Hàng mã kí ức 10: Phỏng vấn

Trên phương tiện thông tin:

– Báo Sài Gòn Tiếp thị, 20-5-2011

Phongdiep.net

Hội Nhà văn thành phố

Vanchuongviet

 

INRASARA: “SỐNG, NHỚ VÀ KỂ LẠI LÀ MỘT NHU CẦU!”

Thảo Yên thực hiện

Báo Sài Gòn Tiếp thị, 20-5-2011

 

5 năm sau tiểu thuyết Chân dung Cát, tiểu thuyết Hàng mã kí ức (372 trang, NXB Văn học, 5.2011) vừa xuất bản vỡ vạc diện mạo một Inrasara khác, ngoài tư cách thi sĩ (từng đoạt Giải thưởng ASEAN), nhà nghiên cứu (Giải thưởng CHCPI – Sorbonne và Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh), còn có thể là một tiểu thuyết gia đầy nội lực với đề tài Champa xưa nay ít người đủ sức chạm đến và làm mới.

9 giờ sáng mai (21-5-2011), tại Book Café Phương Nam (số 3 Nguyễn Oanh, Quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) có tọa đàm ra mắt tiểu thuyết Hàng mã kí ức với chủ đề “Đi tìm bản trường ca bỏ hoang – Những câu chuyện kể về Chăm”, PV SGTT có cuộc trao đổi ngắn với Inrasara xoay quanh tác phẩm mới này.

 

– “Dẫu sao đi nữa, lịch sử luôn cần được kể lại. Lịch sử một đất nước, một dân tộc, một cộng đồng hay một cá thể. Dù nhỏ bé hay vô danh nhất. Và đây là câu chuyện của tôi” – (Vào tr[ch]uyện). Vậy việc “kể lại” ngầm hiểu là một cách minh định sự thật từ góc nhìn riêng (về lịch sử, dân tộc, cộng đồng và cả cá nhân tác giả – nhân vật tôi, thằng Trạm mát). Chẳng lẽ, sứ mệnh của một tác phẩm hư cấu chỉ để làm mỗi một công việc là chú giải hay minh định một/ nhiều sự thật nào đó chưa được tỏ tường?

Inrasara: Sống, nhớ và kể lại là nhu cầu của con người. Nghe kể cũng là một nhu cầu nữa.

Xâu chuỗi các mảnh tưởng tượng, sắp đặt và kể là hư cấu đã đành; ngay khi xâu chuỗi các mảnh “sự kiện”, lí giải và thuật lại chúng cũng là hư cấu nốt. Bởi tất cả bị khúc xạ qua hiểu biết hạn chế của tôi, truyền thống văn hóa dân tộc tôi, nền giáo dục tôi tiếp nhận, định kiến của tôi, quyền lợi cộng đồng hay của cá nhân tôi, và cuối cùng tất cả được kể qua thứ ngôn ngữ đầy giới hạn của tôi. Nên Hàng mã kí ức đích thị là một tác phẩm hư cấu, không chạy vào đâu được.

 

Về lối viết, pha trộn tự truyện – hồi ức, ký sự chân dung, ghi chép dân tộc học, thơ ca, dịch thuật nghiên cứu tiểu luận, … phải chăng Hàng mã kí ức là một thử nghiệm của ông, muốn xóa nhòa các giới tuyến thể loại – một kiểu “tiểu thuyết phản tiểu thuyết”?

Inrasara: Tôi không nghĩ nó phản tiểu thuyết, mà là xóa nhòa lằn ranh phân cách mọi thể loại văn chương theo tinh thần hậu hiện đại. Có chương viết như hồi kí (Cha, mẹ, anh chị em & Con sông quê hương), chương viết như tiểu luận (Bốn cứu cánh của đạo sĩ Bà-la-môn & thơ), còn chương lại như một tùy bút (Thơ như là con đường)… Rồi trong mỗi chương tôi còn xáo trộn nhiều thể loại khác nữa. Không vấn đề gì cả. Quan trọng là tôi viết thế nào.

 

Nghe nói bản thảo đã bị cắt một số phần và đổi tựa. Ông nghĩ gì về điều này?

Inrasara: Bản thảo Hàng mã kí ức xong từ tháng 9-2008. Cõi người ma là tựa đầu tiên của tác phẩm văn xuôi này, với tiểu đề “tự sự h[ậu h]iện đại”. Sau đó tôi đổi thành Thằng Trạm mát gồm 15 chương chia làm 2 phần: phần thứ nhất về tâm hồn con người Chăm và tinh thần văn hóa Chăm; phần thứ hai, về tinh thần văn học Việt Nam đương đại. Tiểu đề “tự sự h[ậu h]iện đại” vẫn giữ nguyên. 30 tháng đi qua, xem lại, tôi quyết cắt bỏ phần hai, đổi tên thành Hàng mã kí ức, kèm theo tiểu đề: “tiểu thuyết”.

Có hai nhà xuất bản chịu in nó, với điều kiện cắt và cắt… Riêng nhà Văn học chịu chơi, chấp nhận tất. Có chăng, Cty Sách Phương Nam đã “hiệp thương” tôi bỏ 3 đoạn khá… ngon lành.

 

Được biết, sách vừa in ra đã có nhiều ý kiến từ các bạn viết. Song, với độc giả, ông có lường trước được việc tiếp cận cuốn sách này sẽ gặp khó khăn, nhiều trở ngại trong cách đọc, thậm chí, dễ bị mất hứng vì câu chuyện mà ông “kể lại” là một câu chuyện rời rạc, quá đỗi dị biệt xoay quanh một cá nhân dị biệt sinh ra trong lòng một dân tộc “thiểu số của thiểu số”?

Inrasara: Tôi không nghĩ nó gây khó khăn cho độc giả. Không ít người còn cho là nó hấp dẫn nữa. Có người đến đó sẽ múc được khối hiểu biết về văn hóa Chăm và sinh hoạt cộng đồng có nền văn hóa còn khá xa lạ ấy; người thấy ở đó thân phận con người Chăm qua bao biến động thời cuộc; người chỉ tò mò muốn biết về Thằng Trạm mát hành xử cùng cách nhìn của hắn thế nào trong lòng xã hội ấy…

Thế nhưng tất cả chỉ là phụ, điều cốt tủy là tôi xử lí các tình tiết bằng ngôn từ nghệ thuật nào? Tôi có gây cười được ai không? Riêng bản thân, nhiều đoạn ba năm sau đọc lại, tôi vẫn còn tủm tỉm cười… một mình.

 

 

One thought on “Hàng mã kí ức 10: Phỏng vấn

  1. Xalam Sara,
    Rat vui duoc Sara tang cuon sach ngoai du kien, va chau cung da tang cuon sach do cho nguoi minh thuong yeu nhat chuan thac si Pham Thi Ai Ha, ban gai nguoi Viet. Ve phan minh chau cung kip mua them 1 cuon HMKU.
    Chau co dat cau hoi ngoai le cua HMKU.
    Noi that, khi chau co den tham My Son (chau co doc o dau do la: Neu la Cham ma chua dem My Son, Bao tang Cham DN thi chua phai la Cham).
    Nghen ngao, xuc dong, va bat khoc khi thay su hoang tan cua thap.
    Khong ngo di san van hoa the gioi lai dieu tan den the, khong thay dau hieu
    cua su trung tu….. ngoai vai thanh sat chong do tranh sup do them cua thap E1( khong biet co dung khong), khac voi cac thap khac nhu Po Nugar, Sah Inu…
    Truoc khi di co vai nguoi ban Viet noi: ‘ may den do lam chi, chi co gach va gach thoi’. Co nguoi con bao: ‘ may den lo gach chi pheo lam gi????’
    Khong ngo trong mat nguoi ban Viet ” Thap ” te den the. Nhung chau van phai den de mot lan chung kien roi ra sao thi ra. Sau hon 1 tieng dong ho chay xe, duoc tan mat chung kien tai san quy gia cua cha ong de lai, hanh phuc co, buon co, cam xuc cu keo ve kho ta that, the la bat khoc va len lao nuoc mat khong de ban gai phat hien, cung khong
    quen cau noi: “anh dang di theo vet xe do cua cha ong….”
    Khong biet khi nao co chung trinh trung tu thap o My Son? hay no la di san van hoa the gioi thi de Unesco tu ma rot tien ma chinh sua, trung tu? …hay hay ..gi..gi do.
    Cuoi cung xin cam on Sara cho chau va nhieu ban Cham ( Viet Nam) co duoc nhung tac pham hay va mog chu va gia dinh luon khoe de co them nhieu tac pham hay cho doi.
    Xalam pachap karo
    P/s: (ngoai le) Chu cho chau xin tam anh chup chung voi chu de lam ky niem nhe. dwa karun.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *