Trần Can
HÀNG MÃ KÍ ỨC CẢM TÁC
Không chỉ thể hiện mình qua thơ ca, Inrasara còn khẳng định tài hoa chữ nghĩa trùng trùng qua Hàng mã kí ức. Ở đó, cuộc sống của nhà thơ Chăm và cuộc sống của dân tộc Chăm được phơi mở khéo léo dường như hòa quyện vào làm một, chấm phá thêm cho bức tranh Chăm độc đáo bằng những phác thảo chân dung bạn bè hay những nhân vật lạ kì mà có lẽ chỉ riêng Chăm mới có.
Do những khắc nghiệt từ lịch sử, xã hội Chăm vốn từ lâu thu mình khép kín trong nỗi buồn và nỗi sợ. Khép kín trong kiêu hãnh quá khứ vàng son và khổ đau mặc cảm, bất lực trước thực tại. Những trạng thái tình cảm phức hợp lẫn lộn này tạo nên tính cách Chăm. Tài hoa nhưng cũng rất mực… lạ lùng.
Hàng mã kí ức được Sara kể bằng một giọng văn khá duyên dáng, giản dị và lôi cuốn với những buồn vui nhẹ nhõm của một người từng trải nỗi đời và nỗi người. Cái nhìn thấu thị nhẹ nhàng tựa hồ không có gì nghiêm trọng kể cả những điều nghiêm trang nghiêm trọng nhất.
Tôi yêu thích sự mạnh mẽ của Sara, anh không những chỉ khẳng định cá nhân mình mà còn khẳng định cái đẹp tinh thần, văn hóa của cộng đồng dân tộc Chăm mình.
Hàng mã kí ức chỉ là một câu chuyện kể, những buồn vui của một phận người hay nhiều phận người trong xã hội Chăm nhỏ bé trong một quãng thời gian lịch sử được vẽ lên như những dấu chấm hỏi. Hàm Bộ là một dấu chấm hỏi. Trà Vigia là một dấu chấm hỏi…
Những dấu chấm hỏi buồn chưa có lời giải đáp thỏa đáng nhưng đã là một mời gọi sẻ chia.
Cũng như thơ Sara, tiểu thuyết Hàng mã kí ức vẫn là một gợi mở day dứt để người đọc đi tìm bản thể Chăm.
Buồn, đẹp và tràn ngập nỗi thương yêu…
___________________
Trần Can, hiện sống ở Ban Mê Thuột.