Ghi chép tháng 11-2010: Nói chuyện với sinh viên Chăm & Thảm họa ở Campuchia…

1. Ba mẹ con Jaka đi Campuchia lễ hội nước. Lễ vui trở thành thảm họa kinh hoàng cướp mất gần 400 mạng người. Đọc báo nghe lo lo. Hani lười không muốn đi, nên không việc gì. Ngày hôm sau Jaka về trước, sau đó Jaya và Hani.
Ngồi nhà và viết Minh triết Chăm. Nhận đề tài từ thầy Hoàng Ngọc Hiến năm trước, hứa Katê 2010 là xong mà không kịp, nên cứ bị nó ám, không dứt được. Rốt cùng, hứng lên mình cũng đã giải quyết nó chóng vánh. Năm ngày gõ hết 36 trang A4, cũng kì công. Và… thầy Hiến đánh giá nó…
25-11-2010

Chào Inrasara,
Tuần vừa qua tôi bận quá, mãi hôm qua mới đọc tiểu luận của anh về minh triết. Hết sức vui mừng. Không ngờ văn hóa và minh triết Chăm phong phú và sâu sắc đến thế. Inrasara đã mở ra cho mọi người (trong và ngoài nước) thấy kho báu minh triết Chăm. Thế là từ nay người Việt có thêm môt nguồn sáng khôn trong đời sống tinh thần. Còn có nhiều kho báu nữa đương chờ những Inrasara mà sự hiền minh và sự uyên bác có khi còn mầu nhiệm hơn câu thần chú: “… mở ra!”. (…) Sự xuất hiện công trình của Inrasara sẽ phát huy thanh thế cho chủ đề minh triết của chúng ta. Một công trình nghiên cứu về minh triết nghiêm chỉnh có giá trị hơn hàng chục, hàng trăm bài báo “quảng bà” minh triết.
Thân mến, Hiến

Thầy hỏi ý kiến mình nên tổ chức Hội thảo minh triết Chăm tại Ninh Thuận hay Sài Gòn, hoặc Hà Nội? – Xem đã.

Dịch ấn phẩm cho Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc. 68 trang/ 3 ngày – cũng ác liệt đấy chứ. Thêm dịch sang tiếng Chăm Lời vàng từ trái tim của nhà thơ Marx Lê Twain nữa. 120 trang/ 5 ngày. Gõ bàn phím như điên. Cuối năm là vậy, dịch thuê kiếm chút cháo. Thêm hai chương Derrida, nhưng rồi tạm nghỉ…
Bế tắc sáng tạo! Cả tháng chỉ viết được bút kí “Thằng Trạm mát”. Không làm nổi bài thơ nào. Không cả thời gian đọc hết tập thơ các bạn tặng, mà tháng này không dưng nhận được gần 30 tập. Khiếp!
Thông tin từ vài Nhà xuất bản: bản thảo lại tiếp tục khất sang năm.

2. 18-11-2010, nói chuyện văn chương với sinh viên Chăm Lớp tiếng Chăm ở Sài Gòn. Hai tiếng đồng hồ để lướt qua văn chương Chăm mà được gì nhỉ? Phóng ngựa xem hoa thì có. Các bạn sinh viên hứng thú, ham học và vui, khiến mình vui lây. Nhưng cảm giác chung là sinh viên Chăm ít hỏi. Không như sinh viên Hàn quốc hay sinh viên Trường Viết văn Nguyễn Du… Trong khi mình nói là để trao đổi, chứ không ý định dạy ai cả. Dẫu sao, bởi đây là lần đầu tiên trong đời mình được nói chuyện với sinh viên đồng tộc, nên buổi nói chuyện đầy hứng khởi. Mình đã khơi gợi được nhiều khía cạnh của vấn đề gây thắc mắc. Riêng câu hỏi làm thế nào giải quyết sự “khác biệt” giữa hai lối viết chữ Chăm khác nhau? Thì mình xin miễn. Bởi đơn giản đây không là diễn đàn cho chuyện đó. Và mình không muốn làm bất kì ai đó tổn thương vô ích.


* Tại Nhà Văn hóa Thanh niên 21-11-2010 – Photo Nguyễn Á.
3. Giao lưu buổi tối ra mắt Câu lạc bộ Thơ Ánh Dương – Nhà văn hóa Thanh Niên 21-11-2010. Lần đầu tiên dự cuộc như thế này. Có sân khấu đèn màu với 5 cái camera khiến mình đã khá lúng túng. Làm thế nào cho phải phép đây? Bởi ở đây chỉ có mỗi mình là “nhà thơ”, lại là quan thơ nữa chứ. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á sang chụp ảnh mình sau đó kêu “anh Inrasara có vẻ khớp”. Cô bé Yatrang ngồi bàn danh dự cũng cùng cách nghĩ. Lạ, nhà văn từng chiến chinh nhiều mặt trặn chữ nghĩa to đùng, sao hôm nay lại nổi hứng sợ sệt trên diễn đàn nhí nhỉ? Ờ, mà thế thiệt – có lẽ. Bởi ngài Inrasara đang tập làm quan… thơ! Cố tỏ vẻ khiêm tốn xíu cho phải phép, nên nó đã ra thế.

4. Chiều ngày 20-11-2010, tin nhắn từ cellphone số …854:
Chào ông. Tôi là độc giả của Tagalau. Đọc Tagalau của ông năm nay, tôi thấy toát lên một chi tiết rằng, dường như ông chỉ muốn phô trương và khẳng định vị thế, tiếng tăm của mình. Ông nói thì nhiều nhưng ông đã làm được gì và góp công sức gì cho cộng đồng Chăm nói chung và Mỹ Nghiệp nói riêng chưa?
– Bạn thân mến. Không kể những điều xa xôi, mình đã dạy 200 người biết chữ Chăm. Còn ở Mỹ Nghiệp bạn hãy hỏi thầy Thính. Với Chăm, mình đã tặng hơn 6.000 bản sách các loại. Theo bạn vậy là đủ chưa nhỉ? Chúc vui.
Ông lại khoe khoang nữa rồi
– Ước gì Chăm có nhiều thành tích để được ca tụng ở Tagalau nhỉ. Nếu bạn biết có ai đoạt được các giải như ASEAN hay Phan Châu Trinh, bạn cho mình hay để mình viết bài đăng trên báo chí các loại nhé. Thuk siam!

Rồi… ngày 25-11-2010, tin nhắn từ cellphone khác: …845:
Inrasara. Cám ơn bạn một con người tài hoa. Bạn đã cho nhựa sống phù sa một vương triều. Chìm đắm những cơn say, đọc Tagalau 11 mình mới hiểu chất xám của người Chăm mà bạn đã khai phá. Những giải thưởng dành cho bạn là rất xứng đáng. Bữa nào lên tháp Po Yang Prong, Ea Sup ghé mình chơi nhé. Chúc bạn khỏe mạnh và viết nhiều hơn nữa“.
– Cám ơn bạn xa.

Một sự việc, hai cách nhìn khác nhau. Rất khác nhau. Đời là vậy – Thế mới vui.

Sài Gòn, 31-11-2010.

One thought on “Ghi chép tháng 11-2010: Nói chuyện với sinh viên Chăm & Thảm họa ở Campuchia…

  1. Chiện zì chú Sara kũng đùa được. Đọc nè:

    “Lần đầu tiên dự cuộc như thế này. Có sân khấu đèn màu với 5 cái camera khiến mình đã khá lúng túng. Làm thế nào cho phải phép đây? Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á sang chụp ảnh mình sau đó kêu “anh Inrasara có vẻ khớp”. Cô bé Yatrang ngồi bàn danh dự cũng cùng cách nghĩ. Lạ, nhà văn từng chiến chinh nhiều mặt trặn chữ nghĩa to đùng, sao hôm nay lại nổi hứng sợ sệt trên diễn đàn nhí nhỉ? Ờ, mà thế thiệt – có lẽ. Bởi ngài Inrasara đang tập làm quan… thơ! Cố tỏ vẻ khiêm tốn xíu cho phải phép, nên nó đã ra thế”.

    Rồi chú đùa tiếp. Đọc nữa nè:

    “Một sự việc, hai cách nhìn khác nhau. Rất khác nhau. Đời là vậy – Thế mới vui”

    Mà sao kác kô kác pác ta kăng wá!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *