Thư cho bạn trẻ 18. Nổi tiếng lợi hay hại?

Thư cho bạn trẻ 18.

Sài Gòn, cuối năm 2005
Bạn trẻ thân mến
Từ Bangkok trở về, tôi vừa có cuộc gặp nho nhỏ với nhóm bạn thuở Tiểu học ở quê, cuộc nữa với anh chị em cũ và mới ở Ban biên soạn sách chữ Chăm. Để đáp lễ tình nghĩa bà con. Anh chị em vui mừng, hãnh diện và chúc tụng. Không ngờ bà con ta lại vui như thế. Một bạn cho rằng Inrasara nổi tiếng có lợi cho Chăm, người ta biết đến Chăm nhiều hơn, quan tâm đến xã hội và văn hóa Chăm hơn.
Tương tự là trường hợp Chế Linh. Dù thực tế, hoạt động ca nhạc của Chế Linh ít ảnh hưởng trực tiếp vào cộng đồng, nhưng bởi tên tuổi của anh luôn gắn với “dân tộc Chăm” (ca sĩ-nhạc sĩ gốc Chăm) nên, nhắc đến Chế Linh, dư luận trong và ngoài nước nhắc/nhớ đến Chăm. Vậy đó, nhưng nếu nói ngược lại cũng không sai: Sara ăn theo Chăm!
Sự vụ nổi tiếng ảnh hưởng hay tác động đến Chăm đến đâu không biết, riêng tôi, vài cái “lợi” là: mọi người xin chữ kí đông hơn, đứng chụp ảnh chung nhiều hơn và tôi xin giấy phép Tagalau tương đối dễ hơn. Còn lại hại đủ thứ hại. Nói như G. Márquez: nổi tiếng không mang lại lợi lộc cho ông với tư cách nhà văn, ngoại trừ tư thế chính trị của ông. Tôi không làm chính trị, nên không cần tư thế đó. Còn lại, hại nhỡn tiền có lẽ là mất thì giờ cho điện thoại và thư từ, cho báo chí với các phương tiện thông tin đại chúng. Thỉnh thoảng cánh phóng viên còn xộc vào đời tư, phiền hà lắm.
Thiên hạ muốn biến tôi thành thứ ngôi sao ca nhạc hay bóng đá. Mà tôi thì chúa ghét kẻ đi đâu cũng “trước thầy sau tớ lao xao”. Tôi luôn thích đi một mình…

Tôi rất ngại lên truyền hình, có lí do của nó: lúng ta lúng túng khi đạo diễn hô: đi! chậm thôi! dừng lại! trầm ngâm! cắt! nắm lấy cành cây kia! giở trang sách này ra!… Mình phải nghiêm chỉnh chấp hành, hệt lính tráng vậy. Sau đó, khi dòm mình đi lại trên màn ảnh nhỏ – vô duyên ơi là vô duyên. Quyết là thôi từ nay không đóng phim đóng phổi gì ráo. Vậy mà tôi đã “lên” được hơn mươi phim!
1994, vào Sài Gòn được hai năm, phóng viên một Đài địa phương muốn làm phim về tôi, tôi từ chối cái rụp – rất oai hùng. Sau đó Đài này không bao giờ nhắc tên tôi nữa, dù Inrasara có rền tiếng tới đâu. Từ Thái Lan về, Đài khác gợi ý làm 30 phút về Inrasara; vì nể tình, tôi nhận. Nhận mà hối. Cuối cùng anh ta hai lần trễ hẹn, thế là tôi có cớ từ chối. Anh bảo: Ban giám đốc đã duyệt rồi, anh à. Nhưng, rồi chuyện cũng qua.

Phim ca nhạc Chăm: Inrasara và Quê hương Tháp nắng cũng vậy. Đồng bào sang dĩa xem đầu thôn cuối xóm, tôi thì cứ lãng đi khi thấy ai mở nó. Trong phim, tôi xuất hiện từ đầu chí cuối khá sến và… vô duyên! Ông bạn Chăm Sài Gòn nói: ông mãi chường bộ mặt ra, vậy mà cứ kêu là ẩn mình để sáng tạo. Tôi đành chống chế: thì ca sĩ nhạc sĩ Chăm chừng ấy thôi mà, tìm đâu ra vị nào không sến để tôi đóng cùng? Mà lẽ nào Chăm không đóng phim ca nhạc? Còn ví có lấy ai lên phim thay diễn viên Sara thì đạo diễn có chịu không?
Vậy đó, cắn răng mà đóng, mà chịu!
Phim tài liệu: Khái quát về văn hóa Chăm cũng vậy. Tôi có phone cho vài bạn văn cùng xem. Mèng ơi! Nhân vật nào cũng ăn nói chững chạc, có duyên cả: từ vài vị Tiến sĩ cho chí bà xã là Hani cũng rất oách, ngoại trừ… Sara. Một bạn kêu làng: ông mà cứ lên hình kiểu đó, mất trắng như chơi!

Còn về giải thưởng thì sao? Nhà văn làm tăng uy tín giải hay ngược lại? Mươi năm qua, tôi có tất cả mười lăm giải thưởng các loại. Tạm chia các giải như sau:
Giải cho một cuộc thi (phong trào là chính): giải này thường có tiền thưởng khá cao, nhưng uy tín ít. Ví như Cuộc thi truyện ngắn, Triển lãm Hội họa khu vực, thi hát dân ca. Loại này có nhiều giải thưởng khác nhau, chia thành ABC và khuyến khích. Tôi chưa bao giờ tham dự hay đoạt giải này.
Giải của Hội không chuyên: như Giải thưởng Văn học nghệ thuật Dân tộc thiểu số (hàng năm có đến gần trăm giải thưởng các loại), Giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật trong đó có giải văn học (cũng phân ra nhiều giải thưởng).
Riêng giải của Hội Nhà văn Việt Nam được cho là danh giá hơn cả, nó không chấm ngay trong năm như các giải khác mà phải đợi sang năm sau: để kĩ càng hơn, Hội Nhà văn muốn tác phẩm đó phải vượt qua thử thách của thời gian. Đây là giải không buộc phải có, nếu năm đó không có tác phẩm hay. Ví dụ năm 2000, phía thơ, không có giải nào.

Nhà văn làm tăng uy tín giải hay ngược lại?
L.Tolstoi, B.Brecht hay R.M.Rilke không được trao Nobel văn chương nhưng vẫn lớn hơn rất nhiều nhà Nobel khác. Sartre từ chối nó, mà ông cứ lớn như thường! Nếu Nobel có họ, thì Nobel tăng uy tín. Nhiều giải nổi tiếng trên thế giới bị mang tiếng là có vận động hành lang. Chuyện bình thường. Có thể đó là cách làm cần thiết của các nhà xuất bản hay những kẻ ăn theo văn chương. Với nhà văn, họ không cúi xuống làm hành vi như thế. Chỉ có hạng nhà văn bất tài hay tài năng trung bình nhưng thèm khát tiếng tăm mới lo “chạy” giải. Đó là nhà văn ăn theo giải.
Cá nhân tôi chưa bao giờ gởi tác phẩm dự giải. Dự, không vấn đề gì cả. Tác phẩm của tôi do cơ quan, nhà xuất bản hay bằng hữu gửi đi. Và tôi nghĩ, nó cũng có may mắn. Tôi chưa hề thấy có ưu tiên ở đây. Vì mặc cảm, chúng ta cứ nghĩ là có châm chế sắc tộc. Nêu lí do chính trị càng tệ nữa. Vì dân tộc Khmer đến hôm nay vẫn chưa có Hội viên Hội Nhà văn, dù không phải là họ không phấn đấu; nếu có châm chế thì đã vài vị đã được dắt tay vào rồi. Năm nhà văn dân tộc Tây nguyên vẫn chưa ai có giải của Hội Nhà văn Việt Nam.
Hãy xem xét từ “lưu ý” với ưu tiên. Hội Nhà văn có lưu ý, chứ không ưu tiên. Ví như bầu Ban chấp hành, Hội có lưu ý, nhưng không có nhà văn Dân tộc thiểu số nào vào Ban chấp hành nhiệm kì vừa qua. Ở đâu tôi không biết, nhưng ở Hội Nhà văn – sòng phẳng.

Chuyện vui. Tổng kết năm của Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt nam vào cuối tháng 11.2005, Báo cáo được đọc trên Hội trường: “Giải thưởng Văn học Asean của Inrasara chẳng những là niềm hãnh diện của cộng đồng Chăm mà còn cho cả 53 dân tộc thiểu số trên toàn quốc nữa”. Vị Phó chủ tịch Hội sau đó còn thêm, nguyên văn như sau: “Năm nay Dân tộc thiểu số Việt Nam có hai niềm hãnh diện: Không gian Cồng chiêng Tây nguyên được UNESCO công nhận Văn hóa phi vật thể của nhân loại và, Giải thưởng văn học Đông Nam Á của nhà thơ Inrasara”.
Chuyện khác. Năm 1988, trí thức Chăm mời tôi nói chuyện về ngôn ngữ Chăm tại Mỹ Nghiệp. Xong cuộc, tôi nói: quý bà con cô bác cứ phê bình thoải mái đi, tôi sẵn sàng lắng nghe và sửa sai. Không ý kiến nào ngược lại cả. Nhưng sau đó, ông Châu Văn Mỗ nhắc nhỏ tôi: Trạm nói vậy không khéo người ta cho mình cao ngạo đó. Tôi ngạc nhiên bảo: nhưng cháu thật sự muốn vậy mà.
Chuyện nữa. Mấy năm nay, tôi viết tiểu luận – phê bình và nói chuyện về thơ hiện đại tại các Trường Đại học và các Hội văn học. Không ít vị cho Inrasara là “nhà phê bình lớn”. Nghe rất… kì! Trong lúc thật sự tôi cần nhiều ý kiến ngược lại, để nhìn ra cái bất cập, thiếu khuyết của mình. Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến còn cho “Inrasara là một cây viết phê bình lỗi lạc” nữa!
Ồ, được khen thì khoái lắm chứ, nhưng cũng nên dè chừng. Để xem mình có sướng tai rồi tự ru ngủ không? Có câu đùa: khen cho nó chết. Chê, nếu hay thì mình cám ơn và học; dở/sai thì im lặng. Nhưng có không ít vụ việc mang tính cáo giác chứ không dừng lại ở phê bình. Khi đó chỉ có nước ngồi chịu trận hoặc, ngoảnh mặt làm ngơ.
Nổi tiếng – khổ thế đấy!

One thought on “Thư cho bạn trẻ 18. Nổi tiếng lợi hay hại?

  1. Pingback: Trần Can: Inrasara - Những chuyện bên đường biên « inrasara.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *