Về trí thức dân tộc Chăm hiện nay

Dân tộc Chăm ở Việt Nam hiện có khoảng 18 vạn người, sống trải khắp hơn mười tỉnh thành của cả nước. Họ tập trung nhiều nhất ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuân. Còn lại ở TP Hồ Chí Minh, An Giang, Tây Ninh, Phú Yên… Chăm là hậu duệ của một dân tộc có nền văn hóa phát triển cao. Tiếp nhận truyền thống, Chăm là dân tộc rất hiếu học. Nhất là ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Có thể nói tình trạng mù chữ trong cộng đồng là rất hiếm. Tỉ lệ sinh viện so với số dân cũng thuộc loại cao. Sinh viên làng Chăm Mỹ Nghiệp ở huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận so với toàn thị trấn Phước Dân, đông nhất và cao nhất.

Nhưng làm nên tầng lớp trí thức dân tộc bao gồm nhiều bộ phận, không thể không kể đến người có học vấn cao. Đến hôm nay, Chăm có ba tiến sĩ: Thành Phần, Bá Trung Phụ và Phú Văn Hẳn. Có hơn 20 người trình độ sau Đại học. Trong đó có ba người trình độ Cao học được đào tạo ở nước ngoài về phục vụ quê hương đất nước: Đàng Năng Hòa, Trượng Văn Món, Quang Cẩn. Nhìn chung các nhà khoa bảng này đều có tác phẩm nghiên cứu về dân tộc và văn hóa dân tộc, góp thêm sự hiểu biết về dân tộc mình. Riêng Trượng Văn Món có các công trình như Nghề gốm cổ truyền của người Chăm Bầu Trúc – Ninh Thuận, Lễ hội của người Chăm, Luật tục Chăm (viết chung).
Hoạt động về nghiên cứu văn hóa dân tộc, nhiều tác phẩm quan trọng lại do những người nghiên cứu ngoài Đại học. Thông Thông Khánh có tác phẩm về Phật giáo Champa, dù còn sơ lược, nhưng là một cố gắng đáng ghi nhận. Kasô Liễng, dân tộc Chăm ở Phú Yên, đã sưu tầm, dịch các trường ca dân gian Chăm: Tiếng cồng ông bà Hbia Lơđă,… Trước đó, Inrasara cho ra đời hàng loạt tác phẩm về văn học và ngôn ngữ: Văn học Chăm (3 tập), Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, Tự học tiếng Chăm, Từ điển Chăm – Việt, Từ điển Việt – Chăm (viết chung), Rồi Trường ca Chăm, Tục ngữ – Ca dao Chăm,..…
Về phía tập thể, Ban biên soạn sách chữ Chăm – Ninh Thuận thành lập năm 1978 tập trung đa phần là trí thức Chăm, đã làm được rất nhiều việc: chuẩn chính tả chữ Chăm, biên soạn sách thí điểm Ngữ văn Chăm cấp I, sách giáo viên, sách đọc thêm… Quan trọng hơn cả, họ đã đào tạo được trên năm trăm giáo sinh, gần mười ngàn em học sinh Chăm biết đọc và biết chữ Chăm. Có thể nói đó gần như là kì công, một kì công thầm lặng.
Như vậy, sau một phần tư thế kỉ của thời đại nhiều biến động này, lực lượng trí thức đang muốn níu kéo tàn tích văn hóa cha ông còn khá tản mác. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ bề thêm sự chưa biết hợp tác, hay chưa nghiên cứu có định hướng với một chương trình tổng thể dài hạn nên thành quả hạn chế, là điều không thể tránh.

Bên cạnh sưu tầm – nghiên cứu, lãnh vực sáng tác – biểu diễn, Chăm cũng có lực lượng khá hùng hậu. Thử phác qua vài hoạt động và khuôn mặt tiêu biểu.
Về mĩ thuật.
Đàng Năng Thọ, họa sĩ, Hội viên Hội Mĩ thuật Việt Nam, đã có nhiều cuộc triển lãm trong nước và một lần dự Triển lãm mĩ thuật đương đại với các nước Đông Nam Á và châu Đại dương tại Ấn Độ năm 1998. Anh hai lần đoạt giải thưởng Mĩ thuật. Đàng Năng Thọ chỉ sau một lần ra mắt ở Hà Nội vào năm 1995 cũng đã gây sự chú ý đáng kể. Thành Văn Sưởng, điêu khắc gia, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, cũng tham gia nhiều cuộc bày tranh tượng trong nước và đã có tiếng vang nhất định. Nhưng, chưa tạo được sự nghiệp, tiêc thay, anh đã mất sớm. Thế hệ trẻ có Chế Kim Trung, sinh năm 1971, là một khuôn mặt mới nhiều triển vọng.

Về sáng tác văn chương
Inrasara, vừa sưu tầm – nghiên cứu vừa sáng tác cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt. Hai lần đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam sau đó là Giải thưởng văn học Đông Nam Á, đã tạo một kích thích lớn cho thế hệ trẻ Chăm viết văn làm thơ. Ngoài Inrasara, một nhóm trí thức Chăm đã nỗ lực cho ra đời “tập san” của mình. Tagalau, Tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Chăm, ra đời số đầu tiên vào mùa Katê 2000, sau tám năm Tuyển tập này đã trình làng được vài khuôn mặt với các sáng tác ấn tượng: Trà Vigia, Jalau Anưk, Trầm Ngọc Lan, Bá Minh Trí, Jaya Hamu Tanran, Thạch Giáng Hạ, … Và nếu Tuyển tập trụ vững, họ có khả năng đứng biệt lập như những tác giả xứng danh.

Về ca – múa – nhạc
Đây có thể là lực lượng đông đảo và hoạt động xôm tụ nhất trong thời gian qua. Amư Nhân, đã có bốn tác phẩm và ba băng dĩa riêng. Amư Nhân xuất hiện cuối những năm 80 đã khuấy động được bầu không khí khá trầm lặng của xã hội Chăm lúc đó. Tiếp thu vốn âm nhạc dân tộc phong phú và đặc sắc, Amư Nhân đã sáng tác nhiều ca khúc được truyền bá rộng rãi. Lĩnh vực này, không thể không kể đến các nghệ nhân Chăm lớn tuổi như Thạch Tìm – nghệ nhân đánh trống ginơng, Trượng Tốn – nghệ nhân kèn xaranai… đã có đóng góp rất lớn trong việc biểu diễn cũng như truyền dạy kĩ năng cho thế hệ sau.
Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm – Ninh thuận thành lập năm 1993, với hai mươi lăm diễn viên trong đó nổi bật (qua các thời điểm khác nhau): biên đạo Đàng Quang Dũng, Dương Tấn Đức, Đàng Năng Đức, Thập Ariya, nghệ sĩ múa Bích Trâm, Như Trang… Đoàn đã phục vụ từ thủ đô, thành phố lớn cho đến tận xóm làng hẻo lánh nhất. Thành tích sau mười năm hoạt động rất đáng tự hào. Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm huyện Bắc Bình-Bình Thuận, thành lập năm 1989 gồm 20 diễn viên không chuyên, cũng mang nhiều sắc thái độc đáo với các khuôn mặt: Lâm Tấn Bình, Phi Thúy, Minh Tuyết, Bình Vương, Trường Loan…

Vài nét chính sinh hoạt văn học – nghệ thuật Chăm thời gian qua, nhấn vào sự sáng tạo trên nền tảng truyền thống, một bức chân dung còn khá mờ.

Nhưng đâu là đội ngũ trí thức dân tộc Chăm đúng nghĩa. Vấn đề đặt ra là: đào tạo trí thức như thế nào? Lấy trường hợp cụ thể là văn hóa dân tộc. Đến hôm nay, việc phổ cập kiến thức văn hóa dân tộc vẫn chưa được các chương trình Đại học quan tâm đúng mức. Bộ phận sinh viên này rất mù mờ về văn hóa dân tộc sau khi rời giảng đường, cả sinh viên ngành Văn hóa. Hơn phân nửa sinh viên Chăm còn mù cả chữ mẹ đẻ nữa! Họ hành xử thế nào, khi va chạm thực tế cuộc sống? Bởi tiếng nói quyết định về phát triển xã hội ở ngày mai không còn là của già làng nữa, mà phải là thế hệ trẻ được đào tạo rất căn bản, của hôm nay.
Và đâu là không gian trí thức. Diễn đàn báo chí hay cuộc gặp gỡ trao đổi giữa đại diện chính quyền và giới trí thức sự hiểu biết lẫn nhau, giúp đất nước phát triển. Bởi, nếu chưa có không gian trí thức đúng nghĩa thì không thể hình thành tầng lớp trí thức.
Dân tộc Chăm có tập san Tagalau, xuất bản được 9 số từ năm 2000. Nó được đồng bào coi như nơi để các cây viết Chăm thể hiện khả năng văn học nghệ thuật, bên cạnh góp một phần tiếng nói nhất đinh. Tạp san do một nhóm trí thức tổ chức bản thảo. Đây là một cách làm cần khuyến khích đối với các dân tộc thiểu số khác.

Trí thức nói, và dư luận lắng nghe. Quan điểm hay ý kiến của họ ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng. Trí thức hôm nay thôi còn là loại trí thức nhìn/ nói từ xa mà cần tiếp cận với thực tiễn đời sống hàng ngày. Khi có đội ngũ trí thức mạnh sinh hoạt trong không gian trí thức đúng nghĩa, trí thức mới cơ hội đóng góp thiết thực nhất vào phát triển xã họi, đất nước.

Bài viết lại cho báo Dân tộc và Phát triển.

One thought on “Về trí thức dân tộc Chăm hiện nay

  1. Pingback: Sky Blog: BIAI GAUP BAC » Về trí thức dân tộc Chăm hiện nay

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *