Chuyện 13. Trẻ dại
Tôi đã làm khổ cô láng diềng niên
khóa cuối trung học trước khi làm lang
thang. Năm năm nàng chờ, thằng Wang nói
mầy quá tệ làm nó khổ mầy ngủ
ngon ăn khỏe còn nhăn răng cười như
khỉ. Ôi em còn hay đã thành ma,*
hôm nay trời trăng nào biết? Tôi đã
chửi tệ bà nhà quê đáng tuổi mẹ
không một lời bà quay lưng đi dáng
lom khom muốn đổ. Bốn mươi năm bà
quên, tôi thì cứ nhớ. Tôi đã chơi
bóp cổ chú chó con nhà hàng xóm
cho tới chết. Tôi đã bẻ trộm cả
đống măng tre bác người Raglai bạn
nối khố của cha. Tôi đã đánh bè
hội đồng thằng chăn trâu làng bên ăn
cắp lúa bó bác Phok. Tôi đã trịnh
trọng thử học làm thiền sư rũ bỏ
sau lưng sự đã rồi đã rồi đã rồi
nhưng không thể. Không sự cố nào khiến
tôi đốn ngộ không bài học nào làm
tôi tiệm ngộ. Tôi đã không thể quên
không bao giờ. Bao giờ.
_____________
* Thơ Nguyễn Đức Sơn
*
Chuyện 14. Thằng hoang
Lớp mười bỏ trường đi hắn kêu
chương trình quá chật, thằng hoang đàng
chuyên chọc ổi trộm bài không học
cũng thuộc ấy. Mười bảy tuổi bỏ
nhà ra đi hắn bảo làng quá
chật, cái thằng to xác siêu sao
ghi không dưới chục bàn một trận
xóm dưới ấy. Bỏ đất ra đi
hắn bảo Phan Rang quá chật. Bỏ
đại học hắn cho giảng đường quá
chật. Tổ quốc quá chật, lễ lạc
ý hệ, văn chương, triết lý quá
chật không chứa đủ hắn, thằng hoang
đãng ấy đang sống chết nơi đâu
Hắn đã tặng cho hoa hậu lớp
Msa một bụng rồi bỏ đi mất
tăm dặn đợi anh em nhé, mười
năm chờ hết nổi nàng chửi gió
đợi nó cho mệt cái lồn vụt
cưới chồng Hamu Crauk. Hắn vẫn
không chịu dẫn xác về, nước mắt
bà mẹ tội nghiệp không làm mềm
hắn, bốn mươi năm thằng hoang hủy
hắn dọc ngang chân mây góc phố
nào bà con dòng họ vừa làm
tang hờ nhốt hồn vía hắn vào
cái klaung đang rất chật.
*
Chuyện người đời thường 15.
Đầu gối 1
Thuở năm hay sáu tuổi gì đó khi
tôi bắt đầu được ông ngoại dạy đọc
Pauh Catwai, có thể trước hay sau
đôi chút tôi đã mơ giấc mơ lạ
đời tôi đang trong xứ sở quen thuộc
xa lạ nào đó hầu như tất cả
mọi người không chừa ai đều thấp lùn
già trẻ lớn bé thấp lùn. Bác Phok
nông dân cậu Thak hói buôn bán dưới
phố thấp lùn anh Khan nghe nói làm
công chức to lắm dưới Phan Rang thấp
lùn, rất ít kẻ cao được mét sáu
chàng Kung khổng lồ to xác voi hôm
nay bỗng thấp lùn khác lạ, chú nhà
văn nổi tiếng, rồi ai giống cụ Khwon
vĩ đại đang làm nghiên cứu tận Sài
Gòn ông anh họ quý hóa tôi ôi
là nể trọng cũng thấp lùn tịt, cha
tôi lúc thấp lúc cao trông rất hãi
tôi kêu toáng lên thức giấc mơ vẫn
cứ thấp lùn chạy xộc vào nhà trong
soi gương chợt đêm thấy ta là thấp
lùn đúng tám tấc hay hơn vài phân
gì đó tôi mở to mắt soi đi
soi lại trăm lẻ lần mới đốn ngộ
ra rằng làng nước quỷ thần ơi cả
xóm đang sống bằng đầu gối.
*
Đầu gối 2
Tôi chạy ào ra ngoài đường la với
ông anh cụ Khwon đang ngồi bằng
đầu gối ông anh bảo thằng này
khùng có muốn tao nổi khùng không
Chạy tới đầu ngõ kêu cậu Thak cậu
đang đứng bằng đầu gối cậu nói mầy
đi chỗ khác cho tao tính toán tao
đang điên cái đầu đây. Chạy ra đồng
mách bác Phok bấy lâu nay bác theo
cày bằng đầu gối bác nồ chú ngó
roi dong này, tôi chạy sang cha sang
ngài nhà văn với chàng Kung với với
với không ai nghe tôi cả không ai
không một. Từ đó tôi bỏ làng đi
lang thang, bằng đầu gối.
*
Đầu gối 3
Bốn mươi năm sau trở
về tôi vẫn còn nghe
kinh hãi bóng cái đầu
gối như thế như thế
hiện đến đột ngột trong
giấc mơ nào đó trong
xứ sở nào đó.
*
Chuyện 18. Ma Hời
Vất vưởng ở đường biên đêm và
ngày những con ma hời giữa sống
và chết sự thật và huyền thoại
mù mờ lồ lộ trên lằn ranh
vắng mặt và có mặt. Những con
ma hời tưởng đã mất hôm qua
vẫn còn hôm nay lầm lụi giữa
quen và lạ xa lánh hay gọi
mời. Những con ma hời vật vờ
giữa âm và dương trên đường biên
thế kỉ cũ và mới. Những con
ma hời đã mất thân xác nhưng
chưa hóa linh hồn Cham Hrauy chối
từ Cham Jat không nhận dắt nhau
đi và về dọc đường ranh duyên
hải và đồi núi miền trung vào
giấc đêm chưa qua ngày chưa tới.
Những con ma hời hết làm người
nhưng chưa thành ma lấp lửng khu
lều trại trước cửa thiên đường và
địa ngục không đói rét cũng chẳng
no đủ. Những con ma hời căn
cước tên người họ ma quá khứ
đã xóa sổ tương lai chưa ghi
tên tạm trú dài hạn đường biên
hai thế giới. Những con ma hời
Năm thế kỉ qua.
*
III.
Tặng phẩm của dòng sông
TẶNG PHẨM CỦA DÒNG SÔNG
Cho và đi. Cho và đi mất về biển xa.
Từ đỉnh đồi cao dòng sông chắt về miền đất quê phù sa để qua từng luống cày khơi dậy mùa hi vọng trên vầng trán anh nông dân mộc mạc.
Rồi băng suốt bước bạo động lịch sử dòng sông vẫn dõi theo từng thế hệ gái trai sinh ra lớn lên chết đi cùng tiếng đập tim của dòng sông.
Là tiếng đập tim của quê hương chuyển dịch dòng máu đứa con đi hoang trở về soi bóng dòng sông và tìm nơi dòng sông chốn trú ẩn chơi vơi của cuộc tình người phiêu lãng.
Và như đứa con phung phá dòng sông lãng phí mình cho cây lá quê hương
Dù là rặng tre hẹn dâng thân già cho người quê nhà tranh vách đất.
Hay dù là bãi cỏ hoang nuôi béo đàn trâu sau vất vả buổi cày. Hay dù là lùm gai li ti làm sướt tay lũ trẻ con trốn nhà nghịch ngợm, dòng sông vẫn ban phát nguồn nước giàu sang mình mang chứa làm nhịp bao nhựa sống cho đời cây dàn trải.
Cho và đi. Cho và đi mất về biển xa.
Dòng sông vẫn ở lại.
Như bà mẹ vắt cạn bầu sữa dòng sông trầm mình nuôi lớn hai bờ cây. Cho mùa khô gió reo vào đường lá còn nghe vọng tiếng nói dòng sông.
Hay khi ánh trăng soi cành xanh còn thấy động hình ảnh dòng sông gợn chảy. Hay khi trưa cháy nắng ngã mình dưới tàn cây anh nông dân còn được nhìn bóng dáng dòng sông.
Dòng sông đi.
Dòng sông vẫn gửi lời cám ơn ở lại.
Lời cám ơn tiềm ẩn được gửi về sinh thể nhận nơi dòng sông dưỡng chất trần gian. Từ chú dế mèn đêm khuya ru giấc mộng trẻ thơ đến lũ nhái suốt mùa ca lời ca vô nghĩa. Hay từ cánh cò xa làm của điểm trang bầu trời miền hoang dã đến đứa con quê hương mang vết tích dòng sông đi về vô định phương trời.
Dòng sông mãi vọng lời cảm tạ.
Lời cảm tạ gửi về tôi gửi về em như gửi về ngàn thế hệ đã qua và vạn thế hệ sắp tới mở vòng tay đón nhận từ dòng sông lời cảm tạ. Để giữa hố hang lịch sử mãi làm vang lên lời cảm tạ của dòng sông và phung phí như dòng sông với con người và với cuộc đời rồi lên đường đi mất.
Như dòng sông cho và đi.