Ghi chép tháng 11-2009

SỐNG CÓ NGHĨA LÀ LƯỠNG LỰ

Nửa tháng 11 trôi qua, mãi ngần ngừ, bất quyết. Về mọi chuyện lớn nhỏ, riêng chung. Chục cuốn sánh mới mua về chưa nửa lần rờ tới. Không làm bài thơ hay viết tiểu luận nào ra hồn. Năm bản thảo nằm phủ bụi ở nhà xuất bản. Cuộc sống trôi đi dật dờ, vô phương hướng. Mình thả mặc cho trí nhớ lang thang về thời đã qua. Rất xa.

Đầu tháng, hứa với Đảo về quê vào nhà mới yut, nhưng rồi ậm ừ cho qua. Non tuần sau, Hani từ Lào về. Sáng 6-11, dự Kỉ niệm 30 năm Sách Dân tộc của Nhà xuất bản Giáo dục. Trại, Trịnh, Đảo cùng vào. Anh em kéo nhau đi lai rai tận Thủ Đức. Mình chuồn về sớm. Hai ngày nữa sinh viên Chăm ở Sài Gòn tổ chức Katê. Mình đã tặng sách, rồi chắc cũng như mấy năm trước – không đến. Không lấy chút hứng thú để đến. Chẳng có biến cố nào có thể lay động tinh thần. Lạ! Thỉnh thoảng lại lôi mấy đống bản thảo ra sửa, cắt lắp, thêm bớt.
Cuộc sống đã bế tắc rồi ư?

Mai ra Hà Nội. Một tuần hay mươi ngày gì đó, tùy hứng. Có nên lang thang hay không, chả biết. Thử xem con tạo xoay vần đến đâu! Xưa, Kiều cùng đường, đã nhắm mắt đưa chân. Thời hiện đại không do túng thế mà bởi buồn chán, có lẽ. Buồn chán xâm chiếm tâm hồn ta và cuốn ta đi. Ta chìm trong sương mù buồn chán mơ hồ. Từ vùng sương mù ấy, mình cho kí ức mình trôi ngược về quá khứ. Nơi giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối, hành vi và lời nói của mình xưa xa tít mù bỗng chốc được soi sáng. Với những quyết liệt, bao lầm lạc, mấy hụt hẫng, ngu ngốc…

Sống có nghĩa là lưỡng lự. Bất quyết và lưỡng lự trước mỗi cử chỉ, lời nói, mỗi câu văn hay hành động. Kẻ khăng khăng một mực cắm đầu làm tới, xốc tới, ủi tới… không khác gì cái máy vô hồn và phi nhân. Ta nghĩ ta đúng, và ta hành sự. Bạo hành có đất đứng và khuếch trương thế lực.

*
Sáng, vừa nhận thư điện tử của một Chăm nặc danh viết tố cáo một trí thức Chăm có thật. Thư được gởi đến trăm địa chỉ cùng lúc. Chuyện đã kéo dài dây dưa hơn hai năm rồi. Buồn. Chiều, lại nhận lần hai thư của một nhà phê bình có thật tố cáo cách làm ăn của giám đốc có thật của nhà xuất bản, lại gởi đến địa chỉ rất nhiều nhà văn khác. Sự vụ đã xảy ra non năm trước rồi là gì. Buồn. Hai nhà báo gợi í mình viết bài phê phán Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm nay, để chạy hàng tít lớn. Mình từ chối, buồn. Như hôm kia từ chối gợi ý của nhà văn đàn anh mời cùng bàn luận về văn chương ngoài lề Sài Gòn cho một tờ báo hải ngoại.
Mình có thể nói giả không? Tại sao phải cứ phê phán, cáo giác nhau?

Tôi không còn tố cáo nữa đâu! Tôi cũng không còn tố cáo cả những kẻ tố cáo, – Nietzsche, sau bao nhiêu năm đổ toàn lực tố cáo nền văn minh phương Tây hủy hoại tâm hồn con người, đã la lên như thế. Tiếng kêu la thống thiết của kẻ bị đóng đinh bởi sự ngu xuẩn của trí tuệ hãnh tiến của loài người.

Thích Inrasara lắm, nhưng nếu Sara bớt ngạo mạn đi, thì hay biết mấy!
– Một nhà thơ lão thành đã thật tâm như vậy, tháng trước, trong nhà một người bạn văn, trước mặt tám bạn văn khác. Mình không hỏi nên không biết ngạo mạn thế nào. Nhìn lại, ừ, mình có “ngạo mạn”. Trên diễn đàn văn chương, mình luôn đúng – Ngạo mạn! Khi biết thân biết phận, ba kì liên tục dù không ít bạn văn í hướng đẩy mình vào trung tâm của cuộc thảo luận, mình đã từ chối khéo – Lại ngạo mạn: Hắn xem thường mọi người nên không thèm nói kìa.

Ừ, ngạo mạn. Mình đã hai lần như thế. Một với tiến sĩ PD, và một nữa với tiến sĩ NVD. Toàn chỗ quen biết. Bằng hai bài trao đổi khoa học đăng tạp chí khoa học chuyên ngành, oách lắm. Để các công trình nghiên cứu bớt sai đi. Đảm bảo sự chuẩn xác của khoa học làm lành mạnh văn hóa dân tộc. Hay lắm! Nhưng cùng đích của sống là gì?
Nên, cho dù mình đã đúng, cái đúng đó để lại hậu quả khá tệ hại. Ông Chăm ghét mình, còn ông Kinh thì dẫu sao cũng buồn. Từ đó mình tự hứa với lòng tôi sẽ không phê phán nữa đâu, tôi cũng không phê phán cả những kẻ phê phán!
Sau, tôi chỉ “đính chính” những cái sai. Rồi khi vài đính chính được đưa lên mạng, chúng cũng đã gây phiền lòng cho đối tượng bị “đính chính”. Dù đa phần là đính chính giúp, đính chính cho, đính chính vì. Từ đó, nếu có cơ sự và ở thế buộc, tôi chỉ viết và liên hệ với kẻ trong cuộc, người ngoài nọ biết.
Ngay cả đã xuống thang như thế cũng chưa yên. Mình đã quá nhiệt tình nên “lỡ dại” thống kê 38 lỗi về từ vựng ngữ nghĩa của duy một trang trong một công trình khoa học như thế, và chỉ trao đổi riêng với hai tác giả của nó. Tiếp nữa, khi một vị quan trọng trách tham khảo í kiến mình về đơn thư tố giác của một nhà nghiên cứu về công việc khoa học của một cơ quan nghiên cứu, mình đã “lỡ khôn” giúp giải minh. Riêng với vị đó thôi. Thế mà sự vụ cũng gây mất mặn mất nhạt tình cảm anh em.

Nhà thơ sợ mất lòng mà trốn tránh trách nhiệm trí thức sao? Bạn DVC đã hỏi thế trong một bức thư chân tình. Đúng lắm!
Jésus Christ: Chớ phê phán để khỏi bị phê phán.
Do đó, khi một người biên tập hỏi về khuyết điểm tập nhạc anh mới in, mình im lặng. Bởi mình rất biết anh không muốn nghe những lời nghịch nhĩ.
Nghĩa là bạn hãy làm công việc của bạn thôi.
Nhưng cái bệnh của thiên hạ là thích làm thầy đời, – Mạnh Tử. Thầy của đời. Phiền nỗi là đời có chịu cấp giấy phép cho bạn làm thầy không?

Vậy phải làm gì?
Năm năm trước mình đã viết đâu đó: sống là tự khẳng định; tự khẳng định để sau đó – phủ định chính mình. Hôm nay, bắt chước Phạm Công Thiện, mình nói: Sống có nghĩa là lưỡng lự. Lưỡng lự trước mọi câu hỏi, trước mỗi hành vị nhỏ nhặt hay trước mỗi câu chữ vô tư nhất. Với cá nhân đơn lẻ thì càng. Mình vẫn còn có thể phê phán một nền văn chương, một trào lưu thơ ca, một giai đoạn văn học hay một khuyết tật xã hội mang tính chung nhất; nhưng mình sẽ không bao giờ phê bình hay đính chính về nỗi sai lầm hay khuyết điểm của bầt kì cá nhân nào nữa.
Sai lầm là thuộc tính của nhân loại. Nó mang tính tất mệnh. Nó phải thế thì tôi phải học chấp nhận nó như thế.
Lời của Nietzsche qua uyển ngữ của Phạm Công Thiện: Mình phải tập, càng lúc càng phải tập, mãi mãi tập nhìn điều bắt buộc tất nhiên của sự đời như là cái gì đẹp đẽ.
Không phải từ chối trách nhiệm xã hội, hay phủi tay với phận sự của kẻ làm khoa học, mà là trách vụ ở bề cao, chiều thẳm sâu hơn mang chiều kích con người. Có thể tôi đúng, nhưng ý nghĩa cuộc đời có phải hạn định ở đúng/ sai? Và tôi sinh ra có phải để làm mấy nỗi đó? Đâu là huyền nghĩa của sống? Tại sao cứ mãi nhai đi nhai lại mấy lỗi lầm không thể tránh của cá nhân? Thậm chí, sao phải đơn thư tố cáo nhau? Hoặc dĩ, sao không thể xoay lưng mà bước đi, khi ta không thể yêu thương được nữa?
Hãy làm công việc của bạn đi.

Thế giới chỉ tốt đẹp và trong sạch khi cuộc sống của tôi tốt đẹp và trong sạch, – Vivekananda. Vậy thì, hãy làm đẹp cuộc đời bạn trước đi, thế giới sẽ đẹp.
Như vậy tôi sẽ trở thành một trong những người làm đẹp cuộc đời, lần nữa – Nietzsche.

Sống và làm đẹp cuộc đời. Chứ không phải nỗ lực hoàn thành một công trình khoa học sáng giá, viết một tác phẩm vĩ đại, hay dựng nên một sự nghiệp to lớn nào đó để đời. Mà là – làm đẹp cuộc đời.
Lưỡng lự là một cách làm đẹp cuộc đời. Lưỡng lự trước nhận định non dại đầy hạn chế của trí tuệ, trước nỗi thiên vị vô lối khó tránh của tình cảm, và nhất là trước quyết định không bao giờ thiếu xuẩn động của ý chí tự khẳng định.
Chỉ khi nào tôi học được bài học lưỡng lự – như trẻ thơ lưỡng lự trước ngưỡng cuộc đời đầy mới lạ -, tôi mới có thể lớn.

Sài Gòn, 16-11-2009.

10 thoughts on “Ghi chép tháng 11-2009

  1. Đã lâu mới đọc một bài viết có thể nói rất chân tình của Inrasara. Khá cảm động.
    Thân phận trí thức ở ta vẫn bèo bọt quá, và mặt trái của đời sống văn hoá đôi khi làm ta ghê sợ đến tê liệt cả ý tưởng.
    nhưng mình luôn tin ở nhà thơ : Inrasara- một ngọn lửa – được thắp lên từ nỗi buồn thương của cả một dân tộc, ngọn lửa ấy phải sáng mãi, cho dù có những phút giây leo lét…

  2. Ui, tội chú Sara wá đi! Nói cũng kẹt mà hổng nói cũng kẹt. Dù gì thì gì cháu thik chú Sara nói. Kệ ai mất lòng. Ậy! nếu dzậy thì chú hết bạn! nếu dzậy thì chú thừa kô đơn để sáng tạo.
    Chú hén!
    Yêu chú.

  3. Đọc Ghi chép của Sara khiến tôi lưỡng lự, nghĩ suy cả tối qua. Đối với trí thức Việt, hoặc anh thấy mình cô đơn giữa thành phố HCM rộng lớn (anh là nhà văn dân tộc thiểu số duy nhất), dù anh đã nói đâu đó anh chưa hề bị phân biệt, nhưng dẫu sao anh vẫn ngán ngại. Với trí thức Chăm thì anh thấy quá ít, làm mất lòng chẳng có lợi gì cả, dù anh đã tìm đủ cách để nói nhẹ nhàng (tôi chưa thấy Sara nặng lời với ai cả).
    Nhưng nếu mà như thế thì hòa cả làng sao? Anh đã lưỡng lự rất đúng.
    Tôi mà vào trường hợp anh tôi chạy bỏ dép, dù tôi không bao giờ là anh cả. Lâu nay Sara luôn dấn mình đi trước. Phê bình tác phẩm của NVD, hay của PD… là các nhà nghiên cứu hàng đầu về văn hóa Chăm ít ai dám động tới. Rồi mới đây là vụ Nguyễn Thành Thống. Đọc lại tất cả bài viết trao đổi, tôi thấy Sara là người dùng từ ngữ nhẹ nhàng nhất, nói năng lịch sự hơn cả, đến nỗi một ông thầy cũ đã kêu anh yếu đuối. Vậy mà ai dám chắc ông Thống không ghét anh?
    Tôi thử đứng về phía anh để biện hộ cho anh. Tôi cũng thử đứng về phía ngược lại để chê thái độ lưỡng lự này. Cuối cùng tôi đồng ý với anh: hãy làm việc của mình đi. Nếu ai đó viết sai về vấn đề nào đó, anh hãy viết bài khác về vấn đề đó cho thật hay và đúng hơn, là được, không cần phải chống đối ai đó cả.
    Ví dụ anh đã viết về Glơng Anak, Guga viết bài khác, hai bài bổ sung cho nhau, không cần phản bác nhau. Viết như hai người bạn có cách nhìn vừa giống nhau và vừa khác nhau về một tác phẩm. Không hay hơn sao!
    Sau đó anh sáng tác các tác phẩm lớn, thơ hay tiểu thuyết. Đúng không Sara của tôi?
    QuangTan

  4. Ở Việt Nam chưa có văn hoá phê bình. Phê bình đụng chạm là…mất lòng nhau.Tôi đã đọc nhiều bài phê bình rất hay của Inrasara nhưng cũng cảm nhận nó đã gây cho anh không ít phiền lòng về mặt quan hệ xã hội.
    Có một điều tôi muốn nói: nhà thơ ơi, anh phải luôn vững vàng trước những bão giông đời.
    Có kẻ hiểu, người không. Nhưng tôi tin rằng số đông đã và sẽ luôn yêu quý anh.
    như tôi đã từng yêu quý anh….

  5. Thua anh Sara,
    Doc bai viet cua anh em rat cam dong,em da doc rat nhieu bai viet, tac pham cua anh dac biet la cac bai viet lien quan den Cham minh. Truoc anh cung co nhieu cu viet ve Cham nhung anh la nguoi viet co tam co tam, bao quat he thong hon ca duoc nhieu nguoi trong va ngoai nuoc biet den. The he tre Cham ngay nay luon tu hao va biet on anh. Rieng em thì em rat biet on anh. Tu khi con ngoi giang duong dai hoc em da me nhung ban dich cac ban akayet, Ariya, … cua anh, chinh anh khong ai khac da thap len ngon lua huong ve coi nguon manh liet trong trai tim tim em va bao lop tre khac, thoi thuc em, giup em co tu lieu ve Cham de doc va nghien cuu. Khong co anh thi chac gio em chi la nguoi Cham noi tieng Viet hay tieng nuoc ngoai khac. Mac du cong viec cua em luon ban ron nhung den nay em muon khoe voi anh rang nho cong duc cua anh ma em co the doc hieu co ban ve cac tac pham viet bang tieng Cham. Em chuc anh doi dao suc khoe, hanh phuc, chuc anh co nhieu tac pham, bai nghien cuu ve Cham hay hon nua trong thoi gian toi. Hay len duong va nhap cuoc (nhu anh da tung noi).

  6. Cháu ngĩ rằng chú Sara jà rùi nên… chú bỗng nhiên DÁT!
    Chú hổng dám đấu chanh nữa.

  7. Anh cu luong lu . Luc tim sau ky uc , khoc cho hon thanh thoi . Khi nao thich thi khoi dong . Mong anh khoe !

  8. Hành hương em…

    “Khóc ngàn lần cũng không trôi hết cụm đau qua
    nước mắt làm nẩy mầm nỗi trống
    tôi
    vòm trán vươn đầu ngưỡng vọng
    hành hương em.

    Làm hành giả mù cả tin vào bàn chân trần và đốm lửa trái tim bị thương
    xăm xăm đất cấm
    đàn trâu tuổi thơ bồn chồn gặm mộng
    giáo đường em ở bờ xa, ở tít bờ bên kia…”

    Hành hương EM là hành hương về CÁI ĐẸP.

    Để làm đẹp cuộc đời.
    Riêng Cobewe bảo chú Sara DÁT thì đúng quá. Dát thì còn may, có nhà văn rất nổi tiếng nói dứt khoát: Tôi tồn tại được đến hôm nay là nhờ biết HÈN.
    Cám ơn Cobewe, cám ơn bạn Giang.
    SARA

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *