Ghi chép tháng 12-2010: Đi Hà Nội & Trả lời phản hồi bạn đọc

Tháng 12-2010. Không sự kiện nào đáng kể cả.
Quanh đi quẩn lại ra Bắc vào Nam để làm cái bổn phận… quan văn. Trưởng Ban lí luận – phê bình của Hội VHNT các DTTS Việt Nam với Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam mà, đâu có đùa!


* Điều hành Hội thảo về Orhan Pamuk – Đi giữa phương Đông và phương Tây, 2008.

1. Trời Bắc lạnh thấu xương.
9 ngày, quyết không dạo chơi đâu cả. Tôi chui từ phòng ngủ Nhà khách Quốc hội sang phòng họp Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật DTTS thuê ngay trong khu Nhà khách. Hội dân tộc thiểu số thì nhẹ nhõm, không quyết liệt như bên Hội Nhà văn Việt Nam.
Chăm không có đơn xin vào Hội DTTS. 5 năm trước, hơn hai mươi người vào cùng lúc, rồi thôi. Sài Gòn, Ninh Thuận và Bình Thuận, cả vùng đồng bào Chăm mênh mông miền Tây cũng thế. Vắng hoe. Tôi ý kiến lớt phớt cho qua.
Gần trăm người được Giải. Đoàn Hữu Nam giải A về văn học cho tiểu thuyết Thổ phỉ. Chế Kim Trung có giải B về mĩ thuật với tác phẩm Bác Hồ với đồng bào miền Nam. Giải thưởng của Hội DTTS mang tính phong trào là chính. Mỗi năm 70-80 giải đủ loại chớ ít oi đâu. Dư luận cũng không chú ý đến nó. Nên anh chị em làm nhanh.
Khác hẳn với giải thưởng chuyên ngành, nhất là của bên nhà văn. Hội Nhà văn Việt Nam bốn năm liền bỏ trống giải Thơ, đủ biết nó gay go thế nào. Cả trăm bận nâng lên đặt xuống vẫn chưa dám quyết. Trong khi mỗi năm, Việt Nam cho ra lò gần ngàn tập thơ! Năm nay hai tập của nhà thơ lão thành nổi tiếng Việt Phương và Thanh Thảo lọt vào chung khảo cũng bị rơi đài. BBT tạp chí Thơ gởi cả hai đặt mình viết bài, phòng hờ trúng giải, có bài đăng ngay. Thế là… hố!

Buổi cuối cùng, tôi đã hớ hênh nhận làm chủ trì Bàn tròn Văn chương của Hội DTTS. Miền Bắc và Tây Nguyên. Đã quyết là sẽ mãi mãi thoát nợ, rồi một phút bốc đồng lại đưa đầu chui vào tròng. Mất giờ với mất lòng. Ngu thế chứ!
Xong việc Hội, thêm hai cuộc nói chuyện đụng Noel bị hoãn, lại nghe bạn rủ đi Đải Lải chơi. Mùa Đông ai lại du ngoạn lên xứ lạnh lẽo này. Thế nên đêm Noel, quay về khách sạn Vĩnh Phúc ngủ co một mình – tội!
Chiều 28-12, bay vào Sài Gòn.
Bài “Thơ Việt Nam năm 2010” vừa đăng BBC đã nhận bao la phản hồi. Thư và điện thoại, nhất là tin nhắn. Cấp tập và liên tục. Chưa bao giờ tôi nhận được nhiều phản hồi như thế. Nhất là khi mùa kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang đến gần…

2. Hội nghị cuối năm BCH Hội Nhà văn Việt Nam
Lại bay ra Hà Nội…
Rét đậm rét hại – tin Đài đang kêu. Ông bạn đánh xe đến tận sân bay đón, mãi từ chối không được. Thêm anh bạn thơ sáng hôm sau cho xe đỗ ngay cửa Khu Nhà Bảo tàng Hội Nhà văn ở Quảng Bá. Ngại hết sức ngại.
– Thôi đi bạn à, không thì thiên hạ nói bạn đang mua phiếu, nguy cả hai.
– Không sao đâu. Sara uy tín sạch mà…
– Nhưng xe Hội đang chờ… Tôi thoái thác.
Bạn buồn bã quành xe ra đường lớn. Xe Hội cũng đã đi hơn mươi phút. Thoát! Nhưng tội. Đi Taxi thì cháy túi, còn xe ôm thì rét như cắt thịt da. Chọn một đường hay để nước trôi? – Thế là tôi chọn xe ôm.
Trưa. Lại bạn thơ mời cơm qua trung gian bạn văn, đành bỏ bữa tiệc ở Hội.
Chiều họp chính thức. Hội đồng Thơ 9 người, gồm:
Bằng Việt, Chủ tịch
Ngô Thế Oanh, Phó Chủ tịch phụ trách tạp chí Thơ.
Inrasara, Phó Chủ tịch phụ trách nỗi gì không biết.
Sáu Ủy viên là: Thi Hoàng, Đặng Huy Giang, Trương Nam Hương, Dương Kiều Minh, Tuyết Nga, Trần Quang Quý.
Hơn 300 đơn xin vào Hội, mà cả Hội đồng lẫn Ban Chấp hành duyệt xét ba ngày mới được có 14 nhà thơ. Chưa tới 5%! Không trách các nhà thi nhau… tiếp cận các thành viên Hội đồng. Đáng buồn lắm chứ. Nó mất đi sự sang trọng của nghề văn. Của danh vị văn nhân.
Tối về, buồn không biết cất vào đâu.
Tại sao mình loại một bạn thơ nào đó, khi chưa có cơ hội đọc họ? Hay chưa đọc kĩ họ? Bỏ phiếu cho người này mà không cho người kia, mình có bất công không? Kẻ sáng tạo có cần vào Hội này nọ không? Vào để làm gì?
Buồn hơn nữa, khi sáng hôm sau, một bạn thơ lão thành cho hay:
– Sara thì tui hiểu, ông không màng chức này ghế nọ. Ngoài này tui quá biết có vài vị chạy để ngồi vào vị trí của ông đấy.
Ô, là là…
– Nhưng Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ để làm gì chứ? Sara cũng không hiểu anh à…
– Không để làm gì cả, nhưng khối kẻ thích đấy, nói cho ông biết mà liệu.

3. Xong, bay vào Sài Gòn, để còn đi Đồng Tháp Hội thảo khoa học Thơ với Nhà trường.
Ui, mênh mông là “Phản hồi” gây náo Inrasara.com lên. Cũng vui. Tuần tự trả lời các bạn nhé.

+ Sara “dóc”, có bạn bảo thế – không sai đâu.
Trên bàn tiệc, tại quán cà phê, nơi đám đông, vân vân… chưa ai được chứng kiến tôi “dóc” bao giờ. Tôi dành phần nói hay nổ cho người khác, tôi im lặng lắng nghe. Cả khi bị chê bai, tôi vẫn mưk giđơng ngap ligaih lấy lặng im làm thuận. Tôi nghĩ đơn giản: – Có sứt mẻ gì đâu!
Ngược lại, trên diễn đàn và trong văn chương, tôi cực kì “dóc”. “Dóc” đó, Xuân Diệu kêu là “kiêu ngạo sang trọng”. Tôi có là kiêu ngạo sang trọng không thì không biết, nhưng tôi đã vậy, từ xưa. Nó khác cả vực thẳm với người kiêu ngạo ngoài đời, nhưng trong văn chương thì đầy… khiêm tốn. Márques cho đó là thứ khiêm tốn tai hại cho văn học.
Kiêu ngạo này khác cả trời biển của kẻ với bạn bè anh em xung quanh hay với Chăm thì đầy kiêu ngạo, nhưng lại rúm ró trước người có địa vị hay với người ngoài. Tôi thì ngược lại, tôi “dóc” với “ngoài Chăm”.
Anh em Chăm mình ít cơ hội thấy Inrasara “diễn” trên diễn đàn, nhưng tạm đọc qua các tít báo của tôi – tôi viết cho cả Việt Nam chứ không cho Chăm – thì thấy:
– Sẽ không có cuộc cách mạng thơ ở Việt Nam trong tương lai gần
– Văn học Đông Nam Á là vùng trũng của văn học thế giới
– Thiếu tư tưởng, nên phê bình ăn theo sáng tác
– Thơ dân tộc thiểu số vừa đi vừa ngủ
– Nhà văn Việt Nam chưa bao giờ giỏi lập ngôn cả
– Độc giả cũng cần phải được đào tạo
Vân vân… Nghĩa là rất “dóc”. Thêm nghĩa là tay Sara này chả ngán ai cả!!!

+ Sara có phải được châm chế, khuyến khích dân tộc thiểu số không?
Khía cạnh này thì có bạn trả lời rồi, tôi cũng đã đề cập đâu đó từ lâu lắm, xin miễn nhắc lại. Chỉ nhấn thêm là: các tạp chí uy tín như Tia sáng, BBC.Vietnamese,… họ chọn bài chứ không chọn tên tác giả, họ càng không chọn nơi xuất thân hay học vị học hàm của các tác giả đó. Họ làm thế chính vì quyền lợi của báo. Chỉ đăng bài đặc sắc thì tạp chí họ mới sống được. Sara là tác giả thường xuyên của Tia sáng, về nhiều lĩnh vực, chứ không chỉ là đề tài Chăm. Còn BBC hai lần mời đích danh Sara tổng kết văn học Việt Nam trong năm. Châm chế có mà tiêu.
Đây tôi nói là nói giúp bạn, nói cho bạn.

+ Đọc tác phẩm văn chương khác với đọc báo
Quan niệm như thế, nên tôi mới có tiểu luận: ” Độc giả cũng cần phải được đào tạo”. Đọc tít bài báo, không ít người [Kinh] kêu: Sara kiêu ngạo. Nhưng có phải thế đâu.
Một tiến sĩ dân tộc học hay một giáo sư vật lí học không đọc thủng một bài thơ hay một tiểu thuyết hiện đại là chuyện bình thường. Rất bình thường nữa là đằng khác. Chỉ có điều lạ là, nếu anh sinh viên đọc một định lí toán học hay một tiểu luận triết học không hiểu thì bạn ấy cho là do trình độ mình chưa tới, ngược lại – khi đọc không vô hay khi hiểu sai một bài thơ thì hắn cho là lỗi ở… tác giả bài thơ. Đó là tâm lí chung, không phải riêng Chăm, mà dân tộc nào cũng thế cả.
Đọc một bài báo, học sinh Trung học và giáo sư Đại học có thể hiểu như nhau. Nhưng đọc văn chương thì khác. Bạn cần phải được đào tạo, hoặc phải tự đào tạo thường xuyên.

Với văn chương, nó còn khác triết học lẫn toán học hơn nữa.
Qua Cao học toán, bạn có thể hiểu được phát kiến toán học mới lạ. Triết học cũng vậy. Nhưng văn chương thì khác. Dù bạn là tiến sĩ văn chương, nếu bạn không được biết đến hệ mĩ học sáng tạo nào đó, bạn không thể hiểu thấu đáo tác phẩm thuộc hệ mĩ học đó. Rất nhiều minh chứng cho luận điểm này, tạm nêu ví dụ dễ thấy nhất. Huỳnh Thúc Kháng đỗ đầu thi Hương, đường đường là tiến sĩ Nho học, có sáng tác thơ và là một bậc trí thức to cồ, một bậc chí sĩ tiếng tăm lẫy lừng, vậy mà ông đã không hiểu thơ… Lưu Trọng Lư lúc đó mới qua tuổi hai mươi! Ông đòi nọc thi sĩ này ra đánh roi.
Tại sao? – Đơn giản, vì ông chưa được đào tạo hệ mĩ học lãng mạn! Lưu Trọng Lư lại là một trong vài thi sĩ hàng đầu của phong trào Thơ Mới lúc đó. Rồi ba mươi năm sau thôi, thơ ông còn được đưa vào sách giáo khoa ở nhiều cấp khác nhau!!!
Đây, kì khu thế đấy. Cụ Huỳnh mà đã thế, nói chi bạn chưa qua lò văn chương thì thơ Inrasara không dạy được gì cho bạn thì đúng quá rồi. Tôi không trách gì bạn cả.

+ Trẻ và già
Bên cạnh ủng hộ cái mới, cách nghĩ và cách làm mới [“Thời đại khác, chất liệu ngôn ngữ thơ cũng phải khác. Thơ đã khác, cách đọc thơ cũng phải khác…” (bài “Thơ và chất liệu ngôn ngữ”)], tôi còn được coi là kẻ nhiệt nồng ủng hộ cánh trẻ, ủng hộ sáng tác trẻ. Nhưng tôi không ủng một cách vô cớ mà nếu cần, tôi là người phê phán không thương tiếc thế hệ này. Khi nhà thơ trẻ đó, tuổi còn trẻ mà thơ lạc hậu. Bởi trẻ người chưa hẳn là đảm bảo có cách nghĩ “trẻ”, mới. Chứng cớ thì vô số kể: Rất nhiều người trẻ có lối suy nghĩ lạc hậu. Trích thêm:
Còn hơn là bao nhiêu nhà Thơ [tuổi] Trẻ khác, tuổi rất trẻ nhưng vẫn ở lại với dòng cổ truyền hay cách tân dính đầy dấu vết kẻ đi trước” (bài: “Nhận diện các trào lưu thơ Việt đương đại”).

+ Nhà thơ nổi tiếng thế nào?
Chuyện vui.
Tháng 7-2009, VTV3 về quê làm phim về Inrasara. Qua quay giàn nho, kèm cảnh nhóm nữ trẻ người Kinh hái nho. Anh bạn trang trọng giới thiệu có nhà thơ Inrasara quê các bạn rất nổi tiếng. Một cô ngây thơ bảo: – Có nổi tiếng như Hàn Mặc Tử không? Đây người ta biết Hàn chớ ai biết ông Xira là ai đâu. Cả bọn cười to, rất vô tư. Tôi nói: – Đấy, bạn thấy chưa? Đừng dại dột mà đùa nhân dân. Nhân dân đâu cần nhà thơ. Họ càng không cần nhà thơ đích thực là kẻ sáng tạo. Qua mươi làng quê Kinh ở Nam Bộ, tôi đã thử hỏi thì chả có ai biết Thanh Tâm Tuyền là ma nào cả!
Hầu hết người Chăm biết Chế Linh, Amư Nhân, chớ bà con đâu biết ông Inrasara là tác giả của Lễ Tẩy trần tháng Tư! May ra 10% dân quê hay sinh viên Chăm còn biết tới Sara, bởi hắn có “đóng phim” và làm Tagalau gì gì đó. Nữa nè: Hỏi có mấy sinh viên Kinh biết tên giáo sư Toán người Việt đang dạy ở Đại học Chicago? Còn danh ca Đàm Vĩnh Hưng thì 99% người Việt khắp thế giới thuộc nằm lòng. Chưa nói đến chàng Mai Cồ!

Có phải bởi thế mà nhà thơ buồn không? – Có, nếu hắn ta là nhà thơ… dỏm!
Trích đoạn cuối cùng, bài “Thơ như là con đường”:
Bổn phận của thi sĩ là canh giữ ngôi nhà của Tính thể: ngôn ngữ … Khi ý thức minh nhiên bổn phận, người mục tử hoàn toàn không quan tâm đến cái nỗi mình đã vang tiếng hay còn chìm trong vô danh, không phân tâm trước vô số ống kính thông tin đại chúng chĩa vào mình“.

4. Nguyễn Đức Hiệp từ Úc về mời qua Cà phê Highlands. Có cả nhạc sĩ Việt kiều Úc – Lê Tuyên bạn anh ở đó. Anh mời nghe buổi hòa nhạc anh cùng nhạc sĩ Mĩ biểu diễn. Nhưng 6-1-2011 tôi bay ra Bắc rồi. Tiếc. Anh đang lên chương trình nghiên cứu âm nhạc Chăm, với hi vọng có điều gì đó để cải tiến sáng tác của anh. Tôi cho anh địa chỉ của Jaka.
Jaka đi Campuchia, không qua dự buổi hòa nhạc được.
Lại lỡ cuộc làm quen.

Hoàng Ngọc Hiến bệnh nặng, đang nằm Bệnh viện Việt – Xô. Có lẽ chương trình Hội thảo Minh triết Chăm dự kiến tổ chức tại Ninh Thuận phải hoãn lại. Bao giờ?

Sài Gòn, 13-1-2011.

10 thoughts on “Ghi chép tháng 12-2010: Đi Hà Nội & Trả lời phản hồi bạn đọc

  1. BBT thông báo

    Về mục “Phản hồi”.
    Inrasara.com là diễn đàn mở có điều tiết. Mọi độc giả đều có quyền gởi comments. Dù là tên thật hay nickname, BBT đều duyệt đăng.
    Nhưng vì đại đa số tác giả dù được biết đến nhiều hay chưa, họ đều là người thật. Cho nên, nếu có phê bình, ta hãy dùng ngôn từ nhẹ nhàng và mang tính xây dựng. Chê hay khen đều cần dẫn chứng đầy đủ, đi vào chủ đề mà không ra ngoài đề.
    Còn khi độc giả đứng nickname mà phê phán không mang tính xây dựng tác giả nào đó, BBT không bảo vệ nickname đó. Và nhất là sẽ không đăng bài đó lên.
    Xin thông tin cùng biết.
    Trân trọng.

  2. Anh Inra quá bận bịu với công việc chữ nghĩa nhỉ?
    Rất thích cách lý giải của anh về những chuyện vừa qua, trí tuệ, giản dị mà vui vẻ.
    Có rất nhiều người vẫn thầm lặng yêu mến và dõi theo bước anh. Cầu mong anh sức khỏe để còn hoàn thành bao việc dở dang…
    Mến.

  3. Thưa nhà thơ Sara!
    Trước hết:
    – Do những người nhận xét trong bài “Ramuwan tháng mấy? “quá thô bạo với của cô (chú) “lớn tuổi”, khởi điểm cháu chỉ nhận xét theo cảm tính mà gặp phải những phản ứng dữ dội không cần thiết của những người đó và 1 phân do cháu nóng nảy nữa. Có lẽ chú chỉ là nạn nhân của cuộc tranh cãi nảy lửa trên những bài Comnments.
    – Bài trên của chú có 5 nhận xét về những bài bình trong đó cả 5 nhận xét đó cháu đọc thấy ít nhiều liên quan đến bài comnments của cháu, cháu cũng xin thưa với chú thế này.
    1. Cháu đồng ý và khâm phục thừa nhận của chú đại ý thế này:
    Chú có cho là mình có “dóc” nhưng ở mặt tác phẩm. Đúng! cháu cũng nhận định như vậy. Cháu ít cũng đọc qua tác phẩm của chú, cháu nhận ra được điều đó. Cháu có gặp chú ở ngoài đời mấy lần, cháu nhận thấy chú ít nói, dịu dàng và hơi có vẻ “nhút nhát” đúng với bản chất đàn ông “Chăm” hiền lành quá thành “nhút nhát”. Vậy mà nhận định của cháu lại bị cho”nóc ao”. hichic…

    2. Đồng ý thứ hai, cháu đồng ý với chú là “Sara có phải được châm chế, khuyến khích dân tộc thiểu số không?”.
    – Cái này cháu sai, cháu xin lỗi chú. Nhận định trên của cháu là để đối phó với những người kia, những người cho cháu “nóc ao”, chú chỉ là nạn nhân. Một lần nữa cháu xin lỗi.

    3. Nhận xét thứ 3 của chú về nhận định của cháu. Cháu cũng đồng tình nốt.
    Đa số bà con Chăm ta chưa ai biết nhiều về chú, vì sao? Cháu không bàn ở đây. Có lẽ chú đủ thông minh để hiểu.

    4. Cháu không đồng tình với nhận xét của chú:
    a) “Chỉ có điều lạ là, nếu anh sinh viên đọc một định lí toán học hay một tiểu luận triết học không hiểu thì bạn ấy cho là do trình độ mình chưa tới, ngược lại – khi đọc không vô hay khi hiểu sai một bài thơ thì hắn cho là lỗi ở… tác giả bài thơ.”
    Ý cháu thế này:
    Nếu như 1 định lý Toán học, Vật Lý đọc không vô, không hiểu cũng phải ráng mà hiểu, không hiểu nữa thì về nhà chăn trâu.
    Còn đối với tác phẩm văn học, Tác giả phải vận dụng trí óc thế nào để thu hút đông đảo bạn đọc nhất, chẳng lẽ chú định sáng tác cho chỉ các nhà văn, nhà thơ mới hiểu. Đây cũng là 1 trong những lý do bà con Chăm chưa biết nhiều đến chú, đó là minh chứng hùng hồn nhất đó chú àh.
    b) Chú cho là lớp trẻ cũng có những người cổ hủ (Chắc chú có đọc nhận xét của Putra), cháu đồng ý 1 phần, không đồng ý một phần. Cháu chứng minh cho chú thấy lý do cháu không đồng tình.
    Tuổi trẻ chúng cháu suy nghĩ và hành động khác các chú ngày xưa rất nhiều, nhiều và nhiều… Chú có đồng ý với cháu là Xã Hội ngày càng phát triển, giàu mạnh, văn minh… chú cho là: “Rất nhiều” người trẻ có lối suy nghĩ lạc hậu”. Vậy thì XH này lạc hậu hơn xưa rồi sao? Hehe, khoa học tiến bộ, tiếp thu nhanh và phát triển tri thứ rộng rãi không là công lao của thế hệ trẻ chẳng lẽ của người xưa, nên… chú sai rồi.
    Xin chào chú.
    Chúc chú sức khỏe.
    Không biết BBT có dùng quyền phủ quyết bài này nữa không???…

  4. Có điều nay muốn góp ý với nhà thơ Inrasara:
    – Có nhạc sĩ Việt kiều nào đó muốn nghiên cứu về âm nhạc Chăm, sao chú không giới thiệu Amưnhân hay một ai đó am hiểu về âm nhạc Chăm? Hay chú nghĩ rằng Chăm không ai am hiểu âm nhạc Chăm bằng jaka?

  5. Bạn Urang Champa thân mến
    Sara và 2 Việt kiều Úc quen nhau qua email là chính. 3 người gặp nhau cà phê 1 tiếng đồng hồ, nên đã nói rất nhiều chuyện.
    Tôi chỉ kể chuyện đó ra như là một trong nhiều thông tin nhỏ.
    Tôi viết rất vắn tắt.

    Anh bạn mời tôi dự biểu diễn, chương trình gấp gáp. Tôi bận nên cho số điện thoại Jaka để Jaka nhận vé xem ông biểu diễn và làm quen luôn. Nó không liên quan đến nghiên cứu âm nhạc Chăm.
    Tôi chỉ thông tin là ông đang có kế hoach thôi, còn chưa có gì cụ thể cả. Khi đã cụ thể thì tôi sẽ giới thiệu đầy đủ rồi có thông báo sau.

    Chuyện cơ hội thì nhiều lắm.
    Ví dụ 1 Đại học Đức – biết Inrasara qua 1 nhà văn Mỹ – có bổng rất khá dành cho 1 nhà thơ trẻ qua học và giao lưu, Sara tìm khắp Chăm không có, nên đã viết thư giới thiệu bạn thơ nữ Việt.
    Điều kiện: thơ hay, có tên tuổi ít nhiều, tốt nghiệp Đại học, tiếng Anh giỏi… 4 yếu tố này, khó thật đấy, phải không?

    Hãy biết chuẩn bị để đón cơ hội.
    Thân mến

  6. Ông Trạm mát, ông Trạm điên, ông Trạm đất đá…
    Người ta chưởi ông, người ta hỏi ông rất xóc họng
    Mà ông tỉnh bơ giải thích, ông lời lẽ ôn tồn, ông từ từ nói năng
    Diệu dàng quá diệu dàng không chịu nổi

    OOng MÁT là phải rùi!!!!

  7. “Ví dụ 1 Đại học Đức – biết Inrasara qua 1 nhà văn Mỹ – có bổng rất khá dành cho 1 nhà thơ trẻ qua học và giao lưu, Sara tìm khắp Chăm không có, nên đã viết thư giới thiệu bạn thơ nữ Việt.
    Điều kiện: thơ hay, có tên tuổi ít nhiều, tốt nghiệp Đại học, tiếng Anh giỏi… 4 yếu tố này, khó thật đấy, phải không?”

    Tôi thấy Jalau Anưk hội đủ 4 yếu tố trên, không biết ông đã gợi ý chưa?

  8. Hanmutanran thân mến
    Jalau Anưk mình thân cận và biết mà. Các bạn thơ Chăm khác thì Sara cũng biết.
    Nhưng họ đòi hỏi trẻ là dưới 30 bạn à.
    Lâu nay giới văn chương Việt hay nhập nhằng về thơ trẻ. Sara có bình luận về “nhập nhằng thơ trẻ” trong bài “Nhận diện các trào lưu thơ Việt đương đại”. Rảnh bạn xem nhé.
    Sara

  9. 4 điều kiện nêu ra rất chí lý. Jalau Anưk rất xứng đáng, nhìn kĩ còn thừa nữa. Là thừa về khoản đẹp chai – xem hình cũng biết!
    Chỉ tiếc là không phải dưới 30 tuối.

    Nhưng cũng nên chú ý là giỏi tiếng Anh đâu có chắc là nghe giảng được tiếng Anh văn chương (JA thì tôi tin là khỏi chê). Sara nói chưa kĩ đó thôi. Tôi sống ở Mỹ 5 năm, một hôm tôi tham gia khóa giảng về văn chương, tôi như vịt nghe sấm đó các bạn à. Còn về chuyên TRẺ, tôi xin trích ra bài này của nhà Inrasara đăng trên tạp chí Hợp Lưu (ở Mỹ), số mới:

    1. Nhập nhằng hạn từ Thơ Trẻ
    Như cụm từ “thơ hiện đại”, “thơ trẻ” là hạn từ có thể được sử dụng cho một nền thơ, ở bất cứ giai đoạn nào, trong bất kì đất nước nào. Việt Nam không là ngoại lệ. Từ thập niên 60, 70 và vân vân… Nhưng có lẽ Thơ Trẻ được dùng với tần số cao là khoảng thập niên 90 của thế kỉ XX. Từ đó, nó xuất hiện ngày càng đậm đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả trong giới khoa bảng. Đậm đặc và lạ. Lạ ở người dùng nó không cần đến thao tác phân định thời điểm xuất hiện/ độ tuổi của nhà thơ. Có, nhưng rất thi thoảng và nhất là không rõ ràng. Nên đã từng xảy ra hiện tượng không ít nhà Thơ Trẻ trẻ từ đầu thập niên 90 của thế kỉ trước đến cuối thập niên thứ nhất của thế kỉ sau mà vẫn còn… trẻ!

  10. Theo tôi nhà thơ Inrasara không cần phải trả lời người đọc về thơ anh thì hay hơn.
    Anh không việc gì phải thay đổi cả.
    Nhà thơ đích thực thì không theo đuôi quần chúng, sáng tác cho quần chúng vỗ tay. Tôi lấy thí dụ bên nhạc, đại đa số quần chúng thì hiểu và thích nhạc sến, nhưng lẽ nào một nhạc sĩ đích thực cứ đi làm nhạc sến hoài sao? Nền âm nhạc thì cần có nhạc thính phòng, trường ca, và cả nhạc giao hưởng…
    Tôi coi thơ Inrasara là thứ nhạc giao hưởng của thơ ca Việt Nam hiện đại. Nhiều chuyên gia và nhà phê bình rất đồng ý với tôi. Không thể cho rằng vì trình độ thưởng thức thơ ca của người Chăm còn hạn chế (chắc gì đã thế đâu), mà bảo Inrasara sáng tác thấp hơn được. Phải nâng tầm thưởng thức của quần chúng lên cao, như vậy mới đúng với lương tâm và bổn phận của nhà thơ đích thực.
    Nói như vậy khác nào bảo tất cả nhạc sĩ Việt Nam sáng tác nhạc sến hay các loại nhạc dễ hiểu hết, cho quần chúng dễ tiếp thu.
    Thật lòng với các bạn như vậy.
    Kính chúc anh chị em yêu thơ một năm mới sức khỏe và an khang.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *