Bạn đọc cũng phải được đào tạo

Vĩnh Quyên thực hiện

Pv: Đi Thái Lan nhận giải ASEAN 2005, tiếp xúc với các nhà thơ trong khu vực, anh thấy thơ Việt Nam hiện nay đứng ơ “khoảng nào”?
Inrasara: Một tuần giao lưu không phải là thời gian đủ dài để có thể đưa ra nhận định này nọ. Nhưng trước đó Sara đã đọc một vài tác giả nổi tiếng trong khu vực. Trong 9 tác giả được giải năm vừa rồi, Sara rất ấn tượng với 3 người: nhà văn Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Họ có một giọng thơ “đặc sản”, không lẫn với ai khác. Còn thơ Việt Nam ư? Cũng thuộc loại có hạng đấy, không thua kém các nền thơ trong khu vực đâu.

Pv: Anh thấy sáng tác của các nhà thơ dân tộc thiểu số hiện nay thế nào? Họ có gặp khó khăn gì không, như trong vấn đề ngôn ngữ chẳng hạn?
Inrasara: Các nhà thơ Nông Quốc Chấn, Bàn tài Đoàn, Vương Trung,… là những người đi đầu, tham gia Cách mạng giải phóng dân tộc cùng lúc với cầm bút. Có thể nói các bác đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và, chúng tôi rất trân trọng thế hệ ấy. Lớp tiếp theo xuất hiện thật ồ ạt: Y Phương, Dư Thị Hoàn, Lò Ngân Sủn, Mã A Lềnh, Triệu Kim Văn, Ma Trường Nguyên,.. Dương Thuấn và Inrasara có thể coi là thế hệ thứ ba. Nhưng thế hệ thứ tư thì chưa thấy đâu, có thể đấy là mối lo chung? Các nhà thơ, nhà văn dân tộc thiểu sốgần đây hình như ít sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ. Riêng Sara, khi thì làm thơ bằng tiếng Việt trước rồi mới dịch ra tiếng Chăm hoặc ngược lại. Để cổ vũ cho việc sáng tác bằng tiếng Chăm, Sara và một số bạn chủ trương một tập san Tagalau, tập hợp các sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu Chăm, nhất là sáng tác của giới trẻ. Chính họ sẽ là người đưa nền văn học Chăm vào nền văn học đa dân tộc Việt Nam.

Pv: Anh thấy công chúng của thơ hiện nay như thế nào, cả công chúng “chuyên nghiệp” là các nhà phê bình và công chúng “tài tử”, ý tôi là bạn đọc rộng rãi?
Inrasara: Thường thì người ta cứ nghĩ phê bình phải chạy theo sáng tác. Và hiện trạng phê bình của ta hiện nay là như vậy. Riêng Sara cho rằng phê bình phải song hành với sáng tác và đôi khi phải đi trước cả sáng tác. Đôi khi một trường phái văn học phát triển trước rồi tác giả mới dựa vào đó để viết nên tác phẩm. Thơ ca Cách mạng của ta chẳng hạn, rõ ràng nó đi sau phê bình, đi sau lí luận “nhận đường” đấy thôi. Nhưng muốn phê bình, muốn có lí luận thì bản thân các nhà phê bình cũng phải có khả năng tiếp thu cái mới. Hoài Thanh, Hoài Chân là một ví dụ: hai ông đã song hành cùng Thơ Mới, một sự song hành không chê vào đâu được. Nhưng đến dòng Tượng trưng và Siêu thực thì hai ông chịu, không tiếp nhận được. Còn hiện nay, thơ ra bát ngát, bao nhiêu là hệ thẩm mĩ khác nhau, thậm chí đối lập nhau ra đời qua những thể nghiệm vừa nghiêm túc, vừa méo mó lập dị, nhưng nhìn tới nhìn lui không thấy nhà phê bình đâu cả! Thơ bị thả nổi cho bạn đọc tự “bơi”, trong các trường Đại học Khoa học xã hội và NHân văn người ta không dạy các lí thuyết, các trường phái thơ hiện đại cho sinh viên. Độc giả không được chuẩn bị thì sao những giọng thơ cách tân, táo bạo tìm được chỗ đứng? Nên nhớ, Thơ Mới (tiếp nhận trào lưu Hiện thực và Lãng mạn Pháp) dù gặp phải vài trở ngại từ các nhà Nho bảo thủ, vừa xuất hiện đã được công chúng trẻ hoan nghênh, vì họ đã được chuẩn bị từ các trường Pháp – Việt. Độc giả hiện nay hoặc là dị ứng quay lưng lại với cái mới, hoặc là hùa theo một cách thiếu cân nhắc. Họ không hiểu thì làm sao tiếp nhận được.

*
Tạp chí Thơ, 02.2006.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *