Những người tôn vinh Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh

Inrasara: Những người tôn vinh…
báo Lao Động, 26-3-2011


* Ivo Vasiliev & Inrasara tại Ks Rex, Photo Lý Đợi.

Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ tư vừa được trao tặng cho sáu vị học giả, dịch giả và nhà giáo dục có cống hiến xuất sắc trên lĩnh vực hoạt động của mình vào tối 24-3 tại khách sạn Rex, TP Hồ Chí Minh.
Đó là giáo sư Hoàng Tụy (lĩnh vực giáo dục); nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình người Mỹ – Kevin Bowen và nhà dân tộc học người Czech – Ivo Vasiliev (lĩnh vực Việt Nam học); nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân (lĩnh vực nghiên cứu) và hai dịch giả Phạm Văn Thiều và Nguyễn Đôn Phước (lĩnh vực dịch thuật). Buổi lễ diễn ra trong không khí vừa trang trọng vừa trí thức đồng thời ấm áp tình hữu nghị.

Nếu năm 2009, Giải thưởng về lĩnh vực Việt Nam học vinh danh nhà dân tộc học hàng đầu thế giới Georges Condominas khi ông đã bước sang tuổi 90 (ông sinh năm 1921 tại Hải Phòng, cha là người Pháp, mẹ là người lai Việt, Trung Quốc và Bồ Đào Nha, đã có những tác phẩm nghiên cứu về Tây Nguyên và Việt Nam: Chúng tôi ăn rừng, Đá thần Gô, Kỳ lạ mỗi ngày, Không gian xã hội); ông yếu đến nỗi phải nhờ đến người học trò đang công tác tại Hà Nội nhận giải và đọc diễn từ giùm, thì năm nay Hội đồng Khoa học Giải thưởng quyết định trao tặng cho hai người gần như hoạt động ở hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, dù vẫn là Giải thưởng dành cho Việt Nam học.

Kevin Bowen – Giám đốc Trung tâm Wiliam Joyner thuộc Đại học Massachussetts (Boston, Hoa Kì) là nhà văn, nhà phê bình rất quen thuộc với giới văn học và độc giả Việt Nam. Thời gian sau chiến tranh, Trung tâm này là cầu nối quan trọng trong công cuộc giao lưu văn học Việt – Mỹ. Có thể nói ông là người đầu tiên mở đường cho văn học Việt Nam vào Mỹ (ý Nguyễn Quang Thiều), một mở đường có hệ thống và đầy chủ ý. Ông và các đồng nghiệp ở Trung tâm đã dịch giới thiệu thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, và nhiều nhà thơ Việt Nam khác… cho công chúng Mỹ. Bản thân ông qua nỗ lực không biết mệt mỏi, đã thúc đẩy ngành Việt Nam học phát triển tại Hoa Kì, đưa hai dân tộc xích lại gần nhau hơn, góp phần khiêm tốn của mình để lấp “những khoảng cách còn lại”.
Ông Kevin nổi tiếng ở Việt Nam là bởi lẽ đó.

Bên cạnh Kevin Bowen, tên tuổi Ivo Vasiliev, một nhà dân tộc học người Czech có lẽ là người còn khá vô danh – ít ra là với người đọc không chuyên và cá nhân tôi, – nên tôi rất tò mò muốn biết về ông.
Như cơ duyên, ngoài Ban tổ chức, ông và tôi là người đến Phòng khánh tiết Khách sạn REX sớm hơn cả. Tôi chủ động làm quen với ông. Khi biết tôi cũng đã nhận được Giải này năm ngoái, ông khá bất ngờ tôi lại trẻ như thế. Khi tôi hỏi ông cảm nghĩ về tin vui này, ông vui vẻ cho biết:
– Tôi rất vinh dự khi nhận được Giải thưởng Văn hóa mang tên Phan Châu Trinh. Bên cạnh việc cổ vũ tôi trong công cuộc nghiên cứu, Giải thưởng còn thêm lí do để tôi có cống hiến mới phục vụ cộng đồng người Việt ở Tiệp. 65 ngàn người Việt Nam đang sống ở Tiệp. – Ông nói.
Ông nói tiếng Việt như người Việt… trí thức. Cũng phải thôi. Ông vừa là nhà ngôn ngữ vừa là nhà nghiên cứu văn hóa. Học tiếng Triều Tiên 5 năm, ông xung phong đăng kí thi học tiếng Việt để thành lập môn Việt Nam học ở Đại học. 3 năm phải xong luận án! Và ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Ngữ pháp Hán – Việt trong tiếng Việt chuẩn hiện đại.
Lần đầu tiên đến Việt Nam năm 1960 với tư cách người thông dịch, và dù sau đó ít khi có dịp về Việt Nam, nhưng có thể nói ông rất am hiểu văn hóa Việt Nam. “Tôi học tiếng Việt, tiếp xúc với nhân dân Việt Nam rồi yêu văn hóa Việt Nam” – ông nói. Công trình ngôn ngữ so sánh tiếng Việt và tiếng Czech của ông gồm 50 trang bằng tiếng Anh là một đóng góp lớn về mặt khoa học, bởi như ông giải thích: đó là “hai thứ tiếng đối lập hầu như là tuyệt đối”.
Và không thể không kể đến chương trình lớn mà ông đang tiến hành cùng đồng sự người Việt của ông: Từ điển Czech – Việt và Từ điển Việt – Czech.
Từ việc nghiên cứu tiếng Việt chuẩn hiện đại đến tác phẩm Nghiên cứu về di sản Việt cổ (Prague 1990), hay từ việc dịch Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh sang tiếng Czech đến việc được Hội người Việt Nam ở Cộng hòa Czech mời làm chủ nhiệm “Dự án nâng cao vị thế người Việt Nam ở Cộng hòa Czech”, và bao nhiêu hoạt động khoa học và xã hội khác, Ivo Vasiliev xứng đáng là một trong những khuôn mặt đã tôn vinh Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh năm nay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *