Thư cho IDR: Tiếng Chăm của bạn – Sai và đúng 02

SG, 19-10-2010
Ayut Ikan di Ram thân

Mới Phản hồi lần đầu, chưa chi bạn đã kêu “bỏ tù”, “quan liêu” rồi, nghe mà bắt sợ. Nếu vậy thì khối “nhà nghiên cứu”, hay “chuyên gia” bị đẩy vào chật ních nhà tù. Bạn thử lật lại hồ sơ đi, rất nhiều “chuyên gia” viết là “Panduranga” đấy. Vậy cũng đủ thấy, ngay các chuyên gia cũng quen [sai].

Xin miễn bàn về chuyện “chuẩn hóa” của Ban BSSCC. Bàn – tôi và bạn ngồi tốn chục kí trà Thái Nguyên chưa chắc đã xong. Còn chuyện Tagalau viết 2 dạng: BBS và Moussay (chú ý: không phải “truyền thống”, mà là theo Từ điển Moussay, bởi nếu là “truyền thống” thì không biết sao cho “chuẩn”. Khía cạnh này hẹn dịp khác). Làm vậy không phải BBT Tagalau mắc bệnh ba với bốn phải mà là, cứ tạm chấp nhận vậy đi, trong nỗi cãi vã nhau không biết bao giờ xong này. Ở Tagalau, chú ý bạn cũng thấy, tôi còn chấp nhận cả “triết lí” và “triết lý”, “í nghĩ” và “ý nghĩa”… Nhiều lắm.
Cũng không bàn chuyện “tiếng nói”. Tiếng dân tộc nào bất kì, nó thay đổi ở cả hướng lịch đại lẫn đồng đại, phương ngữ rồi khẩu ngữ… mênh mông. Mà chỉ bàn về “chữ viết”. Cũng không bàn về chữ Việt , không thì ai đó nói nó còn mới và chưa ổn định. Mà là “chữ Anh”, là ngoại ngữ, rất Tây!
Tạm trích dẫn cho oai:

“Giáo sư Seidlhofer nói thêm rằng nhiều người không phải bản ngữ là tiếng Anh còn bỏ cả loại từ xác định và bất định khỏi những chỗ mà tiếng Anh tiêu chuẩn đòi hỏi hoặc cho vào những chỗ tiếng Anh tiêu chuẩn không dùng. Những thí dụ đó là “They have [a] respect for all” hoặc “He is [a] very good person”. Những danh từ đối với người sử dụng tiếng Anh như bản ngữ vốn không có số nhiều được những kẻ không thuộc bản ngữ dùng như số nhiều (thí dụ “informations” “knowledges”, “advices” – thông tin, tri thức, cố vấn). Những biến thiên khác gồm cả “make [a] discussion”, “discuss [about] something”, hoặc phone [to] somebody).
Nhiều người bản ngữ là tiếng Anh có sẵn một câu phản bác: đó không phải là những biến thiên, mà là mắc lỗi. “knowledges” và “phone to somebody” rõ rệt là sai. Nhiều người không phải tiếng Anh là bản ngữ nhưng giảng dạy tiếng Anh trên thế giới ắt hẳn sẽ đồng ý. Nhưng ngôn ngữ đổi thay luôn. Ông Crystal vạch ra rằng những từ số nhiều như “informations” đã từng có thời được xem là đúng phép và được [nhà văn danh tiếng kiêm soạn giả từ điển Anh thế kỉ 18] Samuel Johnson sử dụng” (Michael Skapinker, “Tiếng nói của ai?”, Nguyễn Tiến Văn dịch, Talawas, 3-12-2007).

Nhà ngôn ngữ học đưa ra vô số kể ví dụ tương tự.
Pandurangainformations là một trong các ví dụ dễ thấy thôi. Bởi tôi và bạn không là chuyên gia ngôn ngữ. Lúc này, chưa có Chăm nào là chuyên gia ngôn ngữ đúng nghĩa. Thế mới tội. Bàn chuyện to tát quốc gia đại sự như ngôn ngữ, nếu bạn và tôi hay ta cùng bình tĩnh ngồi lại với nhau thì hay biết bao. Các thắc mắc phần nào sẽ được giải tỏa. Không ít bạn đến gặp tôi, la làng là ông này đúng bà kia sai, bị tôi quay 15 phút thì hết dám nói ai đúng ai sai.
Thôi thì tạm nêu vài ví dụ:

1. Tiếng Sanscrit có chữ Yavana để chỉ “người Kinh”.
Từ điển Aymonier viết 2 dạng: YWƠN và YWAN
Từ điển Moussay viết 1 dạng: YWƠN
Chăm ở Cambốt viết YWAN
BBSSCC đề nghị viết YON
Thử phân tích vui thôi nhé:
Nguyên gốc có chữ V. Các nhà ngôn ngữ học cho rằng, phụ âm V trong cấu trúc từ như Yavana dễ biến thành bán nguyên âm (hay âm đệm) W. Viết như Aymonier hay Moussay là được. Còn quyết bỏ phiếu loại trừ bán nguyên âm W này, có thể BBS đã… sai.

2. Tiếng Sanscrit, “phước, năng suất…” là PHALA
– Từ điển Aymonier viết 2 dạng: PHWƠL, PHWAL
– Từ điển Moussay chọn 1 dạng: PHWƠR
– BBS chọn viết PHOL
Thử phân tích:
Moussay dùng L làm phụ âm cuối là… sai, thì rõ rồi. Đây chỉ là vấn đề chính tả. Chăm mượn Sanscrit đa phần cho rụng bớt A, PHALA rơi A để thành là PHAL, nên phụ âm cuối là L thì trúng hết đường cãi.
Cả Aymonier và Moussay viết có WƠ hay WA là hơi trật với nguyên gốc PHALA (theo nguyên tắc cấu trúc từ, chữ này chả có tí ti dấu hiệu nào để nguy cơ chuyển thành bán nguyên âm W cả).
Ở đây BBS hơi… bị đúng.

Từ (1) và (2), ta có thể đặt câu hỏi này: Đâu là các từ cần có bán nguyên âm, còn đâu không cần? Muốn biết sao cho “chuẩn” chắc phải kêu hồn mấy đời cụ tổ Chăm về mà hỏi. Rồi các cụ còn bàn bạc – có khi cãi vã nhau – nữa… Bởi vì nhân vật chính biên soạn từ Từ điển Aymonier, Moussay, Bùi Khánh Thế cho chí viết bộ Ngữ văn Chăm ở BBSSCC đều là chú bác, ông bà Chăm ta. Tây hay Kinh gì gì cũng là người đứng ra tổ chức mà thôi.

3. “Thành phố, miền, tỉnh, xứ, nước, vùng…”, tiếng Sanscrit là NAGARA.
Mượn, Chăm thường để bị rơi nguyên A cuối, còn lại là NAGAR. Nhưng ông bà Chăm có chịu ngừng ở đó đâu. Muốn khác người, nghĩa là muốn có bản sắc riêng, không giống mấy bạn sống bên cạnh như Mã Lai, Indonesia, Raglai…, ông bà ta còn biến NA thành : (NƯGAR). Biến âm A sang Ư xảy ra vô số kể. Nhiều đến nỗi ông bà đã phải đẻ thêm 4 chữ mang nguyên âm Ư: NGƯ, NHƯ, NƯ, MƯ bổ sung vào bảng chữ cái. Truyền thống đấy, chớ có đùa. Thuở tôi tí tuổi đầu (1961), cha tôi đã dạy: Kă, Khă, Gă, Ghă, Ngư, Ngă,… Tức tất thảy 41 chữ cái, trước cả Bảng chữ cái của Lưu Quý Tân (1967), Moussay (1971). Họ đều là truyền thống.
Sau này BBS và quý ngài Tây học học lóm vài tiếng Phạn, nghĩ dại là tại sao bảng chữ cái Sanskrit và những con tương cận (Thái Lan, Khmer…) không có ông tướng NGƯ, NHƯ, NƯ, MƯ mà Chăm lại có, nên đã cắt khẩu chúng đi. Tôi thấy hơi uổng. Đẻ ra 4 chữ kia, tổ tiên ông bà Chăm có sai không, thì lên mà hỏi ông… trời.
– Riêng cái vụ sang thiên niên kỉ thứ ba sau Công nguyên rồi mà có vài kẻ muốn kéo chữ Chăm lùi lại rớt tuốt trước thế kỉ XVII rằng, phải đọc là nagar, manuix, matai… mới đúng. Thế khác nào mơ biến Chăm thành Raglai!!! Dù Chăm với Raglai có là một đi nữa, nhưng mấy thế kỉ qua, ngôn ngữ hai dân tộc này phát triển KHÁC rồi.
Đề nghị duy ý chí này, vừa trật vừa KHÔNG THỂ.
Phải không bạn?

Kết luận: Đấy, mới bàn sơ sơ thôi mà ngôn ngữ đã kéo chúng ta đi xa bãi bờ thế nào rồi, cũng đủ biết.

6 thoughts on “Thư cho IDR: Tiếng Chăm của bạn – Sai và đúng 02

  1. Tagalau viết 2 lối như vậy, là nhà thơ chúng ta sợ bị một bên tẩy chay nên đã tự đánh mất lập trường rồi. Nghĩ cũng có lý, nhưng tôi thấy tội cho Chăm thôi.
    Còn chuyện đúng sai tôi biết trình độ như nhà thơ Inrasara có thể bẻ được mọi lập luận. Lại tội cho Chăm nữa.
    Hãy yêu nhau đi.

  2. Nhà thơ tự cho là không phải chuyên gia về ngôn ngữ. Tôi coi đó là khiêm tốn không cần thiết. Trong xã hội ta nửa thế kỉ qua, Inra đã dạy chữ Chăm cho cả mấy trăm người cả lớn và trẻ em. Lúc chưa có Ban biên soạn, khóa anh dạy ở làng anh tôi biết đó là khóa đầu tiên sau Giải phóng. Sau đó anh soạn Tự học tiếng Chăm rồi dạy ở Đại học Tổng hợp TP. Anh góp công lớn soạn 3 cuốn Từ điển Chăm. Sau cùng là dịch cả mấy chục tác phẩm cổ Chăm. Tất cả vậy mà bảo không là chuyên gia thì còn ai sẽ dám nhận chuyên gia nữa.
    Chúc nhà thơ sức khỏe và hạnh phúc.
    LV.

  3. Anh Sara viết chữ Chăm trên Tagalau như thế là đúng rồi. Em giả dụ nếu một nhà thơ trẻ viết chữ Chăm theo lối BBS mà anh Sara đổi qua lối của Từ điển cha Moussay mà nhà thơ đó không chịu thì sao. Lẽ nào bỏ bài thơ đó ra? Hay ngược lại một chú nọ làm thơ viết theo lối Moussay rồi cho dứt khoát đó là lối viết đúng, hỏi chú ấy có chịu cho anh Sara đổi qua lối BBS không? Anh Sara làm chủ biên nên anh phải chấp nhận. Không có ba phải đâu. Thế của Chăm ta bây giờ là vậy. Tôi biết tính anh Sara, anh không quá khích không đáng. Dĩ nhiên anh Sara có nguyên tắc và lập trường của anh. Bản lĩnh của chủ biên là vậy.
    Tôi có hỏi một chú rằng tại sao anh Sara làm thơ rất mới, nhưng Tagalau lại chịu đăng nhiều bài viết theo lối cũ mà có lẽ ngay cả anh Sara cũng không cho là hay. Không hay nhưng anh vẫn đăng nó lên Tagalau. Đó cũng là cách làm của chủ biên đúng nghĩa. Có thể đăng cả bài khác với ý kiến mình.
    Mong bà con mình hiểu.

  4. Tớ thấy bạn Ikan di Ram đã đặt trúng vấn đề, chứng tỏ bạn có học. Nhà thơ Inrasara cũng giải thích không sai. Kẹt là Chăm nước mất nhà tan, sách vở thất lạc nhiều, dân tộc lưu lạc khắp phương trời. Chữ Akhar thrah có từ thời Po Romê, sau đó là chiến tranh liên miên. Không “chuẩn” được chữ thì không có gì lạ cả đâu. Tớ còn thấy trong Từ điển ông Tây Aymonier (nói như Inrasara: cũng do Chăm biên soạn là chính) in ở đầu thế kỉ XX viết chữ HOA đến 10 lối khác nhau, còn chữ BUỒN 3 lối khác nhau. Có nghĩa là Chăm ngày xưa cũng còn chưa thật “chuẩn”. Suy ra ngày nay Chăm đỡ hơn nhiều lắm đó. Khác biệt không lớn đâu. Nhà thơ Inrasara hiểu biết nên anh không quá khích là rất hoan nghênh. Từ từ ổn định thôi. Không việc gì phải đánh đấm nhau như hồi vừa qua cả.

  5. Chú Sara kính!

    Ý của cháu về từ “quan liêu”, là cái tội quan liêu chung của xã hội ngày nay. Thói quan liêu và ăn nhận hối lộ luôn kìm hãm sự phát triển của xã hội, và rất nên bị trừ bỏ, mang “bỏ tù” . Cháu hoàn toàn không có ý mang các “chuyên gia” vào chật ních 1 nhà đá cả. Cháu xin phép được rút lại câu từ trên!

    Có câu này: “…Riêng cái vụ sang thiên niên kỉ thứ ba sau Công nguyên rồi mà có vài kẻ muốn kéo chữ Chăm lùi lại rớt tuốt trước thế kỉ XVII rằng, phải đọc là nagar, manuix, matai… mới đúng”.
    Ko đến nỗi phải kéo tới trước thế kỷ XVII, mà chỉ lùi lại vài thập niên về trước, điều này ngay chú cũng có khẳng định trong sách Tự học tiếng Chăm – Akhar Cam Eng Bac (Nxb VHDT, 2003) rồi, tại trang 98. Theo cháu nghĩ, vài thập niên về trước là vào khoảng thời điểm “Hữu-Tả phân tranh” về chữ viết Cham?
    Mà vài thập niên về trước ấy, khi biến “A” thành “Ư” cũng đâu có hoàn toàn, vd: Manuix không thành Mưnuix hẳn, mà qua trung gian Mưngnuix/Mơnuix, pauh thơk/ngưk luôn được đội phía trên. Cháu không biết bị biến thành “Ư” hoàn toàn vì lý do gì. Có điều cháu chắc rằng không phải bị ảnh hưởng bởi giọng nói, bởi langlikuk thường bị nuốt hoặc bị gộp, ta chỉ nói n’gar, m’nuix, m’tai, m’ta…. Mong được chú giải đáp.

    Thiển ý, trong thời loạn xạ phân ly này, sao ta không tìm lại người anh em gần để ăn chén cơm cùng một màu mà cứ thích tạo ra cái riêng để được sở hữu cái bản sắc riêng, không phải viện cớ bởi ”Sự biến đổi của ngôn ngữ có rất nhiều phi lý, thường chẳng theo quy luật rõ ràng nào” nữa, mà là ta đã chưa thấy gì thấu, phải tìm lại.

    Trong phản hồi trước, cháu chỉ không đồng ý hoàn toàn với chú về quan điểm “Từ quen đến đúng”, và ví dụ ”PANDURANGA”, vì ”PANDURANGA” khi bị viết sai cũng chỉ là là 1 dạng chuyển tự nên ít nhiều sẽ không bị ảnh hưởng khi được viết nguyên thể ở dạng Akhar Thrah .

    Nếu có bị chú quay 15 phút 1 lần hay nhiều lần hơn thì cháu vẫn muốn được quay, nhưng tuyệt đối cháu không bao giờ la làng là ông này đúng bà kia sai, la làng thì hay bị làng la mà.

    Cháu vẫn chưa biết đủ cái ”…mới bàn sơ sơ thôi mà ngôn ngữ đã kéo chúng ta đi xa bãi bờ thế nào rồi”, bởi tâm cháu không muốn như vậy, và bởi cháu chỉ muốn tập trung rõ cái mình muốn rõ mà không phải vòng quanh không phải điểm.

    Rất cảm ơn chú về bức thư. Chúc chú sức khỏe, vạn sự bình an!

    Kính!

  6. Ikan di Ram thân
    Vui lắm, mình còn ngồi nghe nhau.
    Nay bạn nhé, về Panduranga thì ổn rồi. Viết qua Akhar thrah là xong.
    Riêng A thành Ư thì như vầy. Dân tộc tiếp nhận nền văn minh lớn nào bất kì, đều muốn làm khác người: Vừa khác văn minh gốc vừa khác láng giềng bên cạnh. Khác để khẳng định mình, khác có khi lấn cả văn minh gốc. Từ tháp, cho chí văn chương hay tiếng nói, chữ viết. Việt, Hàn, Nhật… với Tàu. Chăm, Khmer, Thái… với Ấn. Bạn biết quá rồi.
    A nhờ trung gian ƯNG qua Ư thì có lâu rồi, chưa chuyên gia nào truy nguyên thời điểm cụ thể. Sách cổ Chăm (ít nhất 2 thế kỉ trước) đều viết cả 2: Ưng và Ư, có khi cả 3: ƯNG, Ư, Ơ. Chữ Ư còn lại là do Bảng chữ cái: ông bà Chăm “chuẩn hóa” nó: lẽ nào viết cả 3?! Bảng chữ cái gồm 4 chữ có Ư xuất hiện từ tôi học hồi nhỏ xíu (nghĩa là trước đó rất nhiều), qua sách giáo khoa thuở tôi học cấp 1, rồi Lưu Quý Tân, rồi Từ điển Moussay, rồi Bùi Khánh Thế. Cho đến BBS và mới… hết! Lưu ý nữa: Ngay thời Từ điển Aymonier (1906) hay chữ Chăm ở Khmer, NGƯ, NHƯ, NƯ, MƯ đã có trong Bảng chữ cái rồi đó.
    Vui bạn nhé
    Thân
    Sara.

    Viết thêm:
    Bạn viết: “Theo cháu nghĩ, vài thập niên về trước là vào khoảng thời điểm “Hữu-Tả phân tranh” về chữ viết Cham?”.
    – Không bạn à, mình soạn Tự học tiếng Chăm vào mùa hè năm 1975 để dạy khóa tiếng Chăm đầu tiên sau 75 tại Caklaing. Sau đó, 1985 diễn trình tại BBS làm bản thảo để in, nhưng bất thành. Năm 1992, mình dùng nó để dạy tại Đại học Tổng hợp TPHCM. Nghĩa là nó không liên can gì đến chuyện “phân tranh” vài năm qua cả.
    Và mình hoàn toàn không quan tâm đến vụ phân tranh này. Khi viết “mấy thập niên trước”, là có ý nói khoảng thập niên 30-40 của thế kỉ trước. Mà đó chỉ là ước đoán lúc mình 18 tuổi thôi. Sau này mình nghĩ sự chuyển biến A-ƯNG-Ư còn xa hơn nhiều lắm.

Leave a Reply to Luu Van (USA) Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *