Giải đáp thắc mắc về vài bút danh trên Inrasara.com

1. Về ảnh hưởng thơ Inrasara

Thơ Inrasara ít nhiều tạo vùng ảnh hưởng nhất định lên các sáng tác của người cùng thời hay người viết thế hệ sau đó một ít. Điều này đã được vài nhà phê bình hay các nghiên cứu sinh ghi nhận trong các luận văn của họ. Có người nhận ảnh hưởng khá đậm, chẳng những ý tưởng thôi mà là cả văn phong – đậm đến dư luận cho là tôi đã sửa thơ cho họ, hoặc thậm chí dẫn đến hồ nghi không đáng có: kẻ kí bút danh đó không ai khác mà chính là Inrasara.

Oan cho họ, và cả cho tôi.

Để minh chứng, tôi tạm nêu bài thơ ảnh hưởng Inrasara khá tiêu biểu (rõ, vì đây là thủ pháp rất cổ điển dễ nhận biết – ở đây xin giấu tên tác giả).

 

NGÀY VỀ

 

Quỳ nở tràn triền đồi lỏng khỏng

nắng tơ vàng dan díu chân mơ

đường thì xóc sao lòng đầy ắp mộng

 

Nhà sàn thấp thỏm giữa lũng mây

trong veo mắt nắng, nhớ đong đầy

thăm thẳm như ngày đầu tiên ấy

 

Tay cầm tay lòng chưa nguôi nhớ

người không quen vẫn cứ ôm ghì

làng xa ai đến đều khách quý

 

Miếng cơm chấm muối ôi thiệt ngon

ngồi chen vai lời như bắp nổ

rừng núi nôn nao đêm chong mắt lửa

 

Quý nhau cạn mấy can chẳng nhớ

tình nồng ngại gì một lần say

ta nhấp tiếng cười giấu mắt cay

 

Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 11-2004

 

 

QUÊ NGOẠI

 

Gió nhảy trên ngọn đồi trọc

đường êm sao lòng cứ xốc

đụn trắng – bụi bay hay nắng bay

 

Trong mát khoảng đời cô em họ

vẫn thiên thần đôi mắt tròn đen

thăm thẳm như chưa một lần cũ

 

Tuổi bốn mươi bỗng thành thơ nhỏ

chợt là khách lạ giữa làng quen

một rá khoai bùi đã làm quý

 

Thèm nghe thơ hơn gặp người thương

(tình đậm ngại gì một hôm chậm)

ấm nào bằng ấm tiếng quê hương

 

Nhìn mặt đây lòng chưa thôi nhớ

không uống – li đầy vẫn muốn nâng

đất cằn mà hồn người cứ rộ.

(bài thơ viết năm 2000, in trong Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)

 

2. Về ảnh hưởng văn xuôi Inrasara

Về văn xuôi, sự ảnh hưởng cũng không khó bắt gặp đây đó, nhất là văn phong phê bình của tôi. Anh bạn tiến sĩ ở một Đại học phía Bắc kể rằng, trong buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ, một vị giáo sư phản biện chính đã lấy rất nhiều đoạn văn của tôi ra để phản biện nghiên cứu sinh. Chẳng những lấy ý của tôi, mà lắm lúc ông giáo sư này đã bê nguyên xi văn của tôi ra mà chơi. Bạn tôi ngồi dưới, chỉ biết im lặng. Sau giờ giải lao, anh đã mách người bạn đồng môn: – Tất cả từ Inrasara mà ra đấy.

 

3. Về “mượn” Inrasara

Sự ảnh hưởng có khi được đẩy đến cao trào, để chính ảnh hưởng trở thành “mượn” lúc nào không biết. Sau đây là trường hợp điển hình. Trích bài sau để hầu bạn đọc:

Inrasara: Tản mạn [hay tạp cảm] về “mượn”, Tienve.org, 2010

1.

… Để độc giả có cơ sở đối chiếu, tôi xin trích nguyên văn, cả đoạn chuyển tiếp:

Khi có mấy í kiến cho rằng các tác giả dân tộc thiểu số Việt Nam chưa có tác phẩm sáng giá, theo tôi, có thể nêu ra vài nguyên nhân chính: 1. Nhà văn dân tộc thiểu số ít tiếp cận với cái mới, nên cứ viết theo lối cũ. 2. Thiếu sự dũng cảm cần thiết để dám đề cập đến các vấn đề trọng yếu đụng đến thân phận cộng đồng. 3. Nhà văn cũng chưa thật sự dấn thân vào cộng đồng để có thể hiểu cuộc sống thực của dân tộc, đôi khi còn khá quan cách. 4. Nhà văn chúng ta chưa biết/ dám tư duy độc lập, mà cứ tư duy theo mô thức định sẵn, thì làm gì có khai phá, có sáng tạo? Và cuối cùng, nguyên nhân thứ 5. Vấn đề tài năng và sự đam mê nghề nghiệp.

Thế nhưng, nhìn một cách toàn cảnh, văn học dân tộc thiểu số Việt Nam năm năm qua đã có những bước chuyển rõ rệt, cả ở tự thân lẫn nhìn nhận từ phía công chúng.

Về thơ, các tác giả thế hệ trước vẫn viết đều đặn, vẫn cho ra đời tác phẩm ngày càng chín hơn. Y Phương, Mai Liễu,… Hữu Tiến từ văn xuôi chuyển sang thơ, năm 2008 cũng kịp cho ra đời một tập thơ đặc sắc. Thế hệ chuyển tiếp có Lò Cao Nhum, Dương Khâu Luông, Ngọc Minh,… Thế hệ mới, bên cạnh Bùi Tuyết Mai ở miền Bắc, Hoàng Thanh Hương ở Tây Nguyên là hàng loạt tác giả Chăm xuất hiện qua Tuyển tậpTagalau, đã hình thành giọng điệu riêng, độc đáo. Đây là các khuôn mặt hoàn toàn mới, mang cảm thức mới, có lối viết rất khác và khác cả cách xuất hiện: họ không chọn cách in truyền thống mà đăng các sáng tác lên mang”

(trả lời Hà Thanh Vân trong bài phỏng vấn trên báo Đà Nẵng số ra ngày 13-9-2009).

 

Bài của một nhà văn đăng trên Phongdiep.net (xin giấu tên):

Từng có ý kiến cho rằng các tác giả dân tộc thiểu số Việt Nam chưa có tác phẩm sáng giá, bởi những nguyên nhân chính: 1. Nhà văn dân tộc thiểu số ít tiếp cận với cái mới, nên cứ viết theo lối cũ. 2. Thiếu sự dũng cảm cần thiết để dám đề cập đến các vấn đề trọng yếu đụng đến thân phận cộng đồng. 3. Nhà văn cũng chưa thật sự dấn thân vào cộng đồng để có thể hiểu cuộc sống thực của dân tộc, đôi khi còn khá quan cách. 4. Nhà văn chúng ta chưa biết và dám tư duy độc lập, mà cứ tư duy theo mô thức định sẵn, thì làm gì có khai phá, có sáng tạo? Và cuối cùng, nguyên nhân thứ 5: Vấn đề tài năng và sự đam mê nghề nghiệp.

Nhưng, theo nếu theo dõi sự chuyển động của văn học những năm qua, đặc biệt hai năm trở lại đâu thì có thể nhận thấy văn học của các tác giả dân tộc thiểu số dần định hình được trong lòng công chúng và xác lập vị trí của mình trong đời sống văn học nước nhà. Bên cạnh thành tích rất đáng nể của các nhà văn lớp trước như Cao Duy Sơn (Ngôi nhà xưa bên suối – giải thưởng Hội nhà văn 2008 và giải thưởng văn học ASEAN 2009), Inrasara (Lễ tẩy trần tháng tư – giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2003 và Giải ASEAN 2004) , Y Phương (Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007).… thì thế hệ mới cũng đã định hình và phát triển không ngừng. Đó là Bùi Tuyết Mai, Tằng A Tài, Chu Thị Minh Huệ ở miền Bắc; Nie Thanh Mai, Hoàng Thanh Hương ở Tây Nguyên. Đó là một loạt các tác giả Chăm xuất hiện qua Tuyển tập Tagalau, đã hình thành giọng điệu riêng. Đây là các khuôn mặt hoàn toàn mới, mang cảm thức mới, có lối viết rất khác và khác cả cách xuất hiện: họ không chọn cách in truyền thống mà đăng các sáng tác lên mạng.

…..

 

4. Tạm kết

Từ 3 dẫn liệu trên, tôi xin trả lời thắc mắc của bạn đọc Jadoc: “Tôi dám chắc Chay Mala là một biệt hiệu khác của Inrasara, vì giọng văn này rất giống. Nếu sai xin Inra giải đáp cho”.

Vài bạn văn cũng đã có thắc mắc liên quan đến lai lịch của Chế Trầm Sar, Phú Hải, Trần Wũ Khang, Chay Mala, Trà Ma Hani, Trần Thy Thiện Sa, Lâm Wũ, Lâm Quang Thăn,… thậm chí còn lây lan sang Chế Mỹ Lan, Tuệ Nguyên, Bá Minh Trí, và vân vân nữa. Hỏi họ có phải là Inrasara không, hay Inrasara có gia công vào sáng tác của họ không?

Cũng có vài bạn khác đề nghị tôi cho biết ai là nickname nào đó ở trang Inrasara.com, viết phản hồi hay cả bài đăng chính. Thực lòng, chính tôi là chủ website này, tôi còn không biết họ là ai nữa. Càng không ý định tò mò xem biết họ là ai, từ đất nước hay vùng miền nào, viết với ý đồ gì…

Họ muốn xuất hiện trên đời này như thế, thì cứ để họ được như thế.

Vậy, tốt hơn ta hãy tôn trọng những tên tuổi ấy với cách chọn lựa ấy.

Thân mến

Inrasara

2 thoughts on “Giải đáp thắc mắc về vài bút danh trên Inrasara.com

  1. “Chẳng những lấy ý của tôi, mà lắm lúc ông giáo sư này đã bê nguyên xi văn của tôi ra mà chơi”.

    Câu trên là là ăn cắp miệng.
    Còn đoạn dưới đúng là ăn cắp chữ!!! Chớ cãi đằng nào…

  2. Tôi đọc thấy nhà văn Trần Nhã Thụy viết:

    Inrasara đã tạo ra chân dung mình cùng giọng điệu ảnh hưởng vào thế giới đang sống của chúng ta… Những lời thơ có sức mạnh và bay bổng lạ kỳ. Nó làm cho chúng ta thực sự bị thuyết phục và sung sướng trước sự linh nghiệm của thơ. (Tạp chí Tài hoa trẻ, số 253, 2003).

    Đúng vậy! Không ít người chịu ảnh hưởng Inrasara. Chịu ảnh hưởng ông trong văn chương và cả trong đời sống… Dễ gì 1 nhà văn làm được như ông, nói gì 1 nhà văn dân tộc thiểu số.
    Cho nên tôi không ngạc nhiên lắm nếu bắt gặp ai đó viết giống Inrasara.

Leave a Reply to Nguyễn S. Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *