Inrasara, may mắn luôn có mặt đúng lúc

Hoàng Ngọc Châu thực hiện

– 40 tuổi mới in tập thơ đầu tiên, nhưng chỉ sau gần 10 năm ông đã giành hai giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và nay là Giải thưởng văn học ASEAN 2005. Thành công của ông đến từ đâu vậy?
Inrasara: Tôi chậm xuất hiện, chuyện rất tự nhiên: không cố ý sắp đặt chi chi cả. Tập thơ đầu tay được in cũng là chuyện ngẫu nhiên ngoài tính toán: là người Chăm, đứng trước nguy cơ văn học dân tộc bị thất truyền, tôi ưu tiên cho việc sưu tầm-nghiên cứu.
Với sáng tạo, thật khó phân địch rạch ròi đâu là thành công với không thành công. Lấy “giải thưởng” để làm thước đo chắc gì đã chuẩn. Bởi giải thưởng nào bất kì có thể chỉ là cái mốc ghi nhận một nỗ lực, phần nào đó: tài năng bên cạnh không thể không kể đến một xuất hiện đúng lúc và cả yếu tố may mắn nữa. Với tôi, không khiêm tốn đâu, may mắn luôn có mặt để dự phần.

– Ông đã từng nhắc tới “tâm thế tự yêu” của các nhà thơ khi họ chỉ loanh quanh đọc chính tác phẩm của mình. Rằng thơ chúng ta dậm chân tại chỗ, đang lạc hậu với thế giới. Còn nhà thơ Inrasara thì sao?
Inrasara: Vâng. Không nói chuyện các nhà thơ vướng kẹt trong mạng lưới hệ thẩm mĩ cũ, trong đó không ít người xem “vướng kẹt” như là bản sắc; ngay các thi sĩ mang tinh thần cách tân hôm nay (không loại trừ Inrasara) cũng luôn là kẻ nhỡ tàu. Nhỡ tàu với các khuynh hướng văn chương thế giới (Cũng đừng nên nghĩ các khuynh hướng văn chương thế giới bao giờ cũng là chuẩn mực chúng ta hướng tới – ý tôi: ít ra chúng ta cần kịp thời tiếp cận biến động và phát triển của các nền văn chương lớn). Quay sang truyền thống, chúng ta đụng hàng bao nhiêu là giọng thơ, phong cách đã được khẳng định. Tôi đã dùng lối nói dân gian Chăm để chỉ tình trạng này: Tagok gauk yuw, kadun gauk paraik / Tiến thì đụng ách, lui thì vướng thanh ngang.
Thế hệ làm thơ trẻ ý thức điều ấy, thế là khủng hoảng. Khủng hoảng trầm trọng hơn – khi đất nước mở cửa, người viết trẻ học được cái khác lạ với những gì họ từng được dạy ở giảng đường Đại học; kĩ thuật vi tính phát triển làm bùng nổ thông tin, thêm lưng vốn ngoại ngữ, họ cơ hội tiếp cận trào lưu văn chương thế giới trùng điệp nẩy nở, lớn mạnh và tàn lụi; khi không ít người trong số họ may mắn nhìn tận mắt nhân loại phát triển như thế nào, ở bên kia đại dương; khi được mở mắt, mở trí và mở hồn, thế hệ trẻ hậu hiện đại (không riêng gì Việt nam) hết còn tin vào những “đại tự sự”, các giá trị mới hôm qua ông bà chú bác họ từng tin và cật lực xây dựng, bảo vệ.
Tôi là kẻ vừa sáng tác đồng thời suy nghĩ về việc làm của mình, và người đồng hành. Trong tham luận: Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn, có một câu ít ai chú ý: “Đeo vào bộ mặt cực đoan đến quá khích, vài hiện tượng thơ trẻ đột ngột xuất hiện và gây xốc, cố tình lôi kéo sự chú ý của chúng ta về khủng hoảng chung của thơ Việt, một khủng hoảng cần được nhìn nhận như tín hiệu tốt lành”.
Thế nhưng, đa phần thơ trẻ hôm nay mới dừng lại ở phát ngôn về/cho cái Tôi chủ quan, chưa vươn ra ngoài. Nỗ lực phát ngôn mới ở “thời kì quá độ”, gồng mình phá vòng vây. Xem “gồng mình” này như là cách tân thơ là ảo tưởng. Từ đó tâm thế tự yêu sản sinh, không khác mấy với tâm thế tự yêu sự vướng kẹt.

– Hiếm ai bộc bạch được lòng mình như ông khi đề cập đến những mối tương quan giằng xé giữa tự do sáng tạo của nghệ sĩ và trách nhiệm công dân, cá nhân và cộng đồng, bản sắc dân tộc và tính hiện đại. Vậy theo ông, chân dung nhà thơ Inrasara sẽ được phác họa như thế nào?
Inrasara: Tự phác họa chân dung là điều quá khó rồi, nói chi đến chuyện xem thơ mình đứng ở đâu giữa bạt ngàn thơ đương đại. Nếu biết mình đứng ở đâu đó thì còn đâu cái vui thú làm thơ nữa?!
Một nhà phê bình cho rằng chỉ khi nào vượt bỏ cái tôi-văn hóa sang bến bờ cái tôi-sáng tạo, nhà thơ mới nói đến chuyện làm ra cái mới. Bởi dù gì thì gì, viết luôn là viết trong vướng kẹt, vướng kẹt cha ông, người cùng thời và cả phong cách, giọng điệu trước đó của chính mình. Nhà thơ phải làm nhiều cuộc dứt áo khó nhọc và đau đớn. Với tôi, sự giằng xé vẫn còn đó, thường trực. Hàng ngày tôi phải tranh đấu dàn hòa chúng. Và, mỗi khi có mảnh đất xung đột nào được chinh phục, tôi cắm cột mốc bằng thơ. Đó có thể là một cây gậy, một nhánh lá hay thậm chí một cục đất. Và tôi lại tiếp tục… Như vậy, tôi luôn là kẻ cư trú ở đường biên: tiếng Chăm và tiếng Việt, truyền thống/hiện đại, cá nhân/cộng đồng,…

– Ông cho răng “nhà văn không đại diện cho dân tộc, nhà văn chỉ đại diện cho chính họ”. Nhưng ông lại nói “thi sĩ là kẻ cư trú trong ngôn ngữ dân tộc”. Hai ý này dường như có tiềm ẩn mâu thuẫn?
Inrasara: Không có gì là mâu thuẫn cả. Nhà thơ là kẻ cư trú trong ngôn ngữ dân tộc đồng thời canh giữ ngôn ngữ dân tộc. Ăn nhờ ở đậu và chịu đựng cùng lúc. Còn anh/chị ta có đại diện cho tiếng nói cộng đồng đó không là chuyện hoàn toàn khác. Theo tôi, nhà thơ không đại diện cho dân tộc, đại diện theo cách “nhà thơ đại biểu” như các nhà báo thường gán cho tôi. Nhà văn là kẻ cố gắng nói lên suy nghĩ của mình, đáp ứng câu hỏi từ thời đại anh/chị ta đang sống bằng lối hành ngôn giản đơn nhất có thể qua ngôn ngữ dân tộc. Có thể người đọc tìm thấy trong tác phẩm của anh/chị ta tâm cảm hay cách suy nghĩ của dân tộc, bởi bổn phận buộc anh/chị ta phải học và hiểu ngôn ngữ dân tộc mình hơn bất kì một sinh phận nào khác. Nhưng tuyệt đối anh/chị ta không đại diện.

– “Nhà văn phải nhìn thấy mọi biến động của dân tộc mình”, ông đã tưng phát biểu như vậy. Gần đây, hiện tượng Best-seller của hai tập sách “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “ Nhật kí Đặng Thùy Trâm” đang rung động không chỉ tầng lớp thanh niên của Việt nam. Theo ông, đây có thêt được gọi là một “biến động”? Vè nếu thế “biến động” này có ý nghĩa như thế nào trong việc giáo dục lí tưởng sống cho thanh niên? Phải chăng tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn hiện nay không đủ ruung động tâm can người đọc?
Inrasara: Nhà văn không bỏ qua cái gì cả. Rimbaud: thi sĩ phải nhìn thấy tất cả, cảm tất cả, nếm tất cả,… Tóm lại: anh/chị ta phải sống giữa lòng dân tộc và thời đại. Nhưng cũng cần nhìn nhận sự biến động ở cả bề nổi lẫn phần chìm. Sự rung động tâm cam người đọc cũng thế. Vì không ít lần phần chìm lại quyết định tương lai. Hai hiện tượng văn học bạn vừa nêu không gì hơn lần nữa khẳng định lại ưu thế của cái tốt, của lí tưởng tốt đẹp. Nhất là cái lí tưởng ấy được thể hiện qua văn chương, bằng giọng điệu hôm nay, ngôn ngữ sống của hôm nay.
Trở lại với thi ca, dẫu thơ bị đóng cứng bởi đầu óc bảo thủ ngoan cố tới đâu, bị làm rách nát do kẻ nổi loạn phá phách cỡ nào; thơ có thay hình đổi dạng bao lần hay lang thang lạc bước đến những phương trời nào đi nữa, nó cũng phải trở về, trở về nơi nó xuất phát: con người, trong ngôi nhà của nó: ngôn ngữ. Bất cần người đọc là một tuyên ngôn nhảm nhí (tôi có một loạt bài: Làm thế nào để thơ đến với người đọc), thơ hôm nay cần giành lại người đọc; do đó: thơ ca có thể lân la với những thứ nhếch nhác thô tục, nó cũng không cần rời bỏ ngôi đền thiêng như là đặc ân của/cho tầng lớp ưu tú, như bấy lâu người ta từng ban cho nó; nhưng thơ ca chính hiệu cần thiết nhận lãnh trách nhiệm làm cuộc tái hợp của nghệ sĩ với công chúng, của cái đẹp và đạo đức, của nghệ thuật cấp cao với nghệ thuật cấp thấp,..
– Xin cám ơn ông.

Báo An ninh thủ đô, 21.08.2005.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *