Bài viết Xét kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam của tôi đăng trên Tiền phong Chủ nhật vừa qua đã nhận được các phản hồi khác nhau từ nhiều phía khác nhau. Như thế cũng tạm đủ. Còn BCH Hội Nhà văn có mang nó ra xét hay không thì hết còn là nhiệm vụ của chúng ta rồi. Trích đăng đoạn 4 bài tùy bút “Sống, và không để lại dấu vết” này nên được xem là một quyết toán. Rất mong quý độc giả, bà con anh chị em xin ngưng cuộc thảo luận ở đây.
Inrasara
* “Tập thơ đầu tay Tháp nắng nhận Giải thưởng Hội Nhà văn khi tôi còn chưa vào Hội“, 1997.
…
4. Tôi & Hội Nhà văn
Chuyện vào hội của tôi khá lạ đời.
Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam, sống Sài Gòn được một năm, Phú Văn Hẳn rủ tôi với hai chục người nữa cùng… vào. Khối kẻ trong số đó không quan tâm văn học nghệ thuật. Không đơn xin, không lí lịch, càng không biết vào để làm gì. Đại hội nhiệm kì 2007-2012, khi nghe phong thanh tin mình được đề cử ngồi Chủ tịch đoàn, tôi nói với Nông Quốc Bình:
– Miễn cho Sara đi, ngán lắm.
– Trên đã quyết cả tháng nay, miễn sao được, anh làm đi. – Bình nói.
Thế là tôi miễn cưỡng chạy ra phố Cửa Nam sắm cái bộ vét, trong khi tại Sài Gòn tôi có hai bộ cả năm không rờ tới. Sang mục đề cử ứng viên vào Ban Chấp hành, khi người dẫn chương trình xướng tên chục vị xin tự rút, mọi người vỗ tay ầm ầm. Đến phiên tôi thì cả Hội trường im re. Tin nhắn từ cellphone anh bạn: Co moi minh ong la Cham ma con doi rut thi lay ai lam dai dien?
Thôi thì hội phong trào, chẳng chết ai. Thế là tôi ngồi lại ngay ngắn chịu trận, để… dính. Rồi sắm cả vai Trưởng Ban lí luận phê bình.
Hội Nhà văn Việt Nam có khác chút đỉnh.
Tôi làm thơ từ thuở mười bốn, và liên tục, nhưng chưa bao giờ gửi đăng báo. Tập thơ đầu tay Tháp nắng ra đời vào tuổi bốn mươi bởi cơ duyên rất ngẫu nhĩ. Sau khi nó được giải, gần như Nông Quốc Chấn đặc cách dắt tay tôi vào. Tôi có viết đơn thư nào không, không nhớ. Tôi nghĩ, vào hay không vào Hội, không vấn đề gì to tát cả. Tôi ít biết đến chuyện đơn thư. Ba lần làm việc các cơ quan Nhà nước, tôi được mời, chứ không đơn.
Ở Hội Nhà văn Việt Nam, hai nhiệm kì tôi ghế phó Trưởng Ban Hội đồng Văn học Dân tộc (nhà thơ Y Phương vai trưởng) nhưng hầu hết công việc đều do nhà thơ Dương Thuấn gánh vác. Bởi anh thích làm và biết làm. Tôi thì thoái thác cái gì có thể được. “Phó” mà! Khi Hội đồng này bị giải tán, tôi được cho ngồi vào chỗ trống phó Chủ tịch Hội đồng Thơ. Lại “phó”! Anh em Chăm hay đùa nhau nỗi “phó” này. Tin được báo trên website Hội Nhà văn Việt Nam vào tháng 10-2010 thì phải. Tôi viết trên Inrasara.com, tháng 11-2010:
“… đã bỏ túi cái thẻ, tôi nghiêm chỉnh chấp hành, như thể làm tròn bổn phận cư dân Hội. Tin nhắn, điện thoại bay tới tấp. Vài cái tiêu biểu: “Rất hãnh diện, chúc mừng anh!”. “Rất công bằng và xứng đáng”. “Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam còn chưa làm hư nổi Sara, huống hồ phó Chủ tịch Hội đồng Thơ”. “Khổ thế chứ! Xin chia buồn cùng ngài tân phó Chủ tịch”…”
Từ Tây Nguyên, bạn thơ phone tới chia sẻ:
– Sara thì quá thấm nỗi Hội Nhà văn rồi. Nhưng thế vẫn chưa đủ đâu, ít ra anh cũng cần ngồi vào ghế nào đó một nhiệm kì để lấy chi tiết sau này viết tiểu thuyết. Ở đó ngồn ngộn hiện thực cuộc người mặc sức mà khai thác…
– Mi cứ đùa ông anh, tôi nói.
Nhận “nhiệm sở” chưa quá năm, tôi thu nạp bao nhiêu dòng sông phiền lụy mới đổ vào dòng sông khổ ải của đời mình. Cô bạn thơ nữ vừa đút túi cái thẻ, đã gửi thư báo tin vui đến người cha đang nằm viện: “Coi như con đã trả xong chữ hiếu, bố ạ”. Cô kể với tôi rất ư là… ngây thơ. Bạn thơ vong niên: “Mình không chuyên nghiệp như Inrasara, kẹt nỗi năm nay trên cơ cấu mình vào Chủ tịch Hội của Tỉnh, nên cần có thẻ Nhà văn cầm tay, ông ạ”. Thêm: “Viết văn làm thơ mà, hội với chả hè, nhà thơ X bên Hội đồng nói quá nên mình phải làm đơn đấy chứ”. Chưa hết: “Ở Bắc cả dòng họ mình đến nay vẫn chưa có ai là nhà văn, cậu à. Kì này cậu cố gắng giúp mình nhé”. Nữa: “Thằng cha đó mà thơ thẩn gì, chỉ biết mỗi văn hóa chạy. Thơ thế này mới là thơ chứ (ông giúi vào tay tôi mươi bài thơ vừa photocopy). Phải có mầy phụ vào một tay với ông anh mới được. Mầy chịu khó nói với mấy thằng trong Hội đồng một tiếng giúp tao! – Không được đâu, cùng lắm Sara có mỗi lá phiếu, – tôi nói”. Vân vân…
Nghe, tôi thấy mình ù ù cạc cạc về tâm lí người viết hôm nay.
Thế rồi tôi bị tiếp cận từ nhiều hướng bằng nhiều cách thế khác nhau. Từ đâu? Không ai lường trước tôi sẽ phản ứng thế nào, bởi tôi mới và mang tiếng thẳng. Gái gú ư? – Tôi không nhu cầu. Bao thư hay phong bì? – Tôi càng không. Tiệc tùng nhậu nhẹt bù khú là thứ tôi đệ nhất ngán. Còn rượu tây thì tôi không biết đến xưa nay.
Ngược lại, với đại đa số người viết văn làm thơ, Inrasara vẫn cứ âm âm u u, – họ đồn thế. Tôi thì quá cá biệt. Một hôm, sau khi tự thú vài vụ chạy chọt tiêu biểu, trỏ mấy chai rượu tây đứng chình ình góc tủ sách, tôi hỏi bạn trẻ Chăm:
– Tình trạng thế, cei có nên thực thi văn hóa từ chức không?
– Chuyện này chưa có tiền lệ cei à, – nghĩ một lát, hắn nói: – Là Chăm, tạo xì-căng-đan, với cei thì chả sao, nhưng hoàn toàn không có lợi cho Chăm…
– Cei có quyền bỏ phiếu trắng chứ?
– Dạ, được… Năm năm đi qua nhanh lắm.
Miệng đàn bà con trẻ vậy mà thiêng. Vâng lời cánh trẻ, tôi phát tín hiệu đi. Để ít ra, bản thân tôi thoát nạn. Thêm: để thông tin rộng rãi rằng ứng viên chạy cửa nào thì được, chứ cửa Inrasara thì… toi công.
…
[đoạn cuối]
Một, hai năm nữa, tôi sẽ rời bỏ Sài Gòn mà về. Kiều thì mười lăm năm thôi, tôi hai mươi năm rồi là gì…
Mùa nắng 2011, sau một ngày điền dã vào các palei Chăm, tôi nhờ cô nghiên cứu sinh đèo qua khu đất dự định xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân. Một khoảng trắng im lìm bày ra trước mắt. Bên kia là núi Chà Bang khô khốc, trần trụi đứng câm lặng, bên này là biển thẳm xanh vỗ sóng rì rầm. Vài ngôi nhà còn sót lại của khu cư dân vừa dời đi mỏng manh giữa trời chiều tràn gió.
– Về đi, em à, – Lát sau, tôi nói.
Buổi tối, đứng trên sân thượng nhà em vợ, tôi nhìn về phía “đó” lần nữa. Trời lặng gió đến tiếng rắn nước con lội qua mương cũng nghe được. Tôi nhìn thật lâu và sâu vào vùng trăng sáng vằng vặc. Caklaing cách nó chỉ mươi cây số. Gần nhất là làng Ia Li-u: năm cây. Chục làng Chăm quanh đó cũng không quá ba mươi. Hai năm nữa, Nhà máy đầu tiên sẽ được khởi động thi công. Những cột sắt Fukushima sẽ mọc lên, ở đó.
Bạn ở California hay Paris, nghe tin về Nhà Máy điện hạt nhân Ninh Thuận, có thể bạn thấy cảm thương người Chăm. Ở Sài Gòn hay Hà Nội, đọc tin, có thể bạn lo lắng cho sinh phận con dân Chăm. Từ mấy ngàn năm qua, tổ tiên họ trụ nơi đó, cùng đất cằn, nắng, cát và gió. Họ – vỏn vẹn sáu vạn người, là cộng đồng còn truyền lưu đậm bản sắc văn hóa dân tộc xa xưa. Có thể bạn lên tiếng phản đối. Trên báo chí, ở diễn đàn quốc tế. Có thể…
Riêng tôi, tối hôm đó, đứng trên sân thượng đó, tôi đã nhìn thấy định mệnh tôi, và phần nào đó – sinh phận Chăm. Không phải bằng suy niệm siêu hình hay qua phương tiện của thế giới ảo, mà bằng hiện thực trần trụi lồ lộ. Chỉ có giây phút đó của ngày đó trong không gian đó, tôi mới chứng ngộ được nó. Và tôi phần nào hiểu được văn chương – ít ra là của/ cho tôi – để làm gì và không để làm gì.
Sài Gòn, 7-12-2011
Phải vậy chớ, cạnh tranh cái gì chớ cạnh tranh chen lấn vào HNV nó nhếch nhác lắm quý bác nhà văn à. Đừng nói chuyện chạy chọt, mua phiếu hay chi khác nữa. Tài năng thì thấy ngay thôi. Viết ra tập thơ nhờ quen biết được các báo viết cho vài dòng, tưởng bở thật ra rồi chẳng ra gì cả. Hãy nỗ lực cánh sinh sáng tác thì sẽ đạt được giá trị. Có khi chả cần giải thưởng anh cũng giá trị.
Năm mới thắng lợi mới!
Tôi có viết một lần ở đâu đó, là 10 năm nữa xã hội Chăm có thể có 100 tiến sĩ thì dễ, nhưng làm như nhà thơ Inrasara làm được, thì khó vô cùng.
Tôi không nịnh anh làm chi, vì con người như anh không cần nịnh bợ. Nhân chuyện này, tôi muốn khẳng nhận lại. Nhà thơ Inrasara đạt được thành tích vừa qua là điều vô cùng quan trọng với cộng đồng người Chăm. 20 hay 30 năm nữa chắc gì có người Chăm nào đoạt được Giải HNV 2 lần, đoạt Giải Văn học ĐNÁ, và được bầu là nhân vật văn hóa của năm 2005. Rồi là Phó chủ tịch hội đồng thơ của HNV. Chưa chắc đâu, vì rất khó.
Cho nên theo ý tôi, nhà thơ Inrasara khi đã nói được tiếng nói của mình rồi (tôi không thấy nhà văn ng Kinh nào lên tiếng mạnh mẽ như anh), có nghĩa là nhà thơ đã làm tròn trách nhiệm rồi. Tôi không dám nói là mình đại diện cho cộng đồng, nhưng người Chăm rất rất hãnh diện về tinh thần khẳng khái đó. Còn lại cứ để cho ban chấp hành HNV họ lo. Hư hại thì họ chịu.
Nhà thơ Inrasara cứ ở lại, không việc gì phải từ chức cả.
Tôi ủng hộ ý kiến bạn trẻ đã khuyên nhà thơ.
Xin phép bác Inra cho tôi ý kiến:
Ông đại tá nhà thơ nói có cái lý của ông: ít ra dù sống trong cái rọ Hội nhà văn, cũng cần có sự công bằng giữa những con cá!
Pingback: Tin Chủ Nhật, 15-01-2012 « BA SÀM