Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại 19. Phạm Tường Vân

CÁC KHUÔN MẶT MỚI
nghiên cứu – phê bình – tuyển thơ
là tập 4 trong bộ tứ THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI
gồm 12 nhà thơ, mỗi nhà được dành một bài giới thiệu và tuyển 7-10 bài thơ.
Sẽ tuần tự có mặt trên inrasara.com, sau cùng là bài tổng luận:
“Thơ Việt sau hậu hiện đại & Phê bình mở”.
CÁC KHUÔN MẶT MỚI sẽ được tiếp tục phần 2.
(Chú ý: mỗi khuôn mặt được tiếp cận và thể hiện mỗi cách khác nhau)

PHẠM TƯỜNG VÂN
Chào đời trong tiếng bom B52.
1980: Làm thơ giải khuây khi xếp hàng mua muối thời tem phiếu.
1990: Đăng chùm thơ đầu tiên trên báo Văn nghệ. Cùng Nguyễn Vĩnh Tiến, Lã Thanh Tùng, Lưu Sơn Minh… sáng lập nhóm thơ Hoa Lạ, tự in vi tính, dạng tờ gấp, xuất bản mỗi tháng một kỳ.
1992 – 1993: Giải nhất thơ sinh viên TP Hà Nội, Giải nhất thơ Thanh Xuân, Giải Tác phẩm Tuổi xanh Báo Tiền Phong… Sau khi xong cử nhân Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (Đại học Quốc gia) có thời gian theo học khóa V Trường Viết văn Nguyễn Du.
1999: có thơ in trong tuyển Bacchanales 17/ Poésie du Vietnam (1937-1999).
Ngừng viết trong 10 năm.
2003-2008: Chủ bút Saigon CityLife Magazine.
2009: Tập viết trở lại
Xuất bản: Internet
Trang cá nhân: phamtuongvan.blogspot.com

*
PHẠM TƯỜNG VÂN TỪ NHỮNG CUỘC BỎ ĐI
Bỏ đi 1.
Lê Đạt: “Phạm Tường Vân là một thí dụ về sự lãng phí “.
Email Vân gởi Inrasara, 9-8-2009 4:21 PM.

2 Comments:
Long said…
1/8/09 11:12 AM
Càng ngày, em càng thấy làm báo (mảng văn hóa của em thôi) là điều vớ vẩn nhất! Chính ra, làm mảng xã hội, thâm nhập thực tế, nói những nỗi đau nho nhỏ của người dân, có khi thế hay hơn.

phamtuongvan said…
3/8/09 7:46 AM
15 năm trước, chị quyết định từ bỏ văn chương để làm 1 nhà báo tử tế. Rồi nhiều năm trôi qua, giờ chị thấy làm một công dân tử tế cũng rất khó.

Đầu thập niên 90 của thế kỉ trước, 18 tuổi, trong không khí văn chương xã hội miền Bắc vừa bước sang thời đổi mới mà đã cùng vài bạn thơ “sáng lập nhóm thơ Hoa Lạ, tự in vi tính, dạng tờ gấp, xuất bản mỗi tháng một kỳ”, là một đột phá. Không lâu sau đó, bị tù túng bức bách, Phạm Tường Vân từ bỏ nó.
Theo học một thời gian khóa V Trường viết văn Nguyễn Du, rồi thì từ bỏ.
Đang làm thơ ngon lành với vài giải thưởng dù nhí vẫn rất đáng khích lệ buổi đầu, nhưng rồi lại từ bỏ. Từ bỏ cả con đường sáng tạo văn chương để chuyển sang làm báo.
Vừa “định danh” với làng báo Hà Thành bằng mấy bài phỏng vấn “động trời”, bỏ viết văn hóa, trở thành cây phóng sự dấn thân của người nghèo vùng sâu vùng xa, chẳng bao lâu thì bỏ vào Sài Gòn và… im tiếng. 25 tuổi, trở thành “đầu bếp” trẻ nhất của tờ báo “lá cải kiểu tây” đầu tiên, best-seller với lượng phát hành kỷ lục, rồi đột ngột bỏ. Làm chủ bút một tờ tạp chí văn hóa song ngữ cho giới elite, tạo bản sắc riêng, rồi cũng bỏ.
Những bước ngoặt của cuộc sống được đánh dấu bằng từ bỏ, cắt rời chứ không là chinh phục một chiến tích. Đó là Phạm Tường Vân.
“Bầy cò bỏ đi”. Không, Vân là con cò cô độc bỏ đi.

Bỏ đi 2.

BẦY CÒ BỎ ĐI…
(bạn đọc có thể tìm đọc các bài thơ này trên blog của tác giả)
Đó là loại thơ đang được xem là rất phá cách ở miền Bắc. Vẫn còn vùng vẫy trong không khí thơ đầy quy ước. Có vài hình ảnh, đôi ví von đặc sắc, nhưng nó vẫn cùng hệ với Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quyến. Hay tiếng thơ được nói qua ẩn dụ, ngắn và sắc:

ÂM BẢN…

Khởi đầu suôn sẻ như thế, Vân vẫn chưa an tâm dấn bước. Nhưng, “khác với miền Nam, thế hệ trẻ miền Bắc luôn vướng phải “mặc cảm Academic” phải đi qua một cái “vũ môn” – sự công nhận của các trưởng môn, mới tự tin đi con đường riêng. Như thể cô gái lớn lên, cứ phải lấy chồng, sinh con, có bằng “tiết hạnh khả phong”, sau đó muốn làm gì thì làm” (lời Phạm Tường Vân). Thế mới ra “Cốm” lục bát thuần Việt tinh xảo, như một sự “trả lễ” truyền thống nhưng cũng “tố giác” ngay sự bất cập và khiên cưỡng đến ngớ ngẩn của truyền thống:

CỐM…

Văn chương chỉ có thế thôi sao? Đâu là con đường sáng tạo đích thực?

Năm 1995, Phạm Tường Vân trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê – RFI: “Kiến thức và di sản của các thế hệ trước chỉ cho tôi bài học là không nên viết như thế nào.”
22-9-2004, Phạm Tường Vân trả lời phỏng vấn của Evan: “Tôi tin rằng thế giới luôn tuyệt vời hơn những gì 5 giác quan mách bảo. Tôi đang đi thật chậm, để có thể lắng nghe những âm thanh siêu nhỏ, định dạng những thứ chưa thành hình, thám hiểm những không gian sâu thẳm, một thế giới mà ở vùng dư sáng hoặc vì bận tâm lao về phía trước, tôi đã không thấy”.

hương gọi hoa
những móng chân côn trùng bấu vào đất ẩm
một giọt sương thầm một giọt mưa…

chiếc sắc – xô cong hồi hộp
cầm tù bởi một sợi tơ…
(“Thanh âm”)

Vân lờ mờ cảm nhận và tin, nhưng đã không thấy. Không thể đi theo con đường của Lê Đạt, bậc thầy và là bạn vong niên, Vân quyết đi theo hướng mới. Nhưng đi về đâu? Không biết! Sự không biết kia kéo dài suốt 10 năm…

Biết thiền ru mình Không Biết
Mơ đầu ngày tối nối sang đêm…
(biết không biết – new version)

Bỏ đi 3.
Ở đó, “Spam” là một thử nghiệm khởi động, giũ bỏ “mặc cảm có học”, giũ bỏ lối hành thơ kỹ nghệ tìm kiếm sự “ngả mũ” của các bạn văn.

SPAM…
Từ đó, Vân bất kể và bất cần kì khu chữ hay lời, từ bỏ ẩn dụ, từ bỏ tuyệt cú và cấu tứ hoàn chỉnh vốn được xem là thế mạnh. Ngôn ngữ đời thường cứ ào ào tuôn chảy vô ngại trong thơ. Thứ ngôn từ ít tìm thấy ở các bạn thơ các tỉnh phía Bắc. Đất Hà thành văn vật thì càng.

HƯ CẤU THÁNG HAI…

2 comments:
Anonymous said…
13/2/09 6:35 PM
Nhung luc co the duoc,
Anh se tiep tuc theo duoi cac co chan dai, chan ngan
Nhung luc co quanh khong chiu noi
Anh se tra $50 hay $100 do gi do
De co the om mot co gai xa la
thiet tha nhu om nguoi tinh sap mat

De a khong bi ton thuong nhu da nhieu lan thuong ton
De anh van cam nhan noi dau cua thien ha, nguoi dung
De anh biet la minh van con song.
De em khong phai quan tam va kho tam

Pham tuong van said…
13/2/09 9:54 PM
Ngụy biện quá đi thôi. Dù sao cũng xin cảm ơn.

Những lúc vô thừa nhận
Em sẽ tiếp các fan già trẻ
Nhận massage gift voucher $50 hay $100

Để được chăm sóc bởi một bàn tay xa lạ
Thiết tha yêu lấy chính mình

Để em không bị tổn thương như đã nhiều lần thương tổn
Mặc anh ngụy biện “nỗi đau thế thái nhân tình”
Anh trở thành người dưng vô hình vô ảnh
Em không còn bận tâm khổ tâm…

Dấu ấn 1.
Dương Tường (1997): “Phạm Tường Vân, tuy không đều đặn nhưng ánh lên một cái gì đó mới” (trả lời phỏng vấn Đỗ Kh về thơ Việt “Từ Hồng Hà đến Cửu Long…)
Email Vân gởi Inrasara, 9-8-2009 4:21 PM.

Lập blog cho thơ. Đến đây, Phạm Tường Vân hết còn xem thơ như là văn bản chết/ một tử thi cần “giải phẫu”. Thơ từ bỏ sự bí ẩn cô độc để tìm kiếm sự say mê, tìm sự tương tác giữa lòng đời. “Non 5.000 độc giả, khoảng 15.000 lượt truy cập trong vòng 5 tháng cho thơ riêng mình, sự “thể nghiệm” này có kết quả ngoài mong đợi” (PTV). Mênh mông không gian cho sự tương tác. Bạn thơ và bạn đọc, quen thân hay xa lạ, trong và ngoài nước, thích hoặc không thích thơ Vân. Người đọc hôm nay hết chịu thụ động thụ hưởng tác phẩm nghệ thuật, mà là một thức thể sống đồng sáng tạo.

X QUANG HAY HÌNH DUNG CỦA NHÀ THIẾT KẾ THỜI TRANG…

2 comments:
Dương Bình Yên said…
7/4/09 1:51 AM
Đường thơ thật lạ lùng!

PTV said…
8/4/09 7:21 PM
Đàn ông thì ít ai ưa bài này.

Inrasara bình…
Vân không là đàn ông, sao biết đàn ông không thích bài này?
Câu hỏi đáng nêu ra là, bài thơ có độc đáo hay không, chứ không phải nó nói cái gì đó để đàn ông hay đàn bà thích hay không thích.

ĐÊM BIẾC…

4 comments:
Anonymous said…
19/5/09 4:31 PM
Thơ tình không thay được người tình, càng không thay được làm tình nhé!

PTV said…
19/5/09 4:51 AM
Vấn đề là với ma hay với người? Nếu là ma thì thơ an toàn hơn!

Khánh Phương said…
25/5/09 12:12 AM
TẶNG VẬT (viết cho PTV, (…) của chị và…)

Một ngày yêu em
Anh tặng em sáu năm sống

mười ngày được yêu
tặng gần hết cuộc đời anh
đãi bôi khóc cười công danh đạo mạo giao phối sinh nở đau bệnh
anh sao dám?

Không có em
Anh âm thầm đào huyệt

Pham tuong van said…
Không có em
Ai đào huyệt cùng anh?

Dấu ấn 2.
Không chỉ tương tác qua vài comments nhận định vu vơ, vội vã hay chín chắn, cẩn thận mà, thơ blog còn đẻ ra thơ, một bài thơ gợi hứng sản sinh ra nhiều bài thơ khác. Lắm khi chúng còn đặc sắc hơn bài thơ gốc. Thơ blog mang khả tính phục sinh truyền thống xướng họa theo chiều hướng mở.

VẪN ĐANG CÒN SỐNG…

Dấu ấn 3.
Cuối cùng, Phạm Tường Vân đã dám từ bỏ, ném bỏ tất cả để nhập cuộc. Nhập cuộc thực sự vào dòng chảy của cuộc sống đương đại, với những thời sự nóng hổi nhất của nó.

MÌNH KHÔNG ĐỊNH GIỐNG NHAU ĐẾN THẾ…

01 Comment:
Đọc và suy ngẫm, vỡ lẽ nhiều vấn đề gói gọn tâm ý tác giả qua những vần thơ, từ những chuyện xa xưa đến những vấn đề nóng hổi mang tính thời sự. Không xuống đường biểu tình, không hô hào kích động bằng những mỹ từ trên các trang diễn đàn mạng, chỉ dùng ngòi bút để nói lên chính kiến cùa mình. Đọc thơ Phạm Tường Vân ta chợt nhớ đến hình ảnh ông đồ mù nhưng lòng rực sáng lòng yêu nước Nguyễn Đình Chiểu khi xưa nổi tiếng qua 2 câu thơ sau:
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”
11 Comments khác…

SAO CHÚNG TA NGỒI ĐÂY, DƯỚI BÓNG CÂY NÀY…

03 Comments:
Ginger said: Em lac de roi!!!
Pham tuong van said… K lac dau, vi nguoi ta dat 1 bai tieu luan: tai sao cac van nghe si im lang trc cac vde cua dat nuoc. Negative?
Ginger said: Tra bau troi cho nhung hang sau thi dau co too negative…

Và chỉ khi nhập cuộc thực sự, Phạm Tường Vân mới khẳng định mình, thơ Vân mới tìm ra tiếng nói đầy tự tại của mình. Chính là mình. Từ đó, sức tương tác lan càng rộng hơn, đa diện và đa chiều hơn.
Vân hỏi: “Anh thấy thơ em hay ho ở chỗ nào? Hai bài em thích hơn cả là “X quang…” và “Đêm biếc”. Tôi nói: “Không phải ở chỗ hay hay không hay mà là sự chuyển động của thơ Vân. Trong lẫn ngoài. Tâm lẫn cảnh. Vân bỏ đi và Vân dấn thêm một bước khác. Sự ghi dấu ấn ấy khởi đầu từ chính bỏ đi”. “Từ bỏ là phép “xả trượt khí” để tri nhận một nguồn năng lượng mới”.

Sài Gòn, 9-8-2009.

Coda:
Theo tôi, thơ và thái độ thơ cũ cần chết đi, chết đi cùng những nhảm nhí của thơ và nỗi đông đúc chen chận không lọt của nhà thơ. Thơ cần chết sớm đi để người đọc khỏi lo lắng về thân phận èo uột của nó, cần chết nhanh hơn để nhân dân khỏi tốn tiền của nuôi nó, nó cần chết ngay tức thì để hàng năm cả chục tấn giấy được dùng vào việc khác thiết thực hơn. Thơ cần chết đi để thế hệ thơ mới và loại thơ mới khai sinh.”
(Inrasara, “Đối thoại hậu hiện đại”, Tienve.org, 2009)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *