* Tu sĩ Bà-la-môn – Photo Inrajaya 2009.
1. Mai 20-9-2010, là sinh nhật rồi!
Ngày 20-8 vừa qua, kỉ niệm 19 năm vào làm dân Sài Gòn. Chừng ấy thời gian trôi qua đời người. Bao nhiêu chuyện để nói, để khóc và để cười. Cuối cùng ngoảnh lại: Không có gì đáng nói! Vắng bặt tri âm để cùng chia sẻ. Đành đối thoại với hư vô. Chiều, ngồi cô độc quán quen, lai rai một mình, nghĩ mơ màng về nỗi sống và chết, về thời gian và dấu vết vừa để rớt lại dọc con đường mình đi qua.
Tối 16-9, mình có giấc mơ lạ. Dhya Hán Bằng, ông bác họ, đang hành lễ. Ông kéo mình vào cuộc nợ nần gì đó có liên quan đến lễ. Và chữ. Năm xưa ông đã cho mình 20 tờ chữ lá buông, các miếng lẻ và rời. Để giữ kỉ niệm. Và để biết. Mình liên tưởng đến ông ngoại, tác giả trường ca Ariya Rideh Apwei. Hai vị này nhắc nhớ về nợ trần gian của một đạo sĩ Bà-la-môn. Sau khi làm xong bổn phận “tam chúng”, hãy biết từ giã mấy tục lụy cuộc trần để thi hành bổn phận cuối cùng của một sinh linh, chu du phong phanh giữa trời đất.
Hết vướng nợ trần, dứt lìa ham muốn thể xác lẫn tinh thần, xa rời mọi vướng bận với bao nhiêu hệ lụy, cả hệ lụy của hỉ nộ ai lạc lẫn tử biệt sinh li. Đã bước sang giai đoạn này, một đạo sĩ Bà-la-môn phải biết và quyết phủi sạch. Sạch theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ.
Triết học Ấn Độ minh định rõ bốn cứu cánh hay mục đích đời người. Cứu cánh đầu tiên: Artha có nghĩa là đại diện cho, thay thế cho, vì, nhằm vào, “là những sở hữu vật chất… để chu toàn những nghĩa vụ cuộc sống”. Bạn bị ném vào đời, hoàn toàn không do chọn lựa của bạn. Không ai hỏi ý kiến bạn trước: Nơi chốn và ngày tháng năm sinh. Bất ngờ có đó, không thể chối bỏ, bạn học cách chấp nhận nó. Bạn cần bảo toàn sự có mặt ấy, bằng thấu hiểu đối tượng bạn theo đuổi, phương tiên đạt đến nó nhằm thỏa mãn nhu cầu căn bản của cuộc sống bạn. Không thể khác. Kinh tế, chính trị, tòa án, công sở nằm ở khu vực này.
Ở một bình diện khác, Kāma hay dục, lòng ham muốn, “là sự khoái lạc và tình yêu thương”, là cứu cánh thứ hai. Bạn học cách thỏa mãn lòng ham muốn [dục tính] của bạn và người bạn tình. Bạn hãy biến chúng thành nghệ thuật, nghệ thuật yêu đương. Cao hơn, bạn nâng nó lên thành kinh – kinh dục lạc.
Nhưng nếu chỉ có thế, khốn khổ cho loài người biết bao: Bạn chỉ là thú vật đơn thuần không hơn! Sống là sống trong tương giao, với cộng đồng. Để tránh cho cộng đồng khỏi đổ vỡ, suy đồi, cứu cánh thứ ba: Dharma, nghĩa là pháp có mặt. Đạo sĩ Bà-la-môn khép mình vào khuôn khổ, tận tụy phụng sự công cuộc đó. Công cuộc gồm thâu mọi “bổn phận tôn giáo và đạo đức” với vô số khế ước xã hội và nghi thức cần tuân thủ.
Nhưng như thế vẫn là chưa đủ, cả “tam chúng” trivarga đó. Chúng chỉ là những “theo đuổi thế gian” với bao triền phược, bổn phận với nghĩa vụ, trách nhiệm và gánh nặng. Ở chặng cuối, đạo sĩ Bà-la-môn nỗ lực tự giải thoát để vươn đến cứu cánh tối hậu.
Mokça, nghĩa là “buông, thả, trả tự do, phóng thích; ra đi, từ bỏ, rời khỏi… Ở tận cùng của hành trình, khi đã tuyệt dứt mọi ảo tưởng, đạo sĩ Bà-la-môn là một thiện tri thức Kalyāṇamitra, hơn thế nữa – một người biết Paramārtha-vid. (Heinrich Zimmer).
Nhưng để đạt được bốn cứu cánh đó, người Bà-la-môn cần trải nghiệm bốn giai đoạn cuộc đời. Ngay buổi đầu làm đời môn đệ antevāsin, sống “dưới chân thầy”. Giai đoạn môn đệ kết thúc, người đàn ông lao vào cuộc sống gia đình. Bạn là một chủ hộ grhastha, nai lưng gánh vác gia đình với đầy đủ trách nhiệm của người chồng, người cha… Mãi khi công việc xã tắc đã xong, rũ bỏ mọi gánh nặng, cắt đứt tất cả liên quan máu mủ ruột rà, bạn dũng mãnh bước vào giai đoạn thứ ba: đi vào rừng vanaprastha.
Đây là giai đoạn thử thách tâm linh khốc liệt nhất dành cho một đạo sĩ. Tôi hiểu nghề nghiệp kia không phải là tôi, chức vụ và danh vị kia, tiếng tăm và tài sản kia, mặc cảm và kiêu hãnh kia,… nghĩa là tất cả mọi mặt nạ nơi thế gian u tối mà tôi đang sở hữu kia không phải là tôi. Giữa nhà grāma và rừng vana là khoảng tối ngắn ngủn nhưng dài dằng dặc bạn phải băng qua, đựng chứa bao nỗi nguy hiểm rình rập. Sơ sẩy trong thoáng sát na, bạn có thể hủy hoại cả “vốn liếng” gầy dựng trước đó. Một cuộc truy tìm hướng nội đầy gian nan, nhưng đạo sĩ Bà-la-môn phải can đảm lao vào. Nhảy qua và cắt phăng cây cầu dẫn về trần gian, để dấn mình trọn vẹn vào giai đoạn cuối cùng: giai đoạn khất sĩ bhiksu. Làm kẻ lang thang vô gia cư, “phong phanh giữa trời đất”!
Chính lúc đó, thi sĩ ra đời và thơ ca có mặt.
(trích Hàng mã kí ức, tiểu thuyết)
2. 20-9 là sinh nhật rồi! Sinh nhật thứ 54.
Khổng Tử:
“Ta mười lăm tuổi để chí vào sự học, ba mươi tuổi thì trụ vững, bốn mươi thì hết ngờ, năm mươi biết mạng trời, sáu mươi nghe thuận tai, bảy mươi thì tùy lòng muốn mà vẫn không ra ngoài phép tắc”.
Chí lí xiết bao. Cùng là tiếng nói đồng thanh đồng khí với tư tưởng Ấn Độ. Khác chăng, con người sống giữa thế giới người, giữa nền văn hóa dân tộc nơi ta sinh ra và sống, không muốn cũng chẳng được: Ta cần hành xử trong “phép tắc” của nhân quần xung quanh.
Như một tiểu vũ trụ, cái Tôi đã đi theo dấu vết đó.
Mười lăm đến ba mươi tuổi (1972-1986), tôi đã “học”. Ngồi ghế Trường Trung học Pô Klong: học; vào Đại học Sư phạm TPHCM: học là đúng rồi, cả khi bỏ giảng đường, cũng là học; làm kế toán trưởng Hợp tác xã Nông nghiệp: học; nghiên cứu tại Ban Biên soạn sách chữ Chăm: học; lang thang khắp làng quê Chăm để được học ở nhiều thầy khác nhau, vô danh lẫn hữu danh; đọc cả ngàn cuốn sách triết học, đạo học, văn chương nhân loại là cách học khác. Đây là giai đoạn tôi sống “dưới chơn thầy”, tuyệt đối tin vào thầy, vào sách vở.
Rồi từ mùa hè 1982, năm lập gia đình, đến năm cho in tác phẩm đầu tay – nghiên cứu đầu tay: Văn học Chăm khái luận, sáng tác đầu tay: Tháp nắng (1996), chính là giai đoạn cá thể tôi đi qua lò luyện tội của đời. Tôi luyện, thử thách, kiểm tra lại sự học với bao nhiêu được và mất. Nhi lập, trụ vững chính là tuổi dừng để nhìn lại. Làm kinh tế là để nhìn lại, va chạm và vật lộn cuộc sinh nhai là một cách nhìn lại rất thực. Viết sách là để nhìn lại sở học của mình. Thử thách lần cuối trí mình và tâm mình. Nhìn lại này kéo dài mười, mười hai năm. Cho đến khi đã “hết ngờ” thì “xuất”. Cho nên, dù đã sáng tác cả ngàn bài thơ, viết vài ngàn trang nghiên cứu, nhưng tôi không vội cho đăng báo hay in tác phẩm trước năm bốn mươi, là vậy.
Có thể nói, tất cả tác phẩm lẫn công trình của tôi đều đã hoàn thành và hình thành ở giai đoạn này rồi. Còn sau đó, chúng có được xuất bản hay không là do cơ duyên. Vào làm việc tại Đại học Tổng hợp năm 1992 là một trong những cơ duyên.
Sau khi nhìn hàng loạt tác phẩm nghiên cứu của mình mở mắt chào đời, tôi an nhiên vẫy tay giã chào chúng. Các công trình ra đời tiếp đó chỉ như là một bất đắc bất nhiên. Tủ sách Văn học Chăm 10 tập hay Tagalau hoặc Minh triết Chăm, nếu có được chào đời sau này là chúng chỉ đến như phải thế.
Từ năm 1997 đến năm 2008, tôi tập trung vào thơ ca. Nghiên cứu, phê bình và sáng tác. Để hiểu hơn về thế giới xung quanh. Hiểu sâu hơn tâm hồn con người thời đại mình đang sống. Hiểu, và giúp mọi người cùng hiểu. Thế thôi – chấm hết.
Từ năm năm mươi tuổi, khi đã “biết mệnh trời”, tôi làm cuộc rời bỏ. Tôi sẽ không bao giờ đọc tới tác phẩm văn chương nào nữa, có lẽ. Rời bỏ như là rời bỏ, theo đúng nghĩa cao vời và thẳm sâu nhất của tư tưởng Bà-la-môn.
3. Nhưng thế nào là rời bỏ như là rời bỏ?
Tin chính thức: Ban Biên soạn sách chữ Chăm đã giải thể, từ quý IV năm 2010, Ban này trở thành Phòng Giáo dục Dân tộc; cơ sở sắp dời vào Sở Giáo dục và Đạo tạo Ninh Thuận. Biết thêm: Ý định này đã được đưa ra nhiều lần từ năm 1994-95 khi đó ông Nguyễn Văn Tỷ làm Trưởng Ban, nhưng bất thành.
Hai ngày trước, tôi vừa nhận giấy mời tham dự Khai trương Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận, ngày 18-9-2010 tại Bắc Bình.
Tiếp, nhận giấy mời dự Khai giảng Lớp dạy tiếng Chăm do Chi Hội Dân tộc Chăm TPHCM tổ chức, ngày 19-9-2010.
Rồi, Bưu điện giao cả thùng sách và bản thảo cho việc thẩm định Giải thưởng hàng năm với Đầu tư của Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam.
Hôm sau, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long gởi nhanh bản thảo thơ để thẩm định đầu tư.
Tuần trước, một bạn không quen phone than phiền Sara: Anh được cho là trí thức Chăm tiêu biểu nhất, nổi tiếng nhất, tiếng nói có trọng lượng nhất của cộng đồng Chăm, sao ông mãi thờ ơ với thân phận người xung quanh. Về Nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận đang xôn xao dư luận cộng đồng, về tranh chấp đất đai Văn Lâm? Về bao nhiêu vấn đề cộm khác của xã hội… mà mãi lo chuyện văn chương thơ phú? Sau khi nhắc khéo bạn trẻ về mấy cái “NHẤT” này, mình đã trả lời đơn giản bằng hỏi ngược lại: – Tại sao bạn biết Sara không quan tâm? – Em không thấy anh lên tiếng ở đâu cả! – Vậy thì bạn hãy đọc hết, thấy hết những gì của mình đi, rồi trao đổi sau. Nhé).
Tin hành lang mới: Hamu Tanran năm nay không tổ chức lễ Katê như mọi khi… (Sau khi kiểm tra lại, tin này có xuất phát điểm và nguyên do khá… buồn cười).
4. Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam, là Hội thảo vừa tổ chức tại Thư viện Tổng hợp TPHCM, ngày 16-9-2010. Mình báo cho Ban tổ chức biết: có cả Jaka cùng đi. Đi để biết. Tham luận của mình: “Tri thức nền tảng, nhìn từ một vùng ngoại vi” được bố trí đọc trước tiên. Hệt Hội thảo về Số hóa Không gian Di tích văn hóa tại Hà Nội, tháng 3-2010 vừa qua. Hội thảo diễn ra một buổi, không ăn uống, rất trí thức. Ở đó, các đại biểu biết nói và biết nghe nhau. Duy có một đại biểu nói dài, được nhắc nhở. Tuyệt!
5. Bạn thơ bên nhà in báo cho hay Tagalau 11 sẽ được xuất xưởng vào đúng ngày sinh của Sara! Điềm triệu gì đây không biết. Nhưng, vui vì nó đã ra đời như là thế!
Sài Gòn, 18-9-2010.
Dù vui hay buồn
cũng xin chúc mừng
sinh nhật nhà thơ
Chúc mừng Tagalau 11, mừng sinh nhật Sara.
Sara ơi, vì sao Hamu Tanran năm nay không tổ chức lễ Katê như mọi khi?
Katê năm nay có phải ngày 6/10/2010?
Nhớ, đây chỉ là tin đồn. 2 lí do được nêu:
1. Mới xảy ra vụ đánh nhau giữa thanh niên Hữu Đức với nhóm đoàn lô tô diễn ở quê, nên chính quyền đia phương ngại tổ chức to như mọi năm. Buổi lễ chính dự tính chuyển qua Caklaing Mỹ Nghiệp, nhưng Caklaing không nhận. Dù đây là tin không chính thức, nhưng cũng xin phân tích cho ra lẽ:
– Chuyện va chạm nhỏ lẻ trong đời sống thường nhật ở đâu cũng có, viện cớ đó mà không tổ chức lễ hội lớn như Katê là: SAI! Tôi không cho là làng Hamu Tanran nghĩ vậy.
– Caklaing không nhận làm lễ ngày đầu tiên là ĐÚNG. Sự việc này có nguyên do sâu xa của nó. Thập niên 50 của thế kỉ XX trở về trước, bà con Chăm ra tận Tháp Ppo Nưgar ở Nha Trang hành lễ, sau đó mới về địa phương “ăn Katê”. Khi hoàn cảnh không cho phép, bà con thỉnh BÀ về Hamu Ia Cak – La Chữ, sau đó dời về làng Hữu Đức như hiện nay. Tại đây bà con xây Đền Ppo Inư Nưgar để thờ Bà. Bà là người tạo dựng non sông, còn các vị khác chỉ là vua: Ppo Klaung Girai, Ppo Rome… nên ngày trước ngày lễ đầu tiên của Katê là phải và chỉ dành cho Bà. Hơn nữa, từ hơn nửa thế kỉ rồi, lệ đã như thế. Người Chăm chấp nhận như thế. Hamu Tanran là làng khai hội là vậy.
2. Lí do thứ hai là: Vì Katê trùng với Ngàn năm Thăng Long, nên tất cả tập trung cho Đại lễ này. Nghĩ vậy thì chưa rốt ráo. Katê là lễ hội truyền thống, nếu có trùng hợp với Đại lễ đất nước, thì càng tăng thêm sự long trọng, chứ không vấn đề gì cả.
Katê vẫn được tổ chức, như xưa!
Bạn và bà con đồng ý chứ?
Chuc mung sinh nhat anh! Trong cho Tagalau 11 ra doi, them 1 dua con sinh ra. Sara buoc qua 53 la khoe roi do. Thong tha di ddoi viec gi den se den. Khoe la vui roi. Hen gap lai!
Dong y!
Chau xin duoc chuc mung sinh nhat chu voi tat ca long kinh’ thanh. Chuc chu luon luon manh khoe va truong tho vi mot ngay mai Cham tuoi sang!
Xlam Tglau 11!
Chắc chỉ là tin đồn, ngoài lề. Tôi không tin là mấy vị đại diện chính quyền Hamu Tanran, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước… và có thể cao hơn không biết phân biệt cái chuyện nhỏ như con cá lòng tong đã xảy ra với đoàn loto dạo và Kate thiêng liêng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm linh, tôn giáo, truyền thống bao đời nay của cả một dân tộc có truyền thống văn hóa lâu đời. Chẳng ai dại dột vì năng lực lãnh đạo của vài vị mà để ảnh hưởng tới cả một Kate. Chắc là đồn đãi ngoài lề thôi.
Tôi nhớ lúc còn tham gia vào đoàn văn công làng hoặc thời còn là sinh viên, dịp nghỉ hè, tết Nguyên Đán, thỉnh thoảng cũng làm phong trào văn nghệ, công tác xã hội, theo yêu cầu là phải trình các cấp chính quyền từng tiết mục, phải tổ chức mời các cấp chính quyền đến duyệt, thậm chí là cả lời giới thiệu của từng bài ca, điệu múa. Chặt chẽ cơ đấy. Không biết cái đoàn loto dạo này có bị kiểm duyệt, có ai biết là họ làm những gì? Có bảo đảm văn hóa, an ninh, trật tự… và phù hợp với trình độ dân trí tị địa phương không nhỉ???????????????
Hẹn gặp Kate nhé!
Một Kate linh thiêng của cả cộng đồng Chăm và một đoàn lô tô. Ôi, chỉ chuyện này mà Hamu Tanran không tổ chức khai hội hoành tráng như mọi năm quả là một tin sốc.
—-
Chúc wa sức khỏe dồi dào để phục vụ cho cộng đồng Cam mình.
Thông tin chính thức.
Qua điện thoại mới nhất của Đàng Năng Đức phone cho Inrasara sáng nay, việc hành lễ và tổ chức Katê tại palei Hamu Tanran – Hữu Đức vẫn được tiến hành như thường lệ. Có múa tập thể ở Sân vận động, Lễ rước y trang Bà, và tất cả hoạt động văn nghệ khác.
Xin trân trọng thông báo và chúc mừng Katê 2010!!!
Kajap karo thuk siam.
Inrasara.
Chúc mừng nhà thơ Inra và bà con Chăm. Đúng là tin đồn thì bao giờ cũng …thất thiệt!
Chúc mọi người một mùa Katê vui vẻ, hạnh phúc.
Một chặng đường đã đi qua, thời gian sẽ là hồi ký để nhớ lại và chú có thêm tuổi mới luôn trường thọ. Chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với chú Sara mọi lĩnh vực trong cuộc sống.