Uông Thái Biểu: Phế tích

Thôi về đi em, về đi
Bão giông sắp nổi
Khinh thành nụ cười điên đảo
Khinh thành ánh mắt đốt thiêu
Khinh thành mây trôi sắc màu viễn xứ…

Ta choàng chiếc áo khinh cừu dệt vải mai sương
Hát điệu man ca chiều xao xác gió
Khát tiếng rẩy run của cành bàng lá đỏ
Đắm hồn phiêu linh trong heo may phố cổ
Hòa tan những mầm sống dịu dàng trong trầm tích rêu phong…

Cây đàn dương cầm vày bám những hào quang mệt mỏi
Những giọt lệ ủ hương trên hàng phím trắng đen
Thông điệp vĩnh hằng vô thanh
Thượng Đế thổi tặng ta những chiếc lá thương thương
Lả tả rơi chiều hồng hoang gió nổi
Nồng nàn, ôi, nồng nàn…

Cổ tháp ngả nghiêng say
Vũ nữ Chiêm Thành rũ áo bước ra từ bức tường đá ngàn năm tù ngục
Khuôn ngực nõn nà mây trắng
Vòng lưng uốn hình cố quốc
Thiêu cháy hồn lạc khách
Ánh mắt Chiêm nương chiều xưa lưu lạc
Đất ngả
Trời nghiêng
Phế tích man nhiên…

Thôi về đi em, về đi
Ta rót xuống hồn em những giọt thánh tích vũ trụ
Linga gập lưng
Yoni ngửa mặt
Sinh lực nhiên thần ngả ngớn trời cao…

13 thoughts on “Uông Thái Biểu: Phế tích

  1. Tôi có thắc mắc nhờ UTB (và cả nhà thơ Inra) giải đáp.
    UTB viết:
    Khinh thành nụ cười điên đảo
    Khinh thành ánh mắt đốt thiêu
    Khinh thành mây trôi sắc màu viễn xứ…

    Theo tôi, chữ khinh thành không có nghĩa. Đúng ra phải là kinh thành. Nhà thơ (hoặc tác giả UTB) giải đáp hộ thắc mắc của tôi được không?
    Xin cám ơn.

  2. UÔNG THÁI BIỂU: Cảm ơn bạn Minh đã có ý kiến đối với hai chữ “khinh thành” trong bài thơ PHẾ TÍCH. Để cùng chia sẻ với bạn về ngữ nghĩa của hai chữ này, tôi xin mạo muội giải thích ý kiến cá nhân (tác giả bài thơ).
    1/ Chữ “kinh thành” thì tất nhiên là có nghĩa rồi, bởi đó là chỉ “kinh đô của một quốc gia”.
    2/Còn chữ “khinh thành” trong bài thơ này, tôi muốn “ẩn dụ” một ý nghĩa khác. Trong tiếng Hán, “khinh” có nghĩa là “nhẹ” (khinh khi, khinh bạc, coi khinh, khinh khí cầu…). Còn “thành”, vừa chỉ một cái gì đó vững chãi, vừa chỉ một bức tường chắc chắn, to lớn, uy nghi.
    Trong bài thơ này, với chữ “khinh thành”, tôi muốn ẩn dụ rằng: tất cả những điều vững chãi, vững vàng kia đều có thể trở về “số O”,trở về nẻo vô cùng, vô hạn của vũ trụ…khi mà không gian cuả nó biến đổi.

    Thưa bạn Minh, trong thơ, hạn định của ngữ nghĩa có khi thay đổi bởi trạng huống cảm xúc. Có khi, những trực cảm hay suy tưởng của người viết trong một trạng huống tâm lý bất chợt sẽ gọi tên cho sự biến động những “giao lộ” giữa trực ngữ và ẩn ngữ.

    Xin chân thành cảm ơn bạn!

  3. Có thể là khuynh thành, lấy ý trong điển tích:” Nhất tiếu khuynh nhân thành, tái tiếu khuynh nhân quốc” Nói về nụ cười Bao Tự.
    Góp ý thêm với bạn Minh nhé.

  4. Cám ơn bạn Uông Thái Biểu đã giải thích. Nhưng thú thật rằng tôi thấy vẫn chưa ổn lắm.
    Nhà thơ, nhà văn góp phần làm mới chữ nghĩa, nhưng nếu chỉ thuần theo “những trực cảm hay suy tưởng của người viết trong một trạng huống tâm lý bất chợt sẽ gọi tên cho sự biến động những “giao lộ” giữa trực ngữ và ẩn ngữ.” thì sẽ sáng tạo ra vô thiên lủng chữ mới mà không ai hiểu nghĩa(ngoại trừ nhà thơ.)

    Tất nhiên là tôi vẫn tôn trọng cách sáng tạo chữ nghĩa của bạn, cũng như cám ơn về bài thơ hay mà bạn đã viết.
    Nhưng, tôi vẫn thấy sáng tạo chữ kiểu này có vẻ chưa phù hợp. Bởi khi một từ mới được sử dụng, nó phải được mọi người hiểu mà không cần phải giải thích. Có lẽ bạn UTB cũng phải đồng ý với tôi về điều này!

    Hay ta nhờ nhà thơ Inra cho ý kiến? Vì nhà thơ Inra cũng sử dụng nhiều từ ghép mới, rất hay và độc đáo.

    • Em rất thích bài thơ này và cả bài thơ “Gió đông” của Thầy nữa. Lúc đầu em cũng chưa thật sự hiểu về 2 chữ “khinh thành”, giờ thì hiểu rõ hơn rồi. Cảm ơn Thầy!!!

  5. Nhà thơ, nhà văn sáng tạo từ mới để đáp ứng nhu cầu diễn đạt ý tưởng mới, cảm thức mới, sự thể mới… chẳng những là chuyện bình thường, mà còn cần thiết. Nó có thể hay hoặc chưa hay, có thể được cộng đồng chấp nhân hay không được ủng họ. Ngay tức thời hoặc mãi về sau này. Hay, nó được tiếp nhận và vận dụng, từ đó sống còn; dở, nó tiêu đời. Nhà văn tài năng hay không là ở chỗ đó. Vậy thôi.
    Thân
    Sara.

  6. Chữ “khinh thành” này chắc như Sara nói: “dở, nó tiêu đời. Nhà văn tài năng hay không là ở chỗ đó. Vậy thôi…”
    @Trần can: Tác giả đã giải thích: khinh là nhẹ mà ông vẫn gợi tới chữ “khuynh” xa lơ lắc tận đâu thì là tại ông thôi nhé.

  7. Ong Inrasara post bai tho nay len chac ong thay “khinh thanh” la chap nhan duoc. Chu ma “tieu doi” chac ong khong dua len web cua cong dong nhu the dau.

  8. Bạn QUANG không phân biệt được người phụ trách trang mạng với tác giả Inrasara rồi. Dù ông Sara là chủ trang mạng này, nhưng đâu phải bài thơ nào hay ông mới đưa lên, đâu phải thử nghiệm nào hay ông mới đăng. Hay đâu phải quan điểm nào cũng phải đồng quan điểm với ông ông mới đăng. QUANG xem lại nhé.
    Thân

  9. Công bằng mà nói thì bài thơ của UTB cũng khá hay.
    Tôi chỉ ngạc nhiên về từ “khinh thành” vì chưa thấy bao giờ (và cũng không thể hiểu nghĩa)
    Bạn UTB đã giải thích và nhà thơ Inra đã hiệu đính thêm.
    Xin cám ơn tất cả mọi người.
    Chúc vui.

  10. Theo tôi, không có cá thể từ “khinh thành”. Nếu có, cũng chỉ là dạng phát âm sai theo địa phương và trở thành dị bản.

    Theo tìm hiểu của tôi, chữ “kinh” trong “kinh thành” được Viết: 京 (Số nét: 8. Loại: Cả hai lại giản thể và hồn thể.) và 亰 (Số nét: 9, Loại: Phồn thể).
    “kinh thành” chỉ đơn giản là: Thành luỹ có sự giới hạn về khuôn viên (bên trong là nội thành, bên ngoài là ngoại thành)
    Còn chữ “khinh” có 02 tầng nghĩa chính như sau:
    Tầng nghĩa thứ nhất: 1. nhẹ, 2. khinh rẻ, khinh bỉ được viết 輕 (Số nét: 14, Loại: Phồn thể) và 轻 (Số nét: 9, Loại: Giản thể)
    Tầng nghĩa thứ hai: khinh khí, khí hidro được viết 氫 (Số nét: 11, Loại: Phồn thể) và 氢 (Số nét: 9, Loại: Giản thể)
    Theo UTB, với chữ “khinh thành” (với những tầng nghĩa mà tôi vừa nêu như trên), ông muốn ẩn dụ rằng: tất cả những điều vững chãi, vững vàng kia đều có thể trở về “số O”, trở về nẻo vô cùng, vô hạn của vũ trụ… khi mà không gian của nó biến đổi. Việc này tôi không bàn cãi, một tác phẩm đã trình làng, nó “sống” hay “chết” sẽ do người đọc định đoạt, không còn là do tác giả định đoạt nữa. Vấn đề là “không gian” của UTB là “không gian” nào? Do ai vẽ ra?. Tuy nhiên, theo cảm thụ riêng của tôi (cá nhân thôi nhé!), “không gian” này chính là tình cảm, suy nghĩ, cảm thức,… trước tiên là của tác giả đối với “phế tích”. Tôi không ngạc nhiên khi Minh có ý kiến. Tôi cũng không nói bài thơ hay hay dở. Tôi tin người đọc sẽ cảm nhận nó ở nhiều góc độ khác nhau dựa trên những nền tảng đọc, hiểu và cảm khác nhau. Những nền tảng đó có thể là kiến thức thuần túy, tình cảm, tâm trạng, cảm xúc, trạng thái tinh thần… và cả văn hóa cùng với tất cả những gì làm nên văn hóa. Không riêng gì “khinh thành”, trong bài thơ này còn có một số từ ngữ khác làm nên “ẩn dụ” như “chiếc áo khinh cừu”, “điệu man ca”, “những hào quang mệt mỏi”, “Thượng Đế thổi tặng ta những chiếc lá thương thương, Lả tả rơi chiều hồng hoang gió nổi, Nồng nàn, ôi, nồng nàn …”, “Phế tích man nhiên …” …
    Thơ mà, chữ nghĩa ư! Chuyện nhỏ thôi bạn Minh. Nhà thơ hay người làm thơ được đẻ, đái ra chữ đấy! Tuy nhiên, nói như Sara “Hay, nó được tiếp nhận và vận dụng, từ đó sống còn; dở, nó tiêu đời.”.
    Mong có nhiều bài thơ hay từ UTB trên inrasara.com.

  11. Chào anh UTBiểu!
    Tôi khôg biết trình độ cùng nhữg “trạng huốg” cảm xúc của anh như thế nào để chuyên tải vài thơ của anh như thế nào mà thú thật tôi khôg hiểu j hết. Tôi có cảm giác anh đag cố tình làm như thể để đánh đố người đọc và vô hình chug anh đã tạo ra “phong cách riêng” của mình là: thơ khó hiểu. Tôi hy vọg cái “phog cách riêg” của anh đó khôg phải là sự tổg hòa từ phog cách triết lý của Chê Lan Viên, phong cách “phi logic” của Hàn Mặc Tử! Tôi cũg không muốn viết thêm nữa vì sợ anh mất cảm hứg ság tác và anh cũng không cần phải giải thích lại. Chúc anh ngày càg ság tác được nhiều bài thơ mag đậm “phog cách riêg” UTBiểu!

  12. Bài Thơ LUC BAT THONG làm cho toi nho ve mot ky niem cach day 10 năm. Ngay ay toi con la mot co sinh vien ngây ngô và khờ khạo dược anh dẫn đi du lịch ở Tuyền Lâm. Toi thích nhìn những lá thông rơi, lá rơi thật nhiều, rơi liên tiếp và dày đặc như những màn mưa…..
    Và cho đến tận bây giờ Hình ảnh ấy không bao giờ tôi quên được. Ước gì tôi được một lần trở lại nơi ấy để được hít thở mùi của Thông, mùi của gió, của nước, của cả Anh nữa!…
    Cảm ơn Nhà thơ UTB đã viết bài thơ ấy như dành tặng riêng cho Tôi và những kỷ niệm…
    Trở lại với bài thơ PHẾ TÍCH tôi tâm đắc nhất 2 câu thơ:
    “Cây đàn dương cầm vày bám những hào quang mệt mỏi
    Những giọt lệ ủ hương trên hàng phím trắng đen”
    Nhà thơ như viết từ trong tâm can của mình bằng sự trải nghiệm cuộc sống đầy tinh tế, mỗi câu, mỗi chữ người đọc phải suy nghĩ thật kỹ thì mới hiểu được ý tứ của bài thơ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *