Bài Jaya Bahasa điểm sách Sakaya vừa đăng lên, 3 tiếng sau có 5 “phản hồi”. Sự quan tâm của bạn đọc đã khiến chủ website này hơi lấn cấn. 5 comments, trong đó có bạn dùng lời lẽ không hay lắm. Nên xin miễn cho Inrasara.com đưa lên. Có vài lí do sau:
1. Về nguyên tắc trao đổi, tôi đã vài lần nói rõ quan điểm của mình, rằng tôi chỉ trao đổi về:
– các sai phạm LỚN
– các sai lầm mang tính HỆ THỐNG
– sai lầm DẰNG DAI từ tác phẩm này kéo sang tác phẩm khác, và
– sai lầm mang tính TÁC HẠI đến xã hội.
Các lỗi lầm nhỏ, vụn thì cho qua. Bởi, một tác phẩm thuộc thể loại nào bất kì luôn bất toàn. Còn ai khăng khăng ta nắm trong tay chân lí thì, hoặc quá ư trẻ con hoặc là… Thánh!
2. Nói chuyện văn chương với cử tọa ngoài Chăm (đủ thành phần, lứa tuổi, trình độ…), tôi rất thoải mái; ngược lại, với người đồng tộc, tôi khá lúng túng. Có nhiều nguyên do khác nhau. Nhất là thời gian gần đây. Từ năm 2007, tôi từ chối mọi trao đổi với Chăm là vậy. Dù là trao đổi nhân danh khoa học hay bình luận xã hội. Tôi đã nhiều lần nói rõ trên Inrasara.com. Không phải XEM THƯỜNG anh em, mà tôi nghĩ nó không giải quyết được gì cả. Có khi còn làm nghiêm trọng thêm.
3. Về Sakaya Văn Món, ngày 22-5-2005 từ Mã Lai về, có ghé nhà tôi tại quận Tư. Anh em có trao đổi ngắn:
– Anh Sara bảo PD sai hơn 300 lỗi khi ghi ngữ Chăm Akayet Dewa Mưno, anh xem lại thử, lẽ nào PD sai nhiều thế?
– Món đừng tin PD, cũng không nên tin anh, mà hãy tin văn bản. Món cứ mang 2 bản ADW in năm 1989 và 1998 ra đối chiếu, thì nhận ra ngay thôi.
– Để em về xem lại…
– Ghi ngữ Chăm không cẩn thận dễ trật lắm. PD chỉ sai bình quân 8 lỗi/ trang thôi. Món có tin M đã sai trên dưới 40 lỗi/ trang, trong cuốn Luật tục Chăm và luật tục Raglai (Phan Đăng Nhật chủ biên, Sakaya ghi ngữ Chăm) không?
Tôi đưa cho Sakaya xem một trang in.
M lướt qua, nói nhỏ: – Để em về xem lại. Tôi nói tiếp:
– Anh chỉ đưa riêng em và thầy Phan xem thôi, để tái bản chỉnh sửa lại. Tuyệt không cho ai khác.
4. Chuyện về Chăm thì mênh mông. Về khoa học, ta vừa thiếu vừa yếu. Về quan hệ – dễ tổn thương, từ đó xảy ra đổ vỡ. Nên tôi cố tránh tối đa va chạm. Học biết chịu thua. Nếu yêu thương nhau thì viết, rồi đưa cho nhau xem trước rồi đăng hay in (biết đâu mình SAI điều mình nghĩ là đúng). Yêu nhau nữa thì trao đổi miệng với nhau, để rút kinh nghiệm.
Không ít bậc cha chú cho đó là vấn đề khoa học, Sara không nói thì ai nói?! Tôi không nghĩ vậy.
Ngày 24-10-2010 vừa qua, đọc lại Champaka về Ariya Glơng Anak và Ariya Bini – Cam, buồn và rỗi – tôi viết bài “3 Sai lầm lớn của PD”. Không đăng đâu cả. Cũng không đăng website của tôi. Chỉ gởi nó đến 4 người mà tôi tin tưởng, để làm tư liệu. Với lời dặn: tuyệt đối không đưa ra thông tin đại chúng. Nó như cứ liệu lịch sử. Có ông nói:
– Chuyện khoa học mà. Sara quá đúng! S không đưa ra, sẽ có người cho là thiếu trách nhiệm, thậm chí là hèn đó.
Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng không thể khác. Quý bác có la, cũng chịu.
Nên, nêu chuyện này ra, tôi rất muốn nói lời xin lỗi đến Sakaya, đến quý bà con, anh chị em Chăm. Và mong được tha thứ về sự chạy trốn này.
Nietzsche: “Chiều đã xuống rồi. Hãy tha thứ cho tôi vì chiều đã xuống”.
Đa tạ!
Inrasara
* Chú thích: Bên cạnh chuyện tế nhị xã hội, tác phẩm chạm đến quá nhiều vấn đề, nên xin bạn đọc không phản hồi về bài này nữa.
Nietzsche: “Chiều đã xuống rồi. Hãy tha thứ cho tôi vì chiều đã xuống”.
Đọc câu thơ mà buồn và thương anh Inra vô cùng…
Phê bình là điều rất nguy hiểm. Có lần tôi nghe giáo sư K thuyết trình, tôi giơ tay ý kiến bởi tôi nghĩ gs kia sai rõ ràng. May là có 1 người ở ghế trên giơ tay trước. Ông ta cũng nghĩ như tôi. Gs sư đã trả lời phản bác lại. Tôi nghĩ nếu tôi được chỉ định trước thì rất quê với hội trường. Rồi có lần nữa tôi viết bài phản đối ông nọ, bởi tôi nghĩ tôi đúng trăm phần nhưng do bài chưa in, tôi nhận thấy tôi nhầm. Và tôi đã xin rút bài lại. Nguy hiểm như vậy đó.