắn Mĩ Sơn là của Chăm mình, sao mầy nói là của người Việt?

– Anh thấy Sara nói vậy ở đâu thế? – Tôi hỏi.

– Tao đọc thấy trên Ch…

– Ông anh đọc một chiều rồi. Ông anh muốn hiểu đâu là sự thật không, Sara gửi “Hồ sơ Hồ Trung Tú” cho ông anh đọc nhé?

Ông bạn không thích nghe lời trái suy nghĩ cũ của mình, cứ tiếp tục nói… Thấy chả tới đâu, tôi nhẹ nhàng để máy xuống, đi làm công việc của mình. Dĩ nhiên ông bạn nói với khoảng trống, rồi mệt rồi nghỉ.

Vậy là đủ biết Hồ Trung Tú đã rất nổi tiếng trong cộng đồng Chăm, đến nỗi ông bạn nông dân bỏ ruộng đi buôn bán xa cũng nức tiếng. Và bàn. Dù không biết đầu đuôi, dù không có nhiều người Chăm mua sách của anh để đọc, vẫn cứ bàn.

 

2. Sáng nay, 3-5-2013, RFA có phát bài trả lời phỏng vấn tôi, ở đó có câu hỏi sau:

Hỏi: Anh có nhận định gì về quyển sách Có 500 năm như thế của nhà báo Hồ Trung Tú, một cuốn sách tạo được dư luận đáng kể?

– Tác phẩm Có 500 năm như thế là công trình giá trị. Giá trị hơn cả ở tính gợi mở của nó. Trong đó câu quan trọng nhất, là: “Chúng ta là người Chàm đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm”. Qua kết luận đầy quả cảm và chuẩn xác đó, ta không những truy ra lai lịch của dòng máu Chăm ở vùng đất Quảng, ở khắp dải đất miền Trung, mà cả ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam hôm nay nữa… Luận điểm của Hồ Trung Tú còn gợi ý về dấu vết văn hóa Chăm ở miền Bắc…

Hỏi: Theo tôi được biết cũng có vài ý kiến chê bai tác phẩm này, rằng nó được viết bởi nhà nghiên cứu nghiệp dư, rồi có vài chuyện khác nữa. Anh nghĩ thế nào?

– Do cuốn sách là công trình đầu tay của một nhà báo mà chê nó nghiệp dư, là một bất công lớn. Có ai là chuyên gia ngay từ khởi đầu đâu. Cuốn sách mở ra một hướng đi khác lạ và đầy hứng khởi như thế, là điểm son đáng quý trong nghiên cứu về Chăm nói riêng, và Việt Nam nói chung. Điều gây ngộ nhận là, ngay ở phần đầu, trong khi anh khẳng định xác đáng: “chúng ta là người Chàm đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm, thì ở phần kết luận, anh lại rất lủng củng và kém cỏi trong diễn đạt: “Mỹ Sơn chính là di sản của tổ tiên ta để lại, chứ không phải là của vương quốc Chămpa đã bị diệt vong. Đó là di sản văn hóa của người Việt chứ không phải của một nền văn minh bị biến mất”. Chính câu này đã khiến vài người có suy nghĩ không tốt về anh. Họ cho là anh muốn cướp di sản Chăm trao cho người Việt! Rồi Inrasara cũng vạ lây, chỉ vì đã viết bài giới thiệu cuốn sách ấy. Ẹ vậy! Cả thế giới biết đó là của Chăm mà, làm gì có chuyện cướp. Ví có tác giả nào viết bài cho làng Chakleng quê tôi là của người Việt, hỏi có ai thèm cãi không? Lủng củng thôi. Qua trao đổi trên website Inrasara.com, tác giả hứa sẽ chỉnh sửa khi tái bản tác phẩm. Và anh đã cắt bỏ nó đi.

 

3. Đây là đoạn Hồ Trung Tú cắt bỏ khi tái bản:

Vậy hà cớ gì chúng ta không nói một câu thật to rằng Mỹ Sơn chính là di sản của tổ tiên ta để lại, chứ không phải là của vương quốc Chămpa đã bị diệt vong. Đó là di sản văn hóa của người Việt chứ không phải của một nền văn minh bị biến mất như các tờ rơi du lịch giới thiệu. Nó bình đẳng với chùa Một Cột, Cổ Loa hay bất cứ thứ gì gây nên sự tự hào trong tâm hồn mỗi người dân Việt. Đó là đoạn ở trang 218-219 bản cũ, ở bản in mới trang 247 không có.

Do tinh thần làm việc của tôi trong bài “Tổng kết 4 sự cố văn hóa Chăm & những ứng xử cuộc người” cùng các thảo luận thật lòng của độc giả, đăng trên web Inrasara.com mà anh đi đến quyết định trên:

Trước một sự thể ta cho là “sai lầm”, có mấy cách phản ứng sau: Kết án, quy chụp và tìm mọi cách đánh gục đối phương, không cho đối phương một nửa đường trở về để có thể gọi là cải tà quy chánh. Đó là lối hành xử của kẻ có xu hướng chính trị. Quyết liệt tranh đấu cho cái ta cho là “đúng”, dù quyết liệt đó gây tổn thương cho đối tượng. Nhà khoa học cực đoan hay chọn lối này. Nhà minh triết thì khác: Không chạy trốn vấn đề mà điềm tĩnh tìm cách minh giải để có thể hóa giải vấn đề và hòa giải nỗi người. Từ đó mở lối cho đối tượng phục thiện trong chân trời của sự bao dung”.(*)

Hay từ nguyên do nào khác thì tôi không biết được. Dù sao, anh đã nghe lọt tại, và đã cắt bỏ nó.

 

4. Ở bản in lần hai: Có 500 năm như thế, NXB Đà Nẵng, 10-2012, lời giới thiệu của Inrasara chẳng những không thấy xuất hiện, mà ngay đoạn ngắn trích ở bìa 4 của bản cũ cũng mất tiêu! Lần trước, HTT bảo do nhà xuất bản cắt, còn bận này thì do-bởi-tại-vì sao, tôi không hiểu được.(*)

Từ khi nhập cuộc chữ nghĩa, tôi chưa hề có ý định mời nhân vật uy tín viết lời giới thiệu hay “tựa” cho tác phẩm mình. Cuốn nghiên cứu đầu tay: Văn học Chăm khái luận, là do Phú Văn Hẳn giới thiệu tôi làm quen với GS Nguyễn Tấn Đắc, rồi nhà xuất bản mời ông viết. Sách tái bản, dù in ở nhà xuất bản khác – tôn trọng ông, tôi vẫn giữ nguyên lời tựa đó. Còn sáng tác đầu tay: Tháp nắng; bản thảo do chính nhà thơ Nông Quốc Chấn (lúc đó đang rất thế giá) cầm đi xin giấy phép. Non 2 năm – không được; ông viết giới thiệu – cũng không được. Năm sau, nhà xuất bản Thanh niên in, họ bỏ lời giới thiệu của ông (không có gì sai). Khi in tập thơ thứ hai: Sinh nhật cây xương rồng, vì quý trọng tình cảm của ông, tôi mang bài viết in ở phần “bạt”.

Ngược lại, bạn văn mời viết lời giới thiệu cho tác phẩm sắp in, tôi tối kị. Tôi chỉ viết, khi tác phẩm đã xuất bản, hoặc cho những người thật thâm tình thôi. Lí do, năm 1998, lần đầu tiên trong đời tôi được nhờ đến. Nhà văn TXA – bạn người Việt đầu tiên của tôi ở Sài Gòn, nhờ viết lời tựa cho tiểu thuyết sắp in, tôi viết, rồi nhà xuất bản… cất! Từ đó tôi dặn lòng là sẽ KHÔNG bao giờ tái phạm nữa, dù mỗi năm, tôi nhận đến không dưới mươi lời mời. Thế rồi, do nghệ sĩ tính khó trị, hứng lên, tôi lại viết. Hồ Trung Tú nằm trong trường hợp nổi hứng hốt nhiên đó.

Năm nay tôi vừa tái phạm: Viết lời giới thiệu 7 trang cho một cuốn tiểu thuyết đang rất rình rang trên văn đàn. Mô phật! nhà xuất bản đã không cắt bỏ chữ nào.

 

5. “Hồ sơ Hồ Trung Tú” gồm thư từ trao đổi qua lại giữa tôi và HTT và bạn trẻ cùng các bài viết và cả “phản hồi” của độc giả Inrasara.com ngay từ khởi sự cho đến khi anh hứa sửa chữa đoạn thượng dẫn trong một phản hồi. Tất cả gồm 50 trang A4, tôi lưu hồ sơ làm tư liệu… lịch sử, chứ không phổ biến. Tôi còn gửi nó cho một bạn thơ duy nhất, cất giữ và nhắn chỉ đọc riêng.

Nay thì mọi việc đã ổn. Tôi xin quyết toán nợ nần tại đây.

Heleh… Thuk siam!

 

Sài Gòn, 4-5-2013

 

____________________

 

(*) Xem thêm: “Tổng kết 4 sự cố văn hóa Chăm & những ứng xử cuộc người”

Câu chuyên kéo dài qua nhiều giai đoạn.

Tôi và HTT chưa gặp mặt hay thân quen. Tháng 5-2009, người nhà của HTT gửi bản thảo cho tôi và nhắn [nếu hứng] Inrasara viết giới thiệu. Tác phẩm có đoạn kết ở cuối sách (in đậm): Mỹ Sơn chính là di sản của tổ tiên ta để lại, chứ không phải là của vương quốc Chămpa đã bị diệt vong. Đó là di sản văn hóa của người Việt chứ không phải của một nền văn minh bị biến mất…”. Tôi thấy đây là công trình tốt, nên nhận giới thiệu. Còn đoạn kết “sai” và “mâu thuẫn” (chữ tôi dùng trong thư gửi HTT, 25-4-2009), tôi đề nghị tác giả chỉnh sửa. Tác giả hứa sẽ xem lại. Tháng 2-2011, Có 500 năm như thế ra đời. “Lời giới thiệu” bị bỏ hẳn, chỉ chừa một đoạn ngắn in ở bìa 4.

Ngày 11-2-2011, tôi đăng “Lời giới thiệu” lên Inrasara.com. 2 tháng, có khoảng 70 “phản hồi”. Đa số cho rằng cuốn sách giá trị, rất đáng đọc dù đoạn kết “hỏng”, “không ổn”. 2 ý kiến kết án HTT toan “cướp” di sản dân tộc Chăm. 1 ý kiến cho là Inrasara “đồng lõa” với HTT khi ca tụng tác phẩm. Sau khi nhận phản hồi từ độc giả, HTT vẫn một mực cho mình đúng. Riêng tôi, sau bức thư riêng nêu chỗ “sai”, “mâu thuẫn” chủ yếu giúp tác giả chỉnh sửa trước khi in; và dù HTT không “nghe” lời, nhưng tôi không phê phán anh sau đó mà chỉ giúp anh nhận rõ sự việc đồng thời chỉ ra cho bạn đọc thấy đó chỉ là “hỏng hóc” ở cách diễn đạt.

[Đến hôm nay mà còn bàn Mỹ Sơn là di sản của Chăm hay Việt thì không khác gì chuyện trâu đực đẻ con trong truyện cổ Chăm. Ví có ai nổi hứng viết cuốn sách chứng minh làng Caklaing là của dân tộc nào đó chứ không phải Chăm, hỏi dân Caklaing có ai thèm cãi không?].

– Kết quả: rốt cùng, ở phản hồi, HTT vẫn “nghe” ra là nó “lủng củng” và hứa sẽ “chính sửa”.

 

31 thoughts on “Kết thúc Hồ sơ Hồ Trung Tú

  1. Ông Hồ Trung Tú cắt bỏ đoạn về Mĩ Sơn như đã làm là khôn. Nhà thơ Inrasara giúp đỡ Hồ Trung Tú thấy mình lỡ dại như thế, cũng là khôn.
    Ông Tú đã VỨT BỎ “lời giới thiệu” của nhà thơ Chăm Inrasara, vậy mà nhà thơ người Chăm Inrasara vẫn có những lời rất trân trọng dành cho sách ông trên RFA, thế mới cao tay.
    Đàn anh biết chỉ bảo đàn em, người có tài hơn biết trân trọng người có tài, mà KHÔNG thèm giận, mới là thông minh.
    Theo tôi, cả hai đều HAY!!!!

  2. Nhà báo HTT cắt bỏ chuyện Mỹ Sơn không phải vì lời nói lịch sự của nhà thơ Inrasara đâu, mà vì sợ bị Champaka chửi thôi.
    Tôi thấy nhà báo này thiếu văn minh: người ta viết tựa cho mình, nếu muốn bỏ đi thì ít ra cũng phải nói một tiếng chớ, đằng này lại câm như hến – là bất lịch sự.
    Thứ hai nữa, là ông này có thái độ rất đáng chê trách là, qua cầu rút ván: lợi dụng danh tiếng của nhà thơ Inrasara, khi xong việc rồi vứt. Đó là thái độ mà một trí thức không bao giờ làm.
    Cho nên tôi mới kết luận là ông ta không phải sợ vì lời phải trái, mà sợ bị chửi mà cắt bỏ đoạn đó thôi.

  3. Không đồng ý với độc giả KKK.
    Nhất trí cao với chị Hạnh: Ông Tú rất mất lịch sự. Chỉ xin sửa, không phải là qua cầu rút ván mà là ăn cháo đái bát.
    Anh Inrasara hiền quá, nên có lần lúc bàn về sự cố Nguyễn Thành Thống có ông thầy chê anh hiền quá thành khờ (chuyện này anh kể lại chớ không phải tôi đâu). Mà có phải ứng xử với người Kinh đâu, với nhà nghiên cứu người Chăm VM, anh cũng hiền quá, để đàn em ăn hiếp qua mặt.

  4. Chúng ta nên bỏ qua những sai lầm mang tính chất cá nhân. Hãy nghĩ đến những cái được lớn hơn từ Có 500 năm như thế của HTT mang lại và khai sáng nên. Những mảnh vụn Chăm dọc dải miền Trung đang tìm lại với nhau như một quy luật vô hình mãnh liệt của dòng máu. Nó hoàn toàn mang tính chất nhân văn sâu sắc, không toan tính, ngoài một sai lầm ngớ ngẩn kia (đã được HTT thừa nhận và sửa đổi). Nếu có toan tính điều gì thì, người ta không dại gì bỏ công sức ra nghiên cứu một công trình mang tính chất nhân văn như thế. Tôi nghĩ đó là cái lớn mà HTT đã làm được, trong khi trong Chăm ta và cả những người mang dòng máu Chăm lưu lạc kia, trong thâm tâm có thể đã thừa nhận nhưng chưa ai làm được.
    Nếu chúng ta cứ quả quyết cho cái đúng được xem là tất nhiên của mình mà bác đi tất cả, thì biết đâu trong tương lai, Chăm làng Hui Hui (Hải Nam – TQ), Chăm Cambodia, Chăm Philipine, Chăm Sumatra (Chăm tứ xứ – có thể lắm chứ) sẽ mãi mãi là những mảnh vụn không thể có ‘Như chưa hề có cuộc chia ly’…

  5. Tui rất khoái ý của anh Jalo_panrang. HTT sai sót về ứng xử thui. Chú Sara biết lâu rùi (sách in lại từ năm ngoái mà) và chú ấy đã sapa, vậy mà anh em ta cứ dện vào đó, ngó bộ hổng được rùi. Chú Sara biết, vậy mà chú ấy vẫn trả lời rất oách về HTT, rồi còn bênh ông ta nữa.
    Bác Trà Vigia có lẽ cũng nghĩ vậy. Cướp bóc gì ở đây, mà ta la làng la xóm. Tầm vóc của bác Trà và chú Sara nghĩ thì có khác, không giống vài nhà nghiên cứu bé con lắt nhắt vỗ ngực nói cho oai đâu. Hiểu biết tới chỗ mô có vào cuộc rùi mới lộ ra. Thấy là thấy cỡ đó.
    Còn ông HTT sai thì kệ ổng. Chú Sara muốn “kết thúc” hồ sơ nên mới kể ra cho ta thưởng thức, mà vỗ tay. Nào vỗ tay đi, anh em!

  6. Các bạn giận dỗi vì có lẽ các bạn cho rằng HTT xem thường nhà thơ Inrasara. Hay lý do khác nữa. Sai rồi. Đó là các bạn chưa hiểu báo chí Việt Nam. Có bao giờ các bạn thấy báo chi xin lỗi ai chưa, in của người ta còn không biết xin phép nữa đó. HTT là nhà báo, ông không bỏ được quán tính báo chí đó.

  7. Khi bác INRA nêu vụ bỏ lời giới thiệu của anh Tú mà không cho bác biết, không phải bác ấy trách, mà chỉ nhắc và dạy cho anh nhà báo này bài học làm người. Theo tôi, còn lại là bác INRA vẫn đánh giá công trình HTT cao, tôn trọng cống hiến của nhà báo này.

  8. Sao các bác không đọc kỹ bài viết trước khi phán cho khỏi buồn nhau nhỉ!
    Chuyện cắt bỏ lời tựa, Inrasara đã gợi cho chúng ta biết một số là do NXB tự cắt kia mà. Chúng ta chưa biết chắc chắn điều đó nhưng cứ quy tội thì không khách quan tí nào cả.

  9. Bạn Jalo_panrang quá bênh ông Tú thành ra bị lộ hàng rồi.
    Chính ông không đọc kĩ mà kêu tụi này không đọc kĩ. In lần đầu, có vụ cắt khúc để quảng cáo sách, là ông Tú tin cho ông Inrasara hay. Và ông Inrasara đã chịu trận. Còn khi tái bản, lời giới thiệu kia bị BỎ luôn. Nguyễn tôi xin hỏi: Ai bỏ? Nếu nhà xuất bản bỏ, thì sao ông nhà báo (hại) này không có một lời với ông nhà thơ nọ??? Hay ông len lén bỏ, vì lý do gì có trời biết.
    Do thái độ hớ hênh thiếu văn minh đó, cho nên ông Inrasara mới mang vụ viết tựa hay được mời viết giới thiệu của chính mình ra so đo, để mà “kết thúc”.
    Và vì chuyện quá bất lịch sự này nên thiên hạ mới la ông nhà báo tập tò nghiên cứu. Thấy ra chưa, hỉ?

  10. Jalo_panrang sơ ý thôi mà Nguyễn làm dữ quá!
    Ý bạn Jalo là rất tốt. Ông Tú biết lỗi và ông lẳng lặng xóa bỏ rồi.
    Thôi, mong cho tốt lành.

  11. Các bạn nói nhiều điều còn mơ hồ lắm. Tôi vừa giở ra đọc lại “phản hồi” của HTT kì thảo luận trước. Đây là tiến trình tâm lý của HTT:
    1/- Nhờ Inrasara viết tựa: vừa mặc cảm vừa kiêu hãnh.
    2/- Bị “đánh” vì đoạn kết luận: giận lẩy. Tâm lí này thể hiện rõ nét ở “phản hồi”.
    3/- Bỏ nguyên văn lời giới thiệu mà không báo cho ông Inrasara biết: âm thầm, lại vì mặc cảm.
    4/- Im lặng: Cuối cùng là tâm lý phó mặc. Kệ! Dẫu sao ta cũng có giải thưởng dành cho sách hay về mục dấu ấn mới rồi!

  12. Các bạn và bà con thân mến!
    Viết thì có đúng có sai. Biết sai và sửa, là thái độ cầu thị. Còn chuyện ngoài lề, bỏ qua là được rồi. Vả lại, không nên nặng lời với nhau. Giả dụ, nếu anh Tú sai, mà tôi nặng lời với anh, hỏi anh có chịu sửa không? Hay nếu sửa, thì anh có vui vẻ không?
    Điều tích cực dễ thấy ở đây là: anh Tú đã giữ đúng lời hứa với độc giả Inrasara.com. Và đã sửa. Chúc anh có nhiều công trình hay và giá trị hơn.
    Thuk siam cho tất cả!

  13. Tôi không đồng ý với nhà thơ sara: Viết thì có đúng có sai”
    Nếu là một tác phẩm văn học thì yếu tố sai hoặc đúng là do hư cấu không phải là vấn đề
    Tác phẩm Có 500 năm như thế” Của HTT như bài điều tra xã hội hay tư liệu lịch sử về sau này.
    Liệu HTT không sửa đoạn sai như nhà thơ khẳng định thì 500 nữa có ai biết được sự tồn tại của Champa hay Thánh địa mỹ sơn là của Champa.
    Vì vậy vấn đề Chữ Viết của người Chăm đã tranh luận đến bây giờ chưa xong cũng từ quan niệm “VIẾT THÌ CÓ ĐÚNG CÓ SAI”. Đây là một lối suy nghĩ không hay để thế hệ trẻ người Chăm học tập.
    Làm gì và viết gì hãy có trách nhiệm với việc mình làm.

  14. Bạn Daovan thân mến!
    Hiếm có nhà phê bình văn học nào đánh giá một tác phẩm văn học về chuyện đúng sai (có, nhưng rất thứ yếu), chỉ có tác phẩm hay với tác phẩm dở thôi, bạn à.
    Còn về nghiên cứu, không có công trình nào là hoàn hảo cả. “Viết thì có đúng có sai” là vậy. Dĩ nhiên khi khởi sự, ý hướng của nhà nghiên cứu là hạn chế tối đa cái sai. Không có tác phẩm nghiên cứu khoa học xã hội nào chuẩn xác tuyệt đối. Đòi hỏi nó đúng tuyệt đối là đi ngược lại tính nghiêm xác của tác phẩm thuộc thể loại này.
    Cho nên, cùng đề tài, luôn có công trình tiếp theo, của tác giả khác, hay có khi của chính tác giả đó. Tác phẩm tiếp đó xuất hiện, không phải loại bỏ tác phẩm đi trước, mà tiếp nhận – bổ sung – chỉnh sửa. Hoặc được viết qua lăng kính (lí thuyết nghiên cứu) khác.
    Ví dụ, về văn học sử Việt Nam, sau cuốn Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, đã có hơn 10 tác phẩm khác ra đời: dày hơn, chính xác hơn, và tương đối đầy đủ hơn.
    Cả hai nguyên lí trên là của nhà lí thuyết trên thế giới, chứ không phải do Inrasara phát kiến mà nói ra, bạn à.
    Riêng tác phẩm HTT, anh có nhiều cái đúng, ít cái sai. Thấy sai mà sửa, là tốt. Nhưng đâu phải đã hết sai! In kì ba, anh còn sửa nữa, tôi tin chắc thế.
    Thuk siam!

  15. Ông Daovan phê Sara “viết thì có đúng có sai”, nghĩa là ông khẳng định: viết thì phải đúng. Phán vậy thì chết người ta hết rồi còn gì. Vậy là tất cả sách nghiên cứu trên thế giới đều đúng hết sao???
    Điều này làm tôi nhớ có nhà nghiên cứu trẻ người Chăm nọ ra sách xong đã cá với mọi người là ai tìm ra cái sai của ông ta, ông ta sẽ đãi chầu gì đó. Cuối cùng người ta lượm được cả mấy đống cái sai đó. Muối chưa!!!
    Còn ông Daovan nói qua chữ nghĩa thì lạc đề rồi.

  16. Tôi nhìn thấy đầu óc của Daovan có vấn đề, vậy mà ông Inrasara nói lý thuyết dài dòng làm sao anh ta hiểu nổi. Vấn đề là thế này:
    – Hiểu biết của con người là có giới hạn, một cuốn sách do con người viết cũng có hạn chế của nó. Nói “viết có đúng có sai” là vậy. Học thuyết Các Mác ai cũng kêu đúng đến nỗi nửa thế giới đi theo, vậy mà bây giờ người ta còn chứng minh nó sai mà.
    – Cách Daovan hiểu như thế này mới có vấn đề nặng: “Liệu HTT không sửa đoạn sai như nhà thơ khẳng định thì 500 nữa có ai biết được sự tồn tại của Champa hay Thánh địa mỹ sơn là của Champa.”
    Đây là câu hỏi rất ngớ ngẩn!!! Đúng là anh chàng này lo bò trắng răng.
    Ông Tú có là thánh đâu, mà cái chi ông kết luận đều mọi người nghe. Giả dụ ông không sửa đoạn đó, thế giới vẫn coi Mỹ Sơn là của Champa mà.

  17. Chăm mình cứ ai nói trái ý mình là mình muốn chưởi. Chửi có giải quyết được vấn đề gì đâu, vậy mà ta cứ ham chửi. Phải thật bình tĩnh suy luận, tìm lời lẽ thuyết phục đúng thì người ta mới nghe.
    Cả khi ta bị phê phán cũng vậy, ta cứ phản ứng lại bằng ngôn lời rất gay gắt.
    Theo tôi ta phải ôn tồn và khiêm tốn, người ta mới nghe. Có khi ta không cần cãi lại, cũng có đống người hiểu ta. Cần gì…

    Về cái vấn đề HTT, tối nhất trí với anh Trần Sáng là một cuốn sách của ông Tú không là gì cả. Bọn trẻ Chăm không đọc nhiều, nên bị nó ám hại. Trong khi đó nó chỉ là tác phẩm đầu tay của một nhà báo, có hay có dở, dở thì ta bỏ, hay thì ta học. Chớ nó không phải là Kinh cho ai ai cũng nghe theo.

  18. Đàng Phan Rang nói phải lắm. Trưa hè oi bức, nhân đang đọc ‘Tâm hồn cao thượng từ những điều bình dị của Hà Thuyên, tôi sưu tầm được mấy câu thấy cũng hay hay:

    Nếu đóng cửa với mọi sai lầm thì chân lý sẽ vào nhà bạn bằng lối nào. – R.TAGORE

    Người đời có hai cái lầm to lớn: Một là bất chấp đến lý. Hai là chỉ chấp nhận có lý mà không hiểu được tình. – PASCAL

    Điều khó nhất là ta hiểu ta; Điều dể nhất là nói xấu kẻ khác. – THALES

  19. Chào chú sara
    Cả thế giới biết Thánh Địa Mỹ Sơn là của Champa nhưng tại sao tác giả HTT đã bỏ công siêu tầm tài liệu để viết sách nhưng lại không biết , Đầu tác phẩm tác giả viết“Chúng ta là người Chàm đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm” nhưng cuối lại kết luận “Vậy hà cớ gì chúng ta không nói một câu thật to rằng Mỹ Sơn chính là di sản của tổ tiên ta để lại, chứ không phải là của vương quốc Chămpa đã bị diệt vong. Đó là di sản văn hóa của người Việt chứ không phải của một nền văn minh bị biến mất như các tờ rơi du lịch giới thiệu. Nó bình đẳng với chùa Một Cột, Cổ Loa hay bất cứ thứ gì gây nên sự tự hào trong tâm hồn mỗi người dân Việt”. Đâu là vấn đề.
    Tối lấy ví dụ: Bây giờ các nhà khoa học Việt Nam đang tìm lời giải đáp ẩn số: Thánh địa Cát Tiên là của tộc người nào?

  20. Tran sang than men
    Bạn có biết tại sao thế giới này có những ngày kị niệm không?
    Như ngày lễ 1-5, 8-3, 2-4 hoặc ở Việt nam có những ngày kỷ niệm; 20-10, 20-4, mùng 10-3

  21. Ông Daovan này (…) nặng quá (xin nhà thơ Inrasara đừng xóa chữ này).
    Ông Tú viết sai, người ta phê bình, ông ta sửa rồi, ông Daovan còn đòi gì nữa! Mang ông ta đi tử hình à? (…) vừa vừa thôi.

    Lời BBT: Chi tiết này đã quyết toán rồi, mong mọi người không bàn nữa.
    Inrasara trả lời bạn: Lâu nay nhiều nhà nghiên cứu uy tín cho rằng Tháp Bình Thạnh ở Tây Ninh là của Champa, thời gian gần đây khám phá mới xác nhận đó là của Khmer. Chuyện sai lầm là bình thường lắm, cả với giới chuyên gia, bạn à.
    Thân mến

  22. Tran Sang than men
    Bạn đã nặng lời rồi
    Chúng ta chỉ tranh luận những vấn để gặp phải của một tác phẩm thôi.
    Tôi chưa biết bạn dùng từ ngữ gì mà yêu câu BBT đừng xoá.
    Tôi không phải kết tội HTT mà tôi nêu lên vấn đề gặp phải. để lần tái bán tới tác phẩm hoàn chỉnh thôi.

  23. Bạn Daovan thân mến!

    1. “Tôi chưa biết bạn dùng từ ngữ gì mà yêu câu BBT đừng xoá.
    Tôi tôn trọng tối đa phản hồi của bạn đọc. Có 2 trường hợp tôi (và BBT) can thiệp:
    – Phản hồi có ý, nhưng ngôn từ “dở”, BBT phải chỉnh sửa.
    – Phản hồi dùng lời lẽ nặng, ý xấu hay không có lợi: BBT xin phép cắt bỏ, hoặc bỏ trống.
    Trần Sáng dùng ngôn từ không đẹp, dù có yêu cầu nhưng BBT vẫn bỏ trống, là vậy.

    2. “để lần tái bán tới tác phẩm hoàn chỉnh thôi“.
    Bạn viết câu này, có lẽ bạn không theo dõi trao đổi rồi. Bạn đọc lại đoạn “3” trong bài này nhé.

    Thêm: Về đoạn văn gây tranh cãi của HTT, đại đa số cho ông vô ý diễn đạt sai, chỉ rất ít người cho ông cố tình viết như vậy để “cướp” di sản của Chăm. Dù gì thì gì, ông đã biết mình SAI, và XÓA BỎ nó rồi.
    Thuk siam
    Inrasara

  24. Một người bạn nhắn bảo vào đây tôi mới biết có vụ “khép hồ sơ” này. Ý kiến của tôi như thế này:

    1/ Lần tái bản thứ hai tôi thêm vào 40% nội dung. Hầu như tất cả các phần đều được biên tập, sửa lại, trong đó có câu Mỹ Sơn là của người Việt. Theo tôi câu này không quan trọng, vứt bỏ nó đi không hề làm giảm bất cứ mệnh đề luận điểm nào trong sách nên đã bỏ đi. Để nó chỉ tăng thêm hiểu nhầm không đáng có. Tồi xin khẳng định một lần nữa, nhiều người Việt, người Kinh thì đúng hơn, trong đó phần lớn là người đàng Trong, cần phải xem Mỹ Sơn như di sản của ông bà mình tổ tiên minh chứ không phải của một vương triều đã mất nào không quan hệ với mình. Tôi chắc chắc phần lớn các bạn phê phán tôi là chưa đọc sách mà chỉ nghe mỗi một câu “Mỹ Sơn là của người Việt” rồi phản ứng. Điều đó thật không công bằng. Và nói thật, có trăm năm nữa, ngàn năm nữa, chúng ta có chết hết đi thì cả thế giới nó cũng biết Mỹ Sơn đó là của nền văn hóa nào. Ai có thể cãi lại sự thật đó? Cả một nhà nước làm có xong không huống hồ là một câu của một cá nhân? Các bạn đừng để bị lôi cuốn vào những tranh luận xung đột không đáng có. Nói thật, riêng câu đó, sau khi sách ra, nhiều người Quảng Nam đã tâm sự với tôi là nó thực sự tạo được hiệu quả tác động đủ để nhận thức lại cội nguồn tiên tổ. Thế nhưng vì các bạn, tôi đã bỏ, dù rất tiếc.

    2/ Chuyện không dùng lời giới thiệu của anh Inra Sara ở bìa 4 như lần in trước là thế này: Lẽ ra điều này không cần phải giải thích, nhiều phần nội dung tôi còn bỏ đi viết cái khác kia mà. Có rất nhiều ý kiến cần đưa vào bìa 4, lần 1 có rồi, nó đã có những ý nghĩa nhất định, không hà cớ gì nhất thiết tôi phải dùng lại những lời giới thiệu đó cho lần 2 nữa trong khi có rất nhiều những lời giới thiệu khác cần thiết hơn. Bài giới thiệu của anh Inra Sara viết khi đọc bản thảo, các bạn có thể đọc thấy trong trang web này, nó nhiều thơ và những cảm nhận liên tưởng của anh Inra Sara về lịch sử Chămpa nói chung. Nói thật, nó hợp với một cuốn sách văn nghệ, như tiểu thuyết, bút ký văn học hơn là cho một sách nghiên cứu. Việc không dùng nó của ban biên tập ở lần xuất bản đầu tôi hiểu lý do của họ. Việc lấy một đoạn đưa ra bìa 4 là sự đòi hỏi quyết liệt của tôi. Không phải vì nó hay, nó giúp cho quảng cáo bán sách tốt mà vì câu: “Công trình này góp phần vào việc hóa giải lịch sử, hòa giải dân tộc”. Vâng tất cả là câu đó. Quan trọng nhất là câu đó. Tôi cũng kỳ vọng vào điều đó. Thế nhưng cuối cùng thì lại có kết quả ngược lại chỉ vì một câu không hề sai, không đáng là lỗi. Hòa giải không xong, hóa giải không được, lại gây ra nhiều xung đột. Mà tôi biết cứ cái gì dính đến anh InraSara thì lại có người phản ứng. Tôi không muốn điều đó xảy ra lần nữa.
    Và nữa, lần in thứ hai tôi cũng bỏ lời giới thiệu của Tạ Duy Anh. Và điều đó các bạn thấy là hợp lý chứ. Đến lần in thứ 3 cũng sẽ vậy. Tôi không hiểu tại sao anh InraSara lại cảm thấy phiền lòng vì chuyện này.
    Tóm lại, đây là những chuyện hoàn toàn không đáng có. Thực sự không đáng có một chút nào cả.
    Chúc các bạn mạnh khỏe.

  25. @HTTú
    Mới vài ngày trước tôi cho 1 người Chăm đầu óc có vấn đề là Daovan, hôm nay thêm 1 nhà báo người Việt đầu óc có vấn đề!
    Tôi không bênh ông Inrasara đâu. (tôi viết 1 lần là tôi ko ưa nổi ô này từ khi ô làm thơ tân hình thức và bênh hậu hiện đại).
    Tôi biết ông Inrasara viết ra đoạn đó, là do thái độ thiếu văn minh của ông Tú, chớ không phiền gì ông cả. Ông Inrasara nhắc nhở thôi. Phàm khi mời ai viết tựa cho mình, là do tin. Còn là nếu thấy nó dở, hay chuyện gì khác mà không in hay bị cắt bỏ gì gì đó thì hãy làm ơn (…) cho người ta biết một tiếng. Ông hiểu chưa???
    Làm nghiên cứu mà không hiểu chuyện TỐI THIỂU đó, thì dẹp đi cha. (tôi đoán mò vầy nè: tâm lý ông Inrasara cũng muốn vứt lời giới thiệu đó lắm để hết phiền hà).
    Còn ông khoe sách của ông có nhiều người giới thiệu thì ôi thôi. Ông thiếu tự tin quá, nên mới mời hết ông này ông nọ đỡ đầu.
    Ông lại tiếp tục phạm sai lầm ngớ ngẩn nữa: lời giới thiệu của ông Inrasara chỉ xứng với tác phẩm văn chương!!!! Ông không biết rằng về mặt nghiên cứu, ông Inrasara còn là (BBT cắt…) về thâm niên lẫn tầm vóc.
    Ông Inrasara day với ông Tú đúng là đọa ông từ mấy kiếp trước… Đáng!
    Bà con thấy tôi nói sai chỗ nào không?
    Hết phản hồi./.

  26. Bà con và các bạn cho tôi nói vài lời rồi khép lại “phản hồi” ở đây nhé:
    – Bạn Trần Sáng có đến 4 phản hồi là nhiệt tình rồi. Chỉ mong bạn hãm bớt độ nhiệt trong lời lẽ. Bạn Daovan cũng vậy.
    – Về chữ “phiền lòng” của anh Hồ Trung Tú. Tôi không phiền lòng đâu, mà là muốn kể lại đúng. Kể lại và có liên hệ. Để gián tiếp trả lời với vài người, trong đó có cả người có “trọng trách”…
    – Còn các bạn hay bà con nào chưa “hiểu” anh Tú, hãy liên hệ thư từ với anh, để anh giải thích thêm. Từ nay xin miễn cho Sara về đoạn văn đó nhé
    Thuk siam!

  27. Trần Sáng than men
    Không phải tôi lo bò trắng răng mà mất bò mới lo làm chuồng thì muộn rồi bạn à. Dùng lời văn thể hiện là người văn minh nhé bạn. Nếu không chính bạn mới là người có vấn đề mà cần đi kiểm tra sức khoẻ.
    finish and bye

  28. Các bạn đừng bỏ bóng đá người. Tôi vô phép với Inra Sara hay ngu đần gì đó thì là chuyện của tôi với anh Inra Sara. Ở đây hãy cứ nội dung mà nói. Tôi đúng hay sai, chỗ nào, cứ đó mà nói. Đừng xúc phạm nhân cách, phiền lắm, lại không đi đến đâu.
    Mong có dịp gặp cafe cùng anh Inra Sara để nói cho hết chuyện này.

  29. Anh Hồ Trung Tú đã nói lời cuối cùng rồi. Bạn Daovan cũng thế, bạn Trần Sáng không nên còm nữa.
    Ta kết thúc ở đây nhé.
    Thuk siam!

  30. Kính gởi Inrasara
    Tôi là một người Việt gốc Chăm ở Ninh hòa – Khánh hòa. Qua trang mạng của ông tôi mới biết đến sách Có 500 năm như thế của nhà văn HTT, tôi bất ngờ và vui mừng vì có người nghiên cứu và suy nghĩ giống mình. Hơn 10 năm nay tôi đã nghiên cứu và tìm hiểu nguồn gốc Chăm của mình trên địa bàn 2 tỉnh Khánh hòa, Ninh thuận theo từng chủ đề như: mã hời và sơ đồ, con đường thiên lý bắc nam, hôn phối Việt Chăm với ý thức mẫu hệ Chăm, tại sao có sự khác biệt trong cúng bái tháp Bà nha trang và tháp Chàm Phan rang… và rất vui khi đọc BBC phỏng vấn ông khi ông nói mon cá cơm làm mắm nêm là của người Chăm, tôi cũng nghỉ như ông và tôi còn biết rằng món nêm này người mẹ Chăm chỉ truyền cho con gái.
    Kính thưa Inrasara
    Biết ông là một nhà văn hóa Chăm có lòng thiết tha yêu dân tộc mình tôi vô cùng ngưởng mộ. Với mục đính xác định và chứng minh nguồn gốc chăm của nhiều người Việt,để mọi người nhớ đến tổ tiên mình và yêu thương mảnh đất Chăm mình đang sống, người Chăm đâu chỉ có 140.000 người phải không ông? Tôi đã vài lần vào làng Chăm ở Ninh phước, rất tiếc vì lạ và chưa quen ai nên không tìm hiểu được nhiều. Tôi rất muốn làm quen với ông để tìm hiểu cuộc sống Chăm.
    Xin chào và cảm ơn ông

  31. Cảm ơn anh
    Tôi đang sống ở Sài Gòn, anh à. Mỗi tháng về quê một lần.
    Địa chỉ tôi ở trang web này
    Kính mến
    Inrasara

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *