Trần Can: Văn 17 – Những trái tim yêu…

(Nhà thơ Inrasara, Kiến trúc sư Kazik và bác nông dân Lê Văn Chỉnh. Một người Chăm, một người Ba Lan và một người Việt. Họ đều yêu văn hoá Chăm say mê đến quên mình. Bởi lẽ, họ yêu Chăm bằng cả trái tim. Đó là những trái tim yêu…)

1/ Không thể không nhắc đến Inrasara, một trái tim “cực Chăm” và tình yêu say đắm dân tộc mình đã làm lay động bao người.
Dưới chữ nghĩa tài hoa của Sara, thế giới Chăm mở ra rực rỡ với đủ màu sắc buồn thương, làm chạnh lòng những người yêu thơ, yêu Chăm. Yêu cái thế giới kì lạ và bí mật, ngồn ngộn những hoang tàn mất mát.

Nhà thơ đầu tiên của Chăm đã cất tiếng sau vài trăm năm im lặng. Sự khổ đau linh thánh đã lên tiếng hát, làm say đắm lòng người bằng những giai điệu thiết tha. Giai điệu Chăm, giai điệu buồn thương luôn làm chúng ta ray rứt.

Chăm là một dân tộc đặc biệt trong lòng nước Việt, chuỗi quá khứ linh hiển mù mờ của lịch sử còn ghi dấu biết bao nét vui buồn. Nhưng hôm nay, với Sara- Chăm đã khác. Chăm đã mở cánh cửa u uẩn đóng im lìm từ bao đời để mọi người chiêm ngưỡng vẻ đẹp lạ lùng của mình. Dẫu còn tả tơi, nghèo khó, nhưng một dân tộc tài hoa và kiêu hãnh như Chăm nhất định sẽ tươi sáng. Sẽ rũ bỏ những khổ đau và lạc hậu để vươn mình thành Tháp Nắng ngày mai…

Nhờ cơ duyên, tôi cũng quen biết Inrasara và thực sự bị thiên tài này chinh phục, Sara sống cực kì giản dị và làm việc rất nhiều. Đúng hình mẫu của những nhân cách lớn. Đôi lúc tôi cũng ngạc nhiên về khả năng viết của anh, tựa hồ nó từ một nguồn mạch Chăm thần bí nào chảy ra, ầm ào và dường như bất tận.

Điều lớn lao nhất mà Sara làm được cho Chăm, có lẽ ngày sau người ta mới đánh giá hết. Văn học Chăm cũng đồ sộ và phong phú vô cùng, là điều anh bỏ cả tâm huyết cuộc đời để chứng minh cho mọi người thấy. Là người cùng thời với anh, lẽ nào chúng ta không biết trân trọng?
Lẽ nào cuộc sống chỉ có những tị hiềm và ngộ nhận? Lẽ nào con người chỉ thích làm tổn thương nhau? Tôi yêu quý Sara vì anh sống với dân tộc mình một cách trọn vẹn và thiêng liêng. Anh nguyện làm kẻ canh giữ ngôn ngữ dân tộc mình, yêu và dâng tặng cả cuộc đời cho tình yêu với văn học Chăm, với chữ và tiếng Chăm, luôn lo sợ nó mai một, mất mát và trở thành tử ngữ…

Nhưng Sara ơi, chữ và tiếng Chăm sẽ còn mãi, dân tộc Chăm- dẫu bé nhỏ- song cũng sẽ mãi trường tồn cùng với tất cả các dân tộc khác trên mặt đất. Sẽ không bao giờ còn những anh Hàm Bộ, đến và đi không để lại dấu vết…

thời đó đã qua rồi, mình tin như thế…

2/ Trái tim thứ hai là của một người Ba Lan: Kiến trúc sư Kazimier Kwiatkowsky (Kazik), một người mà theo nhận định của mọi người: “Không có Kazik thì không có Mỹ Sơn hôm nay”.
Kazik đã đi xa, nhưng thông điệp ông gởi lại cho chúng ta thấm đẫm tính nhân văn:
“Người Chăm cổ đã biết thổi hồn vào đất đá; biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ , thâm nghiêm và hùng vĩ.
Đây là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà chúng ta còn lâu mới hiểu hết”
Trái tim của người đàn ông Ba Lan ấy đã thuộc về Chăm, từ khi ông nhìn thấy Mỹ Sơn và làm phát lộ huy hoàng những giá trị vàng son cũ…
Ước muốn sau khi chết sẽ được chôn tại Mỹ Sơn của ông đã không được thực hiện, nhưng nghe đâu người ta sắp dựng tượng ông ngay tại khu thánh địa, là nơi ông đã gắn bó và cống hiến, bằng tất cả tình yêu, với Tháp Chàm Mỹ Sơn…

3/ Cuối cùng là trái tim của một nông dân người Kinh, một nghệ sĩ dân gian, người đã sống và chết cùng với gạch và Tháp Chăm: Ông Lê văn Chỉnh, một nông dân ở Tam Kỳ, Quảng Nam.
Yêu Tháp đến mê cuồng, như bị ám, ông chấp nhận sự khó nghèo để sống trọn vẹn với tình yêu Tháp Chăm của mình, nghèo đến nỗi sau khi ông mất có người yêu mến và cảm phục tấm lòng của ông đã mua hoa quả đến nhà ông thắp hương nhưng không tìm ra chỗ đặt trái cây lên bàn thờ vì căn nhà ấy quá nhỏ bé, quá tuyềnh toàng và nghèo khó…
Điều ủi an là ông Chỉnh đã để lại hai cây Tháp (một ở Khách sạn Apsara và một ở Khu du lịch Suối Lương) do chính ông mài gạch, nung gạch và xây dựng theo cách của mình. Những cây Tháp Chăm ấy, tuy nhỏ bé nhưng vẫn đỏ tươi, đẹp đẽ như tấm lòng ông với Tháp Chăm.
Nhà văn Nguyên Ngọc đã viết về Lê văn Chỉnh:
Tôi cứ vẩn vơ không sao dứt được ám ảnh hay kiếp trước anh ấy là người Chàm nhỉ? Để có thể dành trọn cả cuộc đời, tuyệt đối không chừa lại chút nào hết, đắm đuối, mê mẩn đến thế cho một bí mật đến nay vẫn chưa có lời giải cuối cùng của các tháp Chàm: chất kết dính vô hình khiến các ngôi tháp ấy đứng vững qua ngót nghìn năm, mà nay tất cả các phòng thí nghiệm hiện đại tìm mãi không ra dấu vết. Nhiều người đã nói đến những giả thuyết của anh Chỉnh: anh cho rằng gạch xây tháp được người xưa mài nhẵn đến mức áp hai viên lại chúng sẽ hút chặt lấy nhau không sao gỡ ra được, và chất kết dính là chất thực vật đã được đưa vào trong chính đất đúc gạch trước khi nung“.
Và :
Anh Chỉnh đã đi xa. Tôi luôn nghĩ anh đang nằm đâu đó dưới những chân tháp lạ lùng kia, nhà khảo cổ nghệ sĩ dân gian bạn tôi, con người hiền minh để có thể khám phá sự hiền minh sâu kín của tháp, người có lòng tin vững chắc vào sự sống phổ quát và thăm thẳm, người đã dạy tôi một cách nhìn minh triết không ngờ về mọi sự vật tưởng đã quá quen thuộc đến ngỡ tầm thường hằng ngày quanh ta“.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *