Bên kia tít tắp đại dương (NXB Văn học, H., 2011) của Võ Thị Như Mai là tập thơ tình. Tình yêu lứa đôi, tình cha con, tình thầy trò, tình đồng môn và đồng song, tình yêu quê hương,… Tình riêng và tình chung. Tôi thích cái tình chung ấy của Như Mai. Tình yêu vượt ra ngoài cái tôi bé nhỏ, vượt ra quỹ đạo giường chiếu của bạt ngàn người nữ làm thơ. Để cảm thông với tha nhân. Như cảm thông nỗi chia li muôn đời của bao cuộc tình thất thố, ở “Một ngày cuối tháng hai”:
Hôm nay tôi xem một chuyện tình buồn
Buồn đến rơi nước mắt
Vẫn là hai người yêu nhau không thể nào chia cắt
Dắt nhau vào vô cùng
Hay xa hơn, một chia sẻ với mênh mông thận phận đang bị vùi dập ngay trước ngưỡng tuổi ấu thơ thơ dại. Những sinh mệnh mỏng mảnh này rồi sẽ trôi về đâu ngày mai? Câu hỏi lớn khó tìm được câu trả lời…
Một chút suy tư
này những cuộc chiến
tôi cứ nghĩ đã lùi xa nơi nào thăm thẳm lắm
như khi tôi kể các em nghe về loài khủng long
chú đại rồng bay vào không trung nhả lửa
bệnh dịch tả có thời giết người hàng loạt
các em sẽ bắt đầu bài viết của mình bằng “thuở xa xưa”
tôi không biết phải nói các em nghe thế nào
về những làn đạn bắn như mưa
lên mảnh đất nuôi tôi khôn lớn
tôi cũng đâu biết gì hơn
ngoài những thước phim buồn
khiến đêm về mộng mị
tiếng côn trùng rỉ rả
nước mắt trộn màu máu xối xả tuông
người gọi tên người nằm xuống
các em sẽ tròn mắt nhìn tôi vụng về, luống cuống
đôi mắt màu hạt dẻ
đôi mắt màu xanh lơ
làn da trắng mịn như tơ
làn da màu đồng
da màu đen
màu da nâu thân quen
em Iraq khuôn mặt tròn bầu bĩnh
em Afganistan vui tính
em Somalia nhỏ nhắn thơ ngây
giữa những nụ cười trong veo ấy
chiến tranh là một từ rất gần
đất nước tôi bây giờ bình yên, rộn rã, tưng bừng
tạm quên vết thương thời chiến
người tìm đến người thánh thiện
những linh hồn bé bỏng lại sinh sôi
các em hôm nay sẽ bắt đầu bài đối thoại
bằng những lời rất đẹp trên môi
như các màu da hoà hợp với nhau
như những đôi mắt khác màu lấp lánh
câu chuyện tang thương của ai kia
có kết cục vô cùng kiêu hãnh
rằng tình yêu sẽ mãi mãi vượt lên
sau bão tố tơi bời
Pingback: Một chút suy tư với Võ Thị Như Mai- INRASARA «