Inrasara: Thơ Dân tộc Thiểu số Việt Nam đa sắc, đa thanh

Đọc Thơ Dân tộc và miền núi đầu thế kỉ XXI, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, H., 2011

 

Thơ Dân tộc và miền núi đầu thế kỉ XXI do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc phát hành quý IV-2011, là một tác phẩm tuyển chọn đặc biệt đầu tiên về thơ dân tộc thiểu số Việt Nam và các tác giả Kinh từng/ đang sống và làm việc ở các miền núi và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số.

Tôi nói đặc biệt, thứ nhất, tập thơ do bốn nhà thơ người dân tộc thiểu số thuộc thế hệ giữa – tức các nhà thơ bắc cầu giữa hai thế hệ – tuyển: Mai Liễu, Y Phương, Inrasara và Trịnh Hà. Nên họ có khả năng hiểu được thế hệ thơ đi trước đồng thời cảm nhận được không khí thơ của thế hệ đến sau, từ đó đưa ra tiêu chí chọn khả dĩ nhất. Thứ hai, Thơ Dân tộc và miền núi đầu thế kỉ XXI tập hợp thơ chọn thuộc ba thế hệ: thế hệ thứ nhất thuộc chống Pháp và chống Mỹ, thứ hai thời hậu chiến và đổi mới, và thứ ba là thế hệ sinh sau khi đất nước thống nhất. Cho nên, dù được gọi là Thơ Dân tộc và miền núi đầu thế kỉ XXI, nhưng người đọc vẫn có thể đọc thấy không ít bài thơ của tác giả thơ được viết ở thế kỉ trước, thậm chí từ những năm 80-90 của thế kỉ trước. Do đó, đây là tuyển thơ tập hợp nhiều đề tài, đa dạng về nội dung, đa giọng điệu về cách thể hiện của tiếng thơ thuộc nhiều vùng miền khác nhau. Ở đó, không ít thủ pháp mới lạ được các nhà thơ – nhất là các bạn thơ trẻ – thể nghiệm. Và không thể nói là không thành công.

 

Hơn 400 bài thơ của 169 tác giả thuộc nhiều dân tộc khác nhau cư trú ở nhiều vùng miền khác, rải khắp đất nước. Tên của dân tộc và vùng đất mình sinh ra hay cư trú luôn được gọi lên trước tiên. Từ người Tày cư trú đất Bắc nơi đỉnh đầu Tổ quốc:

Cô gái Tày sông Hiến thuở hồng hoang

Non nước Cao Bằng vời vợi biên cương

Anh đắm say qua ngọn nguồn em  kể

Những Mã Phục, Đèo Mây, Đèo gió…

(Lương Định, “Phương ấy ban mai”)

 

Đến người Êđê ở Tây Nguyên:

Già đang khan

Già say lời kể

Người nghe say lời già

 

Già kể từ ngày trước

Ngày sau chưa hết lời

(H’triem K’nul, “Người kể khan”)

 

Xuống đồng bào H’rê đang sinh sống nơi khúc ruột miền Trung:

Lũ con iêng

Ngực non như trái hoa chuối

Ra con suối đội nước

Chọn lấy nước giữa dòng

Nước chảy từ lòng đá

Ngọt như trái Kapong – Kapang

Mát như gió núi Azin – Azàn…

(Nga Rivê, “Con iêng, xang éo”)

 

Sang tận dân tộc Châu Ro ở Đông Nam Bộ:

Châu Ro – Ta là ai?

Từ đâu đến?

Từ Cửu Long giang cổ quàng phù sa đỏ?

Từ biển biếc xa vời sóng vời lưng cát nhỏ?

(Prékimalamak, “Châu Ro ta là ai”)

 

Rồi Thái, Mông, Nùng, Kơ Ho, Mường, Hoa, Cao Lan, Chăm, Hà Nhì, Dao, Pù Nả, Vân Kiều, Xá Phó, Padí,… và cả dân tộc đa số là người Kinh – dĩ nhiên. Do đó, mặc dù thơ không phải là thể loại kể lể chuyện phong tục tập quán, tái hiện đời sống hiện thực của người dân tộc thiểu số, nhưng có thể nói hầu hết các tên lễ hội cùng đặc ngữ với những đặc trưng văn hóa vùng miền đều được gọi tên qua câu thơ của tác giả thơ dân tộc thiểu số. Những thổ cẩm, thắng cố, vũ nữ Apsara, múa Xòe, Tung Còn, Katê, phum, sóc, plây, amí, amư, tiếng cồng chiêng, lời kể khan,…có mặt dày đặc suốt tuyển thơ này. Không như một cách tăng chất dân tộc thiểu số trong sáng tác, mà xuất phát từ thẳm sâu tình cảm của người viết với những gì gắn bó nhất và thân thuộc nhất của mình. Không có không được. Bởi chỉ như vậy thôi, tiếng thơ ấy mới đi thằng đến được trái tim độc giả, từ đó rung động được lòng người.

Ba mươi năm chẵn chòi, con mới về tới Thánh địa

Hành hương nhận mặt tổ tiên mình

Con chào Tháp, chào linga – yoni, chào hồn vía

Và chào luôn những cọng cỏ linh tinh

 

Dạ, lạy Tháp đừng nhìn con như rứa

Đừng lặng im, buồn bã, nát nhàu

Xin hãy nói ngàn lời chất chứa

Tổ tiên ơi gạch đá trăng sao

(Đồng Chuông Tử, “Hello Mỹ Sơn”)

 

Thơ Dân tộc và miền núi đầu thế kỉ XXI tập hợp nhiều giọng điệu khác nhau từ ba thế hệ thơ thuộc nhiều dân tộc. Từ Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Viết Toại, Triều Ân, Mã Thế Vinh, sang Vương Trung, Vương Anh, Y Phương, Lò Ngân Sủn, Ma Trường Nguyên, Triệu Kim Văn, Pờ Sảo Mìn, Inrasara, Dương Thuấn, Mai Liễu, Lò Cao Nhum… cho đến thế hệ nhà thơ trẻ đầy tài năng như: Jalau Anưk (dân tộc Chăm, sinh 1975), Tống Ngọc Hân (Kinh, 1976), Nông Thị Hưng (Tày, 1977), Thạch Đờ Ni (Khmer, 1977), Tăng A tài (Dao, 1978), Hoàng Thanh Hương (Mường, 1978), Đinh Thị Mai Lan (Tày, 1979), Đồng Chuông Tử (Chăm, 1980), Vi Thùy Linh (tày, 1980), Hoàng Chiến Thắng (Tày, 1980), Phạm Mai Chiên (Thái, 1981), H’trem Knul (Êđê, 1983), Đàm Thị Hải Yến (Nùng, 1984), Tuệ Nguyên (Chăm, 1984), Phùng Hải Yến (Dao, 1985), Bùi Thị Dáng Hương (Mường, 1987), Ngô Bá Hoà (Tày, 1987).

Từ thể thơ cổ điển như tự do sơ kì, lục bát, tám chữ hay năm chữ:

Tôi muốn làm con suối

Hát mãi cùng rừng xanh

Rừng có cây có quả

Có ngọn gió trong lành

 

Đừng băt stôi làm sông

Đừng bắt tôi làm biển

Sông lắm thác nhiều ghềnh

Biển sóng thần hung dữ

 

Tôi muốn làm con suối

Hát mãi cùng rừng xanh

(Hữu Tiến, “Điều giản dị”)

 

Cho đến thơ tự do nhịp chỏi, đều được họ sử dụng nhuần nhuyễn:

Thuở ấy tôi đi
Với
hào quang trước mắt
ngỡ được tắm trong thế giới diệu kì
ngỡ hái trọn bao trái cây mơ ước.

 

Thuở ấy tôi đi…
mang nông nỗi thời trai trẻ
bơm háo thắng qua vụn vặt kiến thức
nuôi xảo quyệt cơm-áo-gạo-tiền phủ bẩn giấc mơ.

 

Tôi loay hoay tìm về…

(Jalau Anưk, “Tạ lỗi”)

 

Từ giọng yêu thương ngợi ca của Lò Ngân Sủn cho đến lỗi thơ phản biện xã hội của Tuệ Nguyên, từ cách tạo nhịp thơ mượt mà uyển chuyển của Mai Liễu hay Lương Định cho đến lối thơ chọn nhịp trúc trắc của Inrasara, Lê Vĩnh Tài. Từ tiếng thơ đẫm chất dân gian với ngôn từ người đời thường, như Dương Thuấn theo cách nói và kể:

Ở quê tôi có anh bạn người Mông

Hai mươi tuổi mối dắt đi tìm vợ

Lần thứ nhất hỏi một cô gái trẻ

Anh chê rằng cô gái ấy môi chì

Lần thứ hai hỏi một cô lỡ thì…

(Dương Thuấn, “Tìm vợ”)

 

Cho đến tiếng thơ đẫm chất suy tư của Trà Vigia:

Mùa xuân bao lần phai phôi

nào hay biết

Đời người bao lần bai bôi

hoài lỡ bước

Que củi cháy để lại than hồng

Que diêm cháy bay vào hư không.

 

Em không mãi là thiếu nữ

Làm duyên ngàn năm trên khung lụa

Tôi không mãi làm câu chữ

Hờn ghen phù du trang giấy cũ,.

 

Chỉ vài sợi khói mong manh

Không đủ dò đường lên thượng giới

Gạt đống tro tàn thâu canh

Làm sao thắp nắng tươi ngày mới?!

 

Em bao lần đi qua

tôi chẳng thấy

Tôi bao lần đi xa

chẳng thấy tôi.

(Trà Vigia, “Miên du”)

 

Tất cả đều có mặt trong Thơ Dân tộc và miền núi đầu thế kỉ XXI. Có mặt để làm nên một bản giao hưởng thơ dân tộc thiểu số Việt Nam mười năm đầu thế kỉ mới.

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *