Inrasara: Chúng ta có quyền mặc cảm hay ngạo mạn không?

Câu trả lời được chờ đợi nhất chắc chắn là – KHÔNG.

1. Bạn viết sai lỗi chính tả vài chữ Cham cổ, bạn phát ngôn hay viết một câu văn hớ hênh, hoặc bạn hành xử thiếu chín chắn trong hoàn cảnh trớ trêu nào đó… thì không việc gì cả. Không cần phải xấu hổ hay mặc cảm. Bạn biết sai, và sửa chữa lỗi lầm là được rồi.

Bởi không ai sinh ra đã… biết.

“Không biết thì hỏi, muốn giỏi thì học”, ông bà ta nói thế.

Làm sai, biết mà không sửa mới… ngu. Làm sai, mà cứ để sai lầm kia cắn rứt mãi cái lương tâm mình, mới… dại. Còn kẻ nào cứ nhằn và nhấn mãi vào cái sai của thiên hạ để tấn công trục lợi thì, xin miễn bàn.

2. Đẩy sự thể lên cấp độ cao hơn.

Con người sinh ra và lớn lên thì bị lọt thỏm vào cõi “trung bình” của thế giới “người ta”. Không ai có thể LÀ MÌNH ngay khi lọt khỏi lòng mẹ cả.

Ta chịu sự dạy dỗ của cha mẹ, chấp nhận cách giáo dục của thầy cô, tuân thủ mọi định hướng của đảng đang cai trị, cuối cùng – chịu bước theo sự hướng dẫn của cha đạo, của Guru, của đạo sư, của bậc thánh hiền nào đó mà [nơi ta lỡ sinh ra buộc] ta tin tưởng. Vân vân…

Nói ngắn gọn, sinh ra – ta là trẻ con, ta rơi vào tình trạng “ấu trĩ”, không thể tránh.

Thế nhưng ta PHẢI lớn. Bởi đơn giản, ta không thể làm trẻ con mãi được.

Khai sáng theo Kant, là một quá trình đưa chúng ta ra khỏi tình trạng “ấu trĩ”. Ông hiểu “ấu trĩ” theo nghĩa là một tình trạng nhất định của ý chí bắt chúng ta phải chấp nhận quyền hành của người khác dẫn dắt chúng ta trong những lĩnh vực phải sử dụng tới lý trí… Chúng ta ở trong tình trạng ấu trĩ khi một quyển sách điều động chúng ta thay vì dùng nhận thức, khi một người giám hộ tinh thần điều động chúng ta thay vì dùng lương tri…” (Michel Foucault, Đặng Phùng Quân dịch).

Đó là ông triết gia Tây nói, chứ ta cũng mơ hồ hiểu rằng ta cần phải… lớn.

Nhân loại đã trải qua mấy thời kì ấu trĩ. Thời kì săn bắt, thời kì mà ở đó tất tần tật đều tuân thủ ý muốn [đa phần là rất u tối] của tù trưởng, thời kì quân chủ nơi nhà vua nắm toàn quyền sinh sát, thời kì độc đảng độc đoán độc tài, cuối cùng là thời đại dân chủ.

Với tư cách cá thể, con người từ giai đoạn rời bỏ vú mẹ sang thôi còn lệ thuộc vào sự bảo bọc của gia đình, sau đó hết còn “nghe” lời thầy dạy [để có thể tự tìm tri thức cho chính mình], không còn phó mặc sinh phận mình cho bất kì lãnh tụ nào dắt tay định hướng, cho bất cứ bậc Guru nào giám hộ. Khổng Tử, Đức Phật hay Chúa Jesus cùng mênh mông đấng khác dù vĩ đại tới đâu, hãy để cho ta sống đời ta. Cả Karl Marx, Krishnamurti hay Heidegger nữa, đã đến lúc các triết thuyết này nên chấm dứt vai trò điều động ta.

Bởi ta đã lớn.

3. Vâng, thì ta đã lớn, hoặc là trẻ con to xác nhưng cứ ảo tưởng mình đã lớn.

Trước những đứa trẻ đang chết đói ở châu Phi, J-P. Sartre – ông hoàng triết học hiện sinh dứt khoát rằng, tác phẩm ưng ý nhất đời ông La Nausée chỉ đáng vứt đi!

Chính xác: vứt đi, nói thế ông không làm dáng tí nào cả. Mà đó là tiếng kêu bật ra trong giây phút hoát ngộ của nhà văn, của tư tưởng gia trước đau khổ của phận người.

Còn bạn?

Bạn viết được mươi bài khảo cứu dân tộc học, khá lắm. Nhưng trước bà mẹ Cham thiếu ăn, lưng còng, mắt mờ tay chân yếu mà không có ai chăm sóc, bạn có quyền kiêu ngạo về mấy thành tích cỏn con đó không?

Trước những trẻ em Cham thất học, hàng ngàn cô gái Cham bỏ làng vào thành phố làm ô-sin chấp nhận bao nguy cơ rình rập, hỏi bạn có còn giữ được thái độ ngạo mạn về bằng cấp bạn vừa giật được ngoài chợ đời, vài đầu sách nghiên cứu vừa in, mấy tập thơ mọn vừa phát hành?

Nữa, khi mỗi ngày dân tộc bạn đang chịu sự bất an đầy run rẩy về dự án Điện hạt nhân sắp tới, không biết phận mình sẽ ra sao ngày sau, bạn có còn đủ “dũng khí” để ưỡn ngực về vài huy chương, vài giải thưởng dù to con tới đâu, không?

Bạn trả lời là có! Vâng, – có thể lắm. Bạn có quyền lí sự, đời là thế. Và lương tâm ngủ yên. Hay khi bạn làm được vài hành vi bố thí nào đó, rồi bạn phủi tay và quay lưng đi như đã xong phận sự; bạn tiếp tục làm công việc bạn đang làm, tiếp tục ưỡn ngực, tiếp tục chương trình ngạo mạn. Vâng, có thể lắm. Không vấn đề gì cả.

Nhưng, tôi muốn hỏi bạn câu hỏi: như vậy bạn đã thực sự lớn chưa?

Sài Gòn, 22-8-2012

 

7 thoughts on “Inrasara: Chúng ta có quyền mặc cảm hay ngạo mạn không?

  1. Pingback: Tin thứ Tư, 22-08-2012 « BA SÀM

  2. Pingback: Cập nhật Tin thứ Tư, 22-08-2012 | Dahanhkhach's Blog

  3. Cei Sara viết cái gì cũng đáng đọc cả hết. Cei viết ngắn mà hay vô cùng.
    Cháu thật khâm phục. Cei đặt vấn đề rất sát thực tế, không nói cao xa mà ai cũng hiểu. Cháu cũng thấy như thế mà không nói được. Hiện nay người Chăm mình còn khổ lắm, cei hỏi giới trẻ chúng ta có còn kiêu ngạo về thành tích còn khiêm tốn của mình không? – Câu hỏi rất sát!

  4. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Tư, 22-08-2012 | bahaidao2

  5. Đọc xong bài viết của chú cháu chợt nghĩ rằng… bao nhiêu nghiên cứu về Chăm sao không được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống nhỉ! Chẳng lẽ thành quả đó chỉ dừng lại ở các giải thưởng, những tấm bằng khen, tiền thưởng… hiểu biết của Chăm về Văn hóa Chăm còn hạn chế lắm!
    Nếu các bạn có dịp đi ngang qua trường Đại học Bình Dương hãy thử ngó qua hàng chữ được khắc trên đá này nhé: “HỌC – HỎI – HIỂU – HÀNH”. Hãy thử so sánh với hiện trạng của Chăm mình!

  6. Bác INRA nói:
    Thế nhưng ta PHẢI lớn. Bởi đơn giản, ta không thể làm trẻ con mãi được.”
    Bác ấy dẫn chứng là nếu ta còn mặc cảm vì chưa biết, thì ta vẫn còn trẻ con.
    Nếu ta kiêu ngạo vào mấy thành tích nhỏ bé, là ta còn con trẻ.

    Tản Đà viết về người Kinh:
    Dân ba mươi triệu đâu người lớn?
    Đất bốn ngàn năm vẫn trẻ con
    !

  7. Pingback: Thứ tư (22/08/2012) | Bồ câu đen

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *