Ghi chép tháng 7-2010

Hội nghị Đà Lạt & Jaka từ Nhật về

1. Chuẩn bị Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, Văn Bẩy làm cuộc phỏng vấn nhà văn về vấn đề giao lưu văn học thời gian qua. Cùng Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Đặng Thân, Cao Việt Dũng. Nói mỗi người mỗi cách, ảnh mỗi ông mỗi kiểu. Nhưng tất cả đều thống nhất ở chỗ: Văn học Việt Nam chưa có giao lưu. “Vùng trũng thiếu người san lấp”, là phát biểu của mình được dùng làm tựa chung cho bài báo

.
thethaovanhoa
Nguyễn Nho Khiêm tạp chí Non nước – Đà Nẵng gởi câu hỏi phỏng vấn về tập thơ nhiều tác giả Thơ Kể mới in. À, khoản này thì được. Tập thơ có giá trị nhưng chưa có tiếng vang như nó đáng được như thế. Cần đưa nó ra mắt công chúng. Thế là trả lời.

Chiều 1-7, mới quê vào, Hồng Minh từ Tây Ninh xuống đòi gặp phỏng vấn về cuộc đời Sara. Ừ, thì phỏng vấn. Nhanh lên bạn nhé, khéo mình mất hứng thì lỡ bột mất. Thế là gặp em 7 giờ tại quán Cà phê quận 3 và thuyết một hơi suốt hai tiếng đồng hồ. Bài đăng nguyên trang báo Tây Ninh cuối tuần, kèm hai tấm ảnh rất oách.
baotayninh.vn

Báo Nhân dân online phỏng vấn mình (tiếc là đã ghi sai nội dung trả lời, lại phải đính chính) cũng đưa ảnh ông Sara lên đầu tiên. Ui, không khéo nhà văn kiêm nhà phê bình Inrasara biến thành diễn viên điện ảnh hạng hai mất!
www.nhandan.com.vn

2. Sáng 11-7: lên Đà Lạt dự Hội thảo khoa học Văn học, nghệ thuật với hiện thực đời sống đất nước hôm nay, của Hội đồng Lí luận Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Tham luận của mình là “Nhập cuộc về hướng mở hay Các chuyển động của thơ thế hệ mới miền Trung & Tây Nguyên cùng những vấn đề của nó”.
Nhiều ông lớn từ Hà Nội về dự. Tô Huy Rứa, Đào Duy Quát… Đại biểu ở khách sạn Hoàng Anh Gia Lai 4 sao. Đãi đằng tiệc tùng sang trọng. Và long trọng. Mỗi thành phố lớn cử đến vài đại biểu, chủ yếu là các đại biểu trưởng cơ quan. Ninh Thuận và Bình Thuận trống. Nhiều tỉnh thành cũng thế.

Đại biểu dân tộc thiểu số có Nông Quốc Bình là chủ tịch Hội, có mặt thì đương nhiên rồi. Thêm Lâm Tiến, nhà phê bình người dân tộc Tày từ Thái Nguyên xuống. Mình, – Inrasara – không biết có là đại biểu dân tộc thiểu số không. Chỉ biết cả ba không ai đại diện dân tộc thiểu số phát biểu. Làm như “hiện thực đời sống đất nước” không có Tày, Chăm, Êđê… vậy.
Ông Quát hai lượt nhắc mình ở giờ giải lao: “Sara phát biểu nhé”. Nhưng rồi buổi chiều ngày đầu rồi cả sáng hôm sau nữa, không thấy “phát”. Hôm sau ông Quát nhắc lần nữa. Mình bảo: “Thôi để cho anh Bình đại diện đi, anh à”. Rồi cái sự phát biểu kia cũng cho qua.
Về Sài Gòn, mình phone cho Nông Quốc Bình hỏi nguyên do. Bình bảo có nhắc với anh Thỉnh và anh Thỉnh đồng ý Sara sẽ đại diện cho dân tộc thiểu số nói tiếng nói của mình với Hội nghị. Nhưng sau đó không hiểu sao mọi người lại… quên béng đi.
Chà chà, làm như mình khoái lên mi-cờ-rô lắm. Mình nghĩ chỉ tội cho dân tộc thiểu số: KHÔNG có tiếng nói. Sang mục liên hoan cuối cùng, ông tiến sĩ Việt kiều Canada về dự Hội nghị gặp mình, nêu ý kiến: Các anh không có tiếng nói ở đây như thế là không được!

Không biết được với không được kia cách nhau bằng mấy gang tay?
Tham luận của mình chủ yếu tập trung 4 khía cạnh của vấn đề:
– Đâu là hiện thực dân tộc thiểu số vùng Chăm và Tây Nguyên?
– Nhà thơ Chăm và nhà thơ người Kinh ở Tây Nguyên đã phản ánh nó tới đâu?
– Họ phản ánh khác với nhà thơ dân tộc thiểu số khác như thế nào?
– Và đâu là nhà phê bình ghi nhận sự khác biệt ấy trong thơ họ?
Nghĩa là đúng trọng tâm Hội thảo đòi hỏi. Trong khi hơn nửa tham luận là lạc đề, lan man và dài dòng vô tích sự. lại được trình bày, Sara thì – không. Không phải đối xử phân biệt chi chi mà do “Khuyết tật của hội thảo” (tiểu luận của Inrasara trên Tia Sáng năm xưa) vẫn chưa chịu chấm dứt. Ở đó vẫn còn tồn đọng bao nể vì, quan cách…

Trưa 13-7, xe Hội nghị đưa đại biểu không đi Dak Nông ra sân bay về thành phố.

3. 20-7-2010: Jaka từ Nhật về.
Nhóm bạn gồm 5 anh chị U30 thuộc 5 quốc gia: Kenya, Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia và Việt Nam. Trong chương trình Thay đổi cộng đồng hướng về hòa bình, lành mạnh, trong nếp suy nghĩ và tập thói quen cho con người ngay từ niên thiếu. Hai tháng rưỡi đi qua 4 thành phố. Tiếp xúc với các nhân vật châu Á nổi tiếng. Thăm các trường tiểu học. Nhập cuộc chơi, làm thủ công với sinh hoạt cộng đồng. Rất hợp với tính khí và ý hướng sống của Jaka.
Cuộc sống không làm bằng những cuộc chiến liên miên để giành giật miếng cơm manh áo. Từ nhỏ đến lớn, cá nhân hay một đất nước, khu vực, từ vụn vặt đầy cảm tính cho đến lớn lao có tính toán chiến lược… Giành giật bằng cấp, địa vị, quyền lực… tất tần tật không gì hơn là đấu tranh sinh tồn đầy tai hại, nguy cơ đẩy nhân loại vào cuộc chiến bất tận và vô vọng.
Cần thay đổi tận nền tảng nền giáo dục đã dẫn đến sai lầm vô minh đó.
Với Chăm thì cần hơn bao giờ hết. Các bạn hãy học cách làm người trước khi học cách làm tiền. Học cách suy tư độc lập và thực hiện những hành vi nhân hậu nhỏ bé hàng ngày trước khi học cách thâu tóm thật nhiều kiến thức. Học sống hòa đồng với con người vô danh xung quanh mình trước khi hô hào tình yêu nhân loại. Cụ thể hơn, học yêu thương bà con lối xóm trước khi nói đến yêu thương dân tộc đầy mơ hồ.
Sài Gòn, 30-7-2010.

One thought on “Ghi chép tháng 7-2010

  1. Sara nêu:
    4 khía cạnh của vấn đề:
    – Đâu là hiện thực dân tộc thiểu số vùng Chăm và Tây Nguyên?
    – Nhà thơ Chăm và nhà thơ người Kinh ở Tây Nguyên đã phản ánh nó tới đâu?
    – Họ phản ánh khác với nhà thơ dân tộc thiểu số khác như thế nào?
    – Và đâu là nhà phê bình ghi nhận sự khác biệt ấy trong thơ họ?

    Nhưng xin hỏi có ai còn muốn nghe? Nghe để làm gì? Không cho lên diễn thuyết là trúng phóc rồi.
    Nhà thơ ta vẫn còn NGÂY THƠ quá xá!!!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *