Cái thật sẽ hóa giải lịch sử và hòa giải dân tộc

Nhà văn – nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara trả lời RFA

Caoduybang2

Kính Hòa thực hiện

RFA, 3-5-2013

(bản của Đài tại đây, Inrasara lấy lại nguyên bản đầy đủ hơn và có chỉnh sửa câu chữ)

 

1. Xin cho biết tầm quan trọng của văn hóa và ngôn ngữ Champa trong văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam hiện tại?

– Cộng đồng Chăm là cư dân của vương quốc Champa cổ. Dân tộc có chữ viết bản địa thuộc hàng sớm nhất ĐNA, có một nền văn minh phát triển… cho nên, dù nền văn minh ấy nay chỉ còn là những mảnh vụn, vẫn có nhiều cái đáng giá. Còn người Chăm, sau khi đất nước tan rã, vẫn còn bảo lưu văn hóa truyền thống đó.  

Thế nhưng, thường nhắc đến Chăm, người ta chỉ hay chú ý đến nền kiến trúc, điêu khắc mà dấu tích còn lưu lại dọc suốt dải đất miền Trung. Và phần nào đó là ngôn ngữ hay lễ hội: lễ Katê hay Ramưwan chẳng hạn… Người ta vẫn chưa biết nhiều về ca múa nhạc Chăm, càng chưa hiểu đâu là nền văn học dân tộc ấy, nó cũng rất phong phú và độc đáo. Đến nỗi văn học sử Việt Nam đến lúc này vẫn còn chưa có chương nào về văn học Chăm. Đó là điều rất lạ. Theo tôi, bên cạnh kiến trúc và điêu khắc, người Chăm còn cống hiến cho đất nước Việt Nam đa dân tộc nhiều mảng khác rất quan trọng, nếu chúng ta biết đánh giá và bỏ công khai thác xứng đáng với tầm vóc của nó.

 

2. Ngoài các mảng vừa nêu, anh thấy văn hóa Chăm còn ảnh hưởng gì nữa vào đời sống của người Chăm ở miền Trung? Ẩm thực hay tục thờ cúng cá ông chẳng hạn?

– Ở miền Trung vẫn còn ghi đậm dấu ấn Champa như trong cách phát âm của người Quảng, các phương ngữ. Nhiều dòng họ không có lập bàn thờ, các họ Chăm như Ôn, Ma, Trà, Chế vẫn còn tồn tại vùng Quảng Nam, Huế.

Mắm các loại là hẳn nhiên rồi. Nếu người Bắc quen dùng tương thì dân miền Trung không thể rời bỏ mắm trong các bữa ăn. Miền Trung thì gắn liền với dân tộc Chăm, thì ai cũng biết. Chăm có nhiều loại mắm, mà đặc trưng hơn cả là mắm nêm chế biến bằng cá cơm, và mắm cá lòng tong – loài cá nhỏ sống vùng hạ lưu nước ngọt. Loại mắm sau này, là đặc sản riêng Chăm, chứ tôi chưa thấy người Việt dùng đến.

Tục thờ cá ông cũng vậy. Đến hôm nay, ở vùng Chăm và Việt sống cộng cư tại Ninh Thuận, bà con Việt vẫn còn nhờ đến các thầy cúng Chăm đọc kinh trong các nghi thức này.

 

3. Trong sinh hoạt của cộng đồng Chăm hiện tại ở Ninh Thuận và những nơi khác ở Việt Nam, Anh có thấy những yếu tố nào có nguồn gốc từ người Việt không?

– Tôi rất tin và đã từng viết đâu đó rằng, văn hóa Chăm có sức sống mãnh liệt. Cho dù sống xen cư và cộng cư với người Việt hơn 200 năm, người Chăm vẫn bảo lưu bản sắc văn hóa dân tộc, bảo lưu được bao nhiêu là khác biệt. Nhưng dẫu sao, không thể cứ bản sắc cũ mà bo bo giữ. Cần thâu thái cái mới để tạo nên bản sắc mới. Sống chung với người Việt, người Chăm đã tiếp nhận được nhiều điều, cả tích cực lẫn tiêu cực. Ngoài những cái khó nhận diện, như lối sống, cách ăn mặc, có bộ phận dễ nhận ra nhất, là văn học nghệ thuật. Chị em Chăm đã biết múa Apsara theo kiểu Đặng Hùng; chứ vài trăm năm trước họ có múa như vậy đâu. Rồi đã có nhạc sĩ, họa sĩ viết ca khúc, vẽ bức tranh Làng Chăm ơn Bác, đã có không ít trí thức Chăm vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Cạnh đó, những người viết văn làm thơ người Chăm cũng đã dùng thành thạo tiếng Việt, dùng nhiều nữa là đàng khác. Hội nhập với cộng đồng dân tộc anh em, thì phải thế.

Thế nhưng, điều đáng lo nhất chính là hiện tượng nói độn tiếng Chăm vào tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt đời thường. 50%, có khi 70% là tiếng Việt. Tôi nói đùa: “chúng ta đang nói tiếng Việt bằng giọng Chăm”. Chữ viết nếu mất đi thì không đáng lo lắm, mà khi tiếng nói bị lai độn, rồi nguy cơ biến mất, mới là điều đáng báo động.

 

4. Anh vừa nhắc đến vũ điệu Apsara của Đặng Hùng. Anh đánh giá thế nào về sáng tạo của nghệ sĩ này?

– Người Chăm có rất nhiều điệu múa, tương ứng với các điệu trống Ginang. Múa quạt, múa đội lu, múa khăn, múa tay không, múa roi, múa đạp lửa… nhưng chưa hề nghe đến múa cung đình. Mãi đầu thập niên 80, Đặng Hùng đã “giải mã” các thế chân, tay trên các bức tượng Chăm và tạo ra vài điệu múa, mà ông đặt tên là Múa cung đình Chăm. Sau đó vài người khác đã tiếp nhận và cách điệu thành nhiều điệu khác nữa, dựa trên múa Apsara của ông. Múa Apsara cũng gặp phản ứng của vài trí thức Chăm, rằng nó lai căng, nó hở hang, vân vân… Nhưng dù gì thì gì, các điệu múa trên là sáng tạo độc đáo của Đặng Hùng. Nó chẳng những xuất hiện trên sân khấu lớn, trên màn ảnh nhỏ, mà cả vùng nông thôn hẻo lánh nữa. Chị em Chăm đón nhận nó như là của mình. Hào hứng và đầy sáng tạo. Không thể nói họ chấp nhận điệu múa kia là do thiếu hiểu biết.

 

5. Anh có nhận định gì về quyển sách Có 500 năm như thế của nhà báo Hồ Trung Tú, một cuốn sách tạo được dư luận đáng kể?

– Tác phẩm Có 500 năm như thế là công trình giá trị. Giá trị hơn cả ở tính gợi mở của nó. Trong đó câu quan trọng nhất, là: “Chúng ta là người Chàm đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm”. Qua kết luận đầy quả cảm và chuẩn xác đó, ta không những truy ra lai lịch của dòng máu Chăm ở vùng đất Quảng, ở khắp dải đất miền Trung, mà cả ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam hôm nay nữa.

Chúng ta hãy chú ý đến bài nghiên cứu của sử gia Tạ Chí Đại Trường là “Tù binh Chàm”. Thời nhà Lý, thế kỉ XI, lần thứ nhất: 5.ngàn, lần thứ hai: 5 vạn! Họ đi đâu hết rồi? Sử gia này còn cho biết, 4 thế kỉ sau, ở Bắc vẫn còn tồn tại vài làng Chàm đặc khu nữa.

Luận điểm của Hồ Trung Tú còn gợi ý cho chúng ta về dấu vết văn hóa Chăm ở miền Bắc: dân ca Quan họ Bắc Ninh chẳng hạn. Điều này làm rõ hơn cách phân loại của tôi về 10 loại Cham trên khắp vùng Đông Nam Á. 10 loại, thuộc vùng địa lí, tôn giáo, với ngôn ngữ bản địa khác biệt, là rất đáng quan tâm.

 

6. Theo tôi được biết cũng có vài ý kiến chê bai tác phẩm này, rằng nó được viết bởi nhà nghiên cứu nghiệp dư, rồi có vài chuyện khác nữa. Anh nghĩ thế nào?

– Do cuốn sách là công trình đầu tay của một nhà báo mà chê nó nghiệp dư, là một bất công lớn. Có ai là chuyên gia ngay từ khởi đầu đâu. Cuốn sách mở ra một hướng đi khác lạ và đầy hứng khởi như thế, là điểm son đáng quý trong nghiên cứu về Chăm nói riêng, và Việt Nam nói chung. Điều gây ngộ nhận là, ngay ở phần đầu, trong khi anh khẳng định xác đáng: “chúng ta là người Chàm đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm, thì ở phần kết luận, anh lại rất lủng củng và kém cỏi trong diễn đạt: “Mỹ Sơn chính là di sản của tổ tiên ta để lại, chứ không phải là của vương quốc Chămpa đã bị diệt vong. Đó là di sản văn hóa của người Việt chứ không phải của một nền văn minh bị biến mất”.  

Chính câu này đã khiến vài người có suy nghĩ không tốt về anh. Họ cho là anh muốn cướp di sản Chăm trao cho người Việt! Rồi Inrasara cũng vạ lây, chỉ vì đã viết bài giới thiệu cuốn sách ấy. Ẹ vậy! Cả thế giới biết đó là của Chăm mà, làm gì có chuyện cướp. Ví có tác giả nào viết bài cho làng Chakleng quê tôi là của người Việt, hỏi có ai thèm cãi không? Lủng củng thôi. Qua trao đổi trên website Inrasara.com, tác giả hứa sẽ chỉnh sửa khi tái bản tác phẩm. Và anh đã cắt bỏ nó đi.

 

7. Nhìn lại lịch sử, Anh nhận định thế nào về cái vẫn thường được đề cập tới trong sách sử Việt Nam là Nam tiến. Ràng đó không phải là chuyện mở đất bình thường mà có cả xung đột?

– Hai câu thơ nổi tiếng của Huỳnh văn Nghệ hẳn mọi người không quên:

Từ thuở mang gươm đi mở cõi

Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Ý thơ chứng tỏ cõi Đàng Trong này không phải là miền đất hoang, mà là đất có chủ. Chủ đó là Champa và dưới nữa là Thủy Chân Lạp. Và khi một nước nuốt nước kia, thì xung đột là xung đột một mất một còn. Chuyện Nam tiến là thật. Chuyện Champa mất về tay Đại Việt, cũng là thật. Đó là tất yếu lịch sử: mạnh được yếu thua. Theo đánh giá của giới chuyên gia: Champa thua Đại Việt là thua về văn hóa. Văn hóa khuynh hướng xuất thế Ấn Độ bị văn hóa xử thế Trung Hoa đánh bại. Cụ thể hơn, con người A-la-hán Bà-la-môn giáo thua lí tưởng Đấng Trượng phu của Khổng giáo. Dẫu sao theo tôi, người Chăm tồn tại và còn giữ được bản sắc mình cũng nhờ nền văn hóa ấy.

Chính sách Nam tiến và, qua bước Nam tiến gần mươi thế kỉ, điều đáng ghi nhận là người Kinh hiếm khi phá đền tháp người Chăm. Có khi họ còn biến tháp thành tháp của họ, để thờ phượng nữa. Tháp Po Nưgar ở Nha Trang là ví dụ rất điển hình. Cạnh điểm son đó, chính sách đàn áp cộng đồng Chăm của vua Minh Mạng là sự kiện lịch sử đen tối nhất trong quan hệ hai dân tộc, hai đất nước. Chính chính sách dã man đó mà dân tộc Chăm từ sở hữu một vương quốc hùng mạnh, sau cuộc càn quét chỉ còn chưa tới một vạn rưỡi người.

Người Kinh và chính quyền Việt Nam hôm nay cần nhận ra và nói lên sự thật lịch sử đó. Không phải để khơi dậy tinh thần dân tộc hay tạo sự hiềm khích, mà là để hiểu biết lẫn nhau. Chính quyền cũng cần có chính sách rõ ràng, cụ thể và đặc biệt với cộng đồng Chăm và văn hóa của cộng đồng này. Chỉ khi làm được điều đó thôi, chúng ta mới có thể nói đến việc hóa giải lịch sử và hòa giải dân tộc.

 Xin Cám ơn nhà thơ Inrasara. Chúc cho tác giả Lễ Tẩy trần tháng Tư dồi dào sức khỏe. Chúc cho Lễ Tẩy trần tháng Tư của anh mang lại niềm vui hòa giải cho cộng đồng dân tộc.

8 thoughts on “Cái thật sẽ hóa giải lịch sử và hòa giải dân tộc

  1. Bài này nhiều ý nhà văn Inrasara đã lặp lại nhiều lần rồi. Nhiều người đã biết. Trả lời ph vấn thì thế thôi. Nhưng có đoạn cuối là ác liệt. Rất hay. Chỗ anh trả lời câu hỏi chót đó.

  2. Rất trân trọng!

    Và em hoàn toàn đồng ý với bác Inrasara: “Cái THẬT sẽ hóa giải lịch sử và hòa giải dân tộc”. Em rất mong một ngày nào đó – rất gần, rất gần – tất cả các dân tộc anh em trên giải đất hình chữ S này (chứ không phải chỉ giữa người Kinh với người Chăm) thực sự hòa giải, đoàn kết, thương yêu quí trọng nhau, cùng nhau xây dựng một đất nước bình an và phú cường. Điều đầu tiên cần làm chính là dũng cảm đi tìm lại sự thật lịch sử.

  3. Chào anh Inrasara,
    Tôi là một người Kinh, rất thích đọc lịch sử VN và đặc biệt là cuộc nam tiến của người Kinh, qua đó đã tìm hiểu hết sức có thể được về đất nước Champa và dân tộc Chăm. Tôi vẫn nghĩ nếu các dân tộc VN bị Hán hóa hết như Chăm bị Việt hóa thì sao? Với tư cách là người Kinh, tôi cảm thấy thật kinh hãi, nếu đó là sự thực! Chắc chắn khi đó Chăm cũng sẽ bị Hán hóa. Dù là người Kinh, tôi vẫn luôn dành sự cảm thông và trân trọng với dân tộc Chăm, mà một trong những biểu hiện của tình cảm đó có lẽ là việc tôi rất thích bài hát “Hận Đồ Bàn”. Rất cảm ơn anh đã đánh giá câu này về người Kinh “điều đáng ghi nhận là người Kinh hiếm khi phá đền tháp người Chăm”. Tôi vẫn có ý định sẽ dành thời gian để về Ninh Thuận, đến tận những làng Chăm để tận mắt chứng kiến và trân trọng văn hóa của đồng bào Chăm.
    Trân trọng cảm ơn anh Inrasara.

  4. Người Kinh và chính quyền Việt Nam hôm nay cần nhận ra và nói lên sự thật lịch sử đó. Không phải để khơi dậy tinh thần dân tộc hay tạo sự hiềm khích, mà là để hiểu biết lẫn nhau. Chính quyền cũng cần có chính sách rõ ràng, cụ thể và đặc biệt với cộng đồng Chăm và văn hóa của cộng đồng này. Chỉ khi làm được điều đó thôi, chúng ta mới có thể nói đến việc hóa giải lịch sử và hòa giải dân tộc.

    Nhà thơ Inrasara luôn luôn thông minh và độc đáo
    HOAN HÔ NHÀ THƠ INRASARA

  5. Thật lòng mà nói, đa phần lịch sử Việt Nam không dám nói sự thật. Sách sử Việt Nam đều giấu đi lịch sử đấu tranh, xung đột của các dân tộc, mà chỉ lo kể những chiến công. Từ những thực tế trên mới xảy ra vụ học sinh khi nghe không thi tốt nghiệp môn sử đã đồng loạt xé sách vở trong lớp. Còn về lịch sử xung đột giữa Champa và Đại Việt, lịch sử Việt Nam chưa bao giờ đề cập trong sách giáo khoa học tập trong trường học THCS, PTTH. Có chăng họ chỉ hô hào là “đoàn kết dân tộc”.
    Văn hoá Chăm ngày càng mai một, đền tháp không được quan tâm đúng mức. Tâm linh của người Chăm bị xem thường, các đền tháp khai thác du lịch mà không giữ nguyên trạng của nó, cúng bái thì mất trật tự, vệ sinh…. Nói là “giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc” nhưng thật buồn bên trong tháp Chăm thì treo chữ Hán. Còn lễ hội ta cứ mở nhạc tụng kinh, đốt nhang lung tung. Có chăng người làm văn hoá mà không biết gì về văn hoá.
    Nhân đây đề nghị chính quyền Việt Nam, cơ quan quản lý văn hoá cần nhìn nhận đúng thực tế lịch sử văn hoá tâm linh của tộc người để phát huy đúng bản chất của nó xứng tầm với di tích Quốc Gia. “Cần cái thật để hoà giải dân tộc”.
    Kính mong

  6. Xin ngài cho biết: Giữa Vương quốc Chămpa và Nhà nước Văn Lang thì Nhà nước nào ra đời sớm hơn? Xin trích dẫn cụ thể?

  7. Yeh! Mở mắt ra đã thấy mục “đố vui có thưởng” mới, hỏi hổng hứng sao được hè!!! Úi dào, Tún Kiều cứ mở sách giáo khoa ra là thấy, chớ hỏi “ngài” Inrasara mần gì nhỉ???
    Nó dính đến bài trả lời phỏng vấn này ở mô, mà đòi trích dẫn cụ thể với hổng cụ thể chi chi nhỉ?
    Dà… dà…

Leave a Reply to Jano Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *