Văn chương & Tư tưởng III-56

Không gì tốt hơn văn học dạy chúng ta biết nhìn thấy, qua những khác biệt tộc người và văn hóa, di sản phong phú của loài người và biết quý trọng những khác biệt đó như là biểu hiện sự sáng tạo nhiều mặt của nhân loại. Đọc một thứ văn hay là một trải nghiệm thích thú, cố nhiên; nhưng đó còn là trải nghiệm học hỏi chúng ta là ai và thế nào, trong sự toàn vẹn cũng như sự chưa hoàn hảo của con người mình, với những hành động, những ước mơ, những linh hồn của chúng ta, khi một mình cũng như khi trong những quan hệ nối chúng ta với những người khác, trong hình ảnh trước công chúng và tận sâu trong thâm tâm.
Tổng số phức hợp của những sự thật trái ngược này – như Isaiah Berlin gọi chúng – tạo nên chính bản chất của phận người. Trong thế giới ngày nay, tri thức mang tính toàn thể và sống động như vậy về con người chỉ có thể tìm thấy ở văn học. Thậm chí không một bộ môn nào khác của khoa nhân văn – không phải là triết học, sử học hay nghệ thuật, và chắc chắn không phải là các khoa học xã hội – có khả năng giữ được cái nhìn toàn vẹn đó, diễn ngôn phổ quát đó. Các khoa học nhân văn đã chịu thua trước sự phân chia và chia nhỏ tri thức, biệt lập mình ra thành những khu vực kỹ thuật ngày càng chia cắt mà ý tưởng và từ ngữ của chúng nằm ngoài tầm với của phụ nữ và đàn ông. Một số nhà phê bình và nhà lý thuyết thậm chí còn định biến văn học thành khoa học. Nhưng ý muốn đó không bao giờ xảy ra, bởi vì văn học không tồn tại để nghiên cứu chỉ một khu vực kinh nghiệm đơn lẻ. Nó tồn tại để thông qua trí tưởng tượng làm phong phú thêm cho toàn bộ cuộc sống con người, một cuộc sống không thể chia cắt, chặt khúc, hay quy về những chuỗi sơ đồ hoặc công thức mà không biến mất.
Mario Vargas Llosa, Ngân Xuyên dịch.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *