Tác giả là nông dân, hiện sống ở Ninh Thuận.
*
Ngày nay, đi đến một số Palei Chăm ở Ninh Thuận, chúng ta đều dễ dàng nhìn thấy một ngôi nhà lớn, đẹp, khang trang, kiến trúc khá đặc trưng của một nền văn hóa riêng. Trên ngôi nhà đó đều có ghi dòng chữ: NHÀ VĂN HÓA CHĂM… (địa danh) như tô điểm thêm nét đẹp văn hóa dân tộc nơi các làng Chăm nói riêng và người Chăm nói chung. Một nền văn minh nổi bật nhất một thời với những kiến trúc Tháp đền rất Chăm. Bên cạnh đó cũng nói lên được bản chất hào hoa, phóng khoáng đặc thù của người Chăm xưa – nay.
Điều này chứng tỏ rằng: Chủ trương, Chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề ý thức gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung và Chăm nói riêng là rất đáng trân trọng, rất hữu ích và thiết thực cho thế hệ trẻ hôm nay và mãi mãi. Thế thì ở các Palei hiện có được “ân huệ” kia đã làm được gì khi những ngôi nhà khang trang đó đang trơ mình trước sự “tàn bạo” của thời gian ?! Đấy (có lẽ) là vấn đề của thời đại!
Lược qua mấy Palei du ngoạn đồng thời cũng tìm hiểu xem những Nhà Văn hóa Chăm này đã, đang và làm được gì cho Chăm ở Palei đó nhé!
Bắt đầu cuộc hành trình dạo ngựa xem hoa ăn cơm nhà vác tù và… đi chơi nhé!
Khái quát
Bắt đầu cuộc hành trình từ Palei Katuh (Tuấn Tú). Một ngôi nhà quy mô, khang trang với xung quanh được xây bằng tường thành kiên cố, phía trước là một khuôn viên rộng rãi có dựng lưới bóng chuyền… cổng chào rất lịch sự. Bước vào bên trong, ngó ngàng sơ sơ trong ngôi nhà ấy là một khoảng không gian rộng lớn đủ để một tập thể sinh hoạt giao lưu. Nhưng chẳng có trưng bày một vật thể gì gọi là… văn hóa Chăm. Còn vào những ngày thường hay lễ làng dân tộc hiệu quả của nó như thế nào thì chắc có lẽ… cũng như mọi ngày.
Hamu Tanran (Hữu Đức). Nơi đây là cái nôi và là trung tâm văn hóa Chăm của tỉnh Ninh Thuận. Mọi hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao vào các dịp lễ lớn của Chăm như Katê, Rija Nưgar của tỉnh nhà đều được tổ chức ở Palei này. Một ngôi nhà văn hóa Chăm hoành tráng nằm kề sát bên một sân vận động quy mô và rộng lớn. Chỉ thế thôi cũng đủ để người Chăm tự hào. Thử ghé xem nhà văn hóa Chăm này – ngó sơ qua cũng đủ để biết được bên trong ngôi nhà ấy chẳng có thứ vật gì gọi là… Chăm cả. Nào là bàn ghế, máy vi tính hiện đại và hỏi ra mới biết được địa phương đang tổ chức mở lớp phổ cập tin học cho người Hamu tanran. Hỏi thêm về chức năng hoạt động có mang lại những gì gọi là… văn hóa đặc trưng của Chăm và riêng Chăm không thì được biết là không hoặc thỉnh thoảng.
Bauh Dơng (Phú Nhuận). Cũng như ở các địa phương khác không hơn không kém, nét kiến trúc, quy mô, vị trí… Đây có lẽ (theo tôi) là Palei có tinh thần văn hóa văn nghệ vượt trội hơn so với những palei Chăm khác. Khi có dịp lễ hội dân tộc, ở đây không khí nhộn nhịp hơn hẳn. Nhưng nhà văn hóa Chăm kia vẫn “thất nghiệp” như các địa phương khác.
Rơm (Văn Lâm). Được xây dựng ngay bên trong khuôn viên của Ủy ban Nhân dân xã PhướcNam– được ghi rõ ràng rằng: NHÀ VĂN HÓA CHĂM XÃ PHƯỚCNAM. Nhìn cụ thể hơn, trước cửa chính lại ghi dòng chữ… PHÒNG HỌP TRUNG TÂM, dùng để làm nơi hội họp của quan chức Nhà nước. Chỉ mở cửa vào giờ hành chính khi có cán bộ, công chức xã làm việc, còn lại thì “đóng băng”. Ngôi nhà có diện tích khá lớn, bề thế, có kiến trúc khá đẹp và đầy đủ tiện nghi hiện đại. Phía trong chẳng có một vật gì gọi là… văn hóa Chăm. Đây đúng nghĩa là Hội trường họp hè hành chính.
Caklaing (Mỹ Nghiệp). Có lẽ đây là địa phương được Nhà nước dựng xây Nhà Văn hóa – nhà trưng bày quy mô lớn nhất ở các palei Chăm hiện nay. Kiến trúc và kiểu dáng hệt như bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng. Mấy lần đi qua và chỉ được ngắm nghía bên ngoài chứ chưa vô bên trong bao giờ. Cố ý ghé lại mấy lần để có cơ hội vào xem mà cũng không thấy một ai mở cửa, hỏi ra mới biết… thỉnh thoảng lắm mới có dịp mở cửa để mừng đón quan khách Nhà nước đến viếng. Bên trong có trưng bày vài cái khung dệt thổ cẩm Chăm, dụng cụ canh tác nông nghiệp xưa của người Chăm, vài nhạc cụ Chăm… rất khiêm tốn so với những gì do Chăm để lại.
Đấy chỉ là một vài Nhà văn hóa Chăm căn bản ở các Palei lớn (của Chăm tính đến nay). Còn ở các Palei khác như Pabblap, Cwah Patih, Bauh Bani, Bauh Danavà các Palei Chăm Bình Thuận thì… chắc có lẽ cũng cùng chung cảnh ngộ “thất nghiệp” không hơn không kém. Tại sao lại có tình trạng này? Chăm không có nhân lực – tài lực sao? Văn hóa Chăm không có một vật gì gọi là… trưng bày để chiêm ngưỡng sao?
Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani ở Caklaing, một gia đình điển hình yêu văn hóa dân tộc ở nông thôn. Tuy với quy mô gia đình, nhưng lại trưng bày khá nhiều những vật dụng, di sản đặc trưng của Chăm như: khung dệt thổ cẩm Chăm, công cụ sản xuất nông nghiệp của người Chăm, nhạc cụ Chăm, các pho tượng tâm linh Chăm và các loại sách tư liệu tài liệu về Chăm … Đặc biệt hơn, nhà trưng bày này còn mở cửa cả ngày để đón tiếp khách gần xa đến chiêm ngưỡng thượng lãm. Thật đáng quý!!!
Tôi đã rất nhiều lần ghé thăm Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani, Thư viện Chăm nhà INRA để tìm đọc những thứ cần thiết, nhìn ngắm những gì mà ông cha ta đã “phát minh” và sử dụng để có Chăm hôm nay. Tìm những cuốn sách nói về Chăm ngồi bên li café đen ngâm nghĩ – cảm giác lâng lâng khó tả. Đặc biệt hơn, người hướng dẫn trong thư viện Inra, nhà trưng bày Chăm Inrahani lại là một cụ Chăm ngoài 60 tuổi. Cụ am hiểu về Chăm, lúc nào cụ cũng cầm một cuốn sách về Chăm bên chiếc ghế mây tre ngồi trước cửa như mời chào dân làng, như quảng bá với khách thập phương, như muốn và luôn luôn nhắc nhở học sinh, sinh viên, thanh niên Chăm về ý thức dân tộc, ý thức học tập, rèn luyện nâng cao tinh thần hiếu học vốn có của Chăm. Thật khâm phục trước tinh thần của một cụ Chăm nhiều nhiệt tâm ấy.
Đặt vấn đề
Những ngôi nhà Văn hóa Chăm thi nhau xây cất lên tại các palei Chăm là có mục đích gì? Sao Đảng và Nhà nước lại bỏ ra biết bao nhiêu tiền bạc, mồ hôi của nhân dân để dựng xây một loạt những ngôi nhà quy mô kia? Nhà Văn hóa cho riêng Chăm đã đến tận nơi làng xóm hẻo lánh – người được hưởng lợi trực tiếp từ những loạt công trình này đã làm được gì? Thực tế cho thấy, ai/thành phần nào được hưởng lợi khi người Chăm không mảy may xuất hiện nơi ngôi nhà hoành tráng kia?! Thế hệ trẻ Chăm hôm nay học hỏi, noi gương được gì khi Nhà văn hóa Chăm kia hoạt động không đúng mục đích, chức năng ban đầu vốn có như tên đã được gán cho nó??? Phải chăng người Chăm không cần mà Nhà nước vẫn cứ vô cớ xây dựng loạt công trình này!? Tại sao sinh nó ra mà không ai thèm quan tâm để ý chăm sóc nó?! Tội nghiệp…!!!
Đấy là loạt câu hỏi/hoài nghi trước mắt đang hiện hữu cho người Chăm nói chung và giới trí thức to nhỏ nơi địa phương nói riêng. Một cá nhân chắc có lẽ bó tay, mà cộng đồng Chăm cũng im hơi lặng tiếng luôn! Tại sao?! Đâu phải người Chăm không cần đến những ngôi nhà Văn hóa kia! Thử xem xét vài yếu tố cần và đủ để nói lên sự cần thiết của những ngôi Nhà Văn hóa ấy nhé!
Chăm có Ban Phong tục, có Đội Văn hóa Văn nghệ Thể thao của palei, có đạo giáo riêng, có Hội Người cao tuổi, có Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, có Hội Khuyến học tộc họ, Hội Khuyến học khuyến tài học sinh-sinh viên… thế thì những Ban/ Đoàn/ Hội kia đã có nơi hội họp sinh hoạt gặp mặt nhau chưa! Họ là các tổ chức được chính quyền chấp nhận/ khuyến khích hình thành hẳn hoi chứ đâu phải là tự phát. Thế tại sao họ lại không lên tiếng khi đó là quyền lợi thiết thực/ cấp bách nhất dành riêng cho họ!? Điều này vô tình gây mất đoàn kết nội bộ. Họ cũng như giữa các tổ chức ấy với nhau. Tại sao lại có tình trạng ấy?!
Nhận định
– Đảng, Nhà nước có chủ trương chính sách đúng đắn trong vấn đề gìn giữ bản sắc văn hóa/đoàn kết quần chúng nhân dân các dân tộc anh em; bảo vệ, tôn tạo và phát huy các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể; các lễ hội đặc trưng văn hóa dân tộc/các vùng miền trên đất nước Việt Nam. Chủ trương thiết thực đúng đắn – thế mà cách làm của quan chức các cấp đã đúng chưa? Từ khâu quy hoạch, bố trí các vị trí xây dựng nhà Văn hóa đến quá trình bảo vệ khai thác sử dụng Nó đều không phù hợp với lòng dân. Đúng ra, nếu chính quyền muốn quy hoạch, xây dựng cải tạo một vấn đề nào đó liên quan đến lợi ích, phúc lợi xã hội thì phải công bố công khai nơi công cộng, đồng thời phải tổ chức họp dân bàn bạc để đưa ra giải pháp cuối cùng hữu hiệu nhất. Có như thế các công trình phúc lợi xã hội mới mang lại hiệu quả đúng nghĩa vốn có của nó.
Thông thường, công tác quy hoạch lâu dài nơi chính quyền địa phương thường có vấn đề… chủ quan. Chỉ những người trong cuộc mới biết được những gì họ làm trong khi nhân dân mù tịt thông tin quy hoạch ấy. Điều này quả đúng là quan liêu lạc hậu, không phù hợp với thời đại. Cho nên mới xảy ra tình trạng xây dựng lên lại đập phá đi rồi dựng xây tiếp – gây lãng phí tài sản Nhà nước, công sức nhân dân. Tôi thấy điều này xảy ra khá nhiều tại các địa phương – gây ra không ít hậu quả khó khăn cho nhân dân.
– Đã đến lúc các tổ chức Ban/ Hội/ Đoàn thể cấp palei lên tiếng vì lợi ích thiết thực của mình rồi. Đoàn viên, thanh niên Chăm các palei đã biết đến những làn điệu (ragơm) và đã chơi được các loại nhạc cụ Chăm như: Ginơng, Baranưng, Xaranai chưa? Toàn thể người Chăm đã biết đọc biết viết và giao tiếp thường nhật bằng tiếng Chăm chưa? Các đội văn hóa văn nghệ Palei đã có nơi gặp gỡ diễn tập khi có dịp giao lưu, lễ hội dân tộc chưa? Khẳng định là chưa! Thế thì tại sao ta không lên tiếng trong khi – bắt chước lối nói của nhà thơ Inrasara: “Không ai có thể hát/ múa thay họ”. Và Nhà Văn hóa kia có vai trò, chức năng rất lớn để giải quyết tình trạng đáng buồn này. Giải quyết được vấn đề này thì nền văn hóa dân tộc sẽ được bảo lưu, duy trì và phát triển theo thời gian.
Như vậy, chỉ có chính quyền địa phương, các bậc tiền bối, các Ban/ Đoàn/ Hội cùng nhau lên tiếng “gỡ rối” mới mong giải quyết được tình trạng đáng buồn này. Mong những Nhà Văn hóa Chăm sớm mang lại hiệu quả, mục đích và chức năng như tên của nó. Mong chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi để người Chăm tiếp cận và có nơi sinh hoạt hội họp, văn nghệ, giáo dục được thuận tiện và ngày càng phát triển sâu rộng hơn.