Quảng Đại Sơn: Về những hiện vật điêu khắc đá Champa trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP Hồ Chí Minh

Đã đăng Tagalau 12

Giới thiệu chung

Nghệ thuật điêu khắc Champa là bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản nghệ thuật ViệtNam, về cả số lượng tác phẩm cũng như tính thẩm mỹ hết sức độc đáo.

Điêu khắc đá Champa là một bộ môn nổi tiếng được nghiên cứu từ cuối thế kỷ XIX. Các nhà nghiên cứu đã định ra được các phong cách tạo hình của Champa từ giai đoạn trước thế kỷ VII (chịu ảnh hưởng nghệ thuật Amaravati của Ấn Độ) cho tới giai đoạn nửa sau thế kỷ VII trở đi, đã tạo được những nét riêng của điêu khắc đá Champa qua 8 loại phong cách: Mỹ Sơn E1, Hòa Lai, Đồng Dương, Khương Mỹ, Chánh Lộ, Tháp Mẫm, Yang Mun, Po Ramé. Hiện nay sưu tập điêu khắc Champa tập trung ở các Bảo tàng Lịch sử Hà Nội, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng Tổng hợp Huế, Bảo tàng Bình Định, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP Hồ Chí Minh.

Nghệ thuật điêu khắc Champa rất phong phú với nhiều tác phẩm phù điêu, tượng tròn gắn với sinh hoạt tôn giáo Bà-la-môn, trên những tác phẩm này thường bắt gặp nét chủng tộc, y phục, trang sức Chăm hòa quyện với hình ảnh các vị thần Bà-la-môn, hoặc những nét tả thực cũng như cách điệu thể hiện trong hình ảnh con người, loài vật… hết sức sinh động(1). Đằng sau những bức phù điêu, những bức tượng ấy là cả một không gian huyền thoại, phản ánh những tư duy trừu tượng, lãng mạn của con người khi lý giải về những điều kỳ diệu của vũ trụ.

Những tác phẩm tiêu biểu của nền nghệ thuật này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi pho tượng là mỗi tác phẩm điêu khắc tuyệt tác của người Chăm cổ để lại trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

Nhằm góp phần bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân tộc, chúng tôi giới thiệu đến những ai quan tâm vấn đề này, để cùng nhau tìm hiểu một phần nhỏ những tác phẩm điêu khắc đá Champa tiêu biểu.

 

Các hiện vật điêu khắc đá tiêu biểu

Phù điêu 9 vị thần: Cho đến nay, đây là bức phù điêu duy nhất về loại hình này được tìm thấy ở Champa. (Hiện vật tại bảo tàng ký hiệu BTLS 5979).

Với lối thể hiện: Vị thần thứ nhất ngồi trên xe ngựa kéo và một vị thần ngồi trên bệ, còn các vị thần khác đều cưỡi trên một con vật được coi là vật cưỡi của thần. Trừ vị thần thứ nhất ngồi trên xe 7 ngựa kéo, còn các vị thần khác, những con vật được coi là vật cưỡi của thần được điêu khắc ngay dưới bệ thần ngồi (các vị thần không trực tiếp cưỡi lên nó). Vì bức phù điêu bị sứt mẻ nhiều nên khó nhận dạng. Tuy nhiên, dựa trên cơ sở tích truyện liên quan đến thần thoại Ấn Độ và Ấn Độ giáo, chúng ta có thể đoán nhận những vị thần đó là:

Vị thần thứ nhất làUsa(nữ thần Rạng đông). Cũng có người cho đây là Surya (thần Mặt trời). Usa là vị thần trong thần thoại Ấn Độ thời Rigvêđa, được coi là con gái của trời, chị em với thần Đêm tối (Ratri), đồng thời là người bà con với Agni (thần Lửa).Usađược coi là người yêu hay là vợ của Surya. Trong thần thoại Ấn Độ, nàng được miêu tả có sắc đẹp, mặc áo dài trắng thường ngồi trên xe có bảy ngựa hồng kéo. Bình minh là lúc nàng xuất hiện để đánh thức thế giới bừng tỉnh, còn chính nàng lúc đến với người yêu là thần Mặt trời. KếUsalà Surya, cũng có người cho đây là Sô Ma (thần mặt trăng), vị thứ ba không rõ, vị thứ tư là Brahma (thần Sáng tạo), vị thứ năm là thần Indra (thần Sấm sét), vị thứ sáu và bảy không rõ, vị thứ tám là thần Siva, vị thứ chín là “Đấng Toàn năng”.

Mặc dù ở Champa đã tiếp thu Ấn Độ giáo, mà Ấn Độ giáo cho rằng tất cả hành động kể cả hành động của thượng đế, cũng đều biểu thị ba khuynh hướng: sáng tạo, bảo tồn, hủy diệt, và được qui tụ thành ba đấng tối cao Brahma (thần Sáng tạo), Visnu (thần Bảo vệ), thần Shiva (thần Hủy diệt), được gọi là “Tam vị nhất linh”, nhưng qua bức phù điêu này, chứng tỏ tín ngưỡng đa thần vẫn tồn tại ở Champa(2).

Thần Shiva

Shiva vị thần Bà-la-môn giáo được người Chăm thờ cúng và tôn vinh là vị thần tối cao. Khoảng thế kỷ IV, sự tôn thờ Shiva một cách tuyệt đối của các vua Champa khởi đầu bởi vua Bhabravarman đã hình thành một tôn giáo chuyên thờ thần Shiva gọi là Shiva giáo mà từ đó ra đời khu “thánh địa Mỹ Sơn”. Shiva vừa mang tính hủy diệt vừa mang tính sáng tạo, vừa được coi là hung thần phá hoại, hủy diệt muôn loài vừa là phúc thần bảo vệ đời sống của cư dân Champa. Shiva thường thể hiện dưới dạng một nam nhân có ba con mắt với mắt thứ ba ở giữa trán, ba mắt tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, ngọn lửa thế gian, và có thể nhìn thấy hết quá khứ, hiện tại, tương lai. Tay Shiva có khi cầm đinh ba biểu tượng cho sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt, có khi cầm rìu biểu hiện cho sự tuyệt đối hoặc cầm cây kiếm xua đuổi những sợ hãi và một tay ban phúc lành. Shiva cũng là vị thần tổng hợp, vạn sự đều qui tụ vào đó.

Biểu tượng của Shiva là Linga. Linga là biểu hiện của tam vị nhất thể với chỏm đầu hình cầu tròn là Siva, phần giữa là Vishnu có tám cạnh và phần cuối là Brahma có bốn cạnh. Chiếc Linga đầu tiên xuất hiện dưới triều vua Bhadravarman thế kỷ IV. Nhà vua cho xây tại thánh địa Mỹ Sơn một đền thờ thần Shiva Bradravarman, mà biểu tượng là một Linga.

Ấn Độ giáo ở Champa thuộc phái Siva, thường được thể hiện dưới dạng Linga để tôn thờ. Những hình tượng Shiva ở dạng người (hay nhân hóa), thường được đồng nhất là thần vua Champa. Hiện tượng này chúng ta có thể thấy được ở những tháp Champa, như phù điêu thần Shiva ở tháp Po Klaong Girai, Po Ramé, Po Ina Nagar, thực tế đó là vua Champa (riêng Po Ina Nagar, người Chăm thờ người như là “Quốc mẫu”). Các thần Shiva của Ấn Độ giáo cũng được thờ ở trong các tháp Champa nhưng dưới dạng Linga hoặc Linga-Yony.

Từ đó chúng tôi nghĩ rằng, những đầu tượng Shiva trong sưu tập này, có thể là “thần vua Champa”. Những đầu tượng thần, có thể cũng là những thần bản địa của Champa.

Thần Indra

Được thể hiện ở tư thế ngồi ở 2 chân xếp bằng trên một cái bệ, đầu vị vỡ, bàn tay trái để úp lên đầu gối trái; bàn tay phải đặt ngửa trên đầu gối phải, và cầm một vật (lưỡi tầm sét). Ở bệ có một hình voi đang phủ phục. Theo thần thoại Ấn Độ, Indra là vị thần đứng đầu các vị thần, vật cưỡi của thần là voi.

Nữ thần Devi

Được tạo tác bán thân, tóc búi kiểu hình tháp, lông mày liền nhau, mắt mở to, sống mũi thẳng, cân đối, miệng hơi nở nụ cười tạo nên khuôn mặt xinh đẹp, hài hòa, tượng để hở bộ ngực tròn căng sức sống nhưng lại tạo nên một cảm giác thánh thiện.

Theo truyền thuyết, nữ thần Devi có tên Champa là Rija Kula Hara Devi, là vợ của vua Indravarman II, người sáng lập triều đại Đồng Dương, triều đại Phật giáo vào thế kỷ thứ IX. Vì Devi có công với đất nước, đặc biệt là thường giúp đỡ những người nghèo, cô nhi quả phụ, nên sau khi mất bà được phong thần và được vua Jaya Shinhavarman I dựng tháp thờ(3).

Nữ thần Laksmi – vợ thần Visnu 

Loại tượng thần phổ biến trong điêu khắc đá Champa, theo thần thoại Ấn Độ, Laksmi xuất hiện trong cuộc quấy biến sữa giữa các thần và loài quỷ để tìm thuốc trường sinh bất tử. Laksmi được xem là nữ thần sắc đẹp, nữ thần thịnh vượng, nữ thần may mắn(4).

Hình tượng những người cầu nguyện và tu sĩ

Có thể đây là hình tượng của những tu sĩ theo Ấn Độ giáo hoặc cũng có thể là tu sĩ của phái Mật Tông. Riêng tượng thể hiện người đang khấn niệm, có lẽ là tu sĩ của phái Mật Tông.

Tượng người

Đầu tượng bị mất, cổ đeo tràng hạt, tay trái bị vỡ mất hoàn toàn, tượng được thể hiện ở tư thế ngồi hai chân xếp vào nhau, lòng bàn chân ngửa, hai tay đặt lên hai đầu gối. Đây có thể là một thầy tu đang ngồi thiền.

Tượng phật 

Đầu đội miện ba tầng, tay đeo trang sức chuỗi ngọc. Phật được thể hiện ở tư thế ngồi, hai chân bắt chéo nhau, chân phải đặt lên chân trái, tay trái đặt phía trước bụng, lòng bàn tay ngửa, tay phải giơ lên ngang ngực, lòng bàn tay hướng về phía trước. Đây là hình ảnh Phật đang thiền định.

Bệ thờ hình ngực phụ nữ

Ở giữa bệ thể hiện những hình ngực phụ nữ, phía trên và phía dưới là dãy hoa văn hình cánh sen. Việc tôn thờ những hình ngực phụ nữ ở Champa dường như chỉ tập trung ở phong cách “Bình Định”. Sen là biểu tượng thường hay gắn với Phật giáo. Vì thế, bệ thờ này cũng như những bệ thờ khác về dạng hình vú phụ nữ, có thể là biểu tượng tôn thờ của môn đồ Mật Tông tả phái, phái này thường chú trọng tôn thờ nguyên lý âm (Sakti) và coi đó là năng lực sáng tạo (yếu tố âm-Sakti trong Ấn Độ giáo thường được thể hiện dưới dạng Yoni).

Những người theo phái Mật Tông đôi khi nhân hóa những Sakti thành những người vợ của các thần thánh hoặc nữ vương theo thánh tính ấy. Đối với ở Champa, việc tôn thờ này còn ý nghĩa liên quan đến yếu tố Mẫu hệ và tục thờ quốc mẫu(5).

Ápsara cùng Kinnara 

Ápsara tiếng Phạn có nghĩa là dòng suối mát. Ápsara chỉ một trong những vị nữ thần sông suối, cây sỏ xinh đẹp sống ở thiên đường Indra(6).

Những vị thần này được coi là những thiên thần múa hát trên trời, dâng hương hoa để khánh chúc thần linh. Hình tượng này khá phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc Champa. Tượng Kinnara là vũ nữ thiên thần và những Apsara đang bay lượn trên trời. Đặc biệt là tượng Apsara được thể hiện với tư thế quỳ, hai tay đang chấp một búp hoa hoặc một loại quả, với động tác dâng cúng thần linh, bên cạnh là hình đám mây. Tuy với khối đá nhỏ, nhưng người nghệ nhân đã thể hiện được sự khái quát tính không gian đạt trình độ cao, tạo cảm giác mênh mông của không giới.

Sư tử (Trà Kiệu – QuảngNam, thế kỷ X – XI)

Sư tử, người Chăm gọi là “Srin”là hình tượng phổ biến trong điêu khắc Champa, đặc biệt là ở kinh đô Simhapura (thành phố Sư tử) – Trà Kiệu. Sư tử là con vật không có ở Champa nhưng vua chúa Champa lại dùng sư tử biểu hiện cho vương quyền. Theo quan niệm của người Chăm sư tử biểu tượng cho quý tộc, cho sức mạnh vì theo truyền thuyết, sư tử là một trong mười kiếp hóa thân của thần Vishnu và đã giết được quỷ Hiraya Kapipu.

Sư tử Champa thường được tạo thân hình vạm vỡ với các tư thế đứng, ngồi, quỳ, phổ biến là tư thế đứng. Nghệ nhân thể hiện sư tử không hoàn toàn đúng theo đời thường nhưng lại được mang rất nhiều đồ trang sức.

Trừ một đầu sư tử có nguồn gốc tại Chiên Đàn và một tượng sư tử ở Tháp Mẫm, những tượng sư tử còn lại trong sưu tập có nguồn gốc ở Trà Kiệu. Hầu hết sư tử đều là sư tử đực, hình thức thể hiện ở hai dạng phù điêu nổi và tượng tròn, tất cả đều ở tư thế đứng với hai biến thể: loại thứ nhất chân phải bước lên, khớp gối hơi gấp cong chân trái duỗi thẳng, loại kia thì ngược lại. Cả hai loại đều thể hiện chi trước giơ lên ngang đầu, lòng “bàn tay” ngửa về phía trước. Miện trên đầu trang trí những hình lá đề nhiều tầng. Trang phục trên mình sư tử là một loại “áo giáp”, ở ngực có những hình như dải yếm xếp từng lớp với vạt dưới nhọn, phía dưới là một loại quần cụt ngang ống chân.

Tượng sư tử Tháp Mẫm có trang sức, trang phục và hoa văn trang trí gần giống như ở chim thần Garuda Thấp Mẫm.

Bò Nandin 

Theo thần thoại Ấn Độ thì kiếp trước của thần Shiva là con bò. Sau khi Shiva hóa thân thành người thì con bò là vật cưỡi của thần Siva. Do vậy quan niệm của Ấn Độ giáo thì con bò là vật cưỡi của thần Siva, cho nên tượng bò Nandin thường gắn với thần Siva.

Trong điêu khắc đá Champa, khá nhiều tượng bò Nandi được thể hiện dưới dạng tượng tròn và ở tư thế nằm. Tượng này cũng vậy, xét ở góc độ hình thái cơ thể học, bức tượng đã đạt trình độ cao trong nghệ thuật tả thực.

Voi

Là hình tượng khá phổ biến và sớm có mặt trong nghệ thuật điêu khắc Champa trên mọi loại hình. Ngoài yếu tố là con vật quen thuộc có nhiều trên địa bàn cư trú, được sớm thuần dưỡng, thì voi cũng là biểu tượng của vật linh trong Ấn Độ giáo. Voi là vật cưỡi của thần Indra (thần sấm sét, thần chiến tranh hay thần hộ mệnh) gọi chung là Dikapala. Song hành với việc tôn thờ Voi theo giáo lý người Chăm còn coi Voi là bạn hoặc ân nhân cứu con người.

Chim thần Garuda 

Là vật cưỡi của thần Visnu, loại hình này khá phổ biến trong điêu khắc đá Champa. Hiện nay Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – thành phố Hồ Chí Minh còn lưu giữ ba tiêu bản: Hai thuộc loại hình Trà Kiệu và một thuộc loại hình Tháp Mẫm.

Loại hình Trà Kiệu với phong cách thể hiện rõ nét là loài có lông vũ, mỏ. Hình thức thể hiện mũ hay miện trên đầu là những hình lá đề được xếp thành từng tầng. Kiểu mũ hay miện này cũng là một trong những đặc trưng của phong cách Trà Kiệu.

Tiêu bản Garuda Tháp Mẫm với phong cách thể thiện cách điệu cao (giống như con thú). Hoa văn trang trí cầu kỳ, hoa nhiều cánh, những hình xoắn móc, dây lưng thường được đính những hạt viền tròn, v.v… cũng là nét đặc biệt của phong cách Tháp Mẫm.

Theo thần thoại Ấn Độ, vì mẹ của loài rắn Naga đã giết mẹ của loài chim thần Gadura, do đó giữa hai loài này có mối thù truyền kiếp, vì thế chim thần Garuda thường bắt hoặc giết loài rắn Naga, đề tài này được thể hiện trong điêu khắc đá Champa khá phổ biến. Hai tiêu bản trong sưu tập này cũng thể hiện chim thần Garuda đang bắt những con rắn Naga.

Vật trang trí gắn ở góc tháp

Đây là hình tượng một mảng mây. Mây là một biểu tượng “không giới” nơi ngự trị của các vị thần linh, mô típ này cũng khá phổ biến ở điêu khắc Champa. Hình ngọn lửa thường gắn ở đỉnh tháp thường gắn ở góc tháp. Lửa là yếu tố liên quan nhiều đến thần thoại và tôn giáo. Thần thoại Ấn Độ gọi thần lửa là A-nhi, (Agni) lửa cũng là hình thức khởi phát của thần Siva. Lửa còn được coi là có vai trò môi giới giữa người trần tục và cõi thần linh trong những lễ cúng tế..

 

Kết luận

Qua các tác phẩm trên, chúng ta thấy được quá trình phát triển của nghệ thuật điêu khắc đá Champa. Sự tồn tại và phát triển của nó gắn liền với bối cảnh lịch sử, từ đó tạo nên những đặc trưng độc đáo của từng thời kỳ. Những đặc trưng đó thể hiện đời sống sinh hoạt, tôn giáo, phong tục, tín ngưỡng của người Chăm trong lịch sử. Tất cả những tác phẩm nghệ thuật trên qua bàn tay điêu khắc của các nghệ nhân, nghệ sĩ Champa đã tạo nên một loại hình nghệ thuật điêu khắc có một không hai của Đông Nam Á.

Nền văn hóa Champa chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi nghệ thuật Ấn Độ. Vì thế, xuyên suốt quá trình phát triển này ta dễ dàng bắt gặp những dấu ấn văn hóa Ấn Độ trong từng tác phẩm. Tuy nhiên, người Chăm cũng đã học hỏi và giao lưu văn hóa không những ở Ấn Độ mà còn của các quốc gia, các nền văn hóa lân cận như Đại Việt, Trung Quốc, Khmer… kết hợp với những yếu tố đó tạo thành những nét văn hóa, những phong cách điêu khắc của riêng mình.

Thực tế, hiện nay có rất nhiều cổ vật Champa, bằng nhiều con đường khác nhau đã không còn (cả nhà sưu tầm nước ngoài); trước sự phát triển của đất nước, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, thì các giá trị văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là điêu khắc đá Champa đang gặp nhiều nguy cơ thách thức. Đảng và Nhà nước ta đã có chính sách bảo tồn và phát huy, nhưng xét toàn cục, thì chúng ta và cả cộng đồng người Chăm hiện nay phải cùng nhau góp sức. Có như thế thì những giá trị văn hóa, nghệ thuật đó mới tiếp tục trường tồn với thời gian.

 

_________

 

(1) http://www.baotanglichsuvn.com

(2) Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố  Hồ Chí Minh

1994 Sưu tập hiện vật Champa tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 22 – 23.

(3) Louis Finot “Seconde Stèle de Dong Duong”  (Notesd’ epigraphie), BEFEO, tome IV – 1904, tr. 105-115.

(4) Huỳnh Thị Được, Sđd, tr. 93-95.

(5) Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh. 1994 Sưu tập hiện vật Champa tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 24.

(6) Xem thêm: Huỳnh Thị Được 2005 Điêu khắc Chăm và thần thoại Ấn Độ. NXB Đà Nẵng, tr. 109-112.

 

Tài liệu tham khảo

Cao Xuân Phổ, 1988 Điêu khắc Chàm. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Lê Đình Phụng, 2002 Di tích văn hóa Champa ở Bình Định. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Lương Ninh, 2006 Vương quốc Champa. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

Jean Boisselier, Nghệ thuật tạc tưởng Champa. Viễn Đông bác cổ Pháp.

Roy C. Craven 2005 Mỹ thuật Ấn Độ. NXB Mỹ Thuật, Hà Nội. (Người dịch: Nguyễn Tuấn, Huỳnh Ngọc Trảng).

Ngô Văn Doanh, 2003 Thánh địa Mỹ Sơn. NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.

Thông Thanh Khánh, 1999 “Dấu ấn Phật giáo Champa. NXB Mũi Cà Mau.

www.baotanglichsuvn.com; www.baotanglichsu.vn; www.cuocsongviet.com.vn

 

9 thoughts on “Quảng Đại Sơn: Về những hiện vật điêu khắc đá Champa trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP Hồ Chí Minh

  1. Bài này dù ko có gì mới nhưng cần thiết giới thiệu với cộng đồng Chăm. Cần khuyến khích bài như vậy trên Tagalau. Người Chăm đâu có điều kiện biết nhiều.

  2. Sao có người viết Shiva, có người viết Siva nhỉ? Bài này anh Sơn cũng viết 2 kiểu khác nhau!

  3. Than gui tat ca,
    La nguoi, toi hieu the la cai toi. Ho co cai toi qua lon, dac biet co mo chut danh tieng cac anh cu to ra ta day
    Con ve van hoc, toi cung doc mot so tac pham cua Insara,nhung da cham den long tu ai nguoi Cham nhieu qua. Toi dong y rang viet van hay tho cung theo loi suy nghi cua minh nhung xin dung xuc pham den nguoi Cham. Nhu vay van chuong cua anh duoc yeu thich. Con dang nay lai phi bang nguoi Cham. Anh nen xm xet lai minh…
    Mot lan nua, xin cac nha van, nha tho lam gi thi la chu dung bop meo gia tri van hoa, tien trinh lich su cua nguoi Cham.
    Mong moi cua toi rang tat ca cac anh em chung ta hay bo nhung tu tuong hep hoi, cai toi, nhung ton dong mac cam, han thu trong qua khu de den voi nhau va cung nhau phat huy va giu gin van hoa Dan toc minh
    Than chao!

  4. Không hiểu Vycha Phong là ai mà ăn nói oai khí nhỉ? Tôi xin phép hỏi ông:

    – Ông đã đọc hết 12 số Tagalau chưa nhỉ? Trong tất cả nhà văn dân tộc thiểu số VN, chỉ có anh Inra làm được cho dân tộc mình thôi đó. Có 200 tác giả Chăm tham gia viết Tagalau đó, ông biết không?
    – Ông đã đọc hết bộ Văn học Chăm mấy ngàn trang của anh Inra chưa?
    – Ông có biết anh Inra đã tham gia viết 3 cuốn tự điển Chăm, viết cuốn Tự học tiếng Chăm, dạy cho 200 người Chăm biết chữ akhar thrah Chăm chưa?
    Sao lại ăn nói… như vậy nhỉ? một nhà văn như vậy mà ông bảo là phỉ báng dân tộc Chăm?

    Còn ông có đọc thơ hay tiểu thuyết của anh Inra, chắc ông không hiểu nổi đâu… Tôi dám cá.

    Xin lỗi, nhà văn Inrasara không nên đăng các comment như của ông này, anh sẽ mất độc giả đó. Như anh từng nói, chê thì phải có dẫn chứng, mới đăng.
    Kính

  5. Janhohka nói thì có vẻ “bênh” nhà văn Inrasara.
    Tôi thì muốn hỏi Vycha Phong. Anh nói: “Họ có cái tôi quá lớn”. Tôi xin hỏi ông ám chỉ “họ” gồm có những ai? “cái tôi lớn” ở đâu, họ tỏ ra “lớn” với ai?
    Tôi cũng xin hỏi thêm: Vycha Phong đã làm gì được cho xã hội Chăm chưa, mà lên giọng chê bai người khác rồi lên giọng dạy đời này nọ? Ông có “cái tôi” còn lớn hơn kẻ ông chê bai!!!!!!!!!!

  6. Anh Vycha Phong có lẽ nghe hơi nồi chõ thôi, anh nghe đâu đó có người nói nhà thơ Chăm thế này nhà thơ Chăm thế nọ rồi ông nói theo. Các anh Janhohka và Trần Sáng bắt bẻ anh như thế tôi e rằng anh không trả lời được đâu. Cần làm theo cách nhà văn Inrasara, giải thích ôn tồn và từ tốn thì rồi anh sẽ hiểu. He he!!!

  7. Chú Sara kinh
    Cháu đã lớn rồi. Từ khi vào ĐH cháu hay buồn lắm. Cháu đọc web chú hoài nhưng cháu không muốn viết gì nữa cả. Lạ lắm chú Sara à. Đọc còm chê chú cháu buồn đã đành rồi khi đọc thấy ai khen chú cháu cũng buồn nữa. Là cháu muốn mọi người góp sức gì đó vào xây dựng cộng đồng. Bằng cách nêu ý kiến chân thành của mình dễ đọc dễ hiểu.
    Chú Sara lớn thì khỏi nói rồi, nhưng theo cháu góp sức vào để tiếp sức với chú Sara mới đáng kể hơn.
    Tue sách của chú ở quê đáng kể lắm, cháu tình nguyện về làm ở đó nếu chú muốn. Kế hoạch 5.000 từ Việt Chăm đối chiếu cũng rất là hay. Mong chú tiếp tục.
    Kính yêu chú
    Cháu.

Leave a Reply to Trần Sáng Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *