Chay Dalim: Suy nghĩ về chữ “trí thức” và vai trò của trí thức Chăm hôm nay

(Chủ đề Bất an Dự án Nhà máy Điện hạt nhân – Ninh Thuận)

(vì chuyên đề thảo luận ĐHN kì 2 đã đóng, này tôi chỉ xin bàn về vai trò của trí thức nhân sự kiện này).

Cham Pangdurangga – ngang bướng, đau khổ, kiêu hãnh và đầy bất an là bài viết cảnh báo nguy cơ phân tán của một cộng đồng, một nền văn hóa, cũng như nguy cư biến một vùng đất thiêng của dân tộc Chăm Ninh Thuận thành vùng đất chết, khi Dự án Nhà máy ĐHN được triển khai tại cái địa phương không may bị chọn để triển khai cái của nợ tốn kém và cái họa diệt chủng luôn treo trên đầu này…

Bài viết của Inrasara đã đánh động nhà khoa học nguyên tử hàng đầu là Phùng Liên Đoàn, ông gọi Inrasara là một “đại lão trí tuệ” [1].

 

Ông không dùng chữ “trí thức” mà là “đại lão trí tuệ”, bởi lẽ trí thức nghe có vẻ sang quá. Thế nên không ít những đứa con Chăm ngay khi vừa rời khỏi ghế nhà trường khoác lên mình những bộ complet hàng hiệu và ra ngoài hãnh diện với thiên hạ rằng ta đây là trí thức, trí thức chính hiệu và trí thức chính qui. Nhưng “trí thức” có phải chỉ dừng lại ở nghĩa đơn giản như thế không?

Theo Václav Havel (1936-2011):

“Người trí thức cần phải trăn trở không ngừng, cần phải đứng ra làm chứng cho sự khốn khổ của nhân loại, cần phải đứng ở vị trí độc lập của mình mà gây hấn với các nhà cầm quyền, cần phải nổi dậy chống lại tất cả những sự trấn áp và những trò lừa đảo ngấm ngầm hay công khai, cần phải là người chủ xướng sự hoài nghi đối với các hệ thống, đối với quyền lực và những phù phép của nó, cần phải là một chứng nhân đối với sự dối trá của họ.”

Đó là tư tưởng của một nhà “anh hùng trí thức” người Tiệp Khắc. [2]

Đối với một số người họ nghĩ trí thức là được học ra trường, mặc những trang phục sặc sỡ đắt tiền và có thể kèm theo cặp kiếng nếu họ thấy cần vào những dịp cần phô trương và trường hơp ấy nó xảy ra rất nhiều với cộng đồng Chăm, ngay như một ông cán bộ xã cấp thấp, một nhân viên văn phòng cấp tốt hay một văn thư trong một trường ĐH, họ ra vào cơ quan một cách ngêu ngao khó hiểu để chứng tỏ ta đây là oai và họ sẵn sàng dùng từ “trí thức” khi một ai đó tấn công họ bằng những lời lẽ khiêu khích và sẵn sàng miệt thị đối phương khi nghĩ ta đây đã là trí thức. Hình như văn hóa trí thức nó đã ăn sâu vào hệ thống giáo dục Việt Nam và tư tưởng của một số bộ phận thành phần cấp quan lại hạng bét, thiết nghĩ nó đã là tư tưởng chung của xã hội hiện nay.

 

ĐHN đang từng ngày từng giờ là điểm nóng của xã hội và thế giới và với một cộng đồng Chăm nhỏ bé nó nổi tiếng hơn bao giờ hết, hằng ngày trên các mặt báo hay các trang thông tin điện tử cá nhân (blog) hay cơ quan đều là những tin hot và luôn thu hút người đọc.

Như ông Phùng Liên Đoàn mấy năm không viết lách [3], “ngay khi đọc Cham Pangdurangga – ngang bướng, đau khổ, kiêu hãnh và đầy bất an, đã đau đáu vắt óc, tìm tòi, rút ruột gan tim để viết một lá thư cho Sứ quán Việt Nam tại Mỹ, yêu cầu chuyển cho chính phủ VN, ông trình bầy lại những bất lợi, rủi ro, tốn kém, lỗ nặng, ra sao về cuộc phiêu lưu hạt nhân này, một lần nữa mong sao “Nhà nước Ta” đừng để bọn Mafia kinh tế nước ngoài qua mặt”.

Đó là những tâm tư nguyện vọng của một đứa con lo lắng cho số phận của quê hương, đất nước, cho những dòng giống của “con Hồng cháu Lạc bốn ngàn năm văn hiến” sắp phải còng lưng để trả một khoản nợ kếch xù mà chính phủ đang mạo hiểm để cố làm cho bằng được nguồn điện hạt nhân.

Với ông Inrasara, vì ông là người Chăm, ông hiểu dân tộc mình hơn ai cả, cho nên ông khoanh vùng sự lo lắng đối với số phận của mảnh đất 2000 năm cư trú của dân tộc Chăm còn sót lại sau những quá trình Nam tiến của lịch sử. Và vùng đất này cộng đồng Chăm sống tập trung dày và nhiều hơn cả. Điện hạt nhân sẽ ảnh trực tiếp và toàn diện.

Nhà thơ Tố Hữu có nói “bánh xe lịch sử đã lăn qua thì nó sẽ không quay ngược trở lại”. Người Chăm hiểu nó và đã chấp nhận để cùng sống hòa đồng và hòa bình với người Việt. Sự chấp nhận lịch sử cũng đã định rõ, mảnh đất còn lại sau 2000 năm ấy là minh chứng của lịch sử là những ngọn tháp Chàm cổ kính rêu phong “trên đồi hoang”, là những điệu dân ca Thei mai làm say đắm lòng người, những âm điệu có một không hai của trống ginăng, kèn saranai… Đó chỉ là minh chứng cho một dân tộc yêu và thắm thiết những nét đẹp văn hóa còn sót lại trong chu trình của lịch sử.

 

Hai con người ở hai thế giới cách nhau vạn dặm vậy mà họ đồng cảm, hiểu nhau, cảm thông cho nhau cùng yêu thương, đau đáu cho quê hương cho nguồn cội dân tộc. Nó giống như một thiên tiểu thuyết được nhân hóa, 3 phần hư 7 phần thực. Nhưng thật ra đó chính là người thật việc thật trong xã hôi đầy rẫy bấp bênh ngày nay. Vậy mà họ vẫn chưa từng gọi nhau là anh trí thức này, trí thức nọ.

Một bộ phận dân tộc còn sót lại trên dưới 200.000 người trên toàn lãnh thổ Việt Nam. trong đó Ninh Thuận chiếm 74.000 người trong đó đại bộ phận được gọi là trí thức chiếm khoảng 5000 người [4], một con số không hề nhỏ so với một dân tộc chỉ lấy nông nghiệp trồng lúa nước là chính. Đại bộ phận trí thức ấy luôn sử dụng các học vị, học hàm trong giao tiếp xã hội hay dùng các danh từ của nghề nghiệp như BS, KS, LS… để chỉ bản thân họ, ăn cỗ thì luôn được ngồi mâm cao, được đặc cách trong một số công việc và luôn được trao quyền tự quyết trong vấn đề chủ chốt của gia đình hay dòng tộc… Một sự ưu tiên được coi là xứng đáng so với công sức và thời gian họ bỏ ra để tu thân, cầu tiến.

Nhưng lạ thay vấn đề nổi cộm hiện nay liên quan đến sinh mệnh dân tộc, sinh mệnh đồng loại, sinh mệnh của giống nòi họ lại có vẻ dửng dưng một cách vô tư lự. Chưa thấy nhiều chia sẻ với bà con dân nông chân lấm tay bùn. Đơn giản và thiết thực hơn những miếng cơm họ ăn, manh áo họ mặc đều là những người nông dân đơn thuần chất phác làm ra để phục vụ nhu cầu cho họ trong đó có cả những anh chị em, họ hàng quyến thuộc của họ đang ở quê cày lụng vất vả và đâu đấy họ (nông dân) cũng nghe tin điện hạt nhân sẽ làm bạn với họ và cũng một phần nào đấy không nhiều họ cũng cảm thấy “bất an” và mỗi buổi chiều đứng bên hành lang, hiên nhà họ cố ngóng cổ mong sao một truyên cổ tích hiện đại xảy ra ngay trước mắt họ. Những người “trí thức” sẽ làm điều gì đó tốt đẹp cho họ khi điện hạt nhân đang gần kề như một cái bóng khi họ quay lưng sẽ thấy.

Còn nếu không thì “Những kẻ “trí thức” làm bể dái của tôi. Tôi không muốn được gọi là “trí thức”. Khi họ gọi tôi là một người “trí thức kiệt xuất”, tôi nói: Không! Tôi không phải là “trí thức”. Những kẻ “trí thức” là những kẻ tách rời cái đầu khỏi thân thể. Tôi không muốn làm một cái đầu lăn lóc trên nền đất. Tôi là một con người! Tôi là một con người có một cái đầu, một thân thể, một bộ phận sinh dục, một cái bụng, tất cả. Chứ không phải là một kẻ “trí thức”. “Trí thức” có những tính cách rất ghê gớm! Tôi đã nói rồi, hãy cẩn thận với những kẻ chỉ dùng óc não. Hãy cẩn thận! Bạn phải dùng óc não đồng thời với cảm xúc. Và khi óc não bị tách rời ra khỏi con tim, thì hãy coi chừng một điều gì đáng sợ sắp xảy ra, bởi vì những kẻ đó có thể đưa chúng ta đến sự tận diệt của nhân loại trên hành tinh này. Không, tôi không tin vào óc não đơn thuần. Tôi tin vào sự kết hợp tương phản nhưng cần thiết giữa những gì ta cảm nhận và những gì ta suy nghĩ. Khi thấy một kẻ nào đó có vẻ như chỉ biểu lộ cảm xúc, tôi nghĩ “Anh chàng này mềm yếu”, và khi tôi thấy một kẻ nào đó chỉ suy nghĩ mà không có cảm xúc, tôi nghĩ “Khủng khiếp thật!” Đây là một kẻ “trí thức”, một thứ đáng sợ! Một cái đầu lăn lóc! Tôi không muốn làm một cái đầu lăn lóc. […] Cái mà tôi thích là sự kết hợp giữa cái đầu và gân bắp. Kết hợp tất cả con người của mình. Mọi thứ, không thiếu thứ nào cả — không thiếu cái bụng, không thiếu bộ phận sinh dục, không thiếu cái đầu biết suy nghĩ nhưng suy nghĩ với sự cẩn trọng. Cái đầu mà chỉ biết suy nghĩ cho riêng nó thì quá nguy hiểm.”. Đó là đoạn tríc từ phát biểu của nhà văn Uruguay Eduardo Galeano (sinh 1940) [5].

Và mong sao những trí thức Chăm hãy mở rộng vòng tay bao dung ôm lấy những nỗi thống khổ của dân tộc, của nông dân… để mảnh đất thiêng liêng đậm bao kỳ tích của các vị vua hùng như Po Klong Garai, Chế Bồng Nga còn được nhắc đến và vang mãi trong sử sách.

Chỉ sau một đêm tôi cảm thấy mình lớn hẳn hơn nhiều. Lớn trong những sự suy nghĩ thiệt hơn, một câu nói nhẹ nhàng, một câu nói khích lệ không quá dài và nhiều đã làm tôi thay đổi hẳn. Một câu nói, một bài viết có thể làm thay đổi một con người, quả thật nó đáng giá biết chừng nào, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi đọc những dòng ấy và bài viết ấy. Cảm ơn website Inrasara.com và những bạn còm quý mến của tôi. Hãy cống hiến và làm để biết mình hạnh phúc hơn ai hết.

 

_______

 

Tham khảo

[1]  Tô Hải, Nhật kí mở sau một tuần nghĩ về, viết nguyên văn:

“Tác giả là Inrasara, một nhà thơ, không dùng từ ngữ, câu cú nào lên án nặng nề, không chỉ vào trách nhiệm của ai và cũng không đòi hỏi phải đình chỉ hay mang nhà máy điện hạt nhân đi nơi khác… anh chỉ nói về văn hóa Chăm, nói về tình yêu với mảnh đất đã nuôi người Chăm 2000 năm sẽ đi đâu? về đâu?, ngay khi bị di dân, đền bù …

Và… hình tượng đau xót như hiện ra trước mắt mình… Đó là 2 cụm tháp Po Rome và Po Klong Garai chỉ cách nơi đang triển khai nhà máy điện hạt nhân có… 15 km đứng lạnh lẽo chơ vơ vì chắc chắn không thể có ai dám ở (và được ở). Sự biến mất hai cụm Tháp này, dù nó còn được giữ lại nhưng không còn người Chăm thì còn gì là giá trị?

Và cuối cùng, cảm phục nhất là nhà thơ Chăm đã kiên quyết bỏ Saigon trở về làng để được cùng đồng bào mình sống chung (và chết chung?) những ngày cuối đời chừng nào văn hóa Chăm còn tồn tại!!

Chẳng thế mà từ bên Mỹ, Nhà khoa học nguyên tử thứ thiệt gốc Việt, Phùng Liên Đoàn mà nhiều người đã được đọc qua những lời phản biện tâm huyết của ông bị coi như những mảnh giẻ rách, lâu nay đã chẳng muốn gẩy đàn cho trâu nghe nữa, cũng phải bật dậy. Ông gọi Inrasara là một “đại lão trí tuệ” và mong được làm quen với anh…”

[2] & [5] Hoàng Ngọc Tuấn, Đối thoại Trí thức và trái tim.

[3] Phùng Liên Đoàn, Tám lí do chính phủ sẽ có lợi nếu chính phủ hoãn xây nhà máy điện hạt nhân.

[4] Inrasara – Cham Pangdurangga – ngang bướng, đau khổ, kiêu hãnh và đầy bất an.

Và một số tư liệu thống kê trên web Inrasara.com.

 

 

 

 

One thought on “Chay Dalim: Suy nghĩ về chữ “trí thức” và vai trò của trí thức Chăm hôm nay

  1. Hồi xưa nghe các cụ kể người Chăm ta Trung học hay có làng tốt nghiệp Tiểu học thì đã kêu trí thức rồi. Nay thì khác, tốt nghiệp Đại học hay trên nữa cũng chưa chắc đã là trí thức. Vậy mà có người như bạn Chay Dalaim nói đúng lắm: lầm tưởng thôi. Nhưng thôi đừng nói thêm nữa, ai nhận trí thức kệ họ. Tự nhận thì càng hay, để họ có thái độ xã hội.
    Còn trường hợp Chay Sara thì ngoại lệ không bàn được, không so sánh cei Sara được.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *