Phần 2: Tâm thế hội nhập qua biểu hiện bằng giao tiếp của xã hội Chăm đương đại
* Anh chị em Chăm tại Phước Nhơn – 2002.
“Con sâu làm rầu nồi canh”, halak mà. Rầu ít hay rầu nhiều thì vẫn làm cho cái nồi canh trở nên kém ngon, thậm chí phải đổ đi. Cái nồi canh càng nhỏ, càng ít nước và tinh thì cái nồng độ rầu càng cao, càng nặng mùi. Chăm không nhiều lắm, không đủ mênh mông để làm nhạt và loãng (hoặc giả như là được thì cũng khó lắm, lâu lắm) cái độ rầu nhiễu vào bởi các con sâu đương đại. Mỗi một con [hay loài] sâu đương đại đều là một (hoặc chí ít là một xã hội đương đại thu nhỏ). Đơn vị đo lường cho cái xã hội này không thể định lượng như kilogram, centimét, xị hay lít… Chúng sống ở một khu vực nào, chúng sẽ được xem là một xã hội trong hệ sinh thái rộng hơn chúng (là cái chắc) và chúng có khả năng tác động đến hệ sinh thái đó, ít hoặc nhiều chứ không phải không và không thể chối bỏ sự hiện diện của chúng.
Mình có một anh bạn đáng kính, học giỏi đến tận khi học xong ở các loại trường mà anh ta đã từng theo học, ra trường làm việc toàn ở những công ty hoành tráng, tay này rất hoạt bát, giỏi. Mình tình cờ đọc được một cuốn sách hay, gặp nhau, vừa mở miệng nói đến tựa đề cuốn sách để anh ta tìm đọc vì mình cả nghĩ rằng công việc của anh ta đọc cuốn đó sẽ rất có ích. Hỡi ôi, anh ta ngắt lời “Có gì đâu mà phải đọc? Thực chất mấy thằng viết sách đó chắc gì giỏi bằng tao?’. Thế! Có thể chỉ là nói đùa chăng? Không chỉ có mình và anh ta, cùng ngồi với nhau có đến chừng 5-6 người, vừa Chăm, vừa Ywơn.
Tâm thế hội nhập không chỉ nằm trong cái áo bạn mặc, đôi giày bạn mang, cái chức danh bạn đang đeo, các loại bằng cấp, chứng chỉ bạn đã ép plastic để trong cặp da, số card visit bạn phân phát, số tiền bạn bỏ vào túi mỗi tháng…. Tâm thế hội nhập của bạn không chỉ là cho riêng bạn, cho cá nhân và cái bản thể riêng của bạn. Giao tiếp của bạn với một thực thể khác cũng có thể sẽ trở thành một hệ quy chiếu, ngắn hay dài, sang những thực thể khác gần hay có điểm gì đó na ná như là bạn. Ví như bạn nói “mình là người Chăm” hoặc bạn không hề nói nhưng người khác biết rằng bạn là Chăm qua nhiều phương thức mà thông tin đi hoặc đến một cách tình cờ hay không tình cờ chẳng hạn. Ai sẽ là người có đủ khả năng, tiền bạc, thời gian, cơ hội và cả tuổi thọ… để có thể gặp được tất tần tật thế giới Chăm? Mỗi một cơ hội đều có thể là một dấu ấn, một điểm khởi đầu cho bất kỳ một nhận thức nào, tiềm ẩn cả nguy cơ. Tất cả những nguy cơ do giao tiếp của cá nhân bạn, các bạn hay cá nhân mình… liệu có là cái rào thấp/ cao cho hội nhập? Có đấy!
* Và các cháu tại Mỹ 2010 – Photo Chế Mỹ Lan.
Cách đây bốn năm, một anh bạn đồng nghiệp người Kinh mở công ty dịch thuật đa ngôn ngữ (tham vọng của anh ta là như thế). Biết mình là Chăm, anh ta hỏi “anh có biết cái ông gì đó, cũng là người Chăm luôn, tiến sĩ, rất giỏi ở Viện xã hội học, mình có lần đi dự hội nghị, gặp ổng một lần, nói chuyện thấy thích quá!”. ‘À! Đúng rồi, là tiến sĩ PVH đó, người Chăm, cùng quê với mình mà’. Ngày khai trương, anh ta gửi 02 cái thiệp mời, một cho mình, một nhờ mình mời giúp anh PVH để có dịp tiếp xúc và mời làm cộng tác viên, tiếc là anh PVH bận, không đến được. Chừng đó năm, anh bạn này vẫn mời mình cộng tác. Vậy, tâm thế của anh PVH có tác động đến sự hội nhập đối với những thực thế khác trong thế giới xung quanh anh ta (ít nhất là đối với trường hợp này, với thực thể mà anh PVH đã giao tiếp lần này)?. Có đấy! Làm sao cái anh bạn này biết chắc là anh PVH giỏi hay dở, anh ta liệu có đủ tầm để kiểm chứng, ngay cả cái tên anh ta cũng không nhớ, cái anh ta nhớ duy nhất là ‘cũng là người Chăm luôn’.
Giao tiếp của mọi người có thể sẽ là một sự khởi đầu tốt cho việc tiếp cận với thế giới xung quanh, nó làm cho người ta hiểu về bạn và về cả những cái xung quanh bạn. Một anh chàng cùng quê, nghe đâu là đã bảo vệ xong luận án thạc sĩ (Chăm mình hiếu học lắm, có khi nghèo rớt mồng tơi nhưng vẫn nuôi nổi 3-4 đứa con trở thành thầy giáo, kỹ sư, bác sĩ… Thật đáng tự hào lắm) thì ngược lại, hội nhập đển mức rủ bỏ chính mình. Mỗi lần về quê, thấy gia đình có chuyện, dòng họ tụ tập lại để bàn bạc, jum gơp, hắn phẫn nộ, phê bình, thậm chí gay gắt vì cho rằng như vậy là lạc hậu, là mất thời gian quý báu, là không cần thiết… Kiểu giao tiếp, bày tỏ như thế liệu có giúp người khác hiểu được bạn, liệu có giúp họ thấy cái nổ lực học tập, cách thức bạn hội nhập là tích cực? Chắc chắn không.
Giáo sư Ngô Bảo Châu là một nhân tài, mình khẳng định rằng tài năng của Ngô Bảo Châu, giải thưởng về thành quả nghiên cứu và công trình toán học có tên Fields danh giá mà vị GS trẻ tuổi này được ghi nhận chủ yếu là do sự nỗ lực của cá nhân ông ta, không phải vì chất lượng giáo dục ở cái trường mà vị này học có chất lượng đào tạo xuất sắc mà cũng không phải vì người Việt hay người Kinh xuất sắc. Nếu vậy tại sao lại không có nhiều người (chưa nói là đại trà) hoặc vài người đáng kể khác đều đạt được như những gì vị GS này đạt được, hay chí ít cũng gần gần như thế? Nhưng rõ ràng, khi GS Ngô Bảo Châu giao tiếp với thế giới xung quanh, ông ta sẽ (không cần cố ý) cũng có thể làm cho các thực thể xã hội khác xung quanh ông ta biết đến người Việt một cách tích cực. Vậy, tâm thế hội nhập, về lĩnh vực khoa học, trong trường hợp này là toán học có thuận lợi hơn cho cả đất nước Việt Nam hay không, ở một góc độ và trường hợp nào? Có đấy!
Mỗi một công đồng, tổ chức, mỗi một thực thể xã hội biết coi trọng và luôn có ý thức xây dựng hình ảnh của mình, quảng bá hình ảnh của mình ra thế giới bên ngoài (ngoài mình). Ví như họ có những vị đại sứ, đại sứ thiện chí, có khi là người phát ngôn… Chăm mình chưa được như thế. Với bài viết này, mình mong muốn ai ai, dù là ai, giàu hay nghèo, có điều kiện học ít hay nhiều, to con hay ốm yếu, làm quan hay làm dân, đi cày hay là cán bộ, trai hay gái, già hay trẻ, Chăm – Bàni hay Isalam nên thử tự mình nghĩ rằng, giao tiếp với thế giới bên ngoài như là một đại sứ tự nguyện, trước mắt là cho chính mình, mang hình ảnh của mình; sau là cho Chăm vào tiến trình hội nhập với thời đại.
Cực đoan, suy nghĩ thiển cận, thiếu thực tế luôn là biểu hiện của sự thiếu tự tin, lộ rõ tính tự ti và mặc cảm. Mặc cảm với chính những diễn biến bất khả triệt trong quy luật của cuộc sống. Một anh chàng không hề biết một ngón đòn nào mà luôn miệng bảo rằng mình giỏi võ thuật luôn là người sợ phải đánh nhau hơn ai hết.
Một người bạn thâm giao, một người em không biết vì lý do gì mà bỏ giảng đường đại học luôn nói rằng ‘em không cần đi đại học, em sẽ không bao giờ đi làm thuê, cho Ywơn’ mình nghe mà thấy tiếc. Mỗi một trường hợp không là mọi trường hợp. Nếu hắn bỏ học để làm hẳn một cái gì đó hắn tâm huyết, gặt hái và được mùa thì còn có gì để nói đâu. Đằng này bỏ học thì đã bỏ, làm gì để thu hoạch được một cách khả dĩ để hắn đánh đổi thì cũng không thấy. Hỏi hắn: ‘vậy thường ngày em vẫn ăn bốc hay dùng muỗng, đũa?’, hắn bảo ‘muỗng hoặc đũa’, mình hỏi ‘đũa thì em có thể lên rừng chặt cây về mà gọt thành, nhưng em muốn xài muỗng em sẽ tìm ở đâu’. Hắn đáp ‘ra chợ mà mua’. Mình không nói gì nữa. Một hồi hắn thắc mắc: ‘anh hỏi vậy là sao?’. Mình đáp “hiện nay, anh chưa thấy có một cái xưởng nào do Chăm mình mở sản xuất vài cái muỗng giản đơn mà ở nhà có khi em cần đến nên anh hỏi vậy để biết em làm sao để có nó khi cần’. Vậy đâu đó, một thực thể xã hội đương đại Chăm, một xã hội đương đại thu nhỏ trong lòng xã hội Chăm, một xã hội Chăm đương đại nhỏ hơn trong một xã hội Chăm đương đại lớn hơn, tâm thế hội nhập như thế sẽ mang lại những gì? Có đấy! Nó sẽ mang lại sự trì trệ, nó phản ánh sự thiếu linh hoạt, không khôn ngoan, nó phản phất tâm lý tự ti, khả năng thích nghi (có chọn lọc) kém cõi và với tâm thế này, chúng ta khó có thể làm cho nó khỏi lộ ra khi tiếp xúc với thế giới, thực thể ngoài ta.
Cái tên của bạn là phương tiện tốt nhất để người ta biết đến bạn, phân biệt được bạn và người khác. Chăm cũng vậy, dù bạn xấu hay tốt, bạn giao tiếp với thế giới bên ngoài như thế nào thì cái nguồn gốc Chăm của bạn cũng có thể làm đọng lại trong ai đó một cái gì đó của Chăm (Chưa kể bạn là Chăm còn dễ nhớ hơn là bạn tên Tèo, tên Tí…). Chất lắng lại ở nơi những thực thể ngoài bạn, thế giới xung quanh bạn cũng có thể là điểm xuất phát có nhiều lợi thế mà cũng có thể là một rào cản nhất định, không chỉ cho riêng bạn mà còn (đôi khi) đối với Chăm (hoặc một ai đó là Chăm) trong sự tất yếu phải hội nhập tích cực.
Không ai hoàn hảo từ ngọn tóc đến vân bàn chân. Cuộc sống luôn là sự nỗ lực. Nỗ lực làm nên một hình ảnh của Chăm đẹp hơn với thế giới bên ngoài, còn ai khác đây nếu không phải tự chính từng thực thể, từng những thực thể làm nên xã hội Chăm, từng xã hội Chăm đương đại nhỏ trong lòng một xã hội Chăm đương đại lớn hơn.
Không phải tất cả những người Nhật đều dũng cảm. Không phải tất cả 127,51 triệu người Nhật Bản đều là võ sĩ đạo. Người Nhật, nói chung, vẫn được tôn vinh tinh thần võ sĩ đạo đấy thôi. Cái sự tôn trọng ấy cũng chỉ được hình thành từ một vài thực thể, một xã hội nhỏ hơn trong lòng một xã hội Nhật Bản lớn hơn. Chắc thế!
Còn tiếp – Phần 3: Những chuyện nhảm trên các diễn đàn
Jalau Anưk nhiều trăn trở và tâm huyết với xã hội cũng như cộng đồng mình. Tinh thần của bạn thật đáng quý!
Công trình chứng minh Bộ đề cơ bản Langlands, vì công trình xuất sắc này mà giáo sư Ngô Bảo Châu dành được giải thưởng Fields – Giải thưởng do nhà toan học thiên tài người Canada John Charles Fields. Bạn đã viết nhầm công trình toán học có tên Fields danh giá. Thân mến.
Hi bạn Duc Toai! Mình không nghĩ là JA nhầm lẫn đâu, chắc bạn đọc chưa kỹ hoặc chỉ hiểu sau từ “và”. Tiếng Việt vẫn hay có tính trạng này. Theo mình JA viết Fields là cái tên gọi của giải thưởng về thành quả nghiên cứu và công trình toán học (không cần nói nó là cái gì. Bạn đọc câu này nhé!
“giải thưởng [về thành quả nghiên cứu và công trình toán học] có tên Fields”.
Chúc bạn vui! Hì … Hì …
Đúng như Jalau Anưk viết là Không ai hoàn hoàn thiện ngay từ đầu cả.
Vậy là Chăm cần học hỏi để được ngày một tốt hơn. Hay nói như nhà thơ Inrasara, Chăm cần sự khôn ngoan không phải để hại ai mà là để tồn tại.
Chuyện Jalau Anưk viết mang tính cá nhân đơn lẻ (ngày nay hay dùng chữ “vi mô”, khác với nhiều điều “vĩ mô” của Inra trong bài “Thằng Trạm mát”), nhưng nó cũng soi sáng vài khía cạnh trong xã hội Chăm ngày nay. Tôi thấy nó cũng cần thiết. Bởi nhiều chuyện nhỏ mới thành chuyện lớn. Ví dụ một người hèn rồi nhiều người hèn sẽ có cả khổi người trong xã hội bắt chước nhau… hèn. Một người chưa biết rõ đầu đuôi đã nói ẩu (ví dụ chưa gặp chưa biết mà đã kêu là giỏi lắm) thì thành xã hội hư mất.
Tốt!
Dù cuộc đời nhiều gươm giáo, ừ, cứ thử – tạm đưa con tim đi vào đời. Quanh đi quẩn lại cũng rơi vào đề tài cũ của diễn đàn Chăm hiện nay thôi!