Inrasara: Văn học dân tộc thiểu số ở đâu?

báo Tuổi trẻ, 20-11-2012

Nó ở khắp nơi, từ Trung ra Bắc cho đến tận miền Tây xa xôi của tổ quốc. Nhưng khá mờ nhạt. Cho dù có không ít nhà văn nhà thơ dân tộc thiểu số đoạt giải cao của Hội Nhà văn Việt Nam. Hơn nữa, hai nhà văn khu vực này cũng đã đoạt Giải thưởng ASEAN. Nhưng tiếng nói của nó vẫn yếu. Yếu, nên cần đến… hội nghị. Cả thường niên lẫn bất thường.

Hội nghị BCH mở rộng của Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam vừa diễn ra vào sáng 18-11-2012 tại Văn phòng Hội VHNT các DTTS TP Hồ Chí Minh, xới lại vấn đề tưởng đã cũ nhưng luôn luôn mới đó: Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam đang ở đâu? Nó đóng vai trò gì trong việc bảo tồn và phát huy tính đa dạng của nền văn học đa dân tộc của đất nước hình chữ S này? Làm thế nào để phát hiện, bồi dưỡng và chăm sóc tài năng văn học nghệ thuật trong cộng đồng dân tộc thiểu số?

Không phải không lí do khi cả nhà thơ Hữu Thỉnh, người đứng đầu Liên hiệp Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam lẫn người đứng đầu Hội này ở TP Hồ Chí Minh là nhạc sĩ Ca Lê Thuần có mặt. Sự thể càng tô đậm hơn nữa, khi đây là lần đầu tiên Hội nghị BCH của Hội này được tổ chức tại miền Nam. Sau vài thủ tục mang tính hình thức, hơn hai mươi thành viên đi vào thảo luận trực tiếp các vấn đề nóng đặt ra hiện nay.

Bản sắc văn hóa dân tộc luôn là vấn đề vừa nền tảng và ưu tiên, nhất là với các nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số. Khi môi trường sống thuần phác của vùng người đồng bào bị phá vỡ, thậm chí có khu vực bị đô thị hóa quá nhanh, nhanh đến không kịp… thở. Kinh tế, xã hội, lối sống gần như bị đảo lộn, hiện tượng tiêu cực xã hội lâu nay chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn đang lây lan đến tận vùng miền hẻo lánh nhất. Cộng đồng ấy đang cần đến tác phẩm văn học nghệ thuật hay, đẹp để nhận diện, đẩy lùi cái xấu và xiển dương cái tốt, cái đẹp. Nhà văn trong cộng đồng cần theo kịp và vượt qua hiện thực nóng hổi kia. Muốn thế, nền văn học cần đến nhiều con người tài năng. Bởi chỉ tài năng mới có tiếng nói và phương thức nghệ thuật ảnh hưởng lan rộng đến xã hội, cộng đồng. Vậy, đâu là người tài?

Người tài, có. Nhưng tác phẩm của họ đã để lại dấu ấn gì trong cộng đồng? Văn tài, có. Lí do gì không ít người chưa có tên trong Hội? Hội chưa đủ mạnh và chưa mở rộng đến vùng sâu vùng xa, nên văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số chưa biết đến sự có mặt của Hội? Hay hoạt động của Hội chưa đủ sức lối cuốn họ nhập cuộc?  Tổ chức các cuộc họp, các hội thảo mini tại các tỉnh lẻ, và thành phố nhỏ ở xa trung tâm văn hóa lớn, tại sao không? Còn các trường học có con em người dân tộc thiểu số, là nơi tài năng tiềm ẩn, Hội đã vươn tay tới chưa? Đó là ý kiến chung nhất. Bên cạnh ý kiến về nâng cao chất lượng hội viên và nâng tầm giải thưởng thường niên của Hội.

 

Lưu Xuân Lý – Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc – đi vào công việc cụ thể hơn. Anh nói: năm 2011, Nhà xuất bản đã in hai tuyển thơ và văn xuôi của tác giả dân tộc thiểu số; dù rất cố gắng, cả hai vẫn chưa thoát khỏi tầm phong trào. Mà văn chương mãi ở dạng phong trào thì không hi vọng chinh phục được ai cả. Về khía cạnh này, Inrasara thêm: Chúng ta thường xuyên đề cập đến chất lượng, nhưng hỏi đâu là chất lượng? Hội có nên thử in tuyển các nhà văn dân tộc thiểu số đoạt đã từng đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam; hay tác phẩm đoạt Giải cao của Hội VHNT các DTTS Việt Nam; hoặc chỉ cần tuyển mươi nhà thơ, nhà văn đặc sắc nhất, thời gian qua? – Đây, văn chương của chúng tôi đây. Xem chúng có thể chinh phục được đại đa số độc giả cả nước được không. Muốn chào hàng, thì hàng phải đạt chất lượng cao, không thể khác.

Việc xét kết nạp hội viên và xét giải thưởng hàng năm, là vấn đề nổi trội khác. Hội VHNT các DTTS Việt Nam nên chăng dành sự ưu tiên cho người dân tộc thiểu số? Câu hỏi đặt ra không phải không có lí do chính đáng của nó. Ngay trong năm nay thôi, Ban văn xuôi, 7 tác phẩm vào chung khảo chỉ toàn tác giả người Kinh. Đó là một bất ngờ, bất ngờ đến… nhạy cảm. Vấn đề này đã được báo chí đặt ra từ vài năm trước, khi 7 giải dành cho văn học có đến 5 thuộc về tác phẩm của tác giả dân tộc đa số. Quy chế thì không phân biệt. Nhưng đây là sân chơi rất đặc thù, nhà văn Mã A Lềnh nhấn mạnh.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em. Ban chung khảo nào bất kì không thể hiểu hết đặc trưng văn hóa các dân tộc. Cho nên, một vấn đề quan trọng không kém là, nếu một tác phẩm lấy đề tài dân tộc cụ thể, – ở đó nội dung động cập đến văn hóa dân tộc – có khả năng đoạt giải, Hội cần tham khảo ý kiến của ủy viện hội đồng nghệ thuật là người thuộc dân tộc đó. Một tác phẩm nghệ thuật hay, nếu để vài chi tiết về văn hóa dân tộc bị sai lệch, và nhất là khi phạm phải quan điểm nhân sinh quan dân tộc, sẽ dễ gây phản cảm, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

 

Chất lượng, chất lượng và chất lượng… Trước đây, người dân tộc thiểu số Tây Nguyên sở hữu kho tàng sử thi khổng lồ có thể “sánh ngang với những tác phẩm sử thi hoành tráng như Ramayana, Kalêvala…”. Văn học viết phát triển sớm của dân tộc Chăm ở miền Trung là rất đáng kể. Rồi Xinh Nhã, Xống Chụ Xon Xao, Đẻ đất đẻ nước, Mo Mường… của các dân tộc phía Bắc. Hôm nay, văn học dân tộc thiểu số đang có gì? Và văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số làm gì để cống hiến vào nền văn học đa dân tộc Việt Nam, ngày mai?

 

 

One thought on “Inrasara: Văn học dân tộc thiểu số ở đâu?

Leave a Reply to nông thi bich đào Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *