Jalau Anưk: Khủng hoảng giao tiếp trong xã hội Chăm đương đại

Phần 3: Những chuyện nhảm trên các diễn đàn

Có triệu triệu diễn đàn trên thế giới rộng lớn này. Tuy nhiên, những diễn đàn để nhiều thông tin về Chăm/ cho Chăm có nơi để xuất hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, mỏng như Chăm vậy, rải rác chỉ vài làng xóm, có khi cách xa nhau cả ngàn cây số, cả những khoảng đại dương mênh mông … Tội lắm! Chăm hiếm ai chối từ nguồn gốc của mình. Chăm thậm chí có khi không nói và hiểu được nhau bằng chính tiếng Chăm. Vậy mà, khi gặp, họ hồ hởi nói rằng “mình là Chăm” bằng ít nhất một thứ ngôn ngữ trung gian khác, không phải Tiếng Chăm. Vậy mà, khi có được hiếm hoi các diễn đàn để Chăm mình có thể viếng thăm, có thể bày tỏ, có thể trao đổi, có thể gửi gắm, có thể sử dụng chúng như là những phương tiện kết nối Chăm – Chăm tản mác năm châu bốn bể…. thì trên một số diễn đàn này, họ đọc được những chuyện nhảm là chủ yếu, đọc để rồi thấy buồn, thấy đau; thấy thà không đọc, không quan tâm, không nghe biết đến.

Chỉ nói lấy điển hình, một website mang thông điệp “Thông tin, Nghị Luận và Nghiên cứu về Chămpa” nhưng lại dành quá nhiều chữ nghĩa, bút mực để nghị những chuyện nhảm, những chuyện mà chính những vị chủ xướng, biên tập website này cho rằng là “nặc danh’ là “hèn nhát không dám ra mặt”. Chưa bàn đến ai đúng, ai sai, ai nghị ai thông tin hay nghiên cứu và nghiên cứu đến đâu. Tuy nhiên, một website quy tụ những thành phần trí thức Chăm đáng kể với tôn chỉ và thông điệp rất đẹp, nghe rất có ích cho cộng đồng như thế lại tỏ ra sốt sắng với ‘nặc danh’, với ‘hèn nhát không dám ra mặt’ thì quả là đáng chê trách, đáng chê trách hơn cả những ai mà các vị ấy cho là ‘nặc danh’ và ‘hèn nhát không dám ra mặt’ bằng cách chỉ đích danh tên tuổi (Người đọc hiểu sao đây? Họ có quyền hiểu là những điều đó có thật hoặc cũng có quyền hiểu là tât cả đều do bói toán mà ra?), sử dụng những thủ pháp phê phán, hạ bệ nhau một cách cay độc nhất. Chính các vị đã tự làm mờ đi hình ảnh đáng kính của mình trước cộng đồng, tạo sự hoài nghi khó ngớt trong cộng đồng đối với cái mà các vị đang luôn miệng cho là ‘tâm huyết’ với việc bảo tồn, xây dựng và phát triển Chăm; những tôn chỉ, mục đích mà các vị đã và đang nỗ lực rêu rao; những thành quả lâu nay của các vị đối với cộng đồng đang có nguy cơ bị chính các vị làm cho chúng bị nhìn vào một cách dị hình dị dạng. Đừng để ngap mưng ngauk, hauk pak ala (hay là lâu nay Chăm nhìn nhầm chăng?)… Động thái này thể hiện sự yếu kém trong việc điều khiển cảm xúc trong giao tiếp và tiếp nhận vấn đề, tỏ rõ sự thiếu tự tin. Chỉ những ai không tự tin cho rằng mình là người tốt mới thường có thái độ dè chừng, bận tâm, lo lắng và luôn ở tư thế sẵn sàng phản pháo những điều thị phi không chính thống, phong thanh. Vậy “vàng thật không sợ lửa” hay là “không có lửa làm sao có khói?” đây? Hãy là vàng thật nếu các vị quả thực là vàng thật. Hãy bình thản để những ngọn lửa liếm qua (nếu nó muốn), lửa sẽ tắt còn vàng thật thì sẽ chẳng bao giờ có thể biến thành tro, có khi lau chùi sơ qua lớp khói đen sì bám tạm bợ sau cơn lửa, vàng lại sáng hơn chính nó trước đó. Ông NVT có “bỏ ra bao thì giờ để tạo phe nhóm và hình thành một tổ chức nặc danh nhằm bôi nhọ đối tượng của mình’ hay không? Không mấy Chăm biết đến, không quan tâm, không nghĩ đến (bởi không đáng để nghĩ đến) cho đến khi đọc được những gì do chính các vị đưa lên diễn đàn chính thống này; Ts. PD có ‘ăn tiền học bổng của Ts. TP sang Paris nghiên cứu trong 03 tháng vào năm 1996” hay không? Không mấy Chăm biết đến, nghĩ đến trước khi chính các vị bỏ công ra giải thích, chứng minh trên diễn đàn chính thống này. Và còn nhiều chuyện nhảm khác nữa. Chăm bây giờ không chỉ biết nghe sao thấy vậy, Chăm bây giờ cũng không chỉ nghe thấy tên tuổi, bằng cấp mà gập mình để nghe theo răm rắp. Chăm thừa hiểu cái gì là khả tin, khả tín, Chăm thừa sức nhận ra ai lành ai ác, ai giả ai chân, ai khôn ai dại… bởi Chăm không nhiều lắm, không đủ mênh mông để có thể lãng quên và trở nên lú lẩn. Nếu là chính mình thì hãy cứ là chính mình, đừng để Chăm mãi hoài nghi với chính các vị, chính cái động cơ (cứ cho là tốt đẹp, theo cách nghĩ của các vị). Cứ như thế, các vị đang coi thường chính mình đã đành mà còn coi thường Chăm ngây ngô. Không nên.
Tin mình đi! Qua tất cả những gì đang diễn ra trên diễn đàn của các vị, phần lớn Chăm cho rằng các vị không đang làm gì ra hồn ngoài việc đấu đá nhau, hạ bệ nhau với duy nhất một mục đích là giành giật sự ảnh hưởng của mình đối với cộng đồng theo một cách thức không nên nhất. Để làm gì? Không để làm gì cả. “Hữu xạ tự nhiên hương”. Sự tôn trọng của cộng đồng đối với các vị đang dần dần trở nên yếu ớt, thậm chí là thoi thóp. Bây giờ hoặc sẽ không bao giờ, hãy dũng cảm nhìn lại mình, Chăm đang mong thế. Rất mong.

Không có loài thú ăn cỏ nào to hơn voi (không kể những loài đã tuyệt chủng). Phải chăng, nhờ có sự hiện diện của những loài hổ, loài báo, loài sư tử… dũng mãnh mà theo quy luật tiến hóa, voi phải lớn lên, có những loài bò sát mọc thêm những đôi cánh đẹp đẽ, mềm mại mà bây lên trời và trên rừng rất cần có cả sự có mặt của hổ, báo, sư tử, voi… và muôn loài khác? Có đấy!

Còn tiếp: Phần 4 – Một số chủ đề đang được bàn tán sôi nổi trên diễn đàn, quan niệm và một số nhận định.

6 thoughts on “Jalau Anưk: Khủng hoảng giao tiếp trong xã hội Chăm đương đại

  1. Những kẻ nặc danh để hạ bệ, đả kích người khác là những kẻ yếu hèn, kém cỏi và thiếu văn hoá. Tôi đã đọc một số website này, chưa đọc thì háo hức muốn đọc, khi đọc rồi tôi mới thật sự thất vọng, đau đớn, tủi nhục. Họ phát ngôn với lời lẽ thô tục, tầm thường vô văn hoá (thậm chí có kẻ không viết nổi một từ tiếng Chăm nào để vak di tangi mà cũng đòi xây dựng văn hoá Chăm). Tôi nghĩ Chăm mình phải ngẩng cao đầu như người Do Thái đã làm. Mặc dù trong quá khứ người Do Thái cũng đau thương tang tóc nhưng họ vẫn vượt qua và trở thành một trong những dân tộc vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Tôi muốn gửi đến những kẻ nặc danh và các bạn rằng “Cuộc đời dù tang tóc, nhiễu nhương và hữu hạn, vẫn có ý nghĩa. Ý nghĩa duy nhất của cuộc đời là lý trí của con người“.

  2. Wan hô anh Toại! Dzậy chớ. Mí chú mí pác woài đó chửi nhau chán phèo…
    Em hổng có sách hay zề zăn hóa Chăm mình để đọc đây.

  3. “Động thái này thể hiện sự yếu kém trong việc điều khiển cảm xúc trong giao tiếp và tiếp nhận vấn đề, tỏ rõ sự thiếu tự tin. Chỉ những ai không tự tin cho rằng mình là người tốt mới thường có thái độ dè chừng, bận tâm, lo lắng và luôn ở tư thế sẵn sàng phản pháo những điều thị phi không chính thống”.

    Nhận định chính xác 100%. Mới nghe hơi nồi chõ mà cuống cuống lên. Thiếu TỰ TIN là đúng quá. THường thì thiếu tài năng hay gì đó nữa, nên thiếu tự tin. Họ còn đáng tin nữa không nhỉ?

  4. Chuyện đã rồi. Đúng hay sai, cộng đồng Chăm it nhiều cung đã phán xét rồi. Jalau Anưk và web inrasara.com vô tình khơi gợi lại chuyện cũ mà không giải quyết được vấn đề gì cả.
    Theo tôi, mik wa nên quên chuyện này đi là vừa rồi, nếu gợi lại vô tình đi vào vòng luẩn quẩn.

  5. Đọc hết bài tôi đồng cảm với nỗi lòng anh Anưk lắm, nhưng dường như anh chỉ đứng về 1 phía mà nhận xét về 1 phía mà thôi, cảm nhận của anh rất chủ quan.
    “Những chuyện nhảm trên các diễn đàn” ko những chỉ xuất hiện trên website mang thông điệp “Thông tin, Nghị Luận và Nghiên cứu về Chămpa” mà còn có những bài viết không mấy thiện cảm trên những website khác, điển hình như trên một website mang thông điệp “Thông tin, văn học, lịch sử, bình luận [về Champa]”

    Tôi đã theo dõi tình hình “nhảm” này nhiều năm nay đến nỗi phải bỏ nhiều giờ học vì nghe bạn tôi nói có tin mới về những vụ “nhảm” này, chủ yếu từ vụ Hội thảo về «Lịch sử Ngôn ngữ và Chữ viết Cham» (21-22/9/2006, Kuala Lumpur, Malaysia) cho đến nay vẫn chưa rốt ráo, thống nhất về 1 số vấn đề.

    Cũng như anh nói, những “chuyện nhảm” như thế này “Không mấy Chăm biết đến”, thôi thì hãy để thời gian trôi đi rồi sẽ hầu hết Cham không biết đến nữa và tự thân nó sẽ chôn vùi sâu dưới lớp cát sa mạc mênh mông đi. Sao ta lại phải lôi nó ra, thông tin nó thêm làm gì nữa? Chẳng lẽ sẽ lại thêm 1 lần nữa rối bù?

    Cham đâu có đến nỗi ngu ngốc mà phải chạy chọt, adua theo những hành động hay ảnh hưởng của “các vị” đối với cộng đồng theo một cách thức không nên nhất.

    Chẳng trừ ai cả. Tôi thấy 2 bên đều đáng trách, đều đáng phải xin lỗi cộng đồng vì những gì mình đã gây ra. Những từ ngữ “thô thiển” và “tục tỉu” nhất có thể mà những bức thư nặc danh viết ra, riêng bản thân tôi, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ vì khả năng nhận thức, sử dụng ngôn từ giao tiếp quá ư tệ hại… của những người tự xưng là trí thức Cham (có “những vị” tự nhận mình là cao niên nữa), hơn nữa lại sử dụng chúng để trao đổi với những người đồng tộc mình.
    Nhưng cần nhận lời xin lỗi làm gì? Qua rồi, hãy cho nó qua luôn đi. Cham quá bé nhỏ, xin mọi người đừng cấu xé chia phần nữa. Tội, tội lắm!

    Cầu xin Thượng đế ban phước lành cho chúng con!
    Amin..

  6. Ý kiến Ikan di Ram hay! Cám ơn bạn.

    Thơ Inrasara:
    Hãy yêu hãy yêu như ta chưa từng
    Những đứa con đi hoang bỏ xa làng mạc
    Mang bụi đất quê hương về miền xứ khác
    Và hãy yêu hơn con người chân chất
    Sống một đời ôm mang đất phù du
    …”
    trong Tháp nắng.

Leave a Reply to Nguyen Anh Thy Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *