Đại học Qui Nhơn
Theo Nhavantphcm.com.vn, 28-6-2011
NVTPHCM- “Có thể xem Điêu tàn vừa là sự khai mở, nhưng đồng thời cũng là điểm kết thúc hành trình sáng tạo của một quan niệm thơ. Cuối hành trình ấy nở rộ những bông hoa lung linh huyền ảo được mọc lên từ một tháp thơ lẻ loi và bí ẩn”.
*
1. Hoài vãng là tiếc nuối, níu kéo, quay về dĩ vãng. Đây là một trong những đặc trưng của Thơ Mới 1932 – 1945. Thơ Mới thường đặt ưu tiên vào con người mộng mơ, cũng có nghĩa là đối lập giữa lý tưởng với thực tế đời sống. Thế Lữ thoát lên tiên, Lưu Trọng Lư đi vào cõi mộng, Xuân Diệu say sưa trong cõi tình, Chế Lan Viên một mình tìm vào cõi hư vô đầy yêu tinh ma quỉ.
2. Cũng giống như các nhà thơ Mới khác, hiện thực cuộc sống là một trong những lý do đầu tiên khiến Chế Lan Viên quay về dĩ vãng, tìm đến non nước Chiêm Thành tàn lụi để khơi ngồn thi hứng. Lớn lên trong không khí kiềm hãm của chế độ thực dân, Chế Lan Viên đã ý thức được nỗi nhục nhã của người dân mất nước. Chàng thanh niên ấy vật vã trong bế tắc và ông đã tìm đến thơ như một liệu pháp tinh thần.Sự đổ nát của nền văn minh Chiêm Thành cộng với tấm lòng đa sầu, đa cảm của một tri thức trẻ tuổi đã làm nênĐiêu tàn.
Bên cạnh đó, quá khứ Chiêm Thành và hình ảnh những ngọn tháp Chàm trầm tư hàng thế kỷ, bàng bạc trên đất kinh kỳ xưa đã ám ảnh hồn thơ Chế Lan Viên từ thời niên thiếu, khơi gợi tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ về sự biến thiên tàn lụi vốn cũng là hiện trạng của đất nước Việt Nam lúc bấy giờ trong vòng nô lệ tối tăm. Jaya Panrang từng nói: Chúng ta nên yêu những gì không bao giờ thấy lại lần thứ hai. Đó là trường hợp Chiêm Thành đã mất mà Chế Lan Viên vẫn luyến tiếc, yêu thương. Đối diện trực tiếp với di tích Chàm vừa thê lương, rùng rợn, vừa linh thiêng, ma quái… Chế Lan Viên không không khỏi ngậm ngùi. Trong sự rung cảm triền miên trước những gì gây cảm xúc cho tâm hồn nghệ sĩ, Chế Lan Viên dường như đã quên mình là người Việt Nam để hóa thành muôn vạn người Chiêm quốc. Quên đi, để tưởng tượng mình đang nhận quê hương là rừng rậm. Quên đi, chỉ còn một trái tim cảm nhận, đôi mắt nhìn xa xăm và cõi lòng đựng tràn quá khứ. Đó là những khởi phát cho cảm xúc nhà thơ để rồi cùng với sự mẫn cảm và trí tưởng tượng phi thường đã giúp Chế Lan Viên tạo lập một cõi khác – một lịch sử đau thương trở về. Từ đó, Chế Lan Viên khai thác những đền đài đổ nát của Chiêm quốc để từ chối thực tại và chìm sâu vào băn khoăn siêu hình về với cái “tôi” và bản thể. Ông biểu hiện một cách độc đáo cảm quan về thời đại khủng hoảng của đời sống.
3. Chất liệu để sáng tạo nên Điêu tàn là bóng tối, mồ hoang, sọ người, xương khô, máu tuỷ và những hồn ma vất vưởng,là tiếng than xé lòng của hồn ma quá vãng, gào kêu với hiện tại tang thương. Chế Lan Viên đã xây lên một tháp thơ oan hờn dưới ánh sáng điêu linh của thời gian và trở thành một trong những biểu hiện tinh thần bi thảm trước sự thống khổ của thời đại, thông qua ngõ hồn chan chứa sầu não và gửi lòng mình vào cõi mộng xa xăm. Nhà thơ run rẫy trước những chứng tích còn lại của một triều đại vàng son, với đền tháp huy hoàng, với khúc nhạc mê say huyền ảo. Với nguồn thi hứng của một quốc gia suy vong, ông đã tạo nên một kỷ nguyên mới mẽ trong ý niệm bi thảm của con người trông ngắm cảnh cũ người xưa đã mất. Nhà thơ dựng lại quá khứ của dân tộc Chiêm Thành, sống với những hình ảnh về hồn ma bóng quỷ, lấy trạng thái “điêu tàn” làm đối tượng thẩm mĩ:
Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh
Đây, chiến thuyền nằm mơ bên sông lặng
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành.
Đó là quá khứ vàng son lộng lẫy nhưng đã chết. Điều lạ lùng là Chế Lan Viên đã lấy nó để khỏa lấp hiện tại đổ nát, chán chường: Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi/ Những đền xưa đổ nát dưới thời gian/ Những sông vắng lê mình trong bóng tối/ Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than (Trên đường về). Tất cả đều sụp đổ, thời huy hoàng trong quá khứ không còn là niềm an ủi cho tâm hồn thanh xuân của thi sĩ.
Chế Lan Viên muốn nhập vào dân Chàm mà khóc thương cho kiếp buồn của họ. Muốn làm sống lại thời vĩ đại một đi không trở lại chỉ có cách dựng lại những đền tháp huy hoàng, những bầu trời đầy sao, những bóng trăng huyền hoặc… nhưng vẫn chỉ là một nước non Chàm xưa cũ đang sống lại với đêm mờ: Nước non Chàm chẳng bao giờ tiêu diệt/ Tháng ngày qua vẫn sống với trăng mờ (Bóng tối). Từ cái nhìn bi quan về cuộc đời, Chế Lan Viên đã vực dậy sự đổ nát, điêu tàn của thời đại. Nỗi đau mất nước của dân tộc Việt được Chế Lan Viên gián tiếp bày tỏ qua cách quay về dĩ vãng, vực dậy từ đổ nát của một nước Chàm oai linh. Một đất nước mà muốn tìm nó phải đi qua một biên giới quan trọng: xóa bỏ thực tại để đi vào cõi hư vô. Vì chính như vô mới có thể bắt gặp đầy đủ cả một vương quốc, cả một nền văn minh đền tháp, cả một thế giới du dương bởi màu sắc và âm thanh…
4. Bi quan thực tại, Chế Lan viên hoài vãng về một tình yêu, về hình bóng Chiêm nương huyền ảo. Tình yêu trong Điêu tàn cũng rợn lạnh âm khí, siêu thực dưới ánh trăng tuyệt vọng. Nhà thơ không tìm thấy sự tương giao trong tâm hồn con người:
Ta cùng nàng nhìn nhau không nói
Sợ lời than lay đổ cả đêm sâu
Đôi hơi thở tìm nhau trong bóng tối
Đôi linh hồn chìm đắm bể u sầu
Người tình cũng là người du mộng của thế giới siêu thực, và có lẽ cũng là cái cớ để nhà thơ rung cảm, tạo nên một trạng thái si mê. Chế Lan Viên đã gặp người tình của mình bằng tiếng hát. Đôi khi trong giấc mơ thấy cả vũ khúc tuyệt vời của đoàn Chiêm nữ, vũ khúc ấy biến hóa theo từng điệu nhạc của trống kèn. Những Chiêm nữ đi dưới trăng như những nàng tiên khiến nhà thơ như muốn nhập thể vào để tìm phút giây êm đềm: Ta vừa thấy bóng nàng trên cỏ biếc/ Suối tóc dài vừa chảy giữa lòng trăng (Mộng). Chính giữa hư vô, nơi nhà thơ nhập thể vào, vẳng lên tiếng hát như thực, như mộng của Chiêm nương: Chiêm nương ơi, cười lên đi em hỡi! Cho lòng anh quên một phút buồn lo!/ Nhìn chi em chân trời xa vòi vọi/ Nhớ chi em sầu hận nước Chàm ta? (Đêm tàn).
Người tình Chiêm nữ không một lần hiện lên trực tiếp mà chỉ được nhà thơ hình dung qua những biểu tượng: Chiêm nương, Chiêm nữ, cô em, thân cô, nàng… Người tình ấy được miêu tả bằng những nét huyễn hoặc, mơ hồ: mái tóc chảy giữa dòng trăng, giọng hát trong trẻo quá, dáng đi uyển chuyển uống mình hoa… Bên người tình Chiêm nữ, nhà thơ đã có giờ phút được tâm sự, giãi bày: Nàng hỡi nàng trên tay ta là mộ trống/ Trong lòng ta là huyệt bỏ với trong hồn/Là mồ không lạnh lùng sương giá đọng/ Toàn khổ đau, sầu não với lo buồn (Mồ không).
Người tình Chiêm nữ còn biểu trưng cho nỗi u sầu, oán hận của một đất nước tươi đẹp đã mất: Đây những cảnh thái bình trong Chiêm quốc/ Những cô thôn vàng nhuộm ánh chiều tươi/ Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp/ Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui (Trên đường về). Dù đang ở trên bóng núi mây cao hay trong vòng tay âu yếm của người tình, linh hồn nàng vẫn đau đáu hướng về cố quốc. Vẻ đẹp trong tâm hồn người tình mà nhà thơ hướng đến cũng là khát vọng lớn nhất về tình nhân thế của Chế Lan Viên.
5. Không say sưa với tình yêu như Xuân Diệu, không trốn vào thế giới trụy lạc như Vũ Hoàng Chương, không đắm mình trong nỗi buồn mênh mang như Huy Cận… Chế Lan Viên hoài vãng về nước non Chàm một thời rực rỡ, một người tình diễm lệ, hư vô. Có ai ngờ, tất cả những đền đài, cung điện nguy nga, tráng lệ xưa kia giờ lại là những bãi tha ma, gào thét với oan hồn và khóc tìm Chiêm nữ. Hoài vãng về một thời vàng son không còn nữa cũng là cách để thi nhân bộc lộ nỗi đau mất nước, thể hiện tình yêu tha thiết với non sông. Nếu nhìn vào hoàn cảnh chính trị lúc bấy giờ, một người yêu nước cổ xúy dân chúng vùng lên, với bất kỳ hình thức nào, cũng không phải là việc làm yên ổn. Do đó, muốn bày tỏ nỗi lòng một cách trọn vẹn, không gì hơn bằng quay về quá khứ, mượn hình ảnh người làm hình ảnh mình, mượn tiếng than của người làm tiếng than của mình, mượn nỗi thù hận của người làm nỗi thù hận của mình.
“Điêu tàn” là chặng đường mở đầu trên hành trình thi ca và tư tưởng nghệ thuật của Chế Lan Viên. Nó như một tháp thơ dựng lên trên mảnh đất lịch sử đau buồn của đất nước mang gông cùm nô lệ, được xây bằng những viên gạch siêu hình, gắn liền với tâm trạng chán nản u buồn vây phủ tư tưởng và những suy niệm về đời sống của nhà thơ. Có thể xem Điêu tàn vừa là sự khai mở, nhưng đồng thời cũng là điểm kết thúc hành trình sáng tạo của một quan niệm thơ. Cuối hành trình ấy nở rộ những bông hoa lung linh huyền ảo được mọc lên từ một tháp thơ lẻ loi và bí ẩn.