Hàng mã kí ức 11: Bài nói chuyện

Bài nói chuyện của Inrasara

HUYỀN NGHĨA CỦA ĐI TÌM BẢN TRƯỜNG CA BỎ HOANG

Kính thưa quý thính giả, các bạn thân mến!

Trước tiên tôi xin nói lời cảm ơn nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, nhà văn mới về Việt Nam từ nửa vòng trái đất, MC của buổi tọa đàm; cảm ơn bạn thơ trẻ Jalau Anưk đã nhận lời đồng chủ trì với tôi, đặc biệt cảm ơn Cty Sách Phương Nam tạo điều kiện cho buổi gặp mặt trao đổi hôm nay.

Dông dài như thế, bởi dù đã qua trăm cuộc nói chuyện các nơi, lâu nay tôi chỉ gặp mặt với thính giả hoặc toàn Chăm hay toàn khách ngoài Chăm hay chỉ có người nước ngoài. Đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện với khán phòng gồm cả Chăm lẫn Kinh. Hi vọng cuộc này sẽ hứa hẹn nhiều thú vị.

 

1. Gặp mặt giao lưu hôm nay là để giới thiệu Hàng mã kí ức, do NXB Văn học và Cty Sách Phương Nam ấn hành. Nhưng tôi không nói về cuốn tiểu thuyết của mình mà nói về tinh thần văn hóa Chăm và tâm hồn con người Chăm hôm nay, như là một sợi dây dẫn, qua đó bạn đọc sẽ tự mình tiếp cận và lật mở cuốn sách.

Câu chuyện của chúng ta hôm nay là: Đi tìm bản trường ca bỏ hoang.

Hoang tiếng Chăm là bhaw, là baluw. Tháp không người thờ phụng là tháp hoang. Chữ không ai tìm đọc là chữ hoang. Còn sách để lâu ngày không ai ngó ngàng tới thì sách làm hoang…

Văn hóa Chăm chưa trải qua kĩ thuật in ấn, nên ngày xưa, muốn có được một bản trường ca là chuyện thiên nan vạn nan. Để tránh tình trạng mất sách, hay do thiếu giấy cùng bao nhiêu nỗi người khác, nhiều trường ca Chăm được chép ở vài tập khác nhau. Chiến tranh và loạn lạc, các mảnh văn bản kia thất lạc – sách làm hoang. Đi tìm các mảnh thất lạc kia để nối kết lại thành văn bản hoàn chính là hành trình tìm sách của người yêu sách. Một câu chuyện tìm sách đẫm chất trí tuệ lưu truyền trong dân gian Chăm… xuyên qua một cuộc tình đầy xúc động và bi tráng, đã xảy ra.

Câu chuyện mang tính biểu trưng. Biểu trưng về sự bất toàn của tác phẩm, bất toàn của con người (nam – nữ tìm nhau), hay bất toàn ở đứa con của Đất.

Bạn ngồi đây, bạn khai sinh dân tộc Kinh, bạn đã là Việt chưa? Hôm nay đề tài chúng ta về Chăm, nhưng xin hỏi các bạn Chăm, bạn đã thực sự là Chăm chưa? Chắc chắn là chưa rồi, nếu bạn chưa tìm thấy bản sắc Chăm. Chuyện đi tìm bản sắc chính là đi tìm các mảnh còn lại của mình đang luân lạc. Giấc mộng hoàn thiện là giấc mộng đã cũ càng nhưng muôn đời vẫn mới của sinh thể mang tên con người…

Vậy, thế nào và đâu là bản sắc Chăm? Câu hỏi đòi hỏi một câu hỏi khác nữa: Bản sắc Chăm là bản sắc của Chăm nào?

2. Chăm có mấy loại? Ở đâu?

Xưa, phân vùng địa lí văn hóa – lịch sử, Champa có bốn vùng: Amaravati, Vijaya, Kauthara, Panduranga. Rồi tộc Cau Li-u (hay Lingyi?) với tộc Dừa Panưng (hay Phù Nam?) nữa! Giai đoạn qua, sau khi vương quốc Champa tan rã, theo địa lí, ngôn ngữ, huyết thống và tôn giáo – phong tục tập quán, có thể phân tộc Chăm làm mấy loại sau:

– Cuối thế kỉ thứ X, Lưu Kì Tông làm vua Champa, bộ phận Chăm chạy sang đảo Hải Nam Trung Quốc, tạm gọi là Cam Lauw.

– Tù nhân Chăm ra Bắc vào thời Lý hay người Chăm khu vực Amaravati, sau khi vùng văn hóa – văn minh này sụp đổ khoảng thế kỉ XIII, họ vẫn ở lại để hình thành bộ phận cư dân Chăm – Việt. Họ đổi họ hay vẫn còn giữ họ Trà, Chế. Họ đã thành người Kinh lúc nào không biết, tiếng nói đương nhiên là: tiếng Việt.

– Trong khi đó, Chăm Hroi ở Phú Yên và Khánh Hòa “hình thành” khi Lê Thánh Tông tràn vào Vijaya năm 1471. Chạy lên nhập với người Bana, và để tránh bị tìm diệt, bà con theo phong tục người Bana. Đó là Chăm Hroi, thuật ngữ trước 1975 gọi là Chàm cổ. Bộ phận này nói tiếng Chăm pha Bana

– Chăm Panduranga gồm Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận. Sau sự biến Lê Văn Khôi năm 1833, họ chạy lên núi, sau đó quy hồi cố hương, sinh con đẻ cái. Lúc đó Chăm chỉ còn 15.000 người. Phần không chịu đi xuống trở thành Chăm Churu Cam Cru, nói cả tiếng Churu lẫn lộn tiếng mẹ đẻ cũ.

– Phần thì chạy qua Campuchia. Dân số gấp đôi Chăm tại Việt Nam. Ngôn ngữ ở đây pha tạp tiếng Khmer không phải là ít.

– Một bộ phận khác chạy xa hơn: Thái Lan. Tại Bon Khua – Bangkok, những người còn nhớ mình là Chăm không quá con số vạn. Người Chăm ở đây đã bỏ quên ngôn ngữ tổ tiên rồi.

– Thế kỉ XVI-XIX, bộ phận Chăm rời bỏ miền Trung qua Campuchia sau đó trở lại An Giang,Tây Ninh rồi Sài Gòn, được gọi là Cam biruw Chàm mới.

– Riêng Chăm Panduranga, có 3 bộ phận: Cam dar – Chàm chôn, là Chăm không Bà-la-môn không Bàni, như thể bộ phận theo tôn giáo bản địa còn sót lại. Cũng không ít kẻ cho họ thuộc tập cấp thấp nhất của Bà-la-môn giáo nên không được hưởng đám thiêu như các bộ phận khác trong hệ thống tập cấp Bà-la-môn; Cam Bini Chàm Bàni là người Chăm theo đạo Hồi đã được bản địa hóa; và Cam jat Chàm thuần hay Cam cuh Chàm thiêu, là Chăm Bà-la-môn chính hiệu. Ngoài ra ta còn biết đến tên gọi khác của Chăm: Cam Ywơn Chàm Kinh hay Kanh Cụ, Kinh cổ đang sống tại hai làng thuộc Bắc Bình – Bình Thuận. Đó là con cháu của các mối tình Chăm – Việt và cả những người Việt trốn lính thời chiến tranh.

– Chăm nào nữa? Hậu duệ Ppo Rome ở Kelantan, hay Chăm đang ngụ cư khắp thế giới, sau 1975?

3. Câu chuyện kể của Inrasara

Hàng mã kí ức là câu chuyện của đứa con của Đất Panduranga, từ “thằng Khu nhỏ” qua “thằng Trạm mát” đến Inrasara đi vào lòng Chăm để tìm bản sắc Chăm Panduranga. Nhưng Chăm Panduranga không chỉ là Panduranga mà còn là cái gì khác nữa. Với người Chăm đang sinh sống tại nhiều vùng miền khác nhau, – qua sợi dây kết liên vô hình hoặc mờ nhạt qua biến thái ngôn ngữ, qua mảnh rời văn chương hay âm nhạc, hoặc qua tiếng gọi huyết thống, hoặc qua sương mù kí ức mơ hồ nào đó -, vẫn còn nhận mình là Chăm.

Từ giữa lòng văn hóa dân tộc, tôi đã tiếp nhận các bộ phận văn hóa: ngôn ngữ, văn học, mĩ thuật, ca múa nhạc… theo kiểu của mình; tiếp xúc với con dân Chăm thuộc nhiều thế hệ; quan niệm về các thành tựu và các ý tưởng về Chăm… cuối cùng, đứa con đó hành động để tác động trở lại chúng. Từ đó, tôi khám phá Tâm hồn con người Chăm & Tinh thần văn hóa Chăm  theo phương cách riêng của mình.

Thế nhưng, bản sắc không phải là liệt kê các thành tố văn hóa – văn minh thu lượm được qua nghiên cứu, mà là cái gì cao vời hơn, thẳm sâu hơn. Đó chính là tinh thần văn hóa thấm sâu vào tâm hồn mỗi đứa con dân tộc. Vậy đâu là Tâm hồn con người Chăm & Tinh thần văn hóa Chăm? Tạm lướt qua vài biểu hiện chính:

Đó là sự tồn tại trong đa dạng, thậm chí trong tùy tiện tính. Người Chăm dùng Xakawi lịch thiếu nhất quán thì ai cũng biết, nhưng cho dù thiếu nhất quán tới đâu, phong tục tập quán Chăm tùy thuộc vào cách tính ngày tháng chưa bao giờ bị ông bà đánh mất. Cả chữ viết Chăm Akhar thrah từ xưa đến nay chưa bao giờ thống nhất cách viết, vậy mà thế hệ cha ông chúng ta chưa bao giờ bị mù chữ. Đó là điều lạ.

Nguyên nhân một phần có thể do sự tùy tiện của các thầy guru, hay bởi tinh thần cát cứ nhập địa từ Ấn Độ, nhưng nhìn thật kĩ – nó bắt nguồn từ cội rễ sâu thẳm hơn: Tinh thần sáng tạo đặc trưng Chăm. Tiếp nhận văn minh Ấn Độ, nhưng Chăm xây tháp rất khác người Ấn. Đã vậy, suốt dải đất miền Trung với bạt ngàn cụm tháp, non mươi phong cách cùng các biến tấu ra đời qua tiếp thu và sáng tạo từ nền mĩ thuật của các dân tộc trong khu vực nữa. Damnưy truyền thuyết Chăm cũng thế. Trong cộng đồng Chăm tồn tại nhiều lễ, mỗi lễ có hàng trăm tụng ca, mỗi tụng ca lại được các Mưdwơn gru hát khác nhau, mỗi khác nhau này lại có thể được sáng tạo khá tùy nghi qua thời điểm khác nhau. Chỉ có tinh thần sáng tạo đúng nghĩa mới có thể làm như vậy, và chấp nhận cách làm đó trong lễ linh thiêng nhất của cộng đồng.

Bàni Bini là sáng tạo vô tiền khoáng hậu của Ppo Rome hồi giữa thế kỉ XVII. Khi nhận thấy con dân mình chỉ bởi mấy đức tin vớ vẩn mà cãi vã với rầy rà nhau suốt, ông cho vời tất cả tới, xáo chỗ ngồi và đổi áo, để cuối cùng nó ra tôn giáo Chăm không giống ai. Bởi có đâu trong vũ trụ bát ngát mà hàng giáo phẩm tôn giáo này vui vẻ qua làm lễ cho tôn giáo kia không? Có đâu trên trái đất mà tín đồ đạo này dâng lễ cúng cho giáo sĩ đạo kia tín thành như ở Chăm không? Có nơi nào một lễ lớn như Rija Nưgar hai tôn giáo cúng thần ew yang như nhau, các lễ quan trọng như Ppakap Haluw Kraung… hai bên giáo sĩ đồng lòng bắt tay hành lễ? Hay có nơi nào đã đẻ ra một hệ trung dung là Mưdwơn cùng vui vẻ lễ cho cả hai bộ phận tín đồ? Có lẽ không đâu cả. Sự hỗn dung và tiếp biến tín ngưỡng bản địa tiền tôn giáo với năm tôn giáo nhập cảng xen kẽ và chồng chéo tạo thành thực thể vừa đa dạng vừa phức hợp sinh động, hòa quyện nhuần nhị trong đời sống tâm linh Chăm. Tôi gọi đó là Tinh thần hóa giải đặc Chăm.

Và cuối cùng là Tinh thần giải sân hận. Người Chăm hầu như không biết căm thù. Thù đậm, thù dai, thù truyền đời càng không. Giận thì có, nhưng thù, hận, căm thù, hận thù – tuyết đối không. Trong lịch sử văn chương Chăm không có tác phẩm nào khơi gợi lòng căm thù hoặc kêu gọi trả thù.

Tiếng Chăm: – “căm” là janưk; “thù” là mưbai. Hai từ này hay đi chung với nhau thành cặp đôi mưbai janưk hay janưk mưbai thù hận, hận thù. Ở cấp độ khác, hanauh là “hờn”; nặng hơn xíu thành ginaung giận. Ariya Glơng Anak xuất hiện đầu thế kỉ XIX, lúc Champa đã sụp đổ và tan rã. Dân tộc Chăm rơi vào hoảng loạn, bắt đầu đi li tán. Biến thiên cuộc thế và thay đổi của lòng người gây nên đại khủng hoảng mang tính quyết định đến tồn vong của sinh mệnh cả dân tộc. Hận thù có mặt khắp xung quanh, bàng bạc trong không gian, do người ngoài mang đến “tặng ta” (ppa-on ka drei), nó có mặt lù lù giữa anh em bà con bè bạn ta, và ẩn tàng ngay thẳm sâu lòng ta nữa. Nhưng Ariya Glơng Anak viết để cảnh giác, để cảnh báo và để giải tâm sân hận.

Bằng hiểu biết như là hiểu biết, một hiểu biết đầy tính minh triết cao vời. Qua đó dạy con người học yêu thương.

Còn bao nhiêu bản sắc khác nữa?…

Dẫu sao đi nữa, Hàng mã kí ức chỉ là câu chuyện kể đầy tính hư cấu của Inrasara. Chứ không phải của bạn. Tca phẩm chỉ là một gợi ý. Bổn phận của bạn là lên đường đi tìm các mảnh luân lạc của riêng bạn, để hoàn thiện mình như là đứa con Chăm.

Suốt chuyến buôn nau ikak dài, có thể bạn chưa tìm thấy Chăm tính của bạn. Không sao cả, ông bà vẫn có phương cách cuối cùng: JOT akhar cho bạn! Đây là thủ tục xóa mù chữ mẹ đẻ cho mỗi đứa con của Đất vào buổi lễ tang, một thủ tục không chừa trừ ai, bởi biết đâu một trong những sinh thể đó không có chữ K đeo vành tai O hu akhar K wak di tangi khi vĩnh viễn trở về nhà mai sang.

 

Sài Gòn, 20-5-2011

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *