Kalưu: Phát triển ngành du lịch trong đời sông kinh tế đồng bào Chăm

Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc gia trong thời gian qua và gần đây đã đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển một cách đột biến, nhất là sự chuyển dịch của ngành dịch vụ. Từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức WTO, ngành dịch vụ đã thay đổi tỷ trọng một cách đáng kể trong cơ cấu kinh tế, đặc biệt là du lịch – ngành công nghiệp không khói. Riêng kinh tế của cộng đồng người Chăm trong bối cảnh hiện nay tại Ninh Thuận, có thể nói ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo dù rằng kinh tế đất nước đã có rất nhiều thay đổi.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hàng loạt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế cho khu vực có đồng bào Chăm sinh sống đã làm thay đổi đời sống kinh tế của người Chăm, đặc biệt là các khu vực vùng xa, vùng sâu như chính sách 134, 135… Đó là dấu hiệu mừng trong xu hướng phát triển kinh tế toàn cầu, làm thu hẹp khoản cách kinh tế giữa các dân tộc, vùng miền. Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới đạt ở mức độ của nền kinh tế truyền thống: Nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo!
Ở đây, tác giả chỉ muốn đề cập đến hiện trạng cơ cấu kinh tế trong xã hội Chăm hiện nay qua một cách nhìn mang tính chủ quan nhằm gợi mở một cách nhìn, nhận định để có thể mang lại một định hướng mới, đa dạng hơn hoặc có thể chuyển dịch hợp lý hơn về cơ cấu kinh tế của xã hội Chăm trong thời kỳ kinh tế hội nhập toàn cầu.

Có thể nói, đa phần người Chăm làm nông, một bộ phận khác là công chức nhà nước hoặc công tác ở các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tuy không nhỏ nhưng bộ phận này vẫn chưa có thể tác động mạnh vào tổng thể nền kinh tế cộng đồng người Chăm, còn lại rất ít là tiểu thương và doanh nghiệp. Vì người Chăm chủ yếu tập trung sinh sống ở khu vực nông thôn nên kinh tế nông nghiệp làm chủ lực là thiết yếu, điều đó không riêng gì người Chăm mà các dân tộc anh em khác cũng vậy.
Tại Ninh Thuận, kinh tế nông nghiệp đang chiếm tỷ trọng cao nhất, với dân số trên năm trăm ngàn dân, khu vực nông thôn vẫn chiếm một tỷ trọng cao trong tổng thu nhập GDP của tỉnh dù rằng tỉnh Ninh Thuận đã xác định từ năm 2009 ngành dịch vụ du lịch từng bước sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn. Vì lẽ đó, khu vực nông thôn nói chung, khu vực kinh tế đồng bào Chăm nói riêng sẽ chịu ít nhiều tác động của sự chuyển dịch này, tuy nhiên để đón nhận chủ trương và định hướng trên, khu vực nông thôn nói chung, người Chăm nói riêng cần chuẩn bị gì để đi tắt đón đầu, thực hiện một cách tốt nhất chủ trương và định hướng của tỉnh đề ra.

Đối với đại bộ phận người Chăm, tôi có thể mạn phép nói rằng – dịch vụ du lịch là một ngành khá mới mẻ, ngược lại họ có một sự hiếu khách đến kỳ lạ, kỳ lạ đến kể cả người kinh doanh dịch vụ chuyên nghiệp phải kinh ngạc. Đối với ngành du lịch, lòng hiếu khách là yếu tố vô cùng quan trọng, hiếu khách từ sự tự nhiên, hiếu khách vì không phải do kinh doanh mà hiếu khách vì họ muốn khách luôn vui mỗi khi đến với họ, luôn có ấn tượng tốt mỗi khi chia tay họ và lúc nào cũng mong được đến thăm họ. Theo tôi, đây là yếu tố tự nhiên mà người Chăm sẵn có, nếu họ thử làm một chút về kinh doanh dịch vụ, tôi nghĩ rằng khách du lịch sẵn sàng đón nhận và sẽ hài lòng với những gì họ cung cấp.
Điều này có thể nói rằng nếu người Chăm, hay cụ thể và đặc biệt hơn là các hộ gia đình ở các làng nghề truyền thống Chăm làm dịch vụ hay quan tâm đến việc làm thế nào để cùng phát triển ngành kinh tế dịch vụ thì đó chính là việc họ đang khai thác lợi thế so sánh mà họ đang có, giải quyết trước mắt tình hình thiếu việc làm ở nông thôn hiện nay và tạo thu nhập cho chính mình – đó là ở góc độ kinh tế, còn trên góc độ văn hóa đây là cơ hội tốt để họ giới thiệu và quảng bá bản sắc văn hóa đến với du khách thập phương.

Tuy nhiên, sự hiếu khách sẵn có chưa hẳn là đã đủ. Nếu chỉ đơn thuần xem việc khách đến với chúng ta bằng những quan hệ xã hội, tiếp họ theo phép xã giao thì không có gì phải bàn, nhưng nếu xem việc du khách đến với chúng ta để chúng ta phục vụ nhằm mang lại thu nhập thì vấn đề sẽ khác đi hoàn toàn. Đó là việc chúng ta đang kinh doanh, kinh doanh trên vốn tự có, nó không đơn thuần là vốn vô hình mà nó được xem như một lợi thế so sánh để thuyết phục khách du lịch – đối tượng có thể đem lại thu nhập cho chúng ta. Muốn vậy, người Chăm phải chuẩn bị trước một tư thế sẵn sàng, chủ động nghiên cứu và tìm hiểu cách làm của các địa phương đã thành công, tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết của nền văn hóa mà họ được thừa hưởng, bổ sung tri thức về nền kinh tế du lịch, và quan trọng là phải duy trì và nâng cao ý thức cộng đồng, gắn kết và hỗ trợ nhau vì quyền lợi chung của cộng đồng.

Tóm lại, với những gì hiện có, nên chăng người Chăm cần phát triển thêm ngành dịch vụ du lịch, nghĩa là bắt đầu từ mỗi hộ gia đình người Chăm ở các làng nghề có thể tự kinh doanh du lịch – một ngành công nghiệp không khói bằng chính những điều bình dị mà họ đang có với ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

________

Tagalau 10.

One thought on “Kalưu: Phát triển ngành du lịch trong đời sông kinh tế đồng bào Chăm

  1. Mình rất thích đi du lịch, ngặt nổi hổng có tiền ^^ nên phải đọc các bài viết về du lịch để tìm hiểu thêm vậy…

Leave a Reply to Du lịch Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *