Phan Thị Vàng Anh, an cư trên mặt đất như là ở nhà

Tạp chí Tia Sáng, 5-3-2011

Vật dụng thuộc sở hữu của ta, chúng có đó xung quanh ta, ngày qua ngày. Chúng là vật cận tay. Là đồ vật phục vụ ích dụng cuộc sống thực tế của ta. Không là gì khác. Khi chúng thuộc về ta, ta dùng. Khi chúng chưa thuộc về ta, nhưng ta muốn chúng, ta tìm mọi cách chiếm được chúng, mang về, dùng. Chiếm hữu để dùng. Dùng nhiều hơn nữa. Tận dụng tối đa công dụng của chúng. Rồi thôi. Chúng chỉ là vật cận tay, và không là gì khác. Không là gì hơn nữa. Vật dụng, từ nhỏ bé, trơ lì, ít giá trị như cái ghế hay bình hoa đến cái to hơn, có giá trị lớn hơn và có vẻ sinh động như vườn cây, ngôi nhà… ta quan tâm đến chúng, khi chúng còn ích dụng. Ta chỉ quan tâm tới chúng, khi chúng còn làm cho ta mở mặt mở mày với kẻ xung quanh. Ta đồng hóa ta với chúng. Chúng càng đắt thì giá trị bản thân ta càng được đẩy lên cao. Từ “có” đến “là”, phân cách nhau mong manh tơ trời. Là chúng, ta ôm khư khư chúng. Khư khư có khi quên luôn bản thân ta như là con người. Nên đã xảy ra tình trạng ta không còn là gì khi ta mất của. Mất của, ta từ bỏ luôn cuộc sống ta, như là một hữu thể, như là. Sợ hãi không là gì cả đẩy con người đồng hóa mình vào mọi loại dạng đối thể, lớn như quốc gia, tôn giáo hay ý hệ chính trị, nhỏ là bằng cấp, chức vụ, của cải. Ta không còn là chính con người ta. Ta vẫn còn chưa học cách tương liên với đối thể. Ta tự đặt ta vào hai cách chọn lựa: Hoặc ta đồng hóa, hoặc ta làm xa lạ với chúng, thế thôi.

Trong cuộc sống thường nhật, ta ít quan tâm đến sự vật, chưa học biết quan tâm đến sự vật quanh ta. Quan tâm như là một ưu tư, săn sóc mà chỉ lo lắng bảo quản, sao cho sự vật lành lặn nhất có thể, để chúng còn ích dụng lâu dài hơn. Xong, khi hết hạn sử dụng, ta bán làm đồ lạp xon, hay ta vứt. Vứt và quên đi. Bởi ta đã có vật dụng khác thay thế, tốt hơn, mới và tiện ích hơn.

Với Phan Thị Vàng Anh thì khác. Mối dây tương liên giữa con người và sự vật được thiết lập thoát khỏi đồng hóa hay làm xa lạ. Vật dụng là những cái thân thuộc. Thân thuộc như chúng đang là, đang hiện hữu. Chúng mang hồn vía và có cuộc sống riêng. Cái cây trong vườn cây kia, nó có đời sống với ước mơ và thân phận riêng của nó.

Mơ ước của đời cây có là gỗ quan tài nổ bừng trong lửa?
Hay trăm năm ẩm áp gói hòm da thịt giữa đất đen?
Khi vươn lên chẳng cây nào nghĩ mình rồi thành giường tủ
Không một thân cây nào uốn mình cho giống hình khung cửa
Kéo rèm.

Mỗi bài thơ tôi tôi giết một ước mơ cây giết đến tận cùng
Thành bột giấy
.
(“Hành trình của cây”)

Chớ tưởng đây là lối nhân cách hóa như thể một thủ pháp mà các nhà cổ điển hay sử dụng. Kể lể bài bản, nêm vài chi tiết mới và kết thúc luôn là kết thúc có hậu. Để nêu bật tính nhân văn trong thơ. Nhân cách hóa thế nào trung tâm điều hành vẫn là nhân, con người. Con người áp đặt lối nhìn lên sự vật. Thơ Phan Thị Vàng Anh rất khác. Vật dụng hết còn là đồ vật được lượng giá theo sự ích dụng thực tiễn của chúng, mà là những sự vật gần gũi, thân thiện. Chúng vẫn sống đời sống chúng, cả khi không có con người ở đó.

Một đèn chùm như những vỏ sò hồng
Treo trên trần
Đe dọa
Hai nhà tắm
Một đã không thể tắm

Một đèn bàn
Ba cái bình hoa
Bát Tràng
Nung ẩu
Hình như đất còn
giẫy giụa

… Một lồng chim hàng xóm sáng nào cũng hót
Tiếng rao bánh khúc không rõ lời
Tia nắng đúng chín giờ vào lọt khe cửa sắt
Chạm viên gạch số ba

(“Danh sách chuyển nhà”)

Sự vật suy nghĩ, cử động, biểu hiện những cảm trạng riêng tư, từ đó phát lộ đời sống riêng. Sự thể này không là thủ pháp mang tính lạ hóa thuần kĩ thuật mà xuất phát từ tương giao giữa người và vật, giữa con người và thế giới xung quanh. Qua cách gọi tên sự vật của thi sĩ.
R.M. Rilke: “Thế giới của tôi bắt đầu gần gũi bên những sự vật” – “những sự vật đang trầm tư”.
Ba cái bình hoa… đất còn giẫy giụa” hay “lồng chim hàng xóm sáng nào cũng hót”. Chỉ con người nào thật gần gũi thân cận với sự vật, trò chuyện hàng ngày – nếu có thể nói thế – với sự vật mới nhìn ra như thế. Con người sống hờ hững với những sinh thể, thờ ơ cả với sự vật nhỏ bé ngày thường có mặt khắp xung quanh. Chúng ta quen chú tâm vào những sự kiện lớn ảnh hưởng đến thế giới. Bầu cử tổng thống Mỹ, chiến tranh Iraq, khủng hoảng kinh tế thế giới, thế vận hội… mà bỏ quên sự thể và sự vật xảy ra và hiện diện ngay cạnh ta, trong nhà ta. Các nhà hậu hiện đại khám phá rằng các sự kiện trọng đại kia chỉ là hiện thực giả được tạo nên bởi hệ thống thông tin toàn cầu đang được con người làm đầy ứ mặt đất. Con người thời hiện tại đang đánh mất mình trong vô số hiện thực giả simulation ấy.
Ta lo lắng cho môi trường toàn cầu, lo lắng cho sự ấm dần lên của trái đất mà không chịu làm công việc khiêm cung hơn là trồng cái cây trong vườn nhà ta và khuyên bà con ta đừng phá rừng. Ta rêu rao tình yêu đồng loại mà không học biết yêu đứa bé mồ côi đang chịu đói khát sát vách nhà ta. Ta say đắm các kì quan thế giới được số hóa bởi siêu kĩ thuật 3D mà không chú tâm đến sự có mặt tầm thường của lọ hoa bằng gốm Bàu Trúc rẻ tiền mà con gái ta vừa cắm lên nhành hoa dại bé vừa hái dọc đường hôm qua.

Mỗi ngày thế giới chúng ta bị đổ đầy tràn những hình ảnh, đầu óc chúng ta được lấp đầy tràn vô số ý tưởng. Từ tivi và sách báo, từ các đạo sư, các lãnh tụ và mạng internet. Chúng ta an tâm là đã biểu biết. Thế giới sống của chúng ta bị ngập lụt ý tưởng và lí tưởng, đầy ứ ảo tưởng, tưởng tượng và với bao nhiêu vọng tưởng mà thiếu đi sự vật. Con người đánh mất khả năng tiếp cận với cái cụ thể, từ đó họ đánh mất mối tương liên thân mật của con người và mặt đất. Và chúng ta coi đó như là sự sâu sắc, chín chắn. Je est un autre Tôi là kẻ khác, – A. Rimbaud đã la lên như thế, hơn trăm năm trước. Hay nói như hậu hiện đại: Con người trưởng thành kia chỉ là một thứ liên văn bản intertext bất toàn không hơn không kém.

Vậy, phải làm thế nào?
Đi vào bên trong sự vật đang trầm tư” – R.M. Rilke.

Thơ của Phan Thị Vàng Anh đánh thức sự vật đang có mặt trong sinh hoạt ngày thường giữa đời thường. Đúng hơn, các bài thơ gọi tên sự vật đang thức, đang trầm tư. Những phố, chung cư, mưa, con hẽm, chiếc taxi, áo len đỏ, cầu thang, cái điện thoại, ngọn đèn, giường, bàn, máy, đồng hồ trên tường, mọt nghiến chân bàn, lá xanh vươn qua song, những đàn bướm trắng, hoa lít nhít… tất cả sự vật có đó. Với con người. Trong cái mà thi sĩ đã gọi tên qua ngữ ngôn của thi sĩ.
Thiết lập sợi dây tương liên con người với sự vật gần gũi ngày thường, con người gắn kết mình với mặt đất, và an cư trên mặt đất như là ở nhà.

Sài Gòn, 25-6-2010.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *