Vũ Ngọc Liễn: Điệu múa Chàm lưu lạc trên đất Nhật

Vài nét về tác giả.
Vũ Ngọc Liễn sinh năm 1923, quê xã Nhơn Lý, Tp.Quy Nhơn, Bình Định. Giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu năm 2002. Năm 2006-2007 giải thưởng chính thức được Trung tâm VHTT tỉnh và Ban chủ nhiệm CLB Xuân Diệu quyết định trao tặng cho ông với bộ sách hoàn chỉnh: Đào Tấn qua thư tịch. Bộ sách mang tên Đào Tấn với bề dày 2312 trang, khổ 14 x 20 gồm 3 tập:
1. Đào Tấn – thơ và từ
2. Đào Tấn – tuồng hát bội
3. Đào Tấn – qua thư tịch
do Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành.
Một sức làm việc kinh dị! Ông được anh em văn nghệ sĩ tặng cho biệt danh đáng yêu: “đại ca Vũ”. Là nhà Đào Tấn học uy tín, cạnh đó, ông còn có nhiều khai phá mới lạ, bài về “Điệu múa Chàm …” là một trong những khám phá đó.

*
Điệu múa hát có tên gọi là Long Vương hoặc La Lăng vương của dân tộc Chàm – một di sản văn hóa dân tộc trong đại gia đình văn hóa dân tộc Việt Nam – đã truyền sang Nhật Bản ngay từ thuở còn mang cái tên nước gọi là Lâm Ấp. Do vì quá khứ xa vời như vậy nên ở Việt Nam hầu như không có thư tịch nào ghi cháo về chuyện này, và tiết mục nghệ thuật này cũng đã bị thất truyền.
Nhờ có cuộc tranh luận về sự ngộ nhận di sản văn hóa giữa một số nhà hoạt động sân khấu Trung Quốc với học giả Trung Quốc – ông Nhậm Nhị Bắc, cách đây mấy chục năm mới giúp chúng tôi biết được lai lịch và diện mạo của di sản này. Để bạn đọc tiếp cận với tư liệu, nắm bắt được chứng cứ khoa học, cách tốt nhất là chúng tôi xin trích dịch một đoạn trong bài Hí khúc, Hí lộng và Hí tượng của ông Nhậm Nhị Bắc đăng tải trên chuyên san Hí kịch luận tùng (vì bìa sách bị rách nên không ghi được số tạp chí và năm tháng xuất bản).
Theo ông Nhậm Nhị Bắc:
“…Căn cứ những văn kiện lịch sử đáng tin cậy của nước ta (TQ) thì Lan Lăng vương vào thời bắc Tề chí ít đã là điệu ca múa nhạc mừng khải hoàn. Cũng chưa biết chừng nó là vở kịch hát múa. Đến đầu nhà Đường đã thực sự là vở kịch hát múa cỡ lớn, diễn câu chuyện lịch sử, điều này không còn nghi ngờ gì nữa, nó vượt xa loại hát múa thông thường, chủ đề và cốt truyện rất rõ ràng. Đến thời bắc Tống không hiểu vì sao chẳng những không thấy ghi chép về chuyện biểu diễn vở kịch này, mà cả về điệu múa cũng không thấy khai thác, chỉ biết rằng lúc bấy giờ bị người ta dùng làm khúc hát thông thường tiễn đưa nhau mà thôi. Chủ đề kịch lịch sử và ca múa nhạc khải hoàn bị mất hẳn. Còn về tên gọi Lan Lăng vương ở Nhật Bản, thật ra vốn là Long vương, rồi chuyển dần dần thành Lăng vương, lại biến thành Lan Lăng vương của nước ta (TQ). Gốc tích của La Lăng vương cũng là vở kịch, loại kịch nhà chùa (Phạn hí) từ nước Lâm Ấp truyền sang. Do vì để thích nghi với khả năng biểu diễn của nước mình (Nhật) nên người dịch chỉ chọn dịch một phần, và trở thành tên gọi Long vương vũ (xem Bạch Xuyên tập của Truyền Vân Tử) chứ không phải là nhạc múa thời Bắc triều, hoặc thời đầu thịnh Đường Đông độ cho nên sách Đông dương âm nhạc sử của Điền-Biên-Thượng-Hùng (Nhật) nói rằng “Điệu múa này thực tế không phải là của Trung Quốc truyền đến”. Năm 1905-1907 các học giả Nhật Bản như Đại-Sấn-Như-Điện, Cao-Nam-Thuận-Thứ-Lang… đều thẩm định: La Lăng vương là nhạc của nước Lâm Ấp. Vật mà bây giờ chúng ta lại coi Long Vương vũ của Nhật Bản tức là điệu vũ Lan Lăng vương đời Đường rồi được chúng ta học mang về, thế thì có hai vấn đề:
1- Từ là vở kịch lớn diễn chuyện lịch sử thời xưa của nước ta đã bị tự tiến gián cách không duyên cớ thành điệu hát múa thông thường. Có nên chẳng?
2- Nhiều học giả Nhật Bản đã sớm nói rõ rằng điệu múa này không phải là điệu Lan Lăng vương thời nhà Đường của các ngài, không phải là di sản của các ngài. Vậy mà chúng ta chỉ vì điệu múa cổ của mình bị thất truyền đã lâu không thể nào tìm lại được, liền vui lòng nhận lấy cía không phải thế, nếu không là cố tình chiếm đoạt cái đẹp của người khác thì cũng là việc làm khiên cưỡng…”
Công bằng mà xét, ông Nhậm Nhị Bắc chấp trách có hơi nặng lời. Bởi vì trên đời này, xưa nay, sự ngộ nhận tương tự như vậy không phải hiếm. Năm 1956, Đoàn kinh kịch Trung Quốc nhân chuyến đi lưu diễn ở Nhật ngỡ rằng La Lăng vương của Nhật tức là La Lăng vương của Trung Quốc nên vội học mang về nước, nếu xét ra không phải thì ít ra cũng hiểu biết thêm một di sản nghệ thuật của dân tộc khác cũng chẳng hoài công. Điều tôi cảm nhận được ở tài liệu này là:
1- Ngay từ thời còn là nước Lâm Ấp nền văn hóa Champa đã kiến tạo nên loại hình nghệ thuật kịch, hình thái kịch đã chứng tỏ có kịch bản văn học nên mới có chi tiết dịch giả Nhật “chọn dịch một phần”. Một trong của trung tâm văn hóa, kinh đô của nước Lâm Ấp bấy giờ là thành Chà (còn gọi là thành Cha) nằm ở vùng xã Nhơn Lộc (An Nhơn) bây giờ, tức cái nơi mà gần đây người ta đã tìm được khối tượng Chàm cổ bằng xe ủi. Theo giám định của các nhà khảo cổ mới đây thì thành Chà Bình Định có niên đại từ thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ thứ tám. Từ hiện tượng nghệ thuật này phát ra một tín hiệu xanh: sự hình thành sân khấu hát bội Bình Định sau này vốn có dính líu với kịch Lâm Ấp.
2- Đoàn nghệ thuật kinh kịch Trung Quốc vừa mới ngờ rằng La Lăng vương của Nhật tức là Lan Lăng vương của Trung Quốc, họ đã vội lo học đem về. Còn ở ta, đất nước sản sinh ra di sản nghệ thuật này lẽ ra phải sớm đem về thì hình như chưa ai nghĩ đến.

Qui Nhơn, 20-2-1993

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *